Dấu ấn văn học đương đại Cuba

817

Những ai từng nghiên cứu hoặc chí ít chỉ tìm hiểu vài nét cơ bản về văn học Cuba đều biết Cuba chính là nơi sinh ra tiểu thuyết gia Alejo Carpentier với Sự tráo trở của phương pháp. Ông là người khởi đầu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ở Mĩ Latinh, và đến lượt Gabriel García Márquez với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn thì trường phái đó đã phát triển một cách rực rỡ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng có bốn năm tuổi trẻ học tại quốc đảo Cuba thừa nhận rằng, ngòi bút của mình cũng mang tinh thần hiện thực huyền ảo, nhưng với mục đích “biến hiện thực văn hóa Việt trở nên đẹp đẽ hơn, lộng lẫy hơn và chiều kích rộng hơn”. Chính trí tưởng tượng, lòng nhiệt thành, khả năng sáng tạo vô bờ trong nền văn hóa Cuba đã “chêm” cho ông những yếu tố cơ bản. Ông nghiệm ra rằng, khi biết thêm một ngôn ngữ (tiếng Tây Ban Nha) khiến cho ngôn ngữ mẹ đẻ trong văn thơ ông trở nên sâu sắc và rành mạch hơn. Cũng là du học sinh học tại quốc đảo, hơn ai hết, tôi – người viết bài này – hiểu được văn học Cuba ảnh hưởng tác động như thế nào tới giới văn sĩ từng sống và học tập tại đây như nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Bắt nhịp được nguồn cảm hứng đó, tôi muốn phác thảo một vài nét đặc trưng nhất của nền văn học Cuba đương đại.

Là một quốc đảo nhỏ bé nằm trong vùng Caribe, nhưng Cuba sở hữu một nền văn học sung mãn, có tầm ảnh hưởng không nhỏ ở Mĩ Latinh và toàn bộ văn học tiếng Tây Ban Nha. Nền văn học nơi đây được biết đến qua các nhà văn nổi tiếng như: anh hùng dân tộc José Martí (người khởi xướng chủ nghĩa hiện thực Mĩ Latinh), Gertrudis Gómez de Avellaneda, José María Heredia, Julián del Casal, Nicolás Guillén, José Lezama Lima, Alejo Carpentier (nhà văn đoạt giải Cervantes 1977 và được đề xuất cho giải Nobel văn học), Guillermo Cabrera Infante (giải Cervantes 1997), Virgilio Pi era, Dulce María Loynaz (giải Cervantes 1992), Leonardo Padura (giải thưởng văn học Princesa xứ Asturias 2015)… Bàn về văn học đương đại Cuba nghĩa là bàn về những tác phẩm của rất nhiều tác giả Cuba được xuất bản ở các quốc gia trên thế giới (như Mĩ, Mexico, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp…) chứ không riêng gì các tác phẩm được in ấn ở Cuba. Nhưng dù các tác phẩm ấy được phát hành ở đâu thì ta cũng thấy các nhà văn thuộc nhiều thế hệ của hòn đảo đều mang đến cho văn chương những nét độc đáo riêng.


Nhà văn Leonardo Paduro.

Văn chương Cuba cho ta thấy niềm đam mê với thiên nhiên, sự phóng khoáng trong lối suy nghĩ và cả những khiêm tốn trong từng cử chỉ của con người nơi đây. Nhưng có thể thấy, những cuốn sách hay nhất của văn học Cuba đều ca ngợi hòn đảo lửa trong quá trình chống lại ách cai trị của thực dân, những bi kịch về nỗi thống khổ của con người, và trên tất cả, các tác giả đặt vào đó niềm hi vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Sau thành công của Cách mạng năm 1959, văn học Cuba trở nên hấp dẫn và táo bạo với phong cách viết trang trọng, đồng thời cũng bình dân, thực tế nhất có thể. Mỗi nhà văn Cuba mang vào tác phẩm một tiếng nói riêng, thể hiện nhiệt huyết riêng của họ. Qua đó, bạn đọc thế giới có thể tìm thấy một bản đồ độc đáo hướng dẫn hành trình tìm hiểu hòn đảo lửa đầy nắng và gió này.

