Đào Bá Đoàn – Người đi bỏ mặc nhân gian (phần 1)

348

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đã viết nhiều về anh, nhưng phần lớn ẩn trong các sáng tác của mình. Những mảnh vụn nhỏ li ti nhưng luôn lấp lánh, ám ảnh và dằn vặt trong các truyện ngắn, tiểu thuyết, thậm chí chỉ là những phác họa về chân dung ai đó, vấn đề gì đó, thậm chí cả những liệt sĩ mới hy sinh hoặc đã khuất núi từ tám hoánh tưởng chẳng liên quan đến anh thì vẫn luôn thập thò cái con người tưởng như đã bỏ mặc nhân gian này.

Biết nhau khá lâu, thoạt tiên là cùng học bốn năm của Khóa VI Trường Viết văn Nguyễn Du nhưng thời gian đầu thú thực tôi không hào hứng với anh và văn chương của anh. Văn thì rõ là do tôi không đọc. Khi ấy tôi lười nhác thậm chí có phần tinh tướng và phách lối với các sáng tác trang lứa, một ấu trĩ hạng bét may mà đã nhận ra và sửa chữa ngay. Thực ra kể cả những dở hơi của bè bạn trong sáng tác cũng rất cần học tập.

Sau này thì khác, do vị trí địa lý (cùng quê) và nhất là tâm tính cộng với những gì mà người đời gọi là có duyên với nhau, nhưng theo tôi, một nguyên nhân sâu xa và căn bản, đó là tôi đã nhận ra chân tài thực học của anh, không riêng ở những sáng tác (khá dày dặn nhưng luôn khó in ấn), mà cả ở những ứng xử đời sống, những hành vi sâu sắc (nhưng người đời lại cho là dị thường dị mọ) mà tôi đã phải sững sờ trước một cá tính, trước một con người hết lòng vì văn chương.

Tranh luận về văn chương học thuật một cách thẳng thắn và đến cùng với anh may ra chỉ có độ chục người, trong đó không chắc đã có tôi mặc dù không ít lúc tôi đã lợi dụng việc tranh luận văn chương để truy bức anh một cách quá cực đoan về những việc rất nhảm khác khiến đôi bên giận dỗi nhau không cần thiết. Nhưng tôi còn truy bức anh trong đời sống, những trịch thượng, những áp đặt vô lý và có lúc là tai ngược cũng chẳng biết tại sao lại thế. Thời gian đã khiến chúng tôi dần dần trở nên điềm đạm (hay mỏi mệt hoặc khôn ngoan hơn cũng không biết nữa), nhưng rõ ràng là, theo thời gian, văn chương của chúng tôi đã chín chắn và dường như có gặt hái hơn.

Anh đã in một tiểu thuyết khá ấn tượng có tên Mảnh vỡ nhưng người đời hầu như không biết đến. Lý do ư? Khi không phải là chúng ta toàn được nhồi nhét để ưa thích những thứ trung tính, trung bình, chung chung, nói một chiều theo một hướng thì những gì khác nhưng kín, lạ nhưng ẩn sâu, mới nhưng không dễ nhận biết, là những thứ mà bạn đọc tinh tường chứ đừng nói đến bạn đọc phổ thông cũng rất dễ bỏ qua thì điều đó là dễ hiểu.

Tôi đã từng biên tập và in ấn một tập truyện ngắn của anh cái dạo anh tham gia cùng tôi gây dựng nhà sách Như Quỳnh. Nhà sách tí nữa thì đi vào ngõ cụt, và hoàn toàn có thể phá sản, một mặt do yếu kém của việc lựa chọn những người làm công tác quản lý, một mặt do những hồn nhiên bồng bột của những người chủ trì chỉ ưa thích văn chương. Chúng tôi đã làm những bộ sách phải nói là rất đáng tự hào nhưng vẫn bị lỗ vốn như: Bộ tiểu thuyết bốn tập có kèm theo biếu không một phụ bản in những bài dư luận về nó mang tên Bão táp triều Trần; tiểu thuyết gần 900 trang khổ lớn bìa cứng mang một cái tên rất gợi Di chúc hoa Ti Gôn…, các tập sách về liệt sĩ, chân dung văn học, và đặc biệt hứng khởi khi làm trên một trăm đầu sách cho bè bạn, thậm chí chả thân quen gì khi họ nhờ vả để đến khi thấy rằng mình đã đứng trước bờ vực với áp lực trên một tỷ đồng tiền sách không bán được nằm trong kho mới ngơ ngác nhìn nhau.

