Đầu đường đạo Chúa, cuối đường đạo Phật – Tạp bút của Hà Tuyết Giảo

1276

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mấy hôm trước tôi và bạn thân tôi tám chuyện trên Facebook. Tôi than thở nói “Trà ơi, Giảo phải học lại môn học đầu tiên của chương trình nghiên cứu sinh, buồn ghê…”.

Bạn thân tôi hỏi “Giảo không đủ điểm hả…”. Tôi lại than thở tiếp “Câu chuyện dài lắm, nói chung là Giảo không tham gia lớp học đầy đủ nên vậy… Năm nay từ công việc, học hành, đến cuộc sông, cái gì cũng gặp khó khăn…” Bạn thân tôi nói “À mà theo tâm linh thì 96 năm nay tam tai Giảo ạ, gặp nhiều chuyện không đâu vào đâu…”

Tôi là người không tin tâm linh cũng không tin thần số học. Có một hôm chị đồng nghiệp người Việt cười nói “Em ạ, em thật sự phải đi chùa rồi. Trong công việc, cứ là trường hợp  mà em phụ trách, tưởng làm xong rồi thì cứ hay xảy ra những tình huống không ngờ mà lại càng khó xử lý hơn…” Em thở dài nói “ Công nhận chị ạ, em phải đi chùa cầu xin hóa giải đây”. Tuy tôi không theo đạo Phật cũng không tin Chúa…nhưng cuộc sống bất ổn quá, phải đi cầu xin Chúa và Phật thôi.

Vì muốn cầu xin hóa giải những điều không may, dạo này, khi tan làm về nhà, đi ngang qua nhà thờ và ngôi chùa gần nhà, tôi sẽ dừng chân lại, đứng im 1 phút để cầu xin Chúa và Đức Phật. Tôi cảm thấy một ngôi chùa ở bên cạnh nhà thờ là một điều vô cùng thú vị. Nhà thờ gần nhà tôi mới được xây xong, hoành tráng, đẹp đẽ. Mỗi lần tan làm về, tôi đều nhìn thấy đông người trong nhà thờ cầu nguyện. Tôi thì không hiểu những câu nguyện đó, nhưng tôi cảm nhận được khung cảnh mọi người đọc kinh, cầu nguyện rất bình yên và hạnh phúc. Thường tôi sẽ dừng chân cầu nguyện một chút cùng với mọi người. Có một chú hơi thấp người luôn tươi cười chào hỏi với tôi. Chú ấy cũng không có ý định thuyết phục tôi đi theo đạo chúa. Mỗi lần ngang qua nhà thờ thấy nụ cười của chú, trong lòng tôi luôn thấy bình an và yên bình.

Từ nhà thờ, đi thêm 1 phút sẽ đến với một ngôi chùa cổ kính, có nét độc đáo. Ngôi chùa này không có đông người đi thờ cúng bằng nhà thờ bên cạnh. Nhưng ngồi chùa này luôn sạch sẽ, có người thay đồ cúng thường xuyên. Mỗi khi đi ngang qua, tôi sẽ dừng chân lại để cầu xin Đức Phật và thần linh. Cùng một con đường, đầu đường có nhà thờ, cuối đường lại có một ngôi chùa. Con hẻm 18B Nguễn Thị Minh Khai tôi đang ở còn thú vị hơn. Nếu dậy sớm khoảng 6 giờ, ngang qua đầu hẻm, bạn có thể nghe thấy tiếng đánh gỗ mộc ngư tụng kinh. Khoảng 5 giờ chiều đi qua cuối hẻm có thể nghe thấy tiếng đọc kinh đạo Thiên Chúa. Tôi thấy hiện tượng đầu đường nhà thờ, cuối đường là chùa, đầu đường nghe tiếng đánh gỗ mộc ngư, cuối đường nghe tiếng đọc kinh đạo Thiên Chúa này rất hay.

Nếu mọi người quan sát, trong thành phố Sài Gòn, việc nhà thờ và chùa, miếu đều nằm chung một dọc đường, chung một hẻm là việc hết sức bình thường. Tôi đã đi nhiều thành phố, tôi ít thấy hiện tượng này ở các nước khác, dường như là không có. Ở bên Thái Lan, đi chỗ nào cũng thấy những ngôi chùa độc đáo. Đi bên Nhật sẽ dễ thấy những shrine cổ kính mang phong cách Nhật Bản. Nếu sang bên Trung Quốc, ở đây, ít có ngôi chùa hoặc nhà thờ nào nằm trong thành phố. Nếu có cũng chỉ là những ngôi chùa nổi tiếng được xây vào thời xa xưa.

Theo tôi, khi chúng ta có một niềm tin nào đó, cuộc sống sẽ trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn không nhỉ? Lúc gặp khó khăn, tâm linh của chúng ta cũng sẽ có một nơi đi về nhỉ? Lúc không biết đi đâu về đâu, tâm hồn của chúng ta cũng có một mái nhà bình yên để an dưỡng?

Kết thúc một ngày làm việc vất vả, tôi lại đi ngang qua nhà thờ và chùa để cầu nguyện. Về đến nhà, tôi tám chuyện với mọi người trong gia đình về chuyện tôi cầu xin thần và chúa để hóa giải tam tai. Chị gái tôi cười haha nói “hay nhỉ, đi cầu xin để yên lòng hơn nhé. Đồng nghiệp của chị 40 mấy tuổi, đã là giáo sư nhưng cũng đi cầu xin đấy…Trong lòng phải có một niềm tin mới không thể mất đi tiêu chuẩn đạo đức, chứ không thì trong  mắt chỉ có tiền tài địa vị thì người đó sẽ không bao giờ hạnh phúc được em à…” Ba mẹ tôi nói: “ Ủa, đầu đường đạo chúa, cuối đường đạo phật hay lắm ăm, bao dung, bác ái. Con cũng phải học hỏi điều đấy, hãy làm con người bao dung, bác ái nhé…”

Hà Tuyết Giảo