Đất và người Nam Bộ cho đến nay vẫn là đề tài được nhiều người lựa chọn để nghiên cứu với nhiều điểm nhìn bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong bài luận này, chúng tôi chọn hướng nghiên cứu từ “Hào khí Đồng Nai” – di sản của nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh, với các hướng tiếp cận: người Nam Bộ từ chính cuộc đời tác giả; Đất và người Nam Bộ trên hành trình mở cõi; Đất và người Nam Bộ trên hành trình giữ nước, và phát huy truyền thống “tập nghĩa”, “dưỡng khí”. Để làm rõ cách tiếp cận ấy, chúng tôi tập trung khai thác những dữ liệu văn học để tìm chất Nam Bộ từ tâm hồn người Nam Bộ.
GS Ca Văn Thỉnh.
1. “Hào khí Đồng Nai” – góc nhìn đa chiều về đất và người Nam Bộ
Đất và Người nam bộ là một đề tài thú vị. Những năm gần đây có rất nhiều bài báo về đề tài này với nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể kể đến như: Lê Trung Dũng (2007), Vài nét về vấn đề chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ vào những thập niên giữa thế kỉ XIX, Nghiên cứu lịch sử, số 12; Nguyễn Mạnh Dũng (2011), Nguyễn Cư Trinh và vùng đất Nam Bộ thế kỉ XVIII, Nghiên cứu lịch sử, số 4; Lê Thị Kim Út (2011), Gia Định tam thập cảnh trong văn học Nam Bộ thời kì mở cõi, Tạp chí Khoa học xã hội, số 8; Võ Thị Thanh Tùng (2013), Tính cách người Nam Bộ – Dấu ấn đặc sắc trong du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, Tạp chí ĐH Sư phạm, số 44; Huỳnh Văn Tới (2014), Vai trò của văn hóa dân gian trong quá trình phát triển của Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 3; Nguyễn Đức Hiệp (2014), Săn bắt thú vật hoang dã ở Nam Bộ đầu thế kỉ XX, Tạp chí nghiên cứu và phát triển, số 9; Đào Thị Bích Hồng (2014), Nam Bộ – Nơi khởi đầu cuộc kháng chiến thần thánh, Tạp chí Giáo dục lí luận, số 222;…
Nhìn tổng thể những bài báo trên, chúng tôi nhận thấy các tác giả phần nhiều chỉ dựa vào một hướng nhìn đơn nhất – hoặc dựa vào văn hóa, hoặc văn học, hoặc lịch sử, mà chưa có sự kết hợp ở cả ba góc nhìn ấy để thấy được những nét sinh động nhất về đất và người Nam Bộ.
Trong bài viết này, chúng tôi chọn công trình Hào khí Đồng Nai của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh làm điểm nhìn về đất và người Nam Bộ. Bởi hai lẽ, một mặt, công trình này đã hội tụ các điểm nhìn văn học, văn hóa, lịch sử Nam Bộ; mặt khác, đây là sự tổng kết thành tựu nghiên cứu về Nam Bộ của cả cuộc đời Ca Văn Thỉnh – một người con ưu tú của đất Nam Bộ.
Công trình Hào khí Đồng Nai được Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh cho in năm 1983. Đến 2014, gia đình của cố tác giả đã bổ sung thêm 17 bài nghiên cứu vào công trình này, rồi gửi Nxb Đại học quốc gia Hà Nội in mới.
Trước hết, cuốn sách cho người đọc góc nhìn về đất và người Nam Bộ từ chính cuộc đời tác giả – một trí thức Nam Bộ hồi đầu thế kỉ XX.
Trong bài viết Chân dung tác giả, soạn giả Nguyễn Long Trảo đã đưa ra những minh chứng khẳng định rằng, hơn ai hết, Ca Văn Thỉnh – một người Nam Bộ tiêu biểu, xứng đáng kế tục vẻ đẹp nhân cách của những trí sĩ Nam Bộ xưa.
Ca Văn Thỉnh sinh ra và lớn lên ở Bến Tre. Thuở nhỏ, ông được học với những người thầy không chỉ có chiều sâu tri thức mà còn có tình yêu nước sâu nặng như Võ Văn Thơm, Nguyên Văn Vinh. Cùng với đó, Ca Văn Thỉnh lại được sống trong không gian văn hóa, không gian tri thức của những nho sĩ yêu nước hồi thế kỉ XIX như Võ Trường Toản – Thầy học của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định; Phan Thanh Giản – đậu tiến sĩ năm 1826, tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ; Nguyễn Đình Chiểu – ông già Ba Tri. Từ đó, Ca Văn Thỉnh đã không ngừng học, phấn đấu tu dưỡng nhân cách để rồi được học bổng vào Trường Sư Phạm Sài Gòn. Ngay sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, ông đã về Bến Tre dạy học. Có thể thấy, Ca Văn Thỉnh đã tiếp thu và phát huy vẻ đẹp của người Nam Bộ – vẻ đẹp của tinh thần hiếu học và luôn mong muốn đóng góp trí tuệ cho quê hương, đất nước.
Khi trở về Bến Tre dạy học, Ca Văn Thỉnh phải sống với điều kiện hết sức khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, có hai gia đình giàu muốn gả con gái cho Ca Văn Thỉnh vì mến mộ nhân cách và tài năng của ông. Một gia đình hứa nếu Ca Văn Thỉnh chấp thuận thì sẽ xóa hết nợ nần cho gia đình. Một gia đình khác hứa sẽ chu cấp chi phí du học bên Pháp cho con rể tương lai. Nhưng, Ca Văn Thỉnh đã từ chối cả hai cuộc “hôn thương” trên. Ca Văn Thỉnh cho thấy mình “đúng chất” là người người Nam bộ chân chất thật thà, ngay thẳng, chuộng nghĩa khinh tài, không vì vật chất mà lừa dối nhân tâm, làm trái đạo lí.
Ca Văn Thỉnh khi theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội, ông đã tích cực tham gia phong trào yêu nước cùng với những trí thức trẻ yêu nước khác như: Phạm Thiều, Đặng Thai Mai. Sau đó, Ca Văn Thỉnh trở về Nam làm đốc học Bến Tre. Đến năm 1945, ông từ bỏ địa vị của một đốc học để chính thức trở thành một người vô sản, tham gia giành chính quyền ở Bến Tre. Kể tư đó, ông được Đảng và nhà nước giao cho nhiều trong trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví như: Năm 1946, ông giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Năm 1947, ông được đặc trách Bí thư Kỳ ủy Đảng Dân Chủ Nam Bộ. Năm 1956, ông làm lãnh sự tại In – đô – nê – xi – a. Năm 1968, ông làm Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội…. Với quyết tâm theo Đảng, đứng về phía nhân dân, Ca Văn Thỉnh đã góp thêm vào vẻ đẹp của nhân dân Đồng Khởi. Một vẻ đẹp mang tầm thời đại được kết tinh từ truyền thống yêu nước của nhân dân Nam Bộ. Truyền thống của những con người căm thù cường quyền, bạo ngược, luôn sẵn sàng đứng lên chống lại cái xấu, cái ác, cái vô đạo lí để đem lại sự bình yên cho nhân dân, sự toàn vẹn cho đất nước.