Nhưng do thói quen của những người coi văn chương và bè bạn trên hết cho nên chúng tôi chỉ còn một thái độ duy nhất là mặc kệ.

Đó là thái độ của anh.

Nhưng tôi, sau những suy nghĩ tiêu cực ấy, tôi nhận ngay ra một điều rằng muốn sống muốn tốt thì phải cứu lấy ngay cái nhà sách mà mình đầu têu gây dựng và xui khiến một số đàn anh, bạn hữu thậm chí cả những bậc thầy vào chốn lao lung. Bằng những mối quan hệ của mình, bằng mẫn cảm tinh tường và lòng tự trọng cao độ khi bẻ ghi, chuyển lái, cộng với may mắn và dường như có một đấng cao xanh nào đó luôn phù trợ tôi trong bước đường gian nan của mình, nhà sách dần dần lùi xa được cái bờ vực do chính những chủ nhân có thừa lòng nhiệt tình nhưng không hề am tường kinh tế bày ra. Câu nói của anh khi ấy là: Mình đã bày ra rồi, nếu dọn được thì dọn không thì cứ để mặc kệ muốn ra sao thì ra. Rốt cuộc, đám cháy do tôi gây nên cũng đã được chính tôi cơ bản dập tắt.

Chuyện ấy thực ra cũng chẳng có gì đáng nói nhưng cái ràng buộc ở đây là nhân cách và thái độ của người cầm bút qua những biến động bất lợi nó như thế nào? Khi giao cho anh biên tập tiểu thuyết Di chúc hoa Ti Gôn dày ngót 900 trang khổ lớn, lại là của một tác giả mới, dù chữ nghĩa và sự từng trải của ông phải là nói lịch duyệt trong khi ấy anh đang phải thuê nhà, một phòng trọ tồi tàn ọp ẹp, một mức lương thảm hại của một nhà xuất bản bao cấp, bản thân đã gần bốn mươi tuổi nhưng không vợ không con cộng với những sức ép vô hình hoặc hữu hình khác thì việc dốc sức cho tập bản thảo này là vô cùng khó khăn.

Nhà văn Phùng Văn Khai và nhà văn Đào Bá Đoàn (mặc quân phục)

Nhưng anh đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình mà chúng tôi hầu như không trả được đồng biên tập nào, chỉ là những bữa rượu uống như giết chính mình để cũng lại là bàn về văn chương nghệ thuật. Trong những lúc hăng nghề như thế, tôi mới nảy nòi ra cái ý định in toàn bộ các tác phẩm của anh. Tôi tuyên bố như một tên cuồng tín rằng: Tất cả các tác phẩm của ông, tôi sẽ in sạch. Anh mỉm cười, cái đầu bù xù từ từ rũ xuống. Không phải anh không tin lời bè bạn, nhất lại là những tuyên bố của tôi, nhưng anh cũng hiểu văn chương không bao gồm sự ồ ạt như thế. Tôi bèn đổi sang việc tạm thời hãy gom in một tập truyện ngắn cái đã. Tập truyện sẽ do chính anh tùy ý lựa chọn, muốn bao nhiêu truyện thì tùy, không ấn định số trang, không ấn định quan điểm hay bất cứ điều kiện gì khác. Nghĩa là anh tự do thoải mái, điều mà anh rất thích, điều mà các nhà xuất bản rất ngại.

