Nhà thơ Trần Ngọc Phượng
Hoa tím lục bình
Em trôi đâu đấy lục bình
Để anh ngồi với một mình hoàng hôn
Tím trời tím cả dòng sông
Phương trời vô định, mênh mông bến bờ
Thân em bèo bọt vật vờ
Mười hai bến nước biết chờ đợi ai
Trời cao biển rộng sông dài
Em mang theo cả tháng ngày mộng mơ
Hỡi người con gái năm xưa
Rưng rưng trong nắng trong mưa dập dềnh
Em yêu hoa tím lục bình
Mảnh mai duyên dáng như hình gái quê
Bên nhau lắc lẻo cầu tre
Trăng soi xoã bóng, lá che vai gầy
Anh ơi! đừng hái hoa này
Để cho bèo dạt nước mây xuôi dòng
Anh về trở lại bến sông
Em đi lấy chồng vọng tiếng ầu ơ
Hắt hiu chiều vắng con đò
Lục bình hoa tím như vừa qua đây
4/2020
Viếng mộ cụ Tú
Con về bên Cụ nơi đây
Chiều thu nắng nhạt sóng lay mặt hồ
Cỏ xanh phủ kín nấm mồ
Vẳng nghe như tiếng gọi đò năm xưa
Xé lòng con những tiếng thơ
Thương Bà lặn lội thân cò mom sông
Thương Ông lận đận long đong
Một đời lều chõng mà không danh thành
Bao Tiến sĩ giấy*, Đốc thành*
Phường nhơ một lũ gian manh một bầy
Thế thời xưa cũng như nay
Cười trong mai mỉa mà cay đắng lòng
Phố phường tiếp giáp bờ sông
Vị Hoàng quê đất văn phong dồi dào
Bắc thang lên hỏi trời cao
Trời không mưa, chớp mà sao vẫn buồn
Suối vàng không nát được Xương
Ngàn năm thơ Cụ vấn vương cõi đời
—
* Các nhân vật trong thơ Cụ Tú
– Tấm bia trên mộ nhà thơ Tú Xương đạt tại công viên Vị Xuyên
Nam Định, phía trước in hai câu thơ của Cụ:
“Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”
Phía sau ghi hai câu điếu của Cụ Nguyễn Khuyến;
“Kìa ai chín suối Xương không nát.
Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”
Dấu chân
Ta về tìm lại dấu xưa
Dấu chân rẽ cỏ, phất phơ cánh diều
Bàn chân bám đá tai mèo
Dấu chân năm ngón đá rêu còn hắn
Một thời vượt suối băng ngàn
Bước chân thẳng tiến như dàn mũi tên
Ta đi bụi đất trăm miền
Thương em đứng lặng dưới hiên đợi chờ
Đường đi trăm ngả bàn cờ
Buồn ai lạc bước, bơ vơ giữa dòng
Ta về sắc sắc không không
Dấu chân để lại trong lòng vấn vương
Bên em đi đến cuối đường
Dấu chân quấn quít, tóc sương bạc màu
7/2020