Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với tình hình mới

436

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vừa kích hoạt các hướng dẫn tạm thời thích ứng với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo đó, hoạt động nghệ thuật sẽ được thực hiện tại những địa bàn khác nhau theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tỷ lệ giảm từ 50% ( cấp độ 2) – 70 % ( cấp độ 3) và dừng hoàn toàn ở những vùng cấp độ dịch 4. Đây là những hướng dẫn cần thiết để hoạt động văn hóa, nghệ thuật có thể hồi sinh trở lại sau đại dịch Covid 19.

UNESCO đã ra mắt một trang web hàng tuần với tên gọi “Văn hóa & COVID-19: Theo dõi tác động và ứng phó” để cung cấp cái nhìn tổng quan về diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh. Trang web này cũng phân tích cả những tác động tức thời của cuộc khủng hoảng y tế và các ví dụ về cách các quốc gia trên thế giới đang thích ứng với tình hình. Đây là một trong số các sáng kiến của UNESCO nhằm ứng phó với tác động của đại dịch đối với lĩnh vực văn hóa trên toàn thế giới.

Hướng đến công nghiệp hóa

Văn hóa, nghệ thuật là lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và khá nặng nề từ dịch bệnh, song lại được coi là lĩnh vực phục hồi chậm nhất do cần phải có những đánh giá cụ thể về mức độ (có tính đến trường hợp xấu nhất – tái bùng phát dịch trở lại) đến số đông người dân… đây cũng là lý do giải thích cho việc các thành phần kinh tế, xã hội đã hoạt động trở lại nhưng lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn đứng yên tại chỗ. Theo Báo cáo từ Bộ VHTT&DL, đại dịch Co vid đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, để không gián đoạn các hoạt động nói trên, Bộ VHTT&DL đã gấp rút hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển Văn hoá đến năm 2030. Ngoài ra, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, công tác xây dựng văn hóa cơ sở, hoạt động thư viện… đã được chú trọng trên tinh thần đổi mới trong phương thức tuyên truyền, truyền thông, khuyến khích việc đọc sách trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Bộ đã khuyến khích các đơn vị nghệ thuật trực thuộc, địa phương sản xuất các chương trình nghệ thuật online, đem đến “món ăn tinh thần” cho người dân, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Song song với đề án xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, ngày 18/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến” do Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia xây dựng. Quyết định cũng nêu rõ, kinh phí xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến” trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2021 của Cục Điện ảnh. Ngoài phê duyệt đề án phát triển Văn hóa tầm nhìn 2030, Trung tâm phát hành phim trực tuyến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khởi động chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu nhằm tìm hướng phục hồi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sau dịch Covid 9. Trong đó, có việc tổ chức các hội thảo khoa học nhằm đánh giá đúng tác động của covid 19 và tìm ra những giải pháp nhằm duy trì và phát triển thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Ghi nhận tại các buổi hội thảo, đa số các nhà quản lý, khoa học, văn nghệ sĩ đã chỉ ra những bất cập của hoạt động văn hóa, nghệ thuật trước, trong và sau covid. Đồng thời đưa ra 4 nhóm giải pháp cần được tập trung trong thời gian tới đó là: Thể chế, thiết chế, nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Đây chính là cơ sở xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa gia đình.

Trước đó, để thích ứng với dịch covid 19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tính đến nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm giúp cho đời sống tinh thần của người dân ” không bị giới hạn”. Mô hình nhà hát online đã ra đời nhằm lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho người dân vượt qua những bức bối, lo lắng về dịch bệnh, hướng đến những giá trị văn hóa tốt đẹp, phấn chấn tinh thần cùng cả nước vượt qua đại dịch. Song song với nhà hát online, những hợp đồng ký kết phát trực tuyến các tác phẩm nghệ thuật trên hệ thống đài truyền hình quốc gia, địa phương cũng đã được thực hiện. Cùng với đó, hệ thống bảo tàng, thư viện cũng nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số để tiếp cận độc giả. Nhiều chương trình tham quan thực tế ảo 3D, trưng bày trực tuyến, sách số liên tục được cập nhật, đổi mới để tiếp cận khán, thính giả theo phương châm ngồi tại nhà nhưng vẫn có thể nghe, xem và đi du lịch theo nhu cầu, thông qua hình thức trực tuyến.

