Dấu trăm năm một tiếng chuông ngân

680

 Nguyễn Nhà Tiên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Năm 2020 này, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ – Tác giả của “Giáo đường im bóng” huyền thoại tròn 100 tuổi, vẫn mái nhà xưa 22 Mai Hắc Đế ấy, ông và bà Vũ Hà Tiên – người con gái trong “Giáo đường im bóng” thuở xa xưa Dáng xinh xinh như bao tiên kiều, giờ đây vẫn cận kề bên ông nồng ấm những hoài niệm của một thời mê say, lãng mạn.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đàn bên vợ – bà Vũ Hà Tiên – và các con nghe vào sinh nhật ông 95 tuổi

Cái duyên văn nghệ đã dẫn đường cho chúng tôi từ lâu có dịp gặp gỡ và rồi quen nhau qua những kịch bản âm nhạc và kịch bản cho các lễ hội lớn tại Đà Nẵng, vậy mà cho đến bây giờ tôi mới biết nghệ sĩ múa Nguyễn Thiện Tâm là con của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và bà Vũ Hà Tiên – những tài hoa và nhan sắc đã khai sinh ra lộng lẫy giai điệu “Giáo đường im bóng” – một chuyện tình đẹp vào hàng bậc nhất của một thời âm nhạc tiền chiến năm xưa. So về tuổi tác, thì Nguyễn Thiện Tâm và tất cả anh chị em của anh đều là “em út” của “Giáo đường im bóng”, bởi đây là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ viết vào năm 1938, lúc ông vừa mới 17 tuổi.

Theo nhạc sĩ Lê Thương trong tiểu luận “Thời tiền chiến trong Tân nhạc” (NXB Kẻ Sĩ – 1970), đã phân kì thời gian Tân nhạc xuất hiện vào tháng Ba năm 1938. Vậy là, ngay từ buổi đầu bình minh nhạc Việt, Nguyễn Thiện Tơ với “Giáo đường im bóng”, Nguyễn Xuân Khoát với “Bình minh”, Lê Thương với “Bản đàn xuân”, Thẩm Oánh với “Khúc yêu đương”, Phạm Đăng Hinh với “Đám mây hàng”… Tất cả những cánh chim đầu đàn ấy mỗi người một thế giới thanh âm, đã khai mở ra một bầu trời thênh thang Tân nhạc, mà sức vang hưởng của nó hơn bảy mươi năm qua đã chứng tỏ một thẩm giá nghệ thuật lung linh bất tuyệt trong trái tim của hàng triệu người.

Bây giờ trong ngôi nhà đông đúc của hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ là người có tuổi vào hàng cao niên nhất. Nhớ lời nhạc sĩ Hoàng Giác (bố của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm) trong những lần ông tâm tình trò chuyện cùng các nhà báo: “Lớp nhạc sĩ tiền chiến chúng tôi chẳng còn mấy người, có thể đếm trên đầu ngón tay…, trong số bạn thời ấy nay còn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ hiện vẫn sinh sống tại số nhà 22 Mai Hắc Đế – Hà Nội”. Vâng, quả là còn lại hiếm hoi chỉ đếm trên đầu ngón tay, kể từ buổi tài hoa mệnh yểu Đặng Thế Phong, cho đến mãi về sau này Dương Thiệu Tước, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đoàn Chuẩn…, trên bầu trời nhạc Việt cứ theo từng mùa vắng dần những cây cao bóng cả. Nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ là một trường hợp khá đặc biệt. Trong lớp nhạc sĩ cùng thời tiền chiến với ông, hiếm thấy một cuộc đời nào như thế.