Cùng với đó, văn bản Chân dung tác giả của soạn giả Nguyễn Long Trảo còn thể hiện sự pha trộn chất văn chương với cách viết phê bình tiểu sử tác giả. Những đoạn văn nhấn nhá, những câu văn chân thành với giọng văn chậm rãi là những nét khá lạ về cách tiếp cận tiểu sử tác giả nhưng lại đúng chất “ông già Nam Bộ”.
Mặt khác, thông qua các chuyên đề, Hào khí Đồng Nai nhìn về đất và người Nam Bộ trong mối quan hệ tổng thể của lịch sử, văn học, văn hóa Nam Bộ.
Từ góc nhìn lịch sử, ông dựng lại toàn cảnh quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ mảnh đất Nam Bộ từ khỏi thủy đến thời đại Hồ Chí Minh. Cụ thể, một số bài viết như:
- Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại, trích Đại Việt tâp chí, số 29, 1942.
- Nguyễn Văn Thoại với sự đào thoại hà và kinh Vinh tế, trích Đại Việt tâp chí, số 28, 1942.
- Biên dịch tiểu sử Nguyễn Thông, trích Đại Việt Tập Chí, số 3, 1942.
- Câu chuyện yểm quỷ, trích Tạp chí Nghiên cứu Văn học, HN, số 4, 1962.
- Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm – Xoài Mú , trích Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10, 1965.
- Truyền thống quật cường của Nam bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu, trích Tạp Chí Nghiên cứu Văn học, HN, số 4, 1972.
- Nguyễn Hữu Huân thân thế và sự nghiệp, trích Kỉ yếu tháng 4/1976 của Viện KHXH miền Nam.
- Hào khí Đồng Nai, trích sách của Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
Từ góc nhìn văn học, ông tỉ mẫn sưu tầm, nghiên cứu tiến trình văn học Nam Bộ ở cả hai bộ phận là văn học dân gian và văn học viết. Ví dụ như:
- Ý nghĩ về văn học sử Nam bộ và mối quan hệ Bắc Nam, trích Tạp chí Nghiên cứu Văn học, HN, số 3, 1975.
- Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp, trích di cảo.
- Phong trào đấu tranh của nhân dân lục tỉnh trong thời gian đầu xâm lược của pháp, trích di cảo
- Hào khí Đồng Nai, trích sách của Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
- Một số truyện thơ dân gian truyền khẩu, trích di cảo
- Một số thơ văn yêu nước, trích di cảo
Từ góc nhìn văn hóa, Ca Văn Thỉnh trình bày hai khía cạnh. Một là, chứng minh Nam Bộ cũng có chiều văn hóa với một nền Nho học phát triển ngay từ khi khai thiên lập địa. Hai là, chứng minh văn hóa Nam Bộ có quan hệ máu thịt với văn hóa Bắc Bộ. Cụ thể như:
- Khổng học ở đất Đồng Nai, trích Đại Việt tâp chí, số 22 và 23, 1942.
- Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, trích Đại Việt tâp chí, số 2, 1942.
- Minh bột di ngư – Một quyển sách hai thi xã, trích Đại Việt tâp chí, số 12, 1943.
- Đất và người Nam Bộ, trích di cảo
- Hào khí Đồng Nai, trích sách của Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
Thông qua những góc nhìn ấy, Ca Văn Thỉnh muốn cho người đọc thấy được chất Nam Bộ chảy xuyên suốt trong lịch sử Nam Bộ là Hào khí Đồng Nai. Hào khí ấy được khởi nguồn từ truyền thống chống giặc ngoại xâm chung của cả dân tộc Việt Nam. Nó là sự kế thừa dòng máu con hồng cháu lạc trên hành trình dựng nước, mở cõi và giữ gìn di sản của cha anh. Ở nội dung này, Ca Văn Thỉnh đặc biệt chú ý đến thơ văn thể hiện Hào khí Đồng Nai. Ông đi sâu nghiên cứu các tác giả đại diện cho trí thức Nam Bộ, và tác phẩm mang nội dung yêu nước trên cả hai khía cạnh đấu tranh chống ngoại xâm và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bước đầu có thể khẳng định: Hào khí Đồng Nai không đơn thuần là cuốn sách viết về các cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Bộ mà nó còn mang những ý nghĩa học thuật nhất định, đặc biệt là hành trình nghiên cứu về văn học, văn hóa, lịch sử Nam bộ.
2. Đất Nam bộ trên hành trình mở cõi
Trong Hào khí Đồng Nai, có rất nhiều tác phẩm viết về đất và người Nam Bộ trên hành trình mở cõi. Ví như ca dao thì có những câu như:
Ai về Gia Định thì về,
Nước trong, gạo trắng dễ bề làm ăn.
Hay câu:
Làm trai cho đáng nên trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.
Hai câu ca dao này nói về quá trình khuyến dụ người miền trung vào Nam của chúa Nguyễn, cũng như nỗi lòng của những con người muốn thỏa nguyện chí lớn, đi tim một miền đất mới, một cuộc đời mới. Và để lí giải cho hoàn cảnh ra đời cũng như nội dung của những câu ca dao như trên, Hào khí Đồng Nai đưa người đọc trở lại với những dữ liệu lịch sử. Tác giả công trình này chỉ ra rằng: Đất Nam bộ ngày nay được hình thành từ quá trình khai phá, kiến thiết mảnh đất hoang trên 300 năm. Quá trình ấy được nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhân dân Nam Bộ cố công hè nhau kế tục, mà công đầu thuộc về các chúa Nguyễn. Nó bắt đầu từ những năm 1600. Khi ấy, Nguyễn Hoàng được lời khuyên của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xin vua Lê được ra ngoài vùng “thừa thiên”, đưa người nhà nam tiến. Nguyễn Hoàng trên hành trình của mình đã khuyến khích người dân ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… khai khẩn đất hoang, mở cõi cho đến tận vùng Đồng Nai.
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục[1] thì Đồng Nai thuộc phủ Gia Định từ cửa biển Cần Thơ của Sài Lạp, cửa đại và cửa tiểu đều là rừng rậm hơn nghìn dặm. Đây là vùng đất do họ Nguyễn đã đánh Cao Miên mà lấy được. Họ Nguyễn cùng dân chiêu mộ ra sức khai khẩn đất hoang thành đồng ruộng. Các chúa Nguyễn cho mọi người tự khai hoang, ai khai hoang được thì có quyền chiếm làm của riêng, làm nhà cửa, mở điền viên, trồng các loại nông sản như lúa, cau, dừa…. Chúa Nguyễn lại cho trai gái tự lấy nhau, sinh con đẻ cái. Từ đấy, đất đai ngày càng mở rộng, dân cư ngày càng đông đúc.
