(Vanchuongphuongnam.vn) – Lệnh hành quân đã phát. Đoàn xe vận tải quân sự chở chúng tôi chạy qua những con phố quen thuộc. Hàng cây xanh rì rung lên như vẫy tay chào, tiễn chúng tôi lên đường. Những con phố nhỏ, hàng quán một thời ăn vặt, dần khuất xa. Kỷ niệm học trò thêm lưu luyến. Bánh xe lăn nhanh đưa chúng tôi đến miền đất lạ.
Đất K – Hồi ký của Bùi Quang Lâm
Mặt mũi rằn ri mái tóc dài
Lằng nhằng ăn nói chẳng giống ai
Rảnh rang tìm bạn lai rai rượu
Hết tiền cơm nguội báo oan gia…
Mười hai giờ trưa chúng tôi có mặt tại quân trường Thị Vải. Khu đất trống mênh mông, lác đác vài cây to, tán rậm mát. Ngang
cổng, tấm bảng ghi: “Đoàn Cao Bắc Lạng”. Đây là đơn vị huấn luyện.
Chúng tôi lần lượt xuống xe sau lời điểm danh của cán bộ nhận quân. Tôi về trung đội 1, theo sắp xếp của đơn vị.
Phiên gác đầu tiên, tôi còn nhiều ngỡ ngàng. Cây súng tựa vai, bờ vai thư sinh của học trò cầm bút. Tôi nhớ nhà vô hạn. Đêm quân trường yên ắng lạ. Chỉ có tiếng rè rè của muôn loài côn trùng và tiếng ngáy của lính mới sau một ngày chuyển quân mệt mỏi, say ngủ. Ngày đầu tôi vào bộ đội.
Chóng vánh gần hết ba tháng quân trường. Chàng thư sinh ngày nào giờ thấy mình rắn rỏi trong bộ quân phục xanh rì màu lá, đi đứng nhanh nhẹn có phần vững chắc. Dáng vẻ thư sinh cũng mờ dần. Những xưng hô đồng chí dù hơi lạ nhưng bắt đầu gần gũi, quen quen. Chương trình huấn luyện gian nan đang chờ phía trước.
Học chính trị, quân sự. Chương trình huấn luyện kín mít trừ lúc ăn và ngủ. Tuần lễ trôi vèo như chớp mắt. Thi thoảng mới có buổi nghỉ học vì lý do nào đó, như hôm nay trung đội tôi được nghỉ vì hoàn thành việc làm sạch cỏ rẫy khoai mì trước thời hạn đã định. Buổi tối vẫn thay phiên gác.
Lên rừng lấy củi là việc thường xuyên của đại đội vào mỗi sáng Chủ nhật để làm chất đốt cho nhà bếp. Đường lên rừng không xa nhưng đường dốc quanh co, trơn trợt dễ vấp ngã, nhất là mùa mưa, đất nhão.
Mỗi chiến sĩ vác về hai bó củi là quy định của đơn vị. Ai nhiều hơn sẽ được biểu dương trước đại đội vào buổi tối điểm danh và ưu tiên đón thân nhân thăm nuôi tại “Chiêu đãi sở”. Đây là hình thức động viên. Ai không hoàn thành nhiệm vụ thì bị kỷ luật tương ứng hoặc không được đón thân nhân thăm nuôi. Ba tháng quân trường, cha lên thăm nuôi hai lần đều không gặp mặt do tôi bị kỷ luật, không hoàn thành việc vác củi. Cha tôi thật buồn!
Đi hết con đường dốc, băng qua con suối là khu rừng độ trung tuổi. Đây là rừng thiên nhiên, người dân khai thác củi để làm than nên những cây tầm tầm đã bị đốn khá nhiều. Những cây to được hạ, xẻ làm ván. Nhiều người mưu sinh dựa vào rừng. Có lẽ đây là nguồn thu nhập chính.
Thời gian huấn luyện gần hết, việc học quân sự cũng nhẹ dần, thoải mái hơn. Khi này chúng tôi tranh thủ viết thư về gia đình, vài người viết nhật ký kỷ niệm, ghi lại những ngày tháng quân trường gian khổ.
