Đạo đức làm người trong truyện ‘Lục Vân Tiên’

7190

Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Đình Chiểu là tác gia lớn của nền văn học Việt Nam. Ông có một gia tài tác phẩm văn học đồ sộ. Cụ Đồ Chiểu sáng tác ở cả hai thể loại thơ và văn. Truyện Lục Vân Tiên là một truyện thơ lục bát tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm đã đem đến cho người đọc về đạo đức làm người trong cuộc đời thường được thể hiện bằng một giọng thơ trữ tình, đậm đà màu sắc dân tộc.

Một trong những giá trị nội dung trong tác phẩm Lục vân Tiên chính là đạo đức nhân nghĩa được đặt lên hàng đầu. Khái niệm nhân nghĩa của Nguyễn Ðình Chiểu bắt nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa của nho giáo và trong thâm tâm ông từng khẳng định và ca ngợi đạo nho.

Viết tác phẩm Lục Vân Tiên, tác giả có nêu lên  những tấm gương về luân lý, đạo đức kiểu Nhị thập tứ hiếu nhằm mục đích giáo huấn, cải tạo xã hội:

“Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”

Quan niệm này xuất hiện rải rác trong toàn bộ tác phẩm thông qua hành động và tính cách các nhân vật như: Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu Ðồng… dễ làm ta nghĩ đến những quan niệm phong kiến nam nữ thụ thụ bất thân, về lòng trung thành, về chữ trung, chữ tiết phong kiến.

Nhưng trong khi thực hiện đạo đức nhân nghĩa, Nguyễn Ðình Chiểu đã nhào nặn lại tư tưởng của đạo nho, đã tiếp thu một cách sáng tạo phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong tác phẩm có đặt ra vấn đề trung, hiếu, tiết, nghĩa nhưng không còn theo lý thuyết nho giáo gò bó, cứng nhắc, cực đoan theo kiểu phong kiến mà được khúc xạ đến mức khó nhận ra.

Các nhân vật trong truyện không thấy mình bị gò bó bởi một nguyên lý đạo đức nào. Vân Tiên nghe theo lệnh vua đi chống giặc Ô Qua là để cứu dân. Ðó là hành động trung quân ái quốc. Tư tưởng trung quân của Nguyễn Ðình Chiểu là trung quân có điều kiện, trung với lẽ phải, trung với nước. Nhưng đối với những ông vua xấu, vua ác thì ông phê phán:

“Quán rằng: ghét việc tầm phào

Ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm.

Ðể dân đến nỗi sa hầm sẩy hang

Ghét đời U, Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần

Ghét đời Ngũ bá phân vân,

Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn.

Ghét đời Thúc quý phân băng,

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng hại dân”

Bên cạnh đó, hành động tự trầm của Kiều Nguyệt Nga cũng là thái độ phản kháng đối với chữ trung:

“Nghĩa tình nặng cả hai bên.

Lấy mình báo chúa, lấy lòng sự phu”

Nguyễn Ðình Chiểu là một nhà nho sống dưới thời nhà Nguyễn, là thời kỳ nho giáo được đề cao. Nhưng có được một quan niệm đạo đức như thế rõ ràng là tiến bộ.

Ðứng trên lập trường nhân dân, ông ca ngợi những người hành động vì nhân nghĩa và họ xem đó là một nhu cầu mà không hề nghĩ đến lợi danh, không cần báo đáp.

Ðó là những người rất hào hiệp, nghĩa khí: giữa đường thấy chuyện bất bình, Vân Tiên tả xung hữu đột đánh cướp cứu Nguyệt Nga hay Hớn Minh bẻ giò con quan tri huyện để cứu người bị ức hiếp thế cô.

Họ còn là những người tốt, giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người khác không nghĩ đến thân, quên mình vì nghĩa. Ông Ngư hết lòng chăm sóc cho Vân Tiên trong lúc hoạn nạn:

“Hối con vầy lửa một giờ

Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.

Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn

Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu nhân nghĩa chi sờn lòng đây”

Tất cả việc làm vì nghĩa của các nhân vật chính diện trong tác phẩm Lục Vân Tiên đều thể hiện được một quan điểm nhất quán của Ðồ Chiểu về cuộc sống, cũng như về đạo đức.

Ðể khẳng định tư tưởng nhân nghĩa, ông ca ngợi cái chính nghĩa. Mặt khác, ông phê phán cái phi nghĩa. Các nhân vật trong tác phẩm được sắp xếp thành hai tuyến nhân vật rất rõ. Một bên là những con người chính nghĩa và bên kia là những kẻ bất nhân bất nghĩa như: gia đình họ Võ ăn ở hai lòng; Trịnh Hâm tính tình đố kỵ nhỏ nhen; Bùi Kiệm dâm ô, dốt nát và hàng loạt những tên lang băm, phù phép, bối toán nhiễu đời, hại dân cùng với những tên sâu dân mọt nước như tên Vua Sở, tên Thái Sư trong truyện. Tất cả những nhân vật phản diện này đều tiêu biểu cho cái xấu, cái ác nên cuối cùng đều bị trừng trị thích đáng.