Đến giữa thế kỉ XVII, những người dân miền trung ngày càng xuất hiện nhiều ở vùng đất mới. Họ là những “hảo hớn” hoặc theo sự chỉ đạo của chúa Nguyễn, hoặc lưu dân tự do vì cảnh sống cơ bần mà tha hương đi tìm sự sống. Tất cả họ đều tụ nhau ở “vùng đất sình lầy” để xây làng, lập ấp.
Bên cạnh đó, trong Hào khí Đồng Nai, bài viết Minh bột di ngư – Một quyển sách, hai thi xã, trích Đại Việt tâp chí số 12, năm 1943, đã gợi cho người đọc về sự góp công của những Hoa kiều đối với công cuộc khai phá miền Nam Bộ. Họ là những tướng thần nhà Minh chống lại nhà Thanh mà lưu lạc đến. Cụ thể, khoảng năm 1679 Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cùng binh sĩ trên 50 chiến thuyền vào cửa biển Quảng Nam xin lưu trú. Chúa Nguyễn Hiền Vương đã không ngần ngại chấp nhận họ, rồi bổ đi các xứ miền Đông lập đất. Dương Ngạn Địch được cử vào vùng Mỹ Tho. Trần Thượng Xuyên được cử đến vùng Đồng Nai – Gia Định. Còn ở miền Tây, năm 1708, chúa Nguyễn dung nạp thêm Mạc Cửu – cũng là một cựu thần nhà Minh. Chúa Nguyễn cho Mạc Cửu làm tổng trấn Hà Tiên. Sau này, con cháu Mạc Cửu thay nhau coi sóc vùng đất này. Tuy nhiên giá trị bài viết không chỉ dừng lại ở những cứ liệu lịch sử mà còn ở văn học. Trong quá trình chú giải chữ “ngư”, chữ “hoán”, tác giả đã chỉ ra lai lịch của tập Minh bột di ngư. Nguyên tập sách là của nhóm văn đàn Chiêu anh các do Mạc Thiên Tích làm chủ soái. Vì binh đao, tập sách bị thất lạc. Sau này, Trịnh Hoài Đức – chủ soái của nhóm Gia Định tam gia thi xã, sưu tầm lại được, cho khắc in. Vậy là, trong quá trình mở cõi, văn học trở thành một trong những phương tiện liên kết linh hồn và lưu giữ tâm hồn của người Nam Bộ.
Đến bài viết Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, trích Đại Việt tâp chí số 2 năm 1943, Hào khí Đồng Nai đã giải quyết được sự hoài nghi của giới nghiên cứu khảo cổ học về vấn đề: Người Việt hay người Pháp phát hiện ra đền Đế Thiên. Dựa vào một số đoạn văn trong Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông và một số bài thơ của Trịnh Hoài Đức, tác giả bài viết khẳng định chính người Việt mới là người đầu tiên khám phá ra đền Đế Thiên Đế Thích chứ không phải người Pháp. Cùng với đó, người đọc không chỉ biết được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Khách Cao Miên quốc kí hoài diệp Minh Phụng, hay bài Kí hoài Huỳnh Ngọc Ẩn – Hối Sơn Chân Lạp thành trong Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, mà còn thấy được mối quan hệ giữa đất và người Nam Bộ với Cao Miên thông qua các tác phẩm văn học.
Điểm qua vài bài viết trên, bước đầu, ta có thể khẳng định đất và người Nam Bộ được vun đắp từ sự tổng hòa của nhiều nên văn hóa: Việt – Hoa – Chàm; của nhiều giai tầng: quý tộc, quan lại và thường dân. Nghĩa là đất và người Nam bộ không chỉ gắn liền với một tộc người, một nền văn hóa riêng biệt mà gắn liền với quá trình Việt hóa để rồi tạo ra một nét rất riêng của Nam Bộ trong sự thống nhất chung của dân tộc Việt Nam.
Thứ hai, xét về vị trí địa lí, câu ca dao :
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Đã gợi ra một vùng đất Nam Bộ không chỉ bó hẹp ở mấy tỉnh miền Đông như một số người từng nghĩ mà nó trải dài đến khắp các tỉnh miền Tây. Khi ấy, trung tâm là Gia Định.
Như ta biết, Gia Định xưa, phía đông[2] có núi Nưa, Thị Vải, Bà Đen… những đồi núi cuối cùng của dãy Trường Sơn; phía Tây có Thất Sơn, núi Sam, núi Kim Dự, Bình Sơn, Thạch Động, cái đuôi của núi Voi, Đậu Khấu. Giữ hai dãy núi phía đông và phía tây đó, xưa kia là vùng biển khá rộng bị lấn dần ra, do khối phù sa phong phú của sông Đồng Nai, nhất là của hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang của sông Mê Kông, tạo ra các cửa sông Cửu Long có hình như dẻ quạt.
Gia Định khi ấy[3] từ đông sang tây rộng 58 dặm, từ bắc đến nam dài 171 dặm; từ phủ (phủ Tân Bình) qua sông Bến Nghé gặp huyện Nghĩa An, huyện Bình An (Đồng Nai), phía Tây giáp với huyện Cử An thuộc phủ Tân An 48 dặm, phía nam đến sông Tam Kỳ giáp giới huyện Phước Lộc thuộc phủ Tân An 46 dặm, phía bắc đến giới hạn huyện Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh 131 dặm. Điều này ứng với câu ca dao:
Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi.
Câu ca dào này đâu chỉ miêu tả sự mênh mông của một vùng đồng bằng mà còn thể hiện sự phóng khoáng trong tâm hồn người Nam Bộ.
Về điều kiện tự nhiên, sản vật, Hào khí Đồng Nai cũng dẫn ra rất nhiều câu nói dân gian hay nhưng câu thơ của các tác giả đương thời thể hiện sự trù phú của tự nhiên, hay đặc sản của vùng đất này. Ví như câu:
Gia Định nhất lúa, nhì cau.
Hoặc:
Ba phen quạ nói với diều,
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Hay câu:
Hạc đầm chin khúc giọng vang thinh (Mai khâu túc hạc, Trịnh Hoài Đức)
Trải xa hơn nữa, mãi ở vùng đất mũi còn có câu:
Đâu vui bằng đất Bạc Liêu,
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu.
Thời ấy, trung tâm của Gia Định là Sài Gòn. Sài Gòn nguyên là một khu rừng già, ngập nước, trông như một ốc đảo, vì vậy chim muông còn rất nhiều, trong đó có loài chim hạc. Những thập niên đầu thế kỉ XVII, lưu dân mới đến vùng này khai hoang, lập ấp, thưa thớt vài nhà. Mãi cho đến khoẳng 1680, nơi đây mới bắt đầu hình thành những khu chợ. Sản vật ở đây vô cùng phong phú. Gia Định[4] đất tốt lại rộng, thổ sản nhiều. Các loại lúa gạo, cá mắm, cây gỗ, chim muông nhiều vô số kể. Các loại hoa màu chủ yếu dùng để điểm tâm, chưa từng phải phơi khô và mài bột để chống đói. Vì cớ lúa gạo dư nhiều nên người Gia Định mỗi ngày đều ăn ba bữa, đều ăn cơm, cháo cũng ít ăn huống chi là những thứ khác.
