Dấu ấn lãng mạn trong ‘Hồn bướm mơ tiên’

4316

Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khái Hưng là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng. Cùng với Nhất Linh, ông là cây bút chính của Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng là Hồn bướm mơ tiên được viết năm1933. Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Thanh Đức được viết năm 1943 và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm.

Tác phẩm Hồn bướm mơ tiên

Hồn bướm mơ tiên là một tiểu thuyết không dài, chỉ khoảng chừng một trăm trang giấy nhưng nó lại là tác phẩm nổi tiếng nhất của Khái Hưng được nhiều người say mê hăm mộ. Và tác phẩm này có lẽ là sáng tác thành công nhất của ông.

Ngay từ tiểu thuyết đầu tay này, nhà văn đã thể hiện được một quan niệm mới, một cách cảm nhận mới về con người. Nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn không còn là những ước lệ, công thức, tác giả đã ý thức rất rõ của một nhà tiểu thuyết là chỉ tả những cảnh ngộ, những hình trạng. những tính tình của một xã hội của một thời đại mà thôi. Khái Hưng đã tập trung khám phá mô tả khẳng định mẫu hình nhân vật mới, một kiểu nhân vật lãng mạn. Vì vậy, tác phẩm này mang đậm dấu ấn lãng mạn.

Trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, tác giả không khai thác sâu vào hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật với những mối quan hệ nhiều màu nhiều vẻ phức tạp mà nhà văn tập trung vào miêu tả tình yêu lãng mạn giữa nhân vật Ngọc và nhân vật Lan, hai nhân vật chính trong tác phẩm.

Đây là một chuyện tình núp dưới bóng từ bi của phật giáo. Thông qua cuộc đấu tranh giữa ái tình và tôn giáo, Khái Hưng đã làm nổi bật được tính cách, lí tưởng của hai nhân vật chính. Tình yêu của họ hấp dẫn ngay từ đầu câu chuyện. Chàng trai tên Ngọc gặp chú tiêu tên Lan ở chùa Long Giáng kiều diễm dưới bộ áo tu hành. Ngọc nghĩ Lan là gái nên để tâm theo dõi và cũng từ đó Ngọc đã đem lòng yêu Lan. Nếu như con người Lan hoàn toàn thuộc về thế giới tôn giáo, không còn xúc động gì với tình yêu đôi lứa thì cuộc tìm kiếm của Ngọc sẽ vô ích như đuổi theo một chiếc bóng vô hình. Nhưng ngược lại, trái tim của chú tiểu Lan cũng không khỏi bồi hồi xúc động trước tình yêu thầm lặng của Ngọc. Tuy nhiên, Lan không phải là người con gái dễ bị sa ngã. Nàng cố đấu tranh chính bản thân mình để chối từ tình yêu của Ngọc. Mỗi lần Ngọc cố ý dò hỏi, Lan lại lẩn tránh. Như khi Lan được Ngọc khen “Nhưng chú thuật khéo lắm, lại thêm chú có cái giọng dịu dàng, êm ái qua!” thì Lan lại lẩn né sang chuyện “Chết chửa nói mãi hôm nay đến lượt tôi thỉnh chuông, ta đi thôi không về trễ cụ quở”.

Mặc dù Lan có cảm tình với Ngọc nhưng nàng cố bám víu vào đạo phật, trốn tránh mà vẫn yêu. Trong lòng nàng diễn ra một sự đấu tranh gay gắt giữa ái tình và tôn giáo. Đến với tình yêu, Lan sung sướng vì thấy đúng với bản chất và những mong muốn của mình nhưng nàng lại mang cảm giác tội lỗi với phật tổ và những lời hứa của một người đã quả quyết dứt bỏ cuộc sống trần tục. Không khỏi có lúc Lan tự dối lòng mình và xem ái tình là chuyện nhỏ nhen tầm thường, dẽ gạt bỏ nhưng rồi chính nó lại là thứ to tát,chứa chan khắp linh hồn của Lan. Sự có mặt của Ngọc trên cõi đời này đã đánh thức tình yêu trong sáng của Lan nhưng nó lại bị lớp sương mù lạnh giá của tôn giáo bao bọc lấy người con gái này.

Khi miêu tả Lan, nhân vật chính trong truyện, tác giả dường như dồn hết trìu mến vào nàng, một người con gái xinh đẹp, thông minh, trang nhã. Vì vậy, Ngọc yêu Lan cũng hoàn toàn có lí dù bên ngoài Lan giả trai.

Nếu như Lan cố tình để che đậy tình yêu của mình, luôn mượn những triết lí tôn giáo để răn đe mình thì ngược lại chàng trai Ngọc không bị ràng buộc bởi một tín điều tôn giáo nào, lại luôn tìm cách để bộc lộ nó. Mối quan tâm duy nhất của chàng là Lan là gái hay trai? Và khi biết được Lan là con gái thì cái cảm tình ban đầu biến thành tình yêu nồng nàn và chàng tha thiết yêu Lan. Tình yêu của Ngọc và Lan là tình yêu đầy lãng mạn, trong sáng và cao thượng. Và dù tình yêu ấy có sâu đậm đến thể nào cũng chỉ có thể dừng lại ở giới hạn mà tôn giáo đã định. Lan đành phải thú nhận với Ngọc mình là con gái và chấp nhận tình yêu của Ngọc với những dè dặt tinh vi nhất. Ngọc kẻ kiếm tìm và khao khát yêu đương cũng chỉ dừng lại ở mức độ Ngọc nguyện suốt đời chàng “Tôi không lấy ai chỉ sống trong cái mộng ảo của ái tình lý tưởng, của ái tình bất vong bất diệt”. Lời nói của Ngọc có phần không tưởng và xa vời quá nhưng nó đã thể hiện được sự dung hòa giữa tình yêu và tôn giáo. Tình yêu của họ chưa đủ sức mạnh để đấu tranh gạt bỏ tôn giáo. Vì vậy, nó phải dung hòa và nhượng bộ tôn giáo.

Với Hồn bướm mơ tiên, kiểu nhân vật lãng mạn đã xuất hiện và tạo được sự chú ý của người yêu văn học. Tác giả đã tạo cho nhận vật một môi trường thích hợp trong thế giới thiên nhiên tạo vật để cho tình yêu lãng mạn nảy nở. Qua tình yêu của hai nhận vật chính, nhà văn cũng nhằm ca ngợi ái tình, một tình yêu lí tưởng, trong sáng và cao thượng.

Bằng giọng văn mượt mà, truyền cảm, nhà văn Khái Hưng đã thành công khi khắc họa một mối tình hết sức đẹp đẽ, lãng đãng giữa Lan và Ngọc. Từ đó, chúng ta thấy được giữa đạo và đời đang có sự giằng xé, đấu tranh. Lan và Ngọc thật sự yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau. Tuy vậy, họ xem đó là thứ tình cảm đẹp nhất, luôn cất giữ trong lòng đến bạc đầu và nguyện mãi tôn thờ. Đó chính là cái nhìn đầy chất lãng mạn của Khái Hưng trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên.

T.T.X