Tại Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Dự thảo Luật Thi đua – Khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội khoá XV đã không còn danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với nhạc sĩ, phát thanh viên như quy định hiện hành. Thay đổi này đã mang đến nhiều ý kiến khác nhau ở những người làm nghệ thuật cũng như công chúng…
Theo điều 64 của Dự thảo, đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, hoạ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Như vậy, so với quy định hiện hành, Dự thảo Luật trình Quốc hội khoá XV đã bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu đối với nhạc sĩ và phát thanh viên (PTV). Trong quy định xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND đối với diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, hoạ sĩ hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật cần đạt các tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Có phẩm chất đạo đức tốt; Có tài năng nghệ thuật xuất sắc; Có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; Được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.
Ngoài ra, danh hiệu NSƯT được xét tặng với nghệ sĩ có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng với loại hình nghệ thuật xiếc, múa từ 10 năm trở lên, được tặng thưởng của các liên hoan, cuộc thi, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước. Danh hiệu NSND xét tặng cho những nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu NSƯT, có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thì thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên. Sau khi được phong tặng NSƯT tiếp tục được tặng giải thưởng của các liên hoan, cuộc thi hội diễn nghệ thuật trong nước và ngoài nước. Danh hiệu NSND, NSƯT được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh mùng 2-9.
Bên cạnh mảng sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh còn được biết tới là một nghệ sĩ đàn bầu.
Một trong những thay đổi của Dự thảo Luật đang tạo ra những ý kiến khác nhau với những người trong giới nghệ thuật cũng như công luận là việc loại bỏ nhạc sĩ ra khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Trên báo chí, khá nhiều nhạc sĩ bày tỏ quan niệm về vấn đề này. Một số ý kiến không đồng tình với việc bỏ nhạc sĩ ra khỏi đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vì cho rằng, yếu tố sáng tác và yếu tố biểu diễn là hai mặt không thể tách rời trong hoạt động văn hoá nghệ thuật. Thậm chí, với không ít người, nghệ sĩ sáng tác còn là bậc thầy của nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt trong các loại hình nghệ thuật như đờn ca tài tử, cải lương…
Tiêu biểu như đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) bảo lưu quan điểm giữ lại đối tượng nhạc sĩ vì cho rằng nhạc sĩ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Nhạc sĩ không phải là nghệ sĩ biểu diễn nhưng họ là nghệ sĩ, là người gián tiếp quan trọng tạo ra các sản phẩm sáng tạo đến với công chúng giống như các đạo diễn, quay phim, hoạ sĩ, biên đạo…
Tất nhiên, ý kiến đồng tình với sự thay đổi của Dự thảo Luật cũng không phải là ít. Thực tế, các nhạc sĩ, những người sáng tác ca khúc từ trước đến nay, có tên trong Luật nhưng bản chất họ đều không nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu này vì họ không phải là nghệ sĩ biểu diễn. Họ cũng không tham gia các hội diễn nghệ thuật để có huy chương phục vụ cho việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu.
Trong hệ thống giải thưởng hiện hành, với giới nhạc sĩ sáng tác đã có giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật đó là Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh xét tặng cho tác phẩm, cụm tác phẩm của tác giả đó. Tất nhiên, có một số nhạc sĩ vẫn nhận được danh hiệu vì trong sự nghiệp âm nhạc của mình, họ đảm nhiệm những vị trí khác nhau như nghệ sĩ biểu diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc. Đơn cử như nhạc sĩ Trọng Đài, nhạc sĩ Trần Quý, nhạc sĩ Quang Hải được tặng danh hiệu NSND qua công tác đạo diễn, chỉ huy, chỉ đạo nghệ thuật các chương trình. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh được xét tặng danh hiệu NSƯT với tư cách nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu chứ không phải nhạc sĩ sáng tác.
Một số ý kiến băn khoăn rằng, thực tế lâu nay 80% những tác giả nhận được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh khi tuổi đã cao, thậm chí có người đã qua đời. Vậy những người soạn thảo Luật cũng nên nghĩ tới giải pháp nào đó để ở mỗi thời điểm nên có sự ghi nhận và tôn vinh được sự cống hiến của các nhạc sĩ, chứ không chỉ tập trung vào nghệ sĩ biểu diễn.