Ở góc nhìn này, đất Nam Bộ không khắc nghiệt như ta tưởng mà rất ưu ái con người. Người Nam bộ cũng không hẳn gian nan ở những ngày đầu khai thiên lập địa như rất nhiều sách ghi chép mà được sống khá thoải mái. Nói như thế không phải để hạ thấp công lao của những người tiên phong dựng nước mà nhằm khẳng định niềm tự hào về một vùng đất với nhiều sản vật, tự hào về những con người chăm chỉ cần cù, đã hiện thực hóa được ước mơ đổi đời khi phải tha hương.
Cũng theo ghi chép của Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục,[5] miền ấy nhiều sông ngòi, đường thủy chằng chịt, không thuận lợi cho đường bộ. Người đi buôn dùng thuyền to đi đường thủy, luôn mang theo thuyền nhỏ để thuận tiện lúc vào các ngòi, rạch nhỏ. Từ cửa sông cho đến đầu nguồn phải đi chừng 6, 7 ngày. Cả một vùng rộng lớn đều là đồng ruộng mông mênh và bằng phẳng. Đất ấy trồng lúa rất tốt. Lúa nếp, lúa tẻ đều trắng và mềm. Lúa tẻ có đủ loại như: lúa mắc cửi, hột nhỏ và dài, trắng, thơm. Lúa dự đung hột to, trắng. Lúa mông tây hột tròn, trắng…. Lúa nếp cũng rất đa dạng. Ví như nếp mướp hột to và dài, gạo mềm. Nếp mây hột dài và dẻo. Nếp than hột nhỏ màu đen, mềm. Nếp tre, hột nhỏ như hoa tre, hương thơm. Nếp sáp, thóc đỏ hột lớn, gạo trắng, hương thơm.
Ngoài ra, Gia Định còn trồng rất nhiều cau. Ngạn ngữ nói : thổ sản thứ nhất là gạo, thổ sản thứ hai là cau.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy đã giúp Nam Bộ nhanh chóng trở thành trung tâm giao lưu văn hóa, thương mại của đất nước ở những thế kỉ sau đó. Bài ca dao sau sẽ chứng minh điều này:
Kể từ chợ Sõi trở về
Xóm lá là chợ, Thị Đô là cầu.
Đi vô vừa tới xóm Bầu,
Tới giếng hàng xén đâu đâu cũng nhìn.
Đây là chợ Lớn, chợ Dinh,
Kia là huyện cũ, nọ đình Bình Tây.
Rạch Lèo, rạch Lũng là đây
Ruột Ngựa, rạch Cát gió day thối bền
Từ đây đã tới nước lên,
Ngã tư có trạm ở bên bến đò.
Vô đây thôi chẳng còn lo,
Xuôi vào Ba Cụm, thì cho nghỉ chèo.
Khúc sông rạch rích rất eo,
Cây chôm vàm ấy thì chèo ra kinh.
Nhờ vào tài nguyên có sẵn mà cư dân Nam Bộ, ngay những ngày đầu mở cõi đã có cuộc sống sung túc. Trồng cau không cần hái, chỉ đợi cau già rụng xuống, tách lấy hạt đem bàn cho thương nhân Trung Quốc. Ở mỗi nhà nuôi không dưới 300 con trâu, khoảng 60 người ở. Mỗi vùng có đến mấy mươi người giàu có. Sau tháng 12 đã gặt lúa xong. Ra tết, dân thường ăn chơi mua sắm, ăn mặc sang trọng.
Quả nhiên, vùng đất Nam Bộ đã được con người thuần hóa với mức độ nhanh chóng. Thông qua đó, ta cũng thấy được người Nam Bộ trong quá trình mở cõi đã không ngại khó, ngại khổ để biến vùng đất mà dân gian gọi là “dưới sông cá sấu, trên bờ hùm beo” thành nơi màu mỡ trù phú, phục vụ hữu ích cho đời sống của con người. Và có lẽ, do sự pha trộn giữa nỗi vất vả trước những gian nan, khắc nghiệt với sự sung sướng khi nhận sự hậu đãi về sản vật của đất Nam Bộ mà người Nam bộ dần hình thành cho mình một nếp sống rất riêng – nếp theo con nước. Như nhận định trong Đại Nam nhất thống chí: thói thường chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, sĩ phu ham đọc sách. Thường lấy việc minh lí làm đầu nhưng vụng về lời văn. Nông dân siêng năng khi gieo cấy thường theo trời mà được mùa hay mất mùa. Kĩ thuật công nghệ còn thô sơ. Đồ dùng tuy mộc mạc mà bền. Đất nhiều sông rạch, ai cũng biết bơi lội. Người đủ bốn phương, mỗi nhà có tập tục riêng. Dưới đây là vài bài lí nói về nếp sống, sinh hoạt, lao động của người Nam Bộ:
Bài 1. Lý đươn địm (đệm)
Ngó lên ở trên chợ Châu mà Tô Châu,
Thấy cô, cô mà đươn địm trên đầu nghìn cái vất ghim – id.
Bài 2. Lý Gò Công
Chú kia vác phảng cái đi đâu – id,
Phảng mua, phảng mượn ơ ớ ơ,
Phảng nhà tôi cái mà của tôi, bố mày ơi – id.
Bài 3. Lý tang tình
A lí tang tình tang – id,
Em chờ nước cạn bắt cá, bắt tôm,
Con nước xanh xanh chảy quanh hòn đá – id.
Thứ ba, vùng đất Nam Bộ được con người đặt chân đến sinh sống khá sớm. Theo các di chỉ khảo cổ, thì từ đầu công nguyên, cảng Óc Eo đã phát triển rất phồn thịnh. Nhưng rồi, do những tác động chủ quan và khách quan của tự nhiên, của chiến tranh, cảng Óc Eo trở thành dĩ vãng. Công cuộc kiến thiết Nam Bộ chuyển sang một gia đoạn mới. Đó là giai đoạn đào sông, thông hào, xây đồn lũy.
Quá trình ấy đã đi vào thơ ca Nam Bộ. Ví như bài thơ Hoa Phong cổ Lũy của Trịnh Hoài Đức, có đoạn:
Xây thành lũy cổ phiên hoài nghĩa,
Săn thú cầm nay cỏ rậm cồn.
Giữ buổi thăng bình răn chủ trị,
Non sông nghìn dặm rộng quan môn.
Đó là nói về lũy cổ Hoa Phong do Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy xây đắp năm 1700 ở phía tây Gia Định, dài khoảng 24km. Sau Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cửu Đàm cho đắp lũy Bán Bích, năm 1772.
Đến năm 1785, sau chiến thắng quan Xiêm, Nguyễn Huệ đã chỉ đạo cho quân dân đào kênh Rạch Chanh đến Ba Giồng, nối liền với với Rạch Gầm chảy ra sông Tiền. Nhờ thế mà nó chống úng cho một vùng đồng bằng Nam Đồng Tháp rộng lớn, cũng như giúp cho việc thông thương từ Vàm Cỏ ra sông Tiền được thuận lợi.