Những giải pháp tình thế trong mùa dịch, đã và đang gợi mở nhiều hướng đi mới cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Việc nghe, xem trực tiếp không còn giữ vai trò chủ đạo trong tiếp nhận nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung. Điều này cũng góp phần hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh khi không có những điểm tụ tập đông người, giảm chi phí nhất định cho công chúng khi không phải bỏ tiền mua vé, chi phí đi lại khi đến các điểm tham quan, rạp hát… Mặt khác, tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật ứng dụng KHCN vào quá trình hoạt động, quảng bá tác phẩm nghệ thuật của mình, giúp tác phẩm vượt qua mọi rào cản về không gian và thời gian đến được với tất thảy công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Đây cũng là những bước đi cần thiết để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Hồi sinh sau đại dịch

Tính đến thời điểm hiện tại, sân khấu đã có kế hoạch sáng đèn trở lại, nhưng lĩnh vực bảo tàng, du lịch vẫn “đóng băng”. Ghi nhận tại thành phố Hà Nội, việc chậm công bố kết quả đánh giá cấp độ dịch (do Bộ Y tế hướng dẫn) khiến cho nhiều đơn vị lúng túng áp dụng trong việc đón khách trở lại, chưa kể các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và du khách, ngăn chặn tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn phải chơ hướng dẫn từ Bộ y tế để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp. Để tiếp sức cho hệ thống bảo tàng tại Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, mới đây Hội nghị lãnh đạo Bộ làm việc với các Bảo tàng, Khu di tích trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được tổ chức. Tại Hội nghị, các ý kiến của đại biểu đều chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid 19 đến toàn ngành. Theo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, sự chủ động chuyển đổi hướng đi, đặc biệt về chuyển đổi số đã giúp các Bảo tàng khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đến gần hơn với du khách. Những tác động từ đại dịch cũng khiến các Bảo tàng chuyển hướng sang các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và kiểm kê bảo quản, số hóa… đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cục trưởng đề nghị, các Bảo tàng cần tiếp tục đẩy mạnh hướng đi thiết thực này. Đặc biệt trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn một cách tổng thể, theo nội dung Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt… Rất nhanh trong một thời gian ngắn, hàng loạt những triển lãm online đã được các bảo tàng thực hiện trong thời gian dịch Covid 19 bùng phát. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn chủ động số hóa nguồn hiện vật hiện có thành những học liệu quan trọng phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, nhận được sự đánh giá cao từ công chúng, người xem. Việc ứng dụng KHCN đã mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho lĩnh vực bảo tàng, du lịch di sản. Tuy nhiên, để có thể vững vàng vượt qua những khó khăn của đại dịch, đồng thời có thể đương đầu với những thử thách phía trước, từ kinh nghiệm trong quá trình điều hành, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho biết, xác định việc quan trọng nhất là chuyển tải gì trên không gian số đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút công chúng đến với bảo tàng. Cụ thể, với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đơn vị hiện đang quản lý khối tài sản quý giá là những hiện vật, di sản văn hóa, việc sử dụng KHCN thế nào để có thể phát huy hết những giá trị quý báu của hiện vật đến công chúng là một bài toán khó, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về con người lẫn cơ sở vật chất và phải tính đến việc quảng bá tư liệu bằng nhiều hình thức, trong đó, số hóa là con đường được xem là hữu dụng nhất hiện nay. Cùng với sự nỗ lực của các bảo tàng, đơn vị quản lý di sản, mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký công văn số 3809/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; các Bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam . Công văn nêu rõ về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với Ngành GD&ĐT trong hoạt động Bảo tàng. Bộ VHTTDL đề nghị các Sở, các bảo tàng triển khai xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động Bảo tàng. Trong đó, yêu cầu các bảo tàng nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số. Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến… Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các Sở chủ trì xây dựng ký kết chương trình phối hợp với các Sở GD&ĐT về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học để chỉ đạo các bảo tàng và các trường trên địa bàn phối hợp triển khai. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục của bảo tàng…

Sẽ cần rất nhiều thời gian để văn hóa, nghệ thuật có thể phục hồi và trở về với trạng thái khi dịch chưa bùng phát. Thậm chí, nhiều quan điểm cực đoan hơn khi cho rằng, văn hóa nghệ thuật sẽ không thể trở lại với trạng thái ban đầu, bởi dịch bệnh đã cướp đi của ngành những cá nhân ưu tú, đã làm cho nền kinh tế rơi vào thế khó nếu như không muốn nói là kiệt quệ. Hàng loạt doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, công nhân rơi vào tình cảnh thất nghiệp… là những thực tế khiến cho sân khấu, bảo tàng, di sản không còn là điểm đến hấp dẫn với không ít người khi điều kiện kinh tế không cho phép. Song, dù là vậy, những nỗ lực của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa bào giờ là muộn. Nhất là tại thời điểm đất nước đã bước vào trạng thái bình thường mới, với những chặng đưa nước rút để kết thúc một năm 2021 đầy thử thách.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