Văn học Cuba, cũng như nhiều nền văn học khác, phát triển qua thăng trầm của lịch sử. Nếu như nói việc tạo dựng hình ảnh đất nước thông qua những tác phẩm văn học là điều quan trọng, thì văn học Cuba luôn hoàn thành sứ mệnh ấy. Ta thấy trong những tác phẩm văn học Cuba một tinh thần quật cường, không sợ áp bức, cũng chẳng màng đến lệnh cấm vận hà khắc bủa vây. Sáng tác của các nhà văn Cuba ảnh hưởng không chỉ đến nhận thức của người dân nơi đây, mà còn lan tỏa ra nền văn học thế giới qua nhiều tác phẩm được chuyển ngữ.

Dễ dàng điểm ra một số “văn hiệu” của văn học Cuba như: Julián del Casal và José Martí (chủ nghĩa hiện thực), Yoss – José Miguel Sánchez Gómez (“chuyên gia” về tiểu thuyết sci-fi), Juan Pedro Gutiérrez (chủ nghĩa siêu hiện thực) hay Leonardo Paduro (“đại thụ” tiểu thuyết tội phạm) và hàng trăm tác giả đương đại khác vẫn mang hơi hướm chủ nghĩa hiện thực huyền ảo kiểu Alejo Carpentier và Gabriel García Máquez vào tác phẩm của mình. Sự hội tụ của nhiều thế hệ cầm bút ở mỗi quốc gia luôn tạo nên những xung khắc nhất định, nhưng chính xung khắc ấy lại góp phần tô điểm cho bức tranh văn học đương đại những nét nhấn nhá thú vị.


Nhà văn Yoss – José Miguel Sánchez.

Văn học Cuba sau Cách mạng đã và đang được vẽ nên bởi nhiều đường nét, màu sắc đa dạng. Các nhà văn đương đại bắt đầu hình thành cho mình những khuynh hướng sáng tác và đề tài mới mẻ, dựa trên nền tảng vững chắc vốn có. Nhiều giá trị mới theo thời gian dần định hình. Nếu như văn học Cuba trước Cách mạng chủ yếu viết về chiến tranh, thì nay, khi giành được nền độc lập, “biên giới” đề tài được mở rộng hơn. Nicolás Guillén hay giáo sư văn học Eduardo Heras León (người sáng lập Trung tâm Phát triển kĩ năng văn học Onelio Jorge Cardoso từ năm 1998, nhằm đào tạo nên những tài năng văn học trẻ)… là những gương mặt làm nên sự đa dạng, mới mẻ cho nền văn học quốc đảo. Một trong những khuynh hướng sáng tác của các nhà văn đương đại Cuba vẫn là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, nghĩa là vẽ nên cái nhìn hiện thực về thế giới hiện đại, đồng thời bổ sung thêm yếu tố huyền ảo. Từ Alejo Carpentier (Cuba) đến Gabriel García Máquez (Colombia) hay Juan Rulfo (Mexico)…, tất cả tác phẩm của họ đều để lại dư âm và tinh thần cho các sáng tác của nhiều cây bút Cuba đương đại. Chủ nghĩa này từng là nền tảng quan trọng trong nền văn học Cuba và ở thời điểm hiện tại nó vẫn là mảnh đất được khai phá bởi nhiều cây bút. Các nhà văn Cuba dũng cảm đối mặt với hiện thực xã hội (sự khó khăn về kinh tế, cấm vận…) nhưng không quên khoác lên mình màu áo ma thuật huyền ảo để vừa khai thác, vừa ẩn náu hiện thực dưới ngòi bút của mình.

Một nhánh trong khuynh hướng sáng tác của các nhà văn đương đại Cuba không thể không kể đến là tiểu thuyết tội phạm. Ở thời điểm hiện tại, bậc thầy về thể loại này với nhiều tác phẩm nhất ở quốc đảo chính là đại thụ Leonardo Padura – một trong những ngòi bút Cuba có ảnh hưởng nhất trong nền văn học đương đại. Ông được biết đến với tác phẩm vĩ đại El hombre que amaba a los perros (Người đàn ông yêu chó) và nhiều tiểu thuyết trinh thám viết về thám tử Mario Conde. Các tác phẩm của Padura đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giành những giải thưởng danh giá, thể hiện rõ sở thích của ông trong kết hợp truyện kể với nghiên cứu văn học, lịch sử.