Công cuộc đào sông, nâng giồng, bồi lộ được Thoại Ngọc Hầu tiếp tục thực hiện. Trong bài nghiên cứu Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế, trích Đại Việt tập chí, số 28, 1943, Ngạc Xuyên đã ghi công Thoại Ngọc Hầu trong việc đào Thoại hà và kênh Vĩnh Tế. Tác giả bài viết hướng ngòi bút của mình vào việc dịch lại bài văn bia ở Thoại Sơn tự trên núi Vĩnh Tế (núi Sập). Sau đó ông chỉ ra lai lịch của các tên gọi những địa danh nơi đây như: Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương, Bắc hộ Thoại, Thoại Sơn thị, Thoại Sơn tự, Vĩnh Tế thôn; Vĩnh Tế hà (kênh Châu Đốc – Hà Tiên). Đặc biệt, bài nghiên cứu đã nói rõ công sức và cách đào kinh Vĩnh Tế. Cụ thể là: Để đào được kinh thẳng, những người nhân công đã dùng nhiều ngọn lửa đốt bốc ngọn lên cao để làm dấu hiệu lúc ban đêm, giữa rừng núi thâm sâu. Tham gia vào việc đào kinh Vĩnh Tế có khoảng 10.000 người: 5000 dân An Nam và 5000 dân Cao Miên. Công trình này không chỉ đem lại một diện mạo mới cho vùng đồng bằng chiêm trũng mà còn làm hiển vang cho những người tham gia xây dung nó.
Tuy nhiên, đến truyện dân gian về sự tích Núi Bà Đội Om, thì Ngạc Xuyên lại cho ta một cái nhìn khác về công cuộc kiến thiết vùng đất mới. Sự thể, người vợ mới cưới của một nông dân có chồng đi xâu đào kinh Vĩnh Tế, đợi tin chồng cả năm mà chồng chưa về. Nhân mùa gặt vừa xong, người vợ đội trên đầu một cái om gạo mới tự tay cấy, gặt, xay, giã đi bộ từ làng tới công trường. Khi đến nơi, nghe tin chồng chết đã mấy tháng qua. Vì quá đau thương, người thiếu phụ chết đứng trên núi, đầu đội om gạo, người biến thành đá. Từ đó nhân dân gọi núi Bà Đội Om.
Vậy đấy, công cuộc vẻ vang, to lớn khi biến vùng đất hoang hóa thành vùng đất phì nhiêu còn gắn với những nỗi đời, phận người cơ cực lầm than. Để có được chiến công hiển hách của một “vị tướng”, thì phía sau đó không chỉ là sự hi sinh của quân binh manh lệ mà còn cả sự mất mát, tang thương của biết bao người dân vô tội. Câu chuyện về Núi Bà Đội Om chỉ là một lát cắt mỏng phản ánh cả một thước phim lớn về một thời kì “mang gươm đi mở cõi” ở phía nam tổ quốc. Điều này có nghĩa là: bên cạnh những thành tựu to lớn làm nên Hào khí Đồng nai của đất và người Nam Bộ, vẫn còn đó những câu chuyện về những phận người nhỏ bé của những con người bé nhỏ, chân mộc thấm mà đượm tình người.
3. Đất và người Nam bộ trên hành trình giữ nước, và phát huy truyền thống “tập nghĩa”, “dưỡng khí”
Khi đất nước đã thành hình, thì việc giữ gìn hình thế là hết sức quan trọng. Người Nam Bộ không ngừng tổ chức các cuộc kháng chiến để bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm. Đất Nam Bộ trên quá trình hình thành và phát triển đã thẩm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu sương của những người con yêu tự do, chuộng hòa bình và hết mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Hào khí Đồng Nai không miêu tả trực tiếp những cuộc kháng chiến mà thông qua những câu chuyện, những bài thơ về những người kháng chiến chống giặc để làm bật linh khí của đất Nam Bộ, dũng khí của người Nam Bộ.
Trước hết để lí giải cho câu thơ:
Bần ghe đốm đậu sáng ngời,
Rạch Gầm noi dấu muôn đời oanh danh.
Tác giả Hào khí Đồng Nai đã kể, và phân tích lại trận Rạch Gầm – Xoài Mút, năm 1785, qua bài viết Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm – Xoài Mút, trích Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số10, 1965. Thông qua đó, tác giả khẳng định việc đánh tan 20 vạn quân Xiêm là một sự kiện lịch sử vẻ vang của đất và người Nam Bộ. Nó không chỉ chứng tỏ tinh thần đoàn kết dân tộc mà còn mở ra những trang vàng ghi dấu những con người Nam Bộ với những chiến tích oanh danh muôn đời.
Đến khi Pháp xâm lược nước ta, năm 1858, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đoàn kết đứng lên chống giặc. Và, thơ văn Nam Bộ đã không từ chối sứ mệnh lịch sử của mình, cũng tiên phong trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, bài hịch Tây vô lấy nước:
Năm Ngọ bước qua năm Mùi (1859)
Cái vận trời xui
Tây qua lấy nước
Quan Khâm nghe được
Ra ngủ Sơn Trà
Tàu Tây chạy qua
Đánh thắng một trận
Tây bèn nổi giận
Nó chẳng chịu về
Kéo vô Cá Trê
Hãm thành Gia Định.
Bài hịch này nói đến buổi đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, việc quan Khâm – Nguyễn Tri Phương được giao trọng trách tiên phong đánh giặc ở Đà Nẵng, sau ở Gia Định. Và thơ ca chống giặc lại tiếp tục phát huy thế mạnh khi trong cuộc chiến chống Pháp ở Gia Định, Nguyễn Tri Phương đã giao Mạc Như Đông thảo bài hịch kêu gọi sĩ phu và nghĩa binh đánh giặc. Trong đó có đoạn:
Lẽ trời đâu giúp đứa hùng cường,
Phép nước chẳng dung loài tang giặc.
Đem oai linh mà dẹp lũ cường di,
Dám chày việc võ ?
Ra đức cả vỗ người quy thuận
Trước rạch lời văn
Đất Nam Kỳ từ thuở trung hưng,
Dân Gia Định cũng dòng nghĩa khí.
Quả đúng như vậy, Đất Nam Kỳ, Người Gia Định thuộc dòng “nghĩa khí”. Sau các cuộc kháng chiến của Nguyễn Tri Phương chống Pháp. Đất Nam Kỳ liên tiếp chứng kiến những cuộc nổi dậy của con dân, quan binh Nam Kỳ đánh giặc ngoại xâm. Tất cả những gương nghĩa khí ấy đều đi vào thơ văn Hào khí Đồng Nai.
