Dâu bể cuộc đời trong chớp mắt!

953

Lương Duy Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những ngày đầu xuân Tân Sửu 2021, từ Phan Rang nắng gió, nhà báo Lê Trường chuyển cho tôi tập thơ Phong Sương vừa được Nhà Xuất bản Thanh niên cấp phép xuất bản.


Nhà báo Lê Trường và tập thơ “Phong Sương”.

Tôi biết Lê Trường từ những năm tháng lăn lộn cùng nhau trong làng báo Thuận Hải, rồi sau này là Bình Thuận – Ninh Thuận. Lại có đến mấy năm liền Trường làm Trưởng Văn phòng đại diện Cực Nam Trung Bộ cho Báo Người Lao Động, là nơi tôi gắn bó suốt chặng cuối của nghiệp báo. Mỗi đứa mỗi tính, tình đồng nghiệp khiến chúng tôi thường chia sẻ cùng nhau những buồn vui cuộc đời, nghề nghiệp.

Nói đúng ra là chúng tôi quí nhau trên cái khổ của dân “phu chữ” hơn là tình bè bạn. Nhưng thú thật, quen nhau hàng chục năm, đùa giỡn đủ kiểu trên facebook, nhưng vì tôi không có khiếu làm thơ, cảm nhận về thơ cũng tệ nên tránh đàm luận khi thấy Trường đăng thơ lên faccebook hay đọc thơ mỗi dịp bù khú với nhau.

Cũng vì thế, tôi thực sự bất ngờ khi từ một chút tôn trọng bạn bè mà đọc thử xem sao, đọc rồi tự dưng thấy phải đọc lại, và đọc kỹ, vì không nghĩ những câu, những bài thơ trong tập Phong Sương cuốn hút tôi lại là của cây bút vốn chuyên với thể tài bình luận và điều tra thường gai góc về ý nghĩ, khô khan về chữ nghĩa như  Lê Trường – nhà báo từng nằm trong nhóm phóng viên của Báo Tuổi Trẻ lãnh giải A của Hội Nhà Báo Việt Nam cho loạt bài “Cơm tù trên Quốc lộ 1A” năm 2003; trước đấy nữa là giải A của Hội Nhà Báo tỉnh Ninh Thuận cho tác phẩm “Út Hữu, chiếc xuồng máy và trái tim quả cảm”,  giải Ba của Hội Nhà Báo TP HCM  cho tác phẩm “Người thay trời làm mưa”…

Phong Sương vỏn vẹn chỉ 50 bài, mà dài nhất như  bài “Không tên cuối cùng” cũng chỉ 20 dòng, còn nữa đều ngắn, thậm chí như bài “Đoản khúc” vỏn vẹn 4 dòng. Nhưng trên nền câu chữ đôi lúc có vẻ tằn tiện ấy lại như có những dòng chảy thênh thang của ý niệm mà Lê Trường gói gọn trong ba chủ đề chính:  Tình thơ cho người, Một kiếp đam mê và Khúc thu phong.

Tôi đặc biệt ấn tượng với chùm 34 bài của chủ đề Một kiếp đam mê. Nếu nói không nhầm thì đây là cốt lõi mạch thơ của Lê Trường – thơ về đời, về nghề, về cõi nhân sinh. Trường thuộc típ người đa mang, hay suy tư dằn vặt như đa phần những người làm báo vốn đau đáu với đời.

Nhưng làm báo nói riêng, văn chương nói chung, nếu chỉ dấn thân thôi thì chưa đủ, mà còn phải suy tư, phải chiêm nghiệm nữa thì con chữ mới nặng tình nặng nghĩa, ngòi bút mới có hồn, có sức lôi cuốn.

Lê Trường ví việc mình nặng nợ với chữ nghĩa cũng như một “kiếp ngựa hoang phong trần” trong bài “Ngựa hoang”. Con ngựa ấy có khi cũng “tung vó ngang tàng ngạo thế gian” như con chiến mã Xích Thố nổi tiếng của Lã Bố cuối thời Đông Hán để  “đăng trình vạn dặm bước thênh thang”, rồi “cương buông lẫm liệt…”, “bờm dậy oai hùng, sỏi đá tan”. Nhưng đấy chỉ là “một thuở hải hồ đường mộng ảo” chứ nay thì con Xích Thố ấy đã “quy ẩn ngõ bình an”, “rũ bụi phong trần”.

