Đâu rồi dòng sông tuổi thơ? – Tạp bút Huỳnh Chí Nghĩa

1399

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dòng sông quê hương như dòng sữa mẹ ngọt lành nuôi lớn tuổi thơ…

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Như một thói quen, lần nào về quê nó cũng đều ra bến nước đứng lặng im mà nghe nhịp thở của dòng sông Hậu hiền hòa. Năm nay, con nước không về, màu đỏ của phù sa lững lờ trôi làm nó nghe buồn lạ. Nó nghe đâu đó có tiếng kêu than của dòng sông sau nhiều đổi thay của cuộc sống, của kinh tế thị trường và lòng người có đã có chút vô tâm. Biết vậy, dẫu bơ vơ, trơ trọi nhưng sông vẫn hiền hòa, vẫn chảy như bao đời nó lặng lẽ lớn ròng hai buổi sớm trưa.

Mấy chiếc bè cá quấn lấy bờ sông giờ cũng thưa thớt lạ. Nó thấy buồn, thấy tiếc và cảm thương cho những người đã từng ăn nên làm ra nhờ cái nghề này.

Chừng khoảng chục năm về trước, nó nhớ vậy, từ đâu mà bè cá phát triển nhanh chóng chiếm hết đôi bờ sông nơi nó và tụi con nít trong xóm đua nhau bơi lội. Những trò chơi con nít ném sình văng tung tóe trong những buổi tắm trưa, bộ râu được rong nước phết lên đôi môi sau nhiều giờ trầm mình trong nước mát. Cái nhà chòi được dựng lên với hàng quán bán bánh mì và những trận đòn roi khi bỏ cả ngủ trưa. Nhớ lắm nhưng… giờ xa lắm!

Dòng sông chứa bao kỉ niệm đẹp, làm giàu quê hương bằng đặc sản mà chỉ dòng sông Hậu hiền hòa mới có, đó là cá ba sa. Từng một thời thương hiệu cá ba sa vươn mình bay tuốt phía trời Tây làm người ta tự hào và biết ơn. Dựng cả tượng đài như lời tri ân dòng sông mẹ quê hương. Nhưng cái thời ấy qua thật nhanh, rồi dần dà lãng quên vào ký ức.

Bác Năm Ngỗng mới bán mấy công đất mà cả đời ba của bác dành dụm, tích cóp mới có được. Hôm sau, mấy chiếc co-be kéo đến làm náo loạn cả xóm làng. Rồi mấy mảnh đất còn lại xung quanh nhà cũng được bác Năm đào sâu, nới rộng. Cá được thả vào đầy kín cái ao. Không lâu sau, người ta cũng dần quen với chuyện co-be chạy trên cái xóm nghèo khi mà chuyện đào ao nuôi cá trên những cánh đồng đã trở thành chuyện có gì lạ nữa đâu. Người người đào ao, nhà nhà nuôi cá. Kỳ vậy đó!?

“Cá này là cá ba sa hả bác Năm?”. Nó cầm con cá nhỏ xíu, trắng tinh trên tay hỏi như vậy. “Làm gì còn cá ba sa mà thả nữa, thằng nhóc”. Bác Năm trả lời. “Ủa? Sao vậy bác?”. Nó hỏi. “Giờ người ta nuôi cá tra, cá điêu hồng, cá chim trắng không hà, cá ba sa tiệt chủng rồi”. Bác Năm vừa nói vừa bưng cả rổ cá đổ ào xuống ao.

Nhìn bầy cá vừa rời khỏi cái rổ, bọn khỏe bơi nhanh, lặn sâu tìm dòng nước mát sau nhiều giờ bỏ bao vận chuyển. Lũ thì ưỡn bụng, lờ đờ rồi chết ngay giữa ao nước mênh mông. Ánh nắng ban trưa chiếu thẳng xuống mặt ao, phản chiếu ngược lại làm nó hoa cả mắt. Nó đứng dậy, bước đi và vội nhớ đến chuyện hôm bữa người ta tổ chức cả hội thảo phục hồi lại giống cá ba sa. “Vậy là đã tiệt chủng sao?”. Nó hỏi vậy rồi lặng đi trong suy nghĩ chưa có đáp án rõ ràng.

Cơn gió sớm mai đưa nó trở về với kí ức tuổi thơ với dòng sông lúc ròng khi lớn. Vậy mà nỗi nhớ cũng nhanh tan biến đi khi trước mặt nó hắt nhanh lên sóng mũi mùi tanh hôi của nước bẩn, rò rỉ từ cái ao nuôi cá người ta bỏ không. Dòng nước chảy ra, loan nhanh chỗ cây cầu bê tông bắc ra bến sông nơi mẹ và các chị trong xóm hay cùng nhau giặt giũ, rửa cá, rửa rau, nói cười rôm rả. Lũ nhóc nhảy đùng từ trên cầu xuống mặt nước với cách tạo kiểu thiệt trẻ con. Nước văng tung tóe ướt hết quần áo của những người ngồi trên cầu. Nó quay đi và tự hỏi: “Dòng sông vẫn còn đó mà sao không thấy tuổi thơ mình?”.

Trẻ nít giờ không còn tắm sông như thời của nó, phần vì không đủ để chơi trò đua nhau bơi lội, chia đội ra ném sình theo kiểu đội nào bị “ăn” nhiều đất thì phải trèo lên cây xoài hái trái rồi đập thật mạnh vào thân cây vỡ ra từng miếng rồi tuột xuống xúm nhau chấm với muối cục, phần vì trẻ con đuối nước trên sông nhiều quá nên người ta sợ cái giận “vô cớ” của dòng sông. Thớ đất bồi nhô ra giữa sông nơi nó từng cất nhà chòi sau những giờ tan học cũng bị nước cuốn trôi, lở sâu vào đất liền sau mấy đợt triều cường. Lòng sông giờ sâu hơn, mé sông giờ rộng ra, bờ sông đất bở, rã nhanh hơn và dòng nước cũng không còn trong và mát như trước nữa. Sông hết hiền hòa giữa trăn trở, xót xa!

Nó nghe ai đó nói rằng, cuộc sống này đã bức tử một dòng sông. Và… nó khóc!

H.C.N