Từ năm 1860 đến 1864, Trương Định phát động cuộc khởi nghĩa tại Gò Công, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An; trong đó có sự tham gia của Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Trần Xuân Hoà, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Đình Chiểu. Về sau, từ năm 1866 đến 1868, Trương Quyền (con Trương Định) phát động phong trào kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười, Tây Ninh. Chuyện về cuộc kháng chiến chống Pháp của gia tướng họ Trương đã được dân gian hóa. Hào khí Đồng Nai cũng kể lại chuyện này. Xin tóm lược như sau:
Huỳnh Văn Tấn, trước cùng kháng chiến với Trương Định, sau bị quân Pháp dụ làm tay sai cho chúng. Tấn đã dẫn quân Pháp đến nơi đóng quân bí mật của Trương Định. Bị địch vây bất ngờ, Trương Định bị thương nặng, tử trận năm 1804. Trương Quyền kế chí cha, di quân lên Hóc Môn tiếp tục kháng chiến. Sau lại rút lên Tây Ninh. Nhưng do bị đàn áp liên tục, Trương Quyền trên đường ra Bình Thuận lập cơ sở đã bị bệnh rồi qua đời.
Sự hi sinh anh dũng của hai cha con danh tướng họ Trương đã để lại bao nỗi tiếc thương của nhân dân Nam Bộ. Điều này được thể hiện ở những bài thơ điếu Trương tướng quân của Nguyễn Đình Chiểu và của các sĩ phu yêu nước khác.
Không chỉ tiếc thương cho Bình Tây đại nguyên soái, những người tham gia cuộc kháng chiến do vị tướng này khởi xướng cũng được được nhân dân mến mộ, lưu danh. Truyện Nguyễn Trung Trực thể hiện rõ tình cảm ấy của nhân dân với các vị anh hùng. Chuyện rằng: Ở Nhật Tảo (Long An), có một nông dân trẻ thường gọi là anh Chài Lịch, rất thảo với mẹ, yêu nước. Lịch cùng bạn bè đi thiêu huỷ tàu chiến của Pháp ở Nhật Tảo. Sau sang Hà Tiên đổi tên là Nguyễn Trung Trực, diệt đồn Kiên Giang, giết tên tỉnh trưởng Pháp, bao vây đánh tàu binh viện trợ Pháp ở kinh Lạc Dục, vùng núi Sập. Khi Nguyễn Trung Trực bị bắt đưa về Sài Gòn, tên Thống đốc Pháp dùng mọi cách dụ hàng, nhưng Nguyễn Trung Trực đã đáp lại lời chiêu dụ ấy bằng câu nói: “Chừng nào hết cỏ đất này, dân Nam mới hết người đánh Tây.
Ngoài ra còn nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp khác gắn liền với những người con kiên trung của đất Nam Bộ. Tất cả họ đều đi vào lịch sử, cuộc đời họ cũng trở nên bất tử trong những áng thơ văn. Ở đây, ta có thể kể thêm cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Huân tổ chức từ Tân An đến Mỹ Tho, giai đoạn 1863 đến 1875. Để làm rõ thêm về người anh hùng này, Hào khí Đồng Nai cũng kể lại Truyện Ngày tử hình Thủ Khoa Huân. Có thể tóm lược như sau:
Tương truyền rằng có một phụ nữ yêu nước từ lâu quý mến khí tiết của Thủ khoa Huân nên đã chuần bị sẵn một tấm lụa trắng, mạnh dạn căng ra hứng đầu rơi xuống của vị chiến sĩ. Cũng tương truyền rằng vị chiến sĩ, trước khi bị chém, ung dung cầm bút viết đôi câu đối:
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị;
Tuy công bất tựu, duệ tương nhất tử báo quân ân.
Cùng với những mẩu chuyện, những giai thoại còn có không ít bài vè nói về cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Bài Vè Quản Hớn khởi nghĩa có những đoạn như:
Đoạn đầu:
Giáp Thân dĩ mãn (1884), Ất Dậu (1885) đáo lai,
Chánh ngoạt (nguyệt) sơ khai (tết 1885) đảo huyền trăm họ.
Mừng xuân, có pháo, có nêu,
Có đầu đốc phủ đang bên cột cờ.
Đoạn cuối:
Huyện Bình Long bất luận trẻ già,
Đều bắt hết đem ra trường bố.
Trời sanh dân vắn cổ,
Kêu chẳng đặng lòng trời.
Việc tân trào kêu đã hết hơi,
Thà thủ thác ưng hườn như họ.
Việc tân trào xét lại chẳng xong,
Câu tích ác có khi phùng ác.
Cư vương thổ, sống thì gởi nạc,
Tá vương thần, thác lại gởi xương.
Đã gợi cho người đọc nhớ lại cuộc khởi nghĩa của Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bường tổ chức đấu tranh chống Pháp ở Hóc Môn năm 1885.
Từ những dẫn liệu trên, Hào khí Đồng Nai đã cho ta góc nhìn mềm mại hơn khi soi vào lịch sử đấu tranh giữ cõi của đất và người Nam Bộ. Trong cuộc kháng chiến khốc liệt ấy, người Nam Bộ đã mượn thơ văn để ghi lại những cuộc chiến đấu của những người anh hùng quả cảm. Người Nam Bộ cho hậu thế thấy rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì thể hồn chất phách của họ cũng không thay đổi – đấy là thể chất khoáng đạt, lạc quan, coi lẽ sống chết, sự nhân sinh như khinh khí.
Song song với việc phát huy truyền thống đấu tranh chống gìn giữ non sông, người Nam Bộ cũng không ngừng xây dựng cho mình những giá trị văn hóa truyền thống riêng – đó là văn hóa “tập nghĩa”, “dưỡng khí”.
Trước hết, Hào khí Đồng Nai đã chứng minh được truyền thống hiếu học của người Nam Bộ qua bài viết Khổng học ở đất Đồng Nai, trích Đại Việt tâp chí, số 10 năm1943. Bài nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng phản bác ý kiến của một số người Pháp khi họ cho rằng “Dân Nam kỳ vô đạo nghĩa do tổ tiên là hạng người vô loại”. Đồng thời, cũng chứng minh được đất Đồng Nai có nền Hán học, có giáo dục, có đạo nghĩa và có Khổng học qua bài dịch Bài văn về miếu Khổng Tử ở Vĩnh Long và bài văn về Võ Trường Toản do Phan Thanh Giản soạn.
Từ nền Hán học ấy, Hào khí Đồng Nai hướng góc nhìn của người đọc đến phương pháp giáo dục theo lối “tri ngôn”, “dưỡng khí” do Võ Trường Toản khởi xướng. Từ việc tiếp thu lối giáo dục này, người Nam Bộ đã không ngừng “tập nghĩa” để dần biến phương pháp giáo dục, học tập của tiên sinh họ Võ thành một nét văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng.
Trong Hào khí Đồng Nai, có hàng loạt những mẩu chuyện về việc nghĩa – đây chính là biểu hiện “tập nghĩa” (tập hợp việc nghĩa, phát huy khí tiết sự trọng nghĩa) của tác giả công trình này. Có thể tóm tắt hàng loạt truyện về những tấm gương “tập nghĩa” như:
Truyện Tấn sĩ Phan Hiển Đạt: Cố lão kể đại khái rằng: khi Tây chiếm Định Tường, Đốc học Đạo (Tấn sĩ Phan Hiển Đạo) có mộ binh đánh Tây, bị thất trận, ông trở về làng, có lui tới đồn Tây, có gặp phủ Tường (Tôn Thọ Tường). Khi quan Phan (Phan Thanh Giản) vào trấn Vĩnh Long, ông đến gặp quan Phan, quan Phan viết mấy chữ, ý nói làm việc cho Tây như người đàn bà mất trinh tiết. Đọc chữ phê của quan Phan, ông tự thấy rất xấu hổ, nên về uống thuốc độc mà chết.