Xuất thân trong một gia đình nghề in (nhà in Viễn Đông), nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh ra (1921) và lớn lên tại căn nhà số 22 phố Charron (về sau là phố Mai Hắc Đế) Hà Nội. Ngay từ thời còn là học sinh trường trung học Thăng Long, ông đã theo học đàn guitar Hawaii (Hạ uy cầm) với thầy giáo Trần Đình Khuê. Tài năng âm nhạc của ông sớm bộc lộ từ những buổi đầu tiên học nhạc, chỉ sau vài tháng theo học, ông đã được thầy giáo tiến cử biểu diễn trên đài phát thanh của Pháp lúc bấy giờ. Tiếp tục con đường âm nhạc, ông theo học Tây ban cầm và ấp ủ hoài bảo sáng tác từ đấy. Và, câu chuyện tình đẹp huyền thoại của chàng nhạc sĩ trẻ Nguyễn Thiện Tơ và người con gái xinh đẹp thành Nam bắt đầu từ mùa hè năm 1938.

Kỳ nghỉ hè năm ấy, chàng thư sinh Nguyễn Thiện Tơ được mời tham gia biểu diễn đàn guitar ở Nam Định. Tại đây trái tim nghệ sĩ tơ non của chàng nhạc sĩ trẻ đã rung lên những cung bậc đầu tiên trước nhan sắc của cô nữ sinh mười sáu tuổi – Vũ Hà Tiên, và có lẽ từ đấy, những giấc mơ cho một cung bậc tình yêu lặng lẽ hoài thai. Nhưng gia đình Vũ Hà Tiên theo đạo Thiên Chúa, còn Nguyễn Thiện Tơ là người ngoại đạo, vậy là tình yêu trắc trở và gian nan lận đận. Nhưng cũng chính niềm ưu tư ấy đã khích lệ tâm hồn nghệ sĩ Nguyễn Thiện Tơ, để ông viết nên nhạc phẩm “Giáo đuờng im bóng” đúng vào năm ông mới mười bảy tuổi (Một ca khúc có sự tham gia viết lời của Phi Tâm Yến – người bạn thân của ông). Có ai ngờ tiếng chuông ngân ban đầu ấy trở thành dấu trăm năm lấp lánh trên bầu trời âm nhạc. Nó cùng với “Kiếp hoa” của Nguyễn Văn Tuyên, “Bản đàn xuân” của Lê Thương, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn… làm nên những nét son đẹp mở rộng một chân trời cho mỗi cuộc đời tài hoa về sau. Như một sự khích lệ từ sau “Giáo đường im bóng”, Nguyễn Thiện Tơ tiếp tục cho ra đời những nhạc phẩm: Nhắn gió chiều, Trên đường về, Đêm trăng xưa, Chiều quê, Cung đàn xuân xưa, Tiếng trúc bên sông, Vườn hồng dưới trăng, Ngày vui đã qua… Song song với sáng tác, ông còn mở lớp dạy nhạc, nhiều học trò của ông đã trở thành những nhạc sĩ tài năng, sớm xuất hiện cùng thời hoạt động âm nhạc với ông vào giai đoạn sau năm 1940 như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn.

 Không rõ là giai thoại hay hiện thực, mà người ta còn kể rằng: Trước nhan sắc của nàng Vũ Hà Tiên, nhiều nhạc sĩ cùng thời với Nguyễn Thiện Tơ đã phải xao xuyến run rẩy như Phạm Duy, Lê Thương… Nhạc sĩ Phạm Duy thì không biết còn lưu lại dấu vết nào trong sáng tác, còn nhạc sĩ Lê Thương thì có bài “Nàng Hà Tiên”, âu đó cũng là cách… góp thêm hương cho gió! Riêng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ và Vũ Hà Tiên thì hơn năm năm kiên trì vượt qua vách tường rêu Tôn giáo, họ đã làm lễ cưới. Và đấy cũng là mối tình duy nhất, sắt son và chung thủy, cả hai muối mặn gừng cay sánh đôi nhau đi suốt con đường định mệnh của mình.