Đã qua cái tuổi “ngũ thập nhi chi tri thiên hạ”, “con ngựa hoang” trong thời  sung mãn của Lê Trường đã chọn cách qui ẩn – âu cũng là cách lắm người sẽ chọn để chiêm nghiệm những sóng gió cuộc đời đã trải, khi biết nhân sinh chỉ là cõi tạm. Ấy là khi Lê Trường chợt nhận ra cái chân cuộc sống rồi cảm thán: “Dâu bể cuộc đời trong chớp mắt/ Được – thua, còn – mất đã bao lần” (Giấc kê vàng).

Tôi không muốn lạm bàn về chữ nghĩa, vần điệu, vì tôi làm nghề biên tập đã hàng chục năm, ngộ ra rằng chỉ nên khắt khe với chữ nghĩa của mình chứ rất không nên với của người khác. Lại nữa, bài thơ này với tôi có thể rất hay nhưng lại rất dở với người khác. “Văn mình, vợ người” mà, nghĩ cũng cần hỉ xả để bớt câu nệ tới hình thức.

Nói thế là bởi có câu, có bài của tập Phong Sương không làm tôi hứng thú, vì đọc vào cứ thấy mình già đi, mình đau hơn, mình buồn hơn, e rằng vì thế mà mất đi sự hưng phấn với những vui sướng của cuộc đời. Ấy là khi tôi đọc, rồi gặp nhiều điển tích trong những bài như “Dấu lặng”, “Xin gọi nhau là cố nhân”, “Trăng lạc”, “Vẫn là sỏi đá”.

Nhưng rồi tôi lại nghĩ thơ mà không gieo được vào lòng, vào tâm người đọc một cảm xúc thì e không nên gọi đó là thơ, dẫu đó là chút cảm xúc ít phần tích cực. Vì thế, tôi vẫn chịu khó đọc lại vài lần ở những câu, những bài như thế để rồi hiểu rằng đằng sau những câu chữ ấy là những trăn trở, dằn vặt của Lê Trường.

Rồi tôi cũng nhận ra trong tổng thể sót lại của những câu chữ thô mộc ấy, vẫn bất chợt vang lên âm điệu sắc sảo, thánh thót của những nốt thăng, nốt giáng, nốt láy hoa mỹ trong tổng thể bản nhạc nhìn qua tưởng chỉ thấy toàn những nốt đen, nốt trắng. Những nốt hoa mỹ ấy nhỏ thôi, tựa như nhạc sĩ vô tình treo chơi vơi trên dòng nhạc, e lệ khép mình bên nốt chủ, nhưng phải tinh tế lắm, điệu nghệ lắm, tài hoa lắm thì mới có cái sự vô tình tưởng rất ngẫu nhiên mà lại tất nhiên ấy chứ.

L.D.C 

Xin cám ơn đời

Cám ơn đời mổi sơm mai thức dậy
Nghe tiếng chim ríu rít hót trong vườn
Ta thấy lòng dào dạt những yêu thương
Để quên hết những ưu phiền tục lụy

Dẫu biết rằng nhân sinh đầy mộng mị
Nhưng vần thơ, trang viết vẫn ngọt ngào
Mặc thế tình tựa một giấc chiêm bao
Thân cát bụi trở về cùng bụi cát

Sóng trường giang lao xao mờ cánh hạc
Mỗi bước chân in dấu ấn dại khờ
Ta bằng lòng phận mọn chút ngu ngơ
Lòng thanh thản đón bình minh vừa hé.

                                          Lê Trường

Vô thường 

Một dải ngân hà, một mảng trăng
Một chú Cuội mơ, một chị Hằng
Một bầu vũ trụ bao la thế
Sao lắm tâm tư, lắm nhọc nhằn

Đây chốn nhân sinh, vạn phận đời
Tiền tài, danh vọng lúc đầy – vơi
Bần – phú, sang – hèn do định số
Kiếp người như thể cuộc rong chơi.

                                    Lê Trường