Để cuộc sống bình an

1316

16.3.2018-07:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 ngày tết vừa qua, đã có hơn 4.100 người bị thương do đánh nhau phải vào viện, trong đó có 600 ca nặng phải chuyển tuyến và 13 người chết.

 

So với tết năm trước, số lượng người bị thương do đánh nhau giảm (Tết 2017 là gần 6.000 người) nhưng số ca nhập viện và điều trị nội trú lại tăng gần 15%, trong đó 70% là người trẻ. Họ xử lý mâu thuẫn không bằng lý, cũng không bằng tình mà bằng bạo lực, dẫn đến hậu quả khó lường.

 

Một câu hỏi được đặt ra là có phải người trẻ đang sống… xấu đi? Đây là vấn đề cần xem xét một cách thận trọng, ở nhiều khía cạnh, góc nhìn. Hiện nay truyền thông và mạng xã hội hay nói nhiều về mặt trái. Chuyện tử tế có đề cập nhưng không nhiều.

 

Lối hành xử bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ có ở học đường, gia đình, mà cả trong bệnh viện, nơi làm việc… Có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ lạm dụng rượu bia, va chạm trong giao thông, lời ăn tiếng nói, mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế, trong tình cảm… Cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực nước ngoài hay sâu xa về tâm lý, xã hội, về lối sống thực dụng, những bế tắc trong cuộc sống, thiếu lòng tin vào pháp luật, vào con người, muốn tự giải quyết theo cách riêng, bất cần và bất chấp… Có lẽ, vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo để có hướng xử lý hiệu quả cả trước mắt và lâu dài.

 

Dường như việc giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội bị xem nhẹ. Khi bạo lực gia đình tăng, bạo lực xã hội cũng khó giảm. Việc bạo hành trẻ em, phụ nữ… còn đầy rẫy, cho dù những quy định của pháp luật luôn được xem xét, sửa đổi, bổ sung.

 

Nhiều người cho rằng, một nền giáo dục có nội hàm đạo đức, quan tâm đầy đủ đến việc dạy làm người, không chỉ lo truyền thụ kiến thức đến mức quá áp lực như hiện nay, có lẽ sẽ ổn hơn. Một xã hội mà con người có sự quan tâm lẫn nhau, sống nhân ái, hòa thuận, bao dung, ai cũng biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm, không đổ lỗi người khác, có tình thương và lòng tin vào con người, lẽ phải, vào những điều tốt trong cuộc sống, vào pháp luật, vào sự công bằng… sẽ cảm thấy xa lạ với kiểu hành xử hung hăng, bạo lực.

 

Vấn đề là phải học, phải rèn một cách kiên trì trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trong gia đình, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên, không chỉ nêu gương tốt mà còn dành thời gian và tâm sức dạy con biết nâng niu những điều tốt đẹp, biết giữ gìn nền nếp gia phong. Giáo dục đạo đức trong nhà trường không chỉ qua chương trình, nội dung giảng dạy cần đổi mới mà chính là qua người thầy. Hình ảnh người thầy có sức cảm hóa lớn về nhân cách. Cùng với hoạt động Đoàn, Đội… sẽ góp phần vun bồi những giá trị sống tốt, tạo ra sân chơi lành mạnh với những nội dung bổ ích về giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thực hành xã hội, khả năng kiểm soát cảm xúc, biết cảnh giác với những cơn nóng giận bộc phát, biết kiềm chế trước những cám dỗ, đua đòi không lành mạnh… Không thể vì một lời nhắc đúng, hay một góp ý chân thành mà bị đáp trả bởi hành động hung hãn, vô thức. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, tôn giáo, nghề nghiệp… cũng sẽ góp phần giúp con người nhất là người trẻ hướng thiện, sống cân bằng, hài hòa và có ích. Các cơ quan truyền thông coi trọng việc nhân rộng những tấm gương nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp và đưa chủ trương chính sách pháp luật vào cuộc sống.

 

Muốn trở thành nước văn minh, hiện đại phải coi trọng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người. Truyền thống đạo lý của người Việt Nam rất coi trọng về đạo đức. Tư tưởng Hồ Chí Minh xem đạo đức là gốc. Trong thời đại ngày nay, dù cuộc cách mạng 4.0 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nhưng sẽ không có cỗ máy nào sánh được với con người có tài, có đức.

 

TPHCM đang quan tâm xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trong đó các tiêu chí về nghĩa tình sẽ được đặt ra một cách cụ thể, đề cập đến các hoạt động xã hội, tương thân tương trợ, phát huy tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp của người dân… Hy vọng những quy tắc về ứng xử sẽ được xây dựng và triển khai một cách sâu rộng và thực chất, góp phần giúp việc hành xử giữa con người với người trong cộng đồng, xã hội ngày càng đẹp hơn, hạn chế bạo lực, gây bất an trong xã hội.

 

PHẠM PHƯƠNG THẢO

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…