Một nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết của Cuba là Ernest Hemingway. Sau Thế chiến thứ hai, tiểu thuyết gia người Mĩ này quay lại Cuba định cư. Hai mươi năm đắm mình trong gió biển Caribe, hít hà hơi thuốc và hương rượu Cuba đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho ông. Tại đây, Hemingway viết nên kiệt tác văn học Giã từ vũ khí (1929), Chuông nguyện hồn ai (đoạt giải Pulitzer 1941) và khi đặt chân đến làng chài Cojímar – nơi ghi dấu neo thuyền của ông – nắng gió làng chài đã “châm ngòi nổ” cho kiệt tác kinh điển Ông già và biển cả (1952) kể lại cuộc chiến không cân sức giữa ông già Cuba và con cá khổng lồ. Các tác phẩm của tiểu thuyết gia Hemingway được viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lí sâu sắc về lẽ sống hay mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Thông điệp con người không sinh ra để dành cho thất bại, con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại trong Ông già và biển cả ngày nay vẫn còn đậm dấu ấn trong nhiều tác phẩm viết về thiên nhiên hùng vĩ và sức mạnh ý chí của người dân quốc đảo.

Văn học Cuba không chỉ là sự tiếp nối José Martí, Alejo Carpentier hay Ernest Hemingway, mà còn là sự sáng tạo không ngừng. Nổi lên trong các khuynh hướng sáng tác, ta bắt gặp một Juan Pedro Gutierrez, hay một Fernando Velázquez Medina, luôn gắn mình với chủ nghĩa siêu hiện thực. “Siêu” ở đây không mang nghĩa “thoát ra khỏi” hiện thực, mà đồng nghĩa với “cực kì”, nghĩa là các tác phẩm lột tả hiện thực xã hội ở mức độ không thể thực hơn. Những tác phẩm của Juan Pedro Gutierrez như Animal tropical (Động vật nhiệt đới), Carne de perro (Thịt chó), El Rey de La Habana (Vị vua của La Habana)… minh chứng sống động cho điều đó.


Nhà văn Juan Pedro Gutiérrez.

Một người Việt từng học tại quốc đảo như tôi viết về văn học nơi đây sẽ là thiếu sót nếu không bàn đến những tác phẩm đóng vai trò cầu nối giữa Việt Nam và Cuba, nhất là khi từ nhiều thập kỉ nay hai nước đã kết tình anh em gắn bó. Viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho cầu nối giữa hai đất nước là tác phẩm La edad de Oro (Tuổi vàng) của anh hùng dân tộc José Martí – người sáng lập Đảng Cách mạng Cuba và là nhân vật tiêu biểu nhất của nền độc lập Cuba, đồng thời cũng là một nhà thơ và tiểu thuyết gia có các tác phẩm được “tái khám phá” như một sự tái tạo toàn bộ bảng chữ cái tiếng Tây Ban Nha từ thế kỉ XIX. Đọc các tác phẩm của José Martí, người ta cảm nhận được bề sâu tư tưởng của vị chính trị gia này. Tuổi vàng là một tập truyện ngắn giả tưởng về chủ nghĩa anh hùng và công lí viết cho trẻ em châu Mĩ nhưng đã đến được với độc giả nhiều lứa tuổi bên ngoài châu lục. Trong Tuổi vàng, qua mẩu truyện ngắn Un paseo por la tierra de los anamitas (Một cuộc dạo chơi trên mảnh đất An Nam), vị lãnh tụ Fidel Castro từng nói: “José Martí là người Mĩ Latinh đầu tiên khám phá ra mảnh đất An Nam.” Nhiều thế hệ độc giả Cuba cũng nhờ đó mà biết đến Việt Nam.

