Triệu Phong
(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều cuối năm, đi dọc sông Lô. Heo hút. Bất chợt cậu lái xe mở băng nhạc ”Sông Lô chiều cuối năm”…
Tôi từng thân thiết với nhạc sỹ Minh Quang từ thuở anh còn là một ca sỹ trẻ của Đoàn ca múa quân đội. Giọng nam trung ấm áp, như một tấm lụa mượt mà, hát tình ca rất say đắm (Nói thật, nếu như anh có thêm một chút về chiều cao, đứng trên sân khấu sẽ rất hoành tráng, và chắc chắn sẽ là Sao). Nhưng có lẽ cũng chẳng cần đến thế, bởi lẽ không là sao, cũng không được cao lắm, nhưng anh có một điều khác để ai cũng phải ngước nhìn: Ấy là sáng tác. Anh có nhiều bài hát hay về người lính, mà trong đó với tôi, Sông Lô chiều cuối năm là một ca khúc hay nhất của anh:
Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ
Ai bỏ quên giữa dòng,
Câu thơ nói về một người con gái
Bao năm tháng chờ đợi
Người lính ấy sao mãi không về…
Tôi đã từng được nghe Minh Quang ôm ghi ta hát bài này, vừa hát nước mắt vừa đầm đầm trên má. Lại cũng được xem Doãn Tần biểu diễn trên sân khấu với dàn nhạc lớn Nhà hát ca múa Quân đội, giọng cao đẹp, đầy xúc cảm, phải nói là “đỉnh”, là tuyệt vời, tưởng không ai có thể hát hay hơn được.
… Thế mà một chiều cuối năm này, đi dọc sông Lô, tôi lại được nghe Sông Lô chiều cuối năm, với tiếng hát Quốc Hưng, một giọng trầm vào loại trầm đẹp nhất Việt Nam. Như tương phản với giọng nam cao, sáng và đẹp của Doãn Tần. Thế mà cả hai giọng hát này vẫn mang lại cho tôi những xúc cảm mãnh liệt, nhất là trong chiều nay đi dọc sông Lô…
Sông Lô chiều cuối năm,
Ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em
***
Tôi bỗng nhớ đến em – Người con gái 18 tuổi đội một chiếc mũ mềm và có hai bím tóc rất xinh. Em không ở sông Lô, nhưng cũng ở bên một dòng sông, sông Gianh! Tôi gặp em năm tôi ấy khi từ binh trạm 13 chiến trường Lào về Hà nội tập huấn nghệ thuật của Cục vận tải quân sự. Em là chiến sỹ của một binh trạm miền Tây Quảng Bình, cũng được ra Hà nội tập huấn nghệ thuật. Giữa hàng trăm chiến sỹ các binh trạm trên cả nước về tập huấn, chẳng dễ gì biết được nhau, nếu không có một tình huống bất ngờ do đạo diễn Doãn Hoàng Giang mang lại: Em được chọn đóng vai chính trong một vở kịch tôi viết (Trọng Điểm) và do anh Doãn Hoàng Giang – khi ấy là diễn viên Đoàn kịch TW đạo diễn. Cùng đóng với em, còn có Duy Hậu, là một lái xe binh trạm của em tham gia đội tuyên văn (sau này Duy Hậu là một nghệ sỹ nổi tiếng của Nhà Hát Tuổi Trẻ). Không biết vì em đóng kịch do mình viết làm mình xúc động, hay vì em cũng xinh đẹp, như một bông hoa mặc quân phục, một đôi mắt đen láy như biết nói rất nhiều điều… Phải nói thật tôi rất cảm tình với em ngay từ buổi tập đầu tiên. Và hình như em cũng quý mến tôi, dù hai binh trạm chúng tôi cách xa nhau lắm, “Hai đứa ở hai đầu xa thẳm” như thơ anh Phạm Tiến Duật.
Có một tối trăng rất đẹp, tập kịch xong chúng tôi đi chơi dọc những con đường làng và những cánh đồng lúa. Lạ thật, khi tập thì nói, thì tranh luận với nhau bao điều, mà khi đi bên nhau, cả một không gian rộng rãi và thấm đẫm ánh trăng là dành riêng cho mình, mà cả hai lại cùng im thin thít, không ai nói với ai lời nào…
Rồi ngồi xuống một vệ cỏ, em kể tôi nghe về con sông Gianh quê hương em, một ngày bom đạn, em cùng những trai gái trong làng chào cha mẹ ra đi. Em làm nuôi quân, rồi làm giao liên, và rồi được gọi về đội Tuyên văn binh trạm. Và đây là lần đầu em được ra Hà nội, được biết Thủ Đô….