Tuần lễ trước ngày đi biên giới, chỉ huy đại đội thường xuyên phổ biến cho chiến sĩ tình hình biên giới Tây Nam, quán triệt tư tưởng, nhận thức cho chúng tôi, những tân binh mặt búng ra sữa.
Thời gian này quân số đại đội giảm chút ít vì vài người bỏ ngũ với nhiều lý do khác nhau. Đa phần do không ổn định tư tưởng, ngại gian khổ, hy sinh. Họ chưa sẵn sàng.
Đại đội trưởng Mộc đoán trước điều đó. Đứng trước hàng quân, anh nói:
– Trước giờ khắc lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng, trước vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, chúng ta những người con đất Việt không thể quay lưng làm ngơ khi Tổ quốc đang cần. Cũng giờ phút này nếu ai bỏ trốn, ham sống, sợ chết thì giơ tay luôn. Đơn vị sẽ làm thủ tục cho về địa phương.
Lời nói chân thành, thẳng thắn của đại đội trưởng Mộc oang oang trước hàng quân như tuyên thệ ra trận. Chúng tôi đứng yên, lắng nghe những lời hùng hồn của anh, như thấm vào máu thịt. Đơn vị đã sẵn sàng lên đường và không ai còn ý định bỏ ngũ. Phút giây thư giãn của người lính trên chiến trường “K”.
Đường ra biên giới
Lệnh hành quân đã phát. Đoàn xe vận tải quân sự chở chúng tôi chạy qua những con phố quen thuộc. Hàng cây xanh rì rung lên như vẫy tay chào, tiễn chúng tôi lên đường. Những con phố nhỏ, hàng quán một thời ăn vặt, dần khuất xa. Kỷ niệm học trò thêm lưu luyến. Bánh xe lăn nhanh đưa chúng tôi đến miền đất lạ.
12 giờ trưa, đoàn xe dừng lại ăn trưa tại vườn hoa thị xã Tây Ninh. Phần ăn mang theo là cà mèn cơm đã được nhà bếp nấu sẵn trước lúc lên đường. Thức ăn đạm bạc nhưng rất ngon do đói. Nhiều chiến sĩ bơ phờ vì nắng gió trên đường.
Tiểu đoàn đã có mặt tại Kà Tum, biên giới Việt Nam – Cam-Pu-Chia. Chúng tôi nghe tiếng súng rền rền đây đó. Giao chiến quanh đây.
Trước mắt là con đường mòn đất đỏ xuyên rừng. Mùa mưa nên đất ba-zan nhão nhoẹt, trơn trợt. Những người lính công binh đang hì hục đốn hạ cây rừng lót đường cho xe quân sự đi lại dễ dàng.
Bên kia biên giới, đoàn xe vận tải nặng nề lăn bánh đưa thương binh, tử sĩ ra từ trong trận.
Không khí tang tóc bao trùm cả khu rừng đang dần vàng lá do bom đạn tàn phá. Đoàn quân hăm hở giờ có phần chùng lại.
Đại đội trưởng Mộc xuống xe và lệnh tập họp đơn vị, điểm danh lần cuối trước khi qua biên giới. Vài người đã vắng mặt.
Đêm Tha La. Những cơn gió mang hơi lạnh, len lỏi qua rừng cao su.
Tiếng lá xào xạc trong màn đêm gây rờn rợn trên vùng đất nhiều xác người này. Rất mệt mỏi sau một ngày nắng gió nhưng chúng tôi không ai ngủ được. Màn đêm tĩnh mịch, căng thẳng. Hiểm nguy rình rập đâu đó. Sự sống đang được tính bằng giờ.
Ánh sáng ban mai ấm lại, những tia sáng xuyên qua tán cây làm giảm phần căng thẳng, hoang mang của người lính mới. Ánh sáng cứu cánh, thật cần thiết trong lúc này mà chúng tôi chưa lần nghĩ đến.
Ánh sáng cho mắt người nhìn thấy vạn vật trắng đen, cho cái ăn cái mặc cho nhiều thứ nữa. Hơn hết là biết tránh cái chết để sống. Tìm sự sống trong cái chết quả là điều không đơn giản.