Sau những xục xịch của việc xuất bản một tập sách thì tập truyện ngắn Rượu của thời chưa sinh cũng ra mắt độc giả. Chúng tôi cũng có một số thương lượng nhỏ với nhà xuất bản để đảm bảo tính pháp lý cho tập sách. Đến cái bìa tôi cũng mặc để anh tự do vì họa sĩ làm bìa cho chúng tôi cũng là một người bạn. Anh vốn ưa thích màu đen nên cuốn sách đương nhiên đen đặc từ bìa 1 đến bìa 4. Anh vốn ưa thích rượu (chẳng thế mà tên sách đã dính đến rượu đấy thôi) thì chình ình một chai rượu đã được gã họa sĩ dựng nghiêng vào góc bìa chập chờn ẩn hiện như đôi mắt lúc nào cũng hân hoan của anh khi nhìn thấy đấng Lưu Linh. Điều này cũng phải nói thật ra chứ, anh ưa thích đàn bà, càng loại ác chiến càng tốt nên cũng trong cái vùng đen đặc chỉ he hé chút ánh sáng ma quái thì đó lại là phần ngực của một ả đàn bà thoáng nhìn đã biết là tứ chiếng. Nhưng cái bìa thì có nói lên điều gì. Cái quan trọng là bên trong nó, gần 300 trang sách ấy nó là cái gì mới đáng kể. Với hai mươi truyện ngắn mà chỉ nghe tên đã thấy có điều gì đó không bình thường: Nàng ơi; Im lặng; Hiện tại; Con gián; Hãy bò đi…; Kiếm tiền; Người đi bỏ mặc nhân gian; Choáng…; Mộng du; Đoàn tàu xanh; Rượu của thời chưa sinh; Tôi; Một buổi sáng không có tiếng gà; Kẻ mất bóng; Chỉ để bay qua một bình minh; Gục đóa trà my; Một giờ trong công sở; Không nở hoa hồng; Một cơn ám thị; Bà quản lý  ông học đường đã cho thấy một thế giới quan lạ lẫm của anh, một nẻo vào văn học khác người, một ý thức văn chương nghiêm chỉnh nhưng tại làm sao mà người đời không đằm thắm lại là một câu chuyện khác. Những truyện ngắn này, từ trước đó anh đã cho in rải rác trên trang web Văn chương Việt do nhà văn Nguyễn Hòa chủ trương, một người nổi tiếng kỹ tính và cả khó tính với văn chương tuyển chọn. Người ta đọc thế nào, hồi âm thế nào tôi không biết, nhưng chỉ bằng vào những cảm nhận và đánh giá bằng ngay trên trang web đó của tác giả Phạm Lưu Vũ, một con người cực kỳ thông minh sắc sảo và có phần quỷ quái thần sầu khi thẩm định văn chương chỉ biết đến chữ tâm chữ tài còn thì mặc kệ những phán xét của cây đa cây đề khác. Gần như truyện ngắn nào của anh xuất hiện nơi đây Phạm Lưu Vũ đều viết lời bình phẩm. Ở các truyện ngắn của anh, văn chương luôn được đặt lên hàng đầu, tiếp đó mới đến phần của nội dung và hình thức thể hiện. Văn anh là thứ văn của không gian ba chiều với những hình ảnh tương hỗ  với nhau một cách liên hoàn đã làm thỏa mãn những người đọc khó tính nhất. Nó thể hiện nội lực sâu đậm của ngòi bút từng trải nhưng không phô diễn, hiểu rộng biết nhiều nhưng không khoe khoang. Nó luôn gây thích thú và xa xót cho người đọc.