Truyện này đề cao sự liêm sĩ của nho sĩ và những người còn ý thức được sự liêm sĩ trong cách ứng xử trước cảnh nước mất nhà tan.
Truyện Trương Tấn Chí: Nhắc gương Trương Tấn Chí, cháu Trương Tấn Bửu, người thanh niên hi sinh anh dũng ở xã Tân Hào (Bến Tre). Nhân dân vùng Hương Điểm kể chuyện rằng: Khi cậu ba, cậu năm xướng nghĩa, Trương Tấn Chí cùng với nghĩa binh tấn công đồn Hương Điểm, Tấn Chí xung phong leo lên cột cờ, vứt cờ ba sắc xuống đất, bị súng giặc bắn rơi theo cờ. Một vị phụ lão được gọi là Hương Điểm can đảm đã đưa thi hài Tấn Chí đi nơi khác, rồi cùng với nhân dân tổ chức đám tang rất trọng thể.
Truyện này nói đến hai việc nghĩa: việc thứ nhất nói về cái “nghĩa” với non sông; việc thứ hai nói về cái “nghĩa” với những người ngay trong hành động, thảo trong lối sống.
Bên cạnh những việc nghĩa của đấng nam nhi, thì việc nghĩa của các liệt nữ cũng được Hào khí Đồng Nai nhắc đến. Đơn cử như Truyện Nguyễn Thị Tồn. Truyện lược như sau: Ông Bùi Hữu Nghĩa, người cương trực, sau khi thi Hương đậu thủ khoa, được cử làm Tri huyện Trà Vinh. Khi nhận được đơn khiếu nại của một số người Khơme ở rạch Láng Thé, bị quan trên ra lệnh cấm không cho chài lưới trong rạch vì có tên điền chủ hối lộ quan trên giành quyền lợi đánh cá cho hắn. Thủ khoa Nghĩa sau khi điều tra rõ, cho phép nông dân Khơme chài lưới trong rạch như xưa. Thế là gây ra trận xô xát đẫm máu. Quan Tổng đốc và Bố chánh tỉnhVĩnh Long sẵn ghét tính cương trực của Tri huyện, nhân đấy, đưa Thủ khoa Nghĩa ra xét xử, kết án tử hình, phải chờ lệnh vua phê chuẩn. Nguyễn Thị Tồn, vợ Thủ khoa Nghĩa, đội đơn ra tận đế đô Huế để minh oan cho chồng. Triều đình tha án tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa. Khi Nguyễn Thị Tồn mang bệnh từ trần, Thủ khoa Nghĩa khóc điếu vợ “Ngã tư bần, khanh độc năng trợ, ngã chi oan, khanh độc năng minh, triều quận cộng xưng khanh thị phụ”.
Truyện này cũng nói đến hai việc nghĩa: một là việc nghĩa với nhân dân; hai là việc nghĩa vợ chồng.
Cùng với việc “tập nghĩa”, Hào khí Đồng Nai còn là quá trình “dưỡng khí”, “tri ngôn” qua các câu chuyện về cách ứng xử với thời thế của các sĩ phu Nam Bộ. Truyện Đồ Chiểu đối đáp với Ponchon thể hiên tinh thần “dưỡng khí” trước sức mạnh của lợi ích và quyền lực. Chuyện kể rằng: Ở Bến Tre, có người còn nhắc và ca tụng câu Đồ Chiểu trả lời tên chủ tỉnh Bến Tre Ponchon (Pông-sông): chủ tỉnh đi với thông ngôn Hiền (sau là đốc phủ Lê Quang Hiền) đến nhà Đồ Chiểu. Ông Đồ viện cớ bệnh không tiếp. Hai người đi vào tận buồng ông Đồ, xin ông cho biết ranh đất của ông ở Tân Thới thế nào để nhà nước biết rõ và sẵn sàng trả lại cho ông. Ông Đồ trả lời ngay: Đất vua đã mất, thì đất riêng có sá gì.
Còn ở Truyện Cử Trị làm bài “Phú ăn thịt càn đước”, lại cho người đọc một điểm nhìn khác về cách mà người Nam Bộ “dưỡng khí”. Ở đấy, quá trình bồi dưỡng dũng khí, nâng cao chính khí của anh hùng gắn liền với quan niệm sống theo lẽ phải, hợp thời chứ không chịu ràng buộc của bất cứ ý thức hệ tư tưởng chính thống nào. Nhân vật trong truyện là một nho sĩ, nhưng đã vượt lên trên đạo đức Nho giáo, thoát khỏi lối “trung quân ái quốc” giáo điều để bổi dưỡng “chính khí” theo nguyện vọng của nhân dân. Lược dẫn như sau: Có vị cố lão ở Bình Thuỷ (Cần Thơ) kể chuyện: Cử Trị cùng với vài người bạn thân ở Phong Điền làm thịt rùa uống rượu. Giữa buổi tiệc rượu, Cử Trị cười nói: Chúng ta thử làm bài phú ăn thịt càn đước (trong Nam gọi một loại rùa là càn đước, xin xướng ra mấy ý này:
Trảm càn đước chi đầu (chém đầu càn đước),
Ẩm càn đước chi huyết (uống huyết càn đước),
Phanh càn đước chi thi (xé thây càn đước),
Thực càn đước chi nhục thi (ăn thịt càn đước).
Cử Trị vừa dứt lời, mọi người cười to, uống cạn ly rượu.
Hay như Truyện Già Ba Tri: Ở Ba Tri (Bến Tre), có tên cường hào hối lộ bịt miệng quan lại huyện, tỉnh, đắp đập ngăn rạch Ba Tri, cưỡng ép nhân dân không buôn bán tại chợ cũ Ba Tri. Hắn ép dân nhóm chợ mới đã lập trên đất của hắn, mong được xây cất nhà, phố nhằm thu lợi. Đại biểu nhân dân, có ba ông lão đưa đơn kiện tên cường hào trên huyện, tỉnh đều không được. Ba ông lão khăn gói, chịu gian khổ ra tới đế đô, dâng đơn cáo trạng lên vua. Ba ông lão được triều đình giao quyền cho nhóm họp tại chợ Ba Tri cũ.
Truyện này đã giúp người đọc thấy rõ được cái dũng, khí tiết của những vị cố lão ở Nam Bộ. Từ đó, tác giả khơi dậy niềm lạc quan, sự tích cực ở quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh chống lại cường quyền.
