Đất mới – Tản văn của Võ Anh Cương

846

(Vanchuongphuongnam.vn) – Xưa Đà Lạt là vùng đất mới, bây giờ hai từ đất mới dường như ít còn ý nghĩa hiện thực? Vì sao như vậy, tôi xin nói ngay rằng Đà Lạt đã qua rồi cái thời người đi khai phá đất mới một cách rất hỗn mang, Đà Lạt bây giờ đang đón nhận một cái nhìn tổng thể trong quyêt định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ!

Tác giả Võ Anh Cương 

Tôi nhớ ngày xưa, lúc tôi chưa ra đời, tôi chỉ nghe kể lại, rằng đầu những năm 40 thế kỷ trước, ba má tôi từ Suối Cát Nam Thiên quyết định lên ấp Cao Bá Quát khai khẩn đất đai làm vườn, thì ấp Cao Bá Quát từng được gọi là Đất mới. Đến khi ấp Cao Bá Quát không còn đủ sức quyến rũ những đôi cánh chim bằng của người đi mở đất, những ông Chín Bình, ông Năm Bỗng, ông Ba Tăng… tìm đến ấp Nguyễn Siêu dưới lòng thung của đường vòng Lâm Viên, đất đó ngày ấy chắc cũng được gọi là Đất mới. Chưa hết, khi ấp Nguyễn Siêu ấy cũng không níu chân những cư dân thích nước, thích sự rộng rãi bạt ngàn vùng đất của ba thung lũng cạnh Thung lũng Tình yêu thì đích thị đây chính là Đất mới, đó là những năm 1961, 1962. Cái tên Đất mới ấy kéo dài cho tới ngày nay sau một khoảng thời gian người ta gọi vùng đất ấy trên văn bản là Tổ 3 Đa Thành, phường 7. Còn rất nhiều tên Đất mới như vậy ở Đà Lạt, tôi đồ rằng như vậy khi nghĩ về Thái Phiên, phường 12 ngày nay, những năm thập kỷ 50 của thế kỷ trước, những người Huế đi khai mở đất ở đó chắc chắn họ sẽ gọi là Đất mới. Rồi như những người khai phá đất đai ở Xuân Thọ thuở xưa từ Cầu Đất lên chắc cũng gọi Xuân Thọ thuở lập làng là Đất mới! Vậy đấy, Đất mới trong tâm thức của người Đà Lạt, nơi hội tụ của bao nhiêu người dũng cảm, khát khao cái mới trên cả nước đổ về luôn luôn là lời réo gọi thiết tha.

Không thiết tha sao được, những vùng Đất mới bao giờ cũng đãi người dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, “vạn sự khởi đầu nan” để có những vụ mùa ăn chắc. Tôi vẫn nhớ những cái bắp sú chắc nịch nặng dễ tới 5 ký, hoặc những cây a ti sô cao gần 1 mét, những bông sú lơ nặng ba bốn ký ở Đất mới khiến nhà vườn thuở đi mở đất hân hoan đến độ nào. Thương hiệu rau hoa Đà Lạt có được tới giờ không phải từ trên trời rơi xuống. Nhà văn Nguyễn Thái Huyền, người có mặt từ rất sớm ở Đà Lạt và có rất nhiều tư liệu về Đà Lạt xưa kể rằng đầu năm 1942 (năm Nhâm Ngọ) nhà cầm quyền Đà Lạt tổ chức triển lãm rau hoa tại trường tiểu học Pháp – Việt (École Primaire) nay là trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Trong cuộc triển lãm này các giống rau hoa mang từ Pháp qua trồng ở Đà Lạt, người Pháp ở Đà Lạt rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến những bắp sú nặng trên 5 ky lô gam, còn những loại hoa như hồng, cẩm chướng… bông to và sắc màu rực rỡ hơn bên Pháp. Thế mới biết thổ nhưỡng Đà Lạt quý giá biết bao!

Đất mới bao giờ cũng mang nỗi lòng của người xa xứ. Hồi nhỏ, đâu như những năm sáu mấy của thế kỷ 20, tôi là một thằng cu được người anh rể hơn tôi nhiều tuổi cho đi theo vào rừng tìm những cây thông thẳng tắp xẻ ván về làm nhà. Tôi đi theo những anh thanh niên xứ Quảng vào rừng và hóng hớn nghe chuyện kể của họ về những vùng quê họ bỏ lại sau lưng để vào Đà Lạt. Họ thường so sánh đủ thứ, từ khí hậu, mưa nắng, rau hoa…ở Đà Lạt và Quảng Ngãi, cái gì ở Đà Lạt cũng hơn đến nỗi những cái gai trong rừng Đà Lạt cũng ít độc và dịu dàng hơn ngoài Quảng! Nói vậy chớ không ai quên dù một chút đồng đất quê nhà, họ nhớ từng miếng đường phổi cho đến lon mạch nha, họ nhớ màu vàng đậm tươi của dầu phộng béo đến độ không gì béo hơn được nữa cho đến cái vị ngọt đến tê răng của thứ cá bống sông Trà được kho khô với nước mắm, khi và với miếng cơm bỗng đâu cơn nhớ quê cồn cào trong dạ. Quê nhà bao giờ cũng là một lời réo gọi đầy thương nhớ!