Đêm sau, buổi tập kết thúc, ăn vội bát cơm tập thể, lại nhấm nháy rủ nhau đi chơi. Và còn cả nắm tay nhau nữa. Tuổi 18 đời lính hồn nhiên thế! Nó chẳng là tình yêu, mà cũng không chỉ đơn thuần là tình đồng chí. Có một chút gì xao xuyến như rung động đầu đời…
Nhưng sáng hôm sau, bỗng Duy Hậu vẫy tôi ra một góc vườn (Chúng tôi tập kịch trong nhà dân). Bởi thân nhau (Vì anh tuy khác BT nhưng đóng vai chính trong kịch của tôi, lại cùng là trai Hà Nội. Bố anh cũng là một nghệ sỹ kịch, còn mẹ tôi là nghệ sỹ hát).
Duy Hậu bỗng nghiêm mặt cảnh báo tôi:
– Tao nói cho mày biết nhé, tối hôm qua lũ binh trạm tao nó đi theo rình mày với cái L. đấy! Thôi chấm dứt đi nhé!
Tôi kinh ngạc nhìn Duy Hậu:
– Sao lại chấm dứt? Tao với nó thật ra cũng có gì đâu. Mày biết đấy, nó là diễn viên chính đóng kịch của tao. Lại cùng sinh ra bên dòng Nhật Lệ.Thế thôi!
Duy Hậu xua xua tay:
– Dù gì cũng không thể được. Nó là bông hoa của binh trạm tao, là vốn quý của binh trạm tao, là tài sản của trái tim những người lính binh trạm tao. Mày, hay bất cứ một thằng con trai nào lúc này cũng không ai được phép ”sở hữu” trái tim nó. Phải để nó trở về Binh trạm, đi biểu diễn nghệ thuật cho những người lính binh trạm…
Rồi Duy Hậu đặt tay lên vai tôi:
– Nếu lỡ nó yêu mày thì một trái tim mày vui, nhưng có hàng trăm hàng ngàn trái tim người lính binh trạm tao đang chờ đón nó về sẽ rất buồn.
Và anh thở dài:
– Thôi, mày tha cho nó!
Tôi ngạc nhiên quá, thốt lên: ”Ơ hay cái thằng này” và định nói thêm với Duy Hậu, nhưng anh đã bỏ đi. Lòng bỗng thấy rối bời, trống trải, lại sợ em bị đơn bị kiểm điểm, kỷ luật. Hay là qua nhà em, nói cho em hiểu. Nhưng sẽ nói thế nào nhỉ? Mà tối nay em sẽ vào Thành diễn kịch cho Bộ Tổng, nói ra những điều rối rắm thì có nên không? Tôi nghĩ vậy nên mọi điều cứ giữ lại trong lòng…
… Ngày kết thúc trại, tôi ra tiễn Duy Hậu và em ở ga Thường Tín (bởi binh trạm em xa hơn, cho nên về trước chúng tôi). Khi còi tàu vang lên, đã đến lúc tàu chuyển bánh, tôi mới dám cầm tay em, và thốt lên như rồi sẽ không bao giờ gặp lại: ”Em đi mạnh khỏe nhé. Xin em hiểu vì sao anh đã im lặng với em bao lâu nay. Duy Hậu nói đúng, em phải là của binh trạm, của những người lính binh trạm đang đợi chờ em. Cảm ơn em đã diễn kịch của anh rất hay. Và hôm nay lại mang vở kịch ấy về BT em để biểu diễn cho các chiến sỹ… Cảm ơn em nhiều lắm”. Em cứ đứng im lặng nghe tôi nói, rồi lặng lẽ gật đầu: ”Em hiểu ạ”, và từ mắt em ứa ra một giọt nước mắt…
Sau này hòa bình, tôi từ mặt trận Lào về Hà Nội và gặp lại Duy Hậu (Anh cũng đã được Tổng cục gọi về từ đội tuyên văn BT 17 để tham gia Đoàn kịch Tổng cục Hậu cần). Anh kể tôi nghe người con gái sông Gianh ấy sau này cũng đã trở về bến sông xưa, ngày ngày vẫn ngóng trông một người lính cô yêu mà bao năm vẫn chưa trở về…
“Sông Lô chiều cuối năm
Bất chợt gặp câu thơ
Ai bỏ quên giữa dòng.
Câu thơ nói về một người con gái,
Bao năm tháng chờ đợi
Người lính ấy sao mãi không về.
Sông Lô chiều cuối năm,
Ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em.
Qua bến Bình Ca đứng lặng,
Cây đào ngày tết sắp ra hoa,
Sao người con gái ấy nơi đâu,
Để lại bến sông kia bâng khuâng một con đò…”
T.P