Tác phẩm Lục Vân Tiên có đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh nhưng không phải hoàn toàn thuộc quan niệm phong kiến. Cách xử lý của tác giả rất gần với quan niệm của nhân dân: thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Ðó cũng chính là đạo lý, là ước mơ của nhân dân.

Từ đạo đức nhân nghĩa, truyện Lục Vân Tiên còn thể hiện bản chất đạo lý nhân dân. Vấn đề đạo lý được thể hiện qua các quan hệ trong tác phẩm: cha con, chồng vợ, thầy trò, bạn bè… Nguyễn Ðình Chiểu đã đặt ra những tình huống xử thế trong các mối quan hệ đời thường, gia đình và xã hội. Nó rất gần gũi và cần thiết với cuộc sống hàng ngày và bao trùm hơn cả là mối quan hệ giữa con người với con người.

Mối tình Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga được vun đắp từ vấn đề ân nghĩa. Khi nghe tin Vân Tiên mất, nàng kiên quyết thủ tiết thờ chồng. Khi được lệnh cống Ô Qua, trong dạ nàng như bào, canh chày chẳng ngủ, những thao thức hoài… và lấy cái chết để giữ tình phu phụ. Vân Tiên cảm phục tấm lòng sắt son chung thủy của người yêu nên đã không ngần ngại “Xin đền ba lạy sẽ bày nguồn cơn”. Vân Tiên đã làm một việc mà đạo đức phong kiến không cho phép. Cũng giống như Nguyệt Nga, nàng đã vượt qua lễ giáo phong kiến tự ý đính ước với Vân Tiên.

Các nhân vật chính diện trong tác phẩm sống rất hồn nhiên, cởi mở. Họ sống có tình, có nghĩa, giản dị, chân chất như: Tình thầy trò giữa Tôn Sư và Vân Tiên; tình cảm bạn bè giữa Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh; Tình nghĩa chủ tớ giữa Vân Tiên với Tiểu Ðồng; giữa Nguyệt Nga và Kim Liên được miêu tả giống với cuộc sống và quan niệm của nhân dân.

Ðoạn Vân Tiên bày tiệc tế Tiểu Ðồng rất cảm động nhưng Tiểu Ðồng còn sống, gặp lại nhau tớ thầy vui mừng không xiết:

“Trạng nguyên khi ấy mừng vui

Tớ thầy sum hiệp tại nơi Ðại đề”

Vân Tiên cùng các bạn là Hớn Minh, Tử Trực vẫn thân thiết như ngày trước:

“Hai người gặp lại hai người

Ðều vào một quán vui cười ngả nghiêng”

Bản chất nhân dân còn thể hiện qua đặc điểm tính cách của nhân vật. Quan điểm thương ghét của Ông Quán rất rõ ràng, dứt khoát, tiêu biểu cho tính cách của người dân Nam bộ. Hớn Minh là người nghĩa khí, hành động bẻ giò con quan tri huyện ỷ thế giàu sang, làm càng là tiêu biểu cho hào khí của người dân lục tỉnh. Cũng như Tử Trực được miêu tả là một người trực tính, không màng danh lợi, sống có tình có nghĩa, rất mực yêu quý bạn, nghe tin Vân Tiên mất chàng than khóc:

“Nghe qua Tử Trực chạnh lòng

Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa”

Nhưng điển hình nhất là hình tượng Lục Vân Tiên, chàng là mẫu ngưỡi lý tưởng nên hội đủ các điều kiện mà nhân dân mơ ước:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hung”

Lục Vân Tiên trọng nghĩa khinh tài, phò đời giúp nước, đối nhân xử thế đều theo quan điểm nhân dân.

Có thể thấy, truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu mang hơi thở của con người Nam bộ. Thông qua các tuyến nhân vật trong tác phảm, chúng ta cảm nhận được quan niệm về đạo đức nhân nghĩa, bản chất đạo lý nhân dân được cụ Đồ Chiểu thổi hồn vào trang viết của mình. Với tấm lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là một tấm gương sáng ngời để thế hệ hôm nay học tập và noi theo. Nhìn lại một chặng đường đã qua, truyện thơ Lục Vân Tiên vẫn còn phảng phất hương vị đạo đức làm người trong cuộc đời thường. Nó như nhắc nhở mọi người hãy sống cho tốt đời, đẹp nghĩa.

T.T.X