Đại đội 12 được chia thành bốn trung đội, mỗi trung đội phụ trách một hướng và cách nhau trăm mét để quan sát địch. Những căn hầm được đào thành những chữ U, hai người một hầm. Và thay phiên gác.
Tin thằng Long trinh sát tiểu đoàn chết do đạp mìn khiến tôi hoang mang. Mới hôm qua nó cùng tôi hút chung điếu thuốc lào, vậy mà… Nó là người đầu tiên tử trận, tính từ ngày qua đây. Đơn vị vận tải đã đưa xác về nước an táng. Chiến tranh sẽ còn đưa nữa những đồng đội tôi về cõi vĩnh hằng, và tôi chưa là cá biệt.
Phụng báo tôi tin này. Nó thở dài nhìn tôi hỏi:
– Trưa hôm qua mày có nghe tiếng mìn nổ không?
– Xung quanh đây súng đạn hà rầm, sao biết được tiếng mìn hay tiếng pháo – Tôi nói với nó.
Chần chừ chút, nó phân tích:
– Tiếng AK nghe nhỏ, pháo nghe lớn, tiếng mìn nổ thì vừa vừa.
Tôi hỏi gắt:
– Cuối cùng mày muốn nói gì?
Thấy tôi có vẻ gắt gỏng, nó nói nhanh:
– Tiếng mìn đó đưa thằng Long trinh sát về nơi an nghỉ.
Thằng Tâm đứng cạnh bên, xen vào: - Chết thì nói chết, về nơi an nghỉ cái con khỉ.
Phụng lý sự:
– Tụi mày biết tại sao không gọi tử sĩ, mà gọi là liệt sĩ không?
Thật sự bất ngờ trước câu hỏi của chiến hữu Phụng, tôi nói:
– Không biết! Mày hỏi câu khó quá.
Phụng chậm rãi:
– Sự chết thì giống nhau, nhưng liệt sĩ là người chết oanh liệt.
Tôi à một tiếng. Phục nó diễn giải.
Đường dẫn xuống suối là con dốc đứng. Đây là nguồn nước gần nhất nơi đại đội đóng quân. Mọi ăn uống, sinh hoạt cậy vào con suối này. Vì vậy địch thường tổ chức phục kích. Những đơn vị đóng quân trước đây đã nhiều lần bị bắn tỉa, bắt sống.
Hai ngày một lần lấy nước. Trung đội phân công hai tổ đi trước quan sát, cảnh giới, dù chỉ lấy một cáng nước. Tình huống xấu xảy ra, khó mà thoát trước con dốc đứng trơn trượt, đá nhọn.
Trời đổ mưa. Cơn mưa chiều tầm tã. Mưa rừng thường kéo dài do nước còn đọng lại trên lá sau mưa, những giọt mưa tí tách sau lần gió qua.
Mưa mát. Mưa cho xanh tốt chồi non, vạn vật sinh sôi. Nhưng mưa nơi đây thật bất lợi. Địch đánh ta bằng cách đánh du kích, bất ngờ. Chúng tỏ đường đi nước bước vùng bản địa. Những cuộc phục kích thường xảy ra trong mưa, nhất là ban đêm say ngủ. Những đơn vị đi trước đã hứng chịu không ít mất mát, thương vong.
Mưa làm không gian mù mờ. Bầu trời và cánh rừng như úp lại làm một, tối sầm, nghẹt thở. Tiếng đạn xoèn xoẹt trên bầu trời tạo những tia sáng chết chóc, khó gần. Đâu đây đang diễn ra sự dữ dội của bom đạn. Chúng tôi đang trong vùng nguy hiểm.
Đêm đó đại đội tôi bị tập kích lúc nửa khuya về sáng. Sự việc diễn ra trong chốc lát. Chúng tôi mất hai đồng đội. Một chết do bắn tỉa, một chết do cắt cổ. Sống chết trong tích tắc. Chết do bị cắt cổ thật man rợ.
(Còn tiếp)
B.Q.L