Phải thừa nhận một điều rằng, số lượng tác phẩm đương đại Cuba được chuyển ngữ và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam là chưa nhiều. Sau tập thơ của Nicolás Guillén (do nhà thơ Xuân Diệu và một số người khác dịch), mãi sau này, khi một số người đi học ở Cuba về, việc chuyển ngữ các tác phẩm Cuba mới có chút khởi sắc. Cuốn El Recurso del Método của Alejo Carpentier (do các dịch giả Nguyễn Trung Đức và Nguyễn Quốc Dũng chuyển ngữ), được Nhà xuất bản Tác phẩm mới (tiền thân của Nhà xuất bản Hội Nhà văn) in năm 1981 với tựa đề Sự tráo trở của phương pháp. Những năm gần đây, độc giả Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn với các tác phẩm của Cuba được dịch sang tiếng Việt như: Vụ án Moncada (El Juicio del Moncada) của Marta Rojas, in năm 2013; Tìm về chân lí (Un encuentro con la verdad) của Guillermo García Frías, in năm 2015; Tập trung! Điểm danh! (Atención! Recuento!) của Juan Almeida, in năm 2016 hay Bertillon 166 của José Soler Puig, in năm 2017… Đặc biệt, có một tác phẩm quan trọng của Fidel Castro được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật dịch và giới thiệu với bạn đọc thông qua một bản tiếng Pháp, đó chính là bản tự bào chữa nổi tiếng của Fidel Castro trước tòa án của chế độ độc tài Batista: Lịch sử sẽ xóa án cho tôi (La Historia me absolverá). Đây được xem là bản cương lĩnh của cách mạng giải phóng dân tộc ở Cuba. Tác phẩm này sau đó đã được dịch lại theo bản tiếng Tây Ban Nha để đảm bảo tính chính xác hơn về từ ngữ và sự kiện. Bên cạnh đó còn có các cuốn sách do Fidel Castro chủ biên như Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược (La victoria estratégica) và Cuộc phản công có ý nghĩa chiến lược (La contraofensiva estratégica) do Nhà xuất bản Trẻ in năm 2013.

Ở phía Cuba đã xuất bản tập sách Fidel Castro: Người du kích vùng Caribe ở vĩ tuyến 17 (Fidel Castro: Un guerillero antillano en el paralelo 17) của tác giả José Llamos Camejo nói về chuyến thăm miền Nam Việt Nam gần năm mươi năm trước của nhà lãnh đạo huyền thoại Fidel Castro và tình cảm của nhân dân và tuổi trẻ Việt Nam đối với ông. Mới đây nhất, năm 2018, Nhà xuất bản Abril của Cuba cũng đã phát hành tập sách Nếu tôi có một người anh em (Si tengo un hermano) nhân kỉ niệm 58 năm quan hệ hai nước Cuba – Việt Nam. Cuốn sách tập hợp các bài viết của nhiều tác giả ở các thế hệ nói về mối quan hệ hữu nghị truyền thống và sự giao lưu, đoàn kết ủng hộ lẫn nhau vốn có từ lâu giữa hai nước.

Dịch giả Phạm Đình Lợi – một trong ba người dịch tiểu thuyết Trăm năm cô đơn và cũng là người từng tham gia chuyển ngữ, hiệu đính nhiều tác phẩm viết về cách mạng Cuba – chia sẻ: “Mối liên hệ giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn Cuba vốn rất chân tình, vì người dân hai nước đã từng kề vai sát cánh trong thời kì Việt Nam chiến đấu. Sau này, trong những điều kiện mới và do những khó khăn về kinh tế của cả hai bên, việc chuyển ngữ văn học nghệ thuật không nhiều. Có thể nói, sự hiểu biết lẫn nhau giữa văn học đương đại của hai nước đang ở dưới mức mong muốn. Tôi cũng hi vọng rằng, với sự có mặt của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, sẽ giúp làm mới mối quan hệ giao lưu giữa các nhà văn cũng như các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật của hai nước, làm cho sự hiểu biết về văn học nghệ thuật của nhân dân hai nước ngày càng phong phú, đa dạng và sâu sắc thêm.”

Theo Huế Trần/VNQĐ