Cách tổ chức câu văn của Đào Bá Đoàn nhiều lúc khá ngẫu hứng dường như bất chấp cả ngữ pháp nhưng đặt trong văn cảnh của câu chuyện được mô tả lại thấy ổn thỏa và thấy thêm sự sáng tạo trong ngôn ngữ luôn là vô biên và sẽ dẫn đến thành công cho nhà văn khi anh đi đến cùng của sự sáng tạo:

… Có phải em mơ không khi trong vòng tay em là anh với một mùi đàn ông rạo rực em bàng hoàng trong giây lát rồi siết chặt lấy anh không muốn rời nữa cảm giác nhói đau ở nơi đó lại ập đến mỗi lúc một rộ hơn và vòng tay anh quàng xuống dưới em cũng riết chặt đôi môi anh áp vào đôi môi em rồi quấn riết như tìm như đòi như cơn khát uống trong cơn mê cuồng rồ dại em mê đi lả đi đầu óc trống hoác với cảm hứng và cơn khát dâng cao em chới với hoang hoải sục tìm một mê muội vội vàng tham lam bứt rứt có tiếng thở sôi động dần một hoang vu chạy trốn em thích chí cất một tiếng kêu than loài kiếp cảm giác như bị đánh lại được vuốt ve êm dịu vô ảnh vô ảnh những xứ sở không tên em tin rằng có chuyện thần tiên em tin mình vừa mới hồi sinh trẻ trung và mãnh liệt như cuộc chạy ma-ra-tông vừa mới cán đích chồm tới vinh quang một phát hiện điên cuồng khoái ngất như cái chết nào đó của ảo mộng của miền giả tưởng hoặc vọng tưởng của đam mê bột phát em quay cuồng và gào thét ngất lịm em tan ra trong anh niềm mê sảng chôn vùi thời gian và phá vỡ cái khung không gian phi lý em phát hiện những điều mới mẻ mà em lầm tưởng mình đã từng đầy đủ đến mức chán phè em lên cơn điên huyền ảo rồi lũ nước lũ ào tung một tuôn chảy vô cùng…

Anh tan đi mê đi cuồng lên anh gọi anh tàn phá hay đúng hơn là giống sự tàn phá anh hả hê trong cuộc chinh phục khủng khiếp anh túm mặt trời lắc lư cười khoái trá anh ôm một đại dương mênh mông một thảo nguyên xanh non tơ anh quạt gió mát thì thào rặng phi lao trên con ngựa anh phi nước đại tiếng kêu vang một khúc biến tấu phượng hoàng anh thỏa thuê trong cơn cuồng bạo chinh phục và tự hào với đôi cánh tay tiều phu một sức nâng khủng khiếp và đồi núi thung sâu mịt mùng, anh trèo lên ngã xuống trầy xước mê loạn anh cứ khát cứ khát một độ cao vời vợi và đã mất tầm nhìn anh gọi mưa mưa rơi những hạt nhẹ bám vào vách đá như những giọt mồ hôi do trời đất tạo ra những giọt mồ hôi bốc khói và thấm xuống địa thẳm hòa quyện vào nhau một hương thơm kỳ lạ ẩn giấu và phô bày một màu sắc rực rỡ mà không thể nào nhìn thấy nỗi hoang mang kinh khủng và nhịp điệu chẳng thể nào dừng nổi anh chạy mà như thoát lên cái vùng cao viễn tận cùng tiếng trống trận thùng thùng đồ binh khí cổ xưa loảng xoảng tiếng gầm gừ của mãnh thú sự hô hét cuồng nhiệt và tiếng của kẻ tử thương anh mê man bất tỉnh trong một khoảng thun giãn và như bị quất roi cho bật lên bật lên trong tiếng ngựa phi bụi tung mù trời anh cười như điên làm rạn vỡ tầng cao và ngất ngư trong màu chói rực có tiếng cây đổ mặt đất rung lên tiếng của đoàn binh chuyển điểm hơi thở như khói sương những bậc cầu thang chót vót cột nước vòi rồng khủng khiếp từ đại dương lên tận trời cao mây trôi đi tiếng sét tóe lửa và một ngọn núi phun trào sinh sôi một rừng nguyên sinh tiếng hòa điệu rì rào của biển êm dịu những cành liễu đu đưa trong heo may của hòa âm tháng tám trong cảm giác giải thoát khỏi hiện thực giống như một khoảng rỗng và cảm giác trôi nổi bồng bềnh…   

                  (Rượu của thời chưa sinh)