Buổi bình minh của âm nhạc tiền chiến, những cánh chim đầu đàn vào thời ấy, tùy theo khuynh hướng sáng tác đã chia thành nhiều nhóm. Không rõ dựa vào nguồn tư liệu nào, có một vài bài báo đã viết về nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, xếp ông vào nhóm nhạc Myosotis cùng với Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước. Đọc “Thời tiền chiến trong âm nhạc” của nhạc sĩ Lê Thương, thì từ nhóm Myosotis đến nhóm Tricéa, nhóm Phạm Đăng Hinh cho đến về sau các nhóm Đồng Vọng, nhóm Tổng hội Sinh viên đều không thấy tên ông. Nhạc sĩ Lê Thương chỉ ghi tên nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ trong phần các lớp dạy nhạc tại Hà Nội, cùng với Trần Đình Khuê, Dương Thiệu Tước và Dzoãn Mẫn. Từ năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ về làm việc trong dàn nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam, năm 1959 ông chuyển qua dàn nhạc giao hưởng của nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Việt Nam, và đến năm 1965 ông về Hãng phim truyện Việt Nam cho đến năm về hưu (1982).

Năm 2020 này, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tròn 100 tuổi. Vẫn mái nhà xưa 22 Mai Hắc Đế ấy, ông và bà Vũ Hà Tiên – người con gái trong “Giáo đường im bóng” thuở xa xưa Dáng xinh xinh như bao tiên kiều, giờ đây vẫn cận kề bên ông nồng ấm những hoài niệm của một thời mê say, lãng mạn.

Cái trường hợp khá đặc biệt trong lớp nhạc sĩ tiền bối thời tiền chiến mà tôi  nói, hiếm thấy một ai được như ông chính là cái không gian 22 Mai Hắc Đế này đây. Gần tròn một thế kỷ dằng dặc con đường thời gian với bao nhiêu biến động lịch sử và dâu bể lở bồi, ở vào lớp ông, nhiều nghệ sĩ lên ghềnh xuống thác bôn ba mười phương, máu giang hồ lãng du thúc giục cũng nhiều, mà khắc nghiệt số phận vùi dập cũng không ít. Đấy là chưa nói đến tình yêu của họ, những truân chuyên và lỡ làn, những dở dang và bi kịch vốn như một thứ trêu ngươi của trò chơi con tạo thường gieo xuống cuộc đời của những tài hoa. Có nhìn ra như thế mới thấy hiếm hoi cái thiên đường 22 Mai Hắc Đế của Nguyễn Thiện Tơ và Vũ Hà Tiên, từ buổi ban sơ cho đến bây giờ. Còn một niềm hạnh phúc nữa là con cái của vợ chồng ông, tuy không theo con đường sáng tác như bố nhưng hầu hết đều hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ sĩ múa Nguyễn Thiện Tâm ở Đài truyền hình Đà Nẵng, nghệ sĩ múa Nguyễn Tuyết Nga ở Đoàn ca múa miền Nam và vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thiện Thắng ở dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, và rồi con dâu ông cho đến cháu nội cũng đều là nghệ sĩ, ca sĩ, thầy giáo dạy các trường nghệ thuật… Anh Nguyễn Thiện Tâm mới kể cho tôi nghe, tất cả các anh chị vừa về mừng sinh nhật thượng thọ bố tròn 95. Ngồi nhìn tấm hình nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tươi vui ôm đàn hát cho cả nhà ngồi vây quanh nghe, gương mặt đẹp phúc hậu của ông dạy cho tôi một triết lí sống, rằng phải chung thủy trong tình yêu, giữ lòng thanh sạch đừng nóng giận oán ghét gì ai, nhân quả đấy cả thôi. Vâng, tôi tin là như thế, cũng như nhạc sĩ suốt con đường hoạt động nghệ thuật, ông đã từng gieo bao nhiêu nhân lành, giờ đây viên mãn gặt hái quả ngọt, đấy cũng là một thứ thần dược để ông thong dong an nhiên tự tại tỏa bóng râm xuống con đường thế kỷ!

  N.N.T