Làm vườn những cư dân dũng cảm của Đà Lạt phải mở đất ra thành từng băng để đất không bị trôi vào mùa mưa. Với cái xe cút kít, cái cuốc chĩa có 4 răng và cái vá, những bàn tay cần cù ngày đêm hì hục khai phá đất đai. Cái thứ đất sét màu vàng, màu đỏ pha hồng bên dưới một lớp đất xám đen bao giờ cũng thích hợp cho lứa sú đầu tiên. Không hiểu vì sao người Đà Lạt khi trồng rau trên băng đất mới mở bao giờ họ cũng trồng sú, dường như cái giống sú tuya của Pháp (loại sú được nhân giống bằng cây con từ gốc cây mẹ, nay đã mất giống không ai trồng nữa) hay giống sú NS Cross của Nhật (nay cũng không còn trồng) thích hợp với màu vàng của đất? Hay là cây sú thích loại phân cá tươi, loại phân được chở lên từ Phan Thiết chưa qua công đoạn ủ được nỉa úp trước khi trồng? Hay là cây rau đầu bảng cảm nhận được sự chăm sóc dịu dàng của người trồng hàng ngày vạch lá bắt sâu, những con sâu xanh to gần bằng một nửa ngón tay út mà ngày nay đã biến mất, nên mới tốt tươi như thế? Hay là những giọt mồ hôi hòa trong đôi thùng tưới trở thành một thứ phân bón tuyệt vời làm cho vườn sú mau xanh tốt? Tôi có thể kể ra nhiều thứ nữa, tỷ như những người đàn bà tỉ mẩn nhổ từng cụm cỏ lông heo rồi cẩn thận mang ra bờ suối đổ để hột cỏ không mọc lại mùa sau, tỷ như anh rể tôi với nỗi thắc thỏm lo âu khi trời mưa nhiều, hay đôi mắt dạt dào hy vọng của bà chị đứng nhìn vườn sú vào khuôn (đang cuốn), với những tính toán, những viễn mơ kỳ vọng cho đứa con đang học…. Nhiều, nhiều lắm những tâm trạng vui buồn của một thời nhà vườn Đà Lạt nhưng có lẽ đọng lại trong đó là một tấm lòng, tôi tin như vậy.

Bây giờ Đất mới cho người làm vườn lại có một cái nhìn khác hẳn. Thành phố Đà Lạt đã đóng băng việc khai khẩn đất để làm vườn. Hơn 393 cây số vuông đất của thành phố Đà lạt hiện tại đã được quản lý một cách khoa học bằng đồ án quy hoạch có tầm nhìn cả trăm năm để tạo ra một không gian sinh thái cho con người, trong đó có những người làm vườn Đà Lạt. Đất làm vườn trong nội ô thành phố ngày càng teo tóp lại để nhường chỗ cho đất ở hoặc đất chuyên dùng. Ấp Hà Đông là một ví dụ. Ngày trước ấp Hà Đông chuyên trồng hoa, trồng dâu tây. Nay cũng trên đất ấy nhà cửa đã mọc lên, những vườn dâu vườn hoa dọc đường Nguyễn Công Trứ đang từ từ biến mất để nhường chỗ cho những công trình bởi vùng đất này được quy hoạch là một khu dân cư.

Ở ấp Thánh Mẫu cũng vậy, trước kia dân cư chỉ làm nhà trên trục đường Ngọc Hân còn bây giờ hai bên con dốc Thánh Mẫu nhà cửa đã dành đất của những mãnh vườn có bề ngang hình như là nhỏ nhất trong thành phố Đà Lạt bởi có thửa vườn có bề rộng chưa đến chục mét. Vậy nghề làm vườn không lẽ sẽ mai một? Không đâu nghề làm vườn từ bây giờ đã có một không gian mở với một tầm nhìn không còn bị bó hẹp bởi những rào cản tự nhiên. Đà Lạt tương lai gần sẽ nở nồi với diện tích tự nhiên lên đến trên 335.000 héc ta gần bằng Hà Nội hiện nay! Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương và một phần Lâm Hà sẽ trở thành Đà Lạt y như người Hà Tây một sớm mai thức dậy bỗng trở thành cư dân thủ đô vào ngày 1 tháng 8 năm 2008. Tôi lan man một chút khi nhắc đến Hà Nội. Thử tưởng tượng một trục dọc theo chiều dài đất nước ta sẽ thấy Hà Nội và Đà Lạt ngày mai đối xứng qua cái trục ấy với diện tích gần bằng nhau với hai cái hồ Hoàn Kiếm và Xuân Hương đều nằm trong thành phố. Hồ Hoàn Kiếm mang cái hồn xưa cũ bàng bạc khói sương còn Xuân Hương thơ mộng nhưng cả hai đều đẹp và đi vào thi ca nhạc họa. Trở lại với nghề làm vườn mà tôi mắc nợ một lần nữa đất mới lại khiến người Đà Lạt nao lòng. Lần này thì người ta nhìn vê phía Lạc Dương để tìm kiếm vùng đất mới bởi đất ở đây được quy hoạch làm nông nghiệp, đất đai chưa khai phá còn nhiều. Những cái tên như Đạ Sa, Đạ Chái, Long Lanh…xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí gắn với những người bỏ phố lên rừng trồng a ti sô, trồng hoa lyly, cúc, cát tường, dâu tây hay những thứ giống cây mới du nhập như mâm xôi (phúc bồn tử) với những cái tên như nông trại Langbiang, hợp tác xã Anh Đào….

Cái khác của những ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Huy Đường của Langbiang Farm hay Nguyễn Công Thừa Giám đốc hợp tác xã Anh Đào so với thời ông Ba Tăng, ông Năm Bỗng, ông Chín Bình…đi mở đất thuở xưa là họ khai phá Đất mới với danh nghĩa là doanh nghiệp, là trang trại có vốn lớn và sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để cho ra sản phẩm theo đúng chuẩn quốc tế! Còn cái giống nhau của họ chắc có lẽ là sự đam mê bởi có đam mê nghề làm vườn mới có thể gắn cả cuộc đời với đất.

Đất mới, hai từ đó bao giờ cũng gợi trong tôi cả một nỗi niềm!

V.A.C