Vĩnh biệt nhà văn – nhà sưu tập nổi tiếng Việt Nam Trần Thanh Phương

925

“Lại thêm một người hiền bỏ chúng ta ra đi” là câu chia sẻ nghe xé lòng của nhà văn – nhà báo Triệu Xuân dành cho người đồng nghiệp thương quý Trần Thanh Phương vừa từ giã cõi trần.

Nhà văn – nhà báo – nhà sưu tập Trần Thanh Phương vừa từ trần – Ảnh: T.L

Nói về nỗi đau quá bất ngờ vì Trần Thanh Phương ra đi, nhà văn Triệu Xuân cho biết: “Tôi vừa được nhà thơ Khánh Chi nhắn: “Anh ơi, anh Trần Thanh Phương mất rồi!”. Biết anh đã rất yếu từ hôm ráng sức tới dự cuộc ra mắt sách của tôi, nhưng tin anh ra đi khiến tôi sững người. Tôi điện thoại cho Khánh Chi hỏi chi tiết nhưng em nói không rõ. Tôi gọi về nhà anh Phương, mới biết sự tình…”.

Được biết, nhà văn – nhà báo – nhà sưu tập Trần Thanh Phương đã cấp cứu từ 2 ngày trước tại Bệnh viện 115 (TP.HCM), nơi trước đây 2 năm ông đã nhập viện chữa trị bệnh viêm gan rất nặng. Hai ngày qua ông nằm trong phòng cách ly cho đến 12 giờ 25 phút ngày 7.2, nhà văn Trần Thanh Phương đã trút hơi thở cuối cùng.

Nhà văn –  nhà sưu tập Trần Thanh Phương đang ký tặng sách cho bạn hữu văn chương – Ảnh: T.L

Thương tiếc người anh đất Mũi

Theo tư liệu của nhà văn Triệu Xuân: “Nhà văn – nhà báo Trần Thanh Phương còn có các bút danh: Trần Thanh, Minh Hải. Ông sinh ngày 23.9.1940 tại Cà Mau và nguyên là Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn kết. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM”.

Nhà văn Trần Thanh Phương có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng: Về thể loại Ký có các tác phẩm: San hô đỏ (xuất bản năm 1975); Trong rừng dẻ hương; Xứ sở phù sa; Xa xa mũi đất Cà Mau (1987); Về nhà mình xa quá, má ơi! (2006). Nhật ký: Sài Gòn tầng cao – Sài Gòn tầng thấp (2000); Ngòi bút và cây kéo (Hồi ký, 2008). Truyện ngắn: Tuyển tập ngắn, in chung (1975). Truyện dài: Phương Đông (1980). Sưu khảo: Những người còn sống mãi (1980); Những trang về An Giang (1984); Minh Hải địa chí (1985); Bác Tôn của chúng ta (Sưu tập, 1988); Cửu Long địa chí(1988); Bác Hồ của chúng ta (1989); Trịnh Công Sơn, người hát rong qua các thời kỳ (2001); Nghệ sĩ Bạch Tuyết – cải lương Chi Bảo (2004); 100 sự kiện nổi bật ở TP. Hồ Chí Minh (1975-2005) (2006); Nguyễn Quang Sáng với bạn bè (Sưu tầm, 2010); Chân dung bằng chữ (Bút tích, 2011); Huỳnh Văn Tiểng – tình sâu nghĩa nặng (Biên soạn, 2012); Lời cuối với Nhà văn đã đi xa (2016); Rượu với văn chương (2017)…
Trần Thanh Phương còn là kỷ lục gia được ghi nhận bởi Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietBooks), với 3 kỷ lục, gồm: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”; “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.
Nhà văn Triệu Xuân cho biết tiếp: “Sáng nay, khi viết bài về ngày giỗ lần thứ 7 nhà văn Nguyễn Quang Sáng trên trang cá nhân, tôi đưa bài thơ Rượu của anh Năm Sáng. Không biết là ngẫu nhiên hay do Trời run rủi, tôi đã update kỳ thứ 2, tác phẩm Rượu với văn chương của nhà văn Trần Thanh Phương trên website www.trieuxuan.info (bài post từ ngày 22.1.2017, ngay sau khi tác phẩm được NXB Hội Nhà văn xuất bản). Nhà văn Trần Thanh Phương tin cậy tôi, từ nhiều năm qua đã giao bản thảo của mình cho Triệu Xuân thực hiện từ khâu đọc bản thảo đến khi sách thành phẩm phát hành”.
Gia tài các tác phẩm của ông – Ảnh: T.L
Nhà văn Bích Ngân thông tin thêm: “Dù biết lâu nay nhà báo Trần Thanh Phương phải âm thầm chống chọi với bạo bệnh nhưng khi nghe tin anh vĩnh viễn ra đi, tôi vẫn thấy hết sức bất ngờ. Trần Thanh Phương, ngoài công việc của người làm báo, viết báo, viết sách mà suốt đời anh gắn bó; anh cùng vợ là chị Thu Hương, còn dành tâm huyết, thời gian và cả tiền bạc để thực hiện công việc quá đỗi nhọc nhằn là gặp gỡ các nhà văn, tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, tài liệu về họ để viết và tập hợp rồi in nhiều quyển sách về các nhà văn Việt Nam, như các quyển: Chân dung & Bút tích các nhà văn Việt Nam (2 tập); Nhà văn sống và viết; Còn là tinh anh; Rượu với văn chương: Hổ phụ sinh hổ tử... “.
Nhà văn – nhà báo Trần Thanh Phương (phải) với nhà thơ Thiên Hà – Ảnh: T.L
Đau buồn trước sự ra đi bất ngờ của người bạn lớn, nhà văn Triệu Xuân tâm sự: “Tới hôm 18.1.2020, dù rất yếu, anh cũng ráng đến dự cuộc ra mắt sách Triệu Xuân Sống & Viết. Với Triệu Xuân, anh Phương là người hiền. Cầu Trời Phật và các bậc tiền nhân độ trì cho hương hồn người hiền Trần Thanh Phương sớm tiêu diêu miền cực lạc”.
Nhà văn Kim Quyên tâm sự: “Thương tiếc người anh đất Mũi. Luôn viết những đề tài bổ ích cho bạn văn, cho Hội Nhà văn Việt Nam và cho quê hương Cà Mau… Em còn nợ anh bài viết, em sẽ viết dù anh có quá nhiều nguòi viết rồi”. Còn nhà thơ Thiên Hà chia sẻ: “Một đồng nghiệp lớn, cũng là bạn đồng hương của tôi, thành kính phân ưu cùng chị Thu Hương và tang quyến”.
Cũng theo nhà văn Triệu Xuân, hiện thi hài nhà sưu tập Trần Thanh Phương đã được đưa về nhà để tiến hành khâm liệm. Sáng 8.2 di quan tới Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3) để bạn hữu, người thân, đồng nghiệp và độc giả yêu mến Trần Thanh Phương đến phúng viếng, chia buồn cùng gia đình.
Ban Biên tập Văn chương phương Nam xin gửi đến gia đình nhà văn – nhà báo Trần Thanh Phương lời chia buồn sâu sắc nhất.
Lê Công Sơn