Ngoài ra, bổ thêm cho lối giáo dục “tri ngôn”, Hào khí Đồng Nai còn dẫn ra những câu đối, những câu họa chống lại cách sống bi, dâm, tà, độn ngôn của những kẻ trí trá, xu thời. Điển nhìn như:
- Phan Văn Trị với những bài họa thơ của Tôn Thọ Tường – cảm tác Tích Tôn phu nhân; Hoạ lại mười bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường; rồi những bài thơ viết về Con Trâu, Con Muỗi, Con Mèo, Con Rận, Con Cua, Đá Cá Lia Thia (I, II).
- Huỳnh Mẫn Đạt với hai bài đối đáp với Tôn Thọ Tường khi gặp ở Bồn Kèn; Hoạ lại bài Đĩ già đi tu của Tôn Thọ Tường.
- Lê Quang Chiểu: Mười bài thơ hoạ lại mười bài tự thuật của Tôn Thọ Tường.
- Bùi Hữu Nghĩa: Hoạ thơ Tôn Thọ Tường.
- Võ Trường Toản: Phú Hoài Cổ.
- Câu đối của nhân dân đối lại vế câu của của kẻ xu nịnh Đỗ Hữu Phương:
Hạt Chợ Lớn có nhà họ Đỗ, đỗ một nhà Ngũ Phước tam gia;
Chốn Lao Rồng có đám thằng Phung, phung cả đám bát cùng cứu khổ.
- Câu đối điếu Võ Duy Dương:
Ẩm hận anh hùng, tự bắc, tự nam, Thập tháp hương yên trường diếu diếu;
Kiên can tuấn kiệt, như kim, như cổ, Ngũ linh phong độ thượng y y.
- Câu đối điếu Nguyễn Quang Diệu:
Hồ hải từng quen Âu, Á, Mĩ;
Dạ đài còn tạc Hiếu, Trung, Can.
Tới đây, ta có thể khẳng định rằng, hành trình dựng nước, giữ nước của người và đất Nam Bộ chính là quá trình người Nam Bộ “tập nghĩ”, “dưỡng khí”.
Tóm lại, từ góc nhìn Hào khí Đồng Nai, đất và người Nam Bộ hiện ra một cách sinh động qua cách cảm của các tác giả văn học dân gian cũng như tác giả văn học viết. Ở đấy, trước hết ta gặp hình ảnh người Nam Bộ qua chính cuộc đời tác giả Hào khí Đồng Nai. Hình ảnh ấy hiện ra như chính nhận xét trong công trình này: Con người Nam Bộ[6] luôn tỏ ra xứng đáng với ý chí kiên cường, bất khuất và tài mưu lược. Con người Nam Bộ cần cù ở chỗ làm cật lực, làm xong là nghỉ chứ không lề mề. Con người Nam Bộ thật thà, thẳng thắn, trái tim để trong lòng bàn tay. Không rào đón, không màu mè trong câu văn, lời nói và cả trong nếp nghĩ. Họ rất mực thương người, thương người với đặc trưng là hào hiệp, ít chịu ràng buộc những lễ giáo phong kiến. Họ rất chủ động, tích cực trong việc tiếp thu cái mới. Đối với bất công họ đấu tranh ngay. Họ thường nóng nảy nhưng lại rất biết phục thiện. Bên cạnh đó, Hào khí Đồng Nai hướng đến một Nam Bộ với những thuận lợi về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, sinh thái. Từ đấy, công trình phản ánh sự lạc quan của con người trên vùng đất phía nam của tổ quốc. Hơn nữa, tác giả công trình đã khẳng định rằng: Hào khí Đồng Nai được hun đúc từ sự phát triển song song của hai quá trình – quá trình dựng nước, giữ nước; với quá trình “dường khí”, “tập nghĩa” của người Nam Bộ. Cuối cùng, từ phương pháp và hướng nghiên cứu của Ngạc Xuyên đã đặt ra hướng nghiên cứu khá độc đáo về văn học Nam Bộ – đó là kết hợp phương pháp lịch sử cụ thể và phương pháp thống kê. Tức là ngoài việc nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm, tiểu sử tác giả, còn phải đi sâu tìm hiểu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử mà cụ thể là các sự kiện lịch sử tới văn học.
Lê Sỹ Đồng/VHSG
(Khoa Sư phạm, ĐH Thủ Dầu Một)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngạc xuyên (1943), Khổng học ở đất Đồng Nai, Đại Việt tâp chí, số 22 và 23.
- Ngạc Xuyên (1943), Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Đại Việt tâp chí, số 2.
- Ngạc Xuyên (1943), Nguyễn Văn Thoại với sự đào thoại hà và kinh Vinh tế, Đại Việt tâp chí, số 28.
- Ngạc Xuyên (1943), Minh bột di ngư – Một quyển sách hai thi xã, Đại Việt tâp chí, số 12.
- Ca văn Thỉnh (1965), Mạc thị gia phả và trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10.
- Ngạc Xuyên (1975), Ý nghĩ về văn học sử Nam bộ và mối quan hệ Bắc Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, HN, số 3.
- Ca Văn Thỉnh (1976), Sự nghiệp của Thủ khoa Huân là một bài ca chính khí, Văn nghệ TP. HCM, số 608.
- Ca văn Thỉnh (1983), Hào khí Đồng Nai, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
- Ca văn Thỉnh (2014), Hào khí Đồng Nai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Lê Trung Dũng (2007), Vài nét về vấn đề chủ quyền đối với vùng đất Nam Bộ vào những thập niên giữa thế kỉ XIX, Nghiên cứu lịch sử, số 12
- Nguyễn Mạnh Dũng (2011), Nguyễn Cư Trinh và vùng đất Nam Bộ thế kỉ XVIII, Nghiên cứu lịch sử, số 4
- Lê Thị Kim Út (2011), Gia Định tam thập cảnh trong văn học Nam Bộ thời kì mở cõi, Tạp chí Khoa học xã hộ, số 8
- Võ Thị Thanh Tùng (2013), Tính cách người Nam Bộ – Dấu ấn đặc sắc trong du kí Nam Bộ nửa đầu thế kỉ XX, Tạp chí ĐH Sư phạm, số 44
- Nguyễn Đức Hiệp (2014), Săn bắt thú vật hoang dã ở Nam Bộ đầu thế kỉ XX, Tạp chí nghiên cứu và phát triển, số 9
- Đào Thị Bích Hồng (2014), Nam Bộ – Nơi khởi đầu cuộc kháng chiến thần thánh, Tạp chí Giáo dục lí luận, số 222
- Huỳnh Văn Tới (2014), Vai trò của văn hóa dân gian trong quá trình phát triển của Nam Bộ, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 3
CHÚ THÍCH:
[1] Xem Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin tr. 442 – 443
[2] Xem Ca văn Thỉnh (2014), Hào khí Đồng Nai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 24 – 25
[3] Xem Ca văn Thỉnh (2014), Hào khí Đồng Nai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 29
[4] Xem Ca văn Thỉnh (2014), Hào khí Đồng Nai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 32
[5] Xem Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin tr. 442 – 443
[6] Xem Ca văn Thỉnh (2014), Hào khí Đồng Nai, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 35