So với việc không để nhạc sĩ vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì việc bỏ PTV ra khỏi đối tượng xét tặng này nhận được đa số ý kiến đồng tình hơn. Lâu nay, những PTV nhận được các danh hiệu NSND, NSƯT đều là những người thuộc thế hệ trước. Các PTV kỳ cựu này đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát thanh – truyền hình của đất nước ở những giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, những PTV thực sự là những nghệ sĩ – chiến sĩ trên mặt trận cung cấp và truyền tải thông tin kịp thời về mọi mặt của cuộc sống đến với người dân. Không chỉ có vậy, những bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết qua giọng đọc truyền cảm của họ còn là nguồn động viên tinh thần quý giá với chiến sĩ, nhân dân. Những giọng đọc huyền thoại của NSND Tuyết Mai, NSƯT Kim Cúc, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Thanh Hùng, NSƯT Minh Trí… đã thực sự ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Danh hiệu dành cho họ là sự tôn vinh xứng đáng những cống hiến không mệt mỏi, những hi sinh gian khổ của họ trong cuộc đời làm nghề.
Nhiều phát thanh viên được đông đảo công chúng yêu mến bởi giọng đọc đã trở thành huyền thoại.
Sở dĩ việc PTV không được đưa vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND tại Dự thảo Luật lần này nhận được nhiều đồng tình vì hiện nay, PTV thường còn kiêm luôn các công việc như phóng viên, biên tập viên… Chính vì vậy, công việc thực tế của họ gần với lĩnh vực báo chí hơn nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng vẫn còn ý kiến băn khoăn với những PTV chuyên trách công việc đặc thù như bình phim tài liệu, đọc truyện đêm khuya, bình thơ, thuyết minh phim… Họ vẫn cần phải chau chuốt kỹ năng nói, biểu cảm bằng giọng nói khác nhau để hoá thân vào câu chuyện, nhân vật nên nếu không được xét tặng cũng sẽ thiệt thòi. Phát biểu trên báo chí, NSƯT Kim Tiến cho rằng PTV phải là người góp phần gìn giữ vẻ đẹp, tính chính xác, ngữ điệu, thanh dấu của tiếng Việt nhưng hiện nay điều này bị mai một. Một phần vì các PTV kiêm thêm nhiều việc, một phần vì truyền hình, phát thanh đều phát triển nhanh nên số lượng PTV cũng ngày một đông và theo hướng báo chí hơn.
Có thể nói, việc xét tặng và trao danh hiệu NSND, NSƯT cho văn nghệ sĩ có đủ điều kiện là hình thức tôn vinh có tác dụng to lớn trong việc tạo động lực trong hoạt động nghệ thuật và cống hiến. Chính vì thế, yếu tố công bằng, chính xác được đặt lên hàng đầu. Thực tế thời gian qua, vẫn có những ngoại lệ trong việc xét các danh hiệu cho các nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, tích cực tham gia các nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước, giảng viên các trường đào tạo văn hoá nghệ thuật… dù có thể không đủ số giải thưởng. Một trong những điều ở Dự thảo luật mà nhiều người quan tâm là tiêu chí xét giải nếu cứ căn cứ vào huy chương, giải thưởng thì sẽ rất thiệt thòi cho các nghệ sĩ tự do. Thực tế, nhiều nghệ sĩ tự do không ở đoàn nào, không có điều kiện tham gia các cuộc thi, liên hoan, không có số huy chương theo quy định nhưng vẫn có đóng góp, cống hiến đáng kể cho nghệ thuật. Và tương lai, số lượng nghệ sĩ tự do sẽ ngày một nhiều.
Có thể nói, Dự thảo Luật Thi đua – Khen thưởng chỉnh sửa là việc làm cần thiết trong hoàn cảnh đời sống kinh tế – văn hoá – xã hội có nhiều thay đổi. Trong đó, đời sống văn học nghệ thuật được đánh giá là sôi động, phong phú và phức tạp. Với đặc trưng của lĩnh vực văn học nghệ thuật thì không dễ để đạt được sự công bằng tuyệt đối. Lâu nay, dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng việc xét tặng danh hiệu vẫn tồn tại một số vấn đề. Ví như người đạt danh hiệu nhưng lại ít được công chúng biết đến, người được công chúng yêu mến lại không có danh hiệu. Những quy định trong việc làm hồ sơ, thủ tục vẫn còn khiến nhiều nghệ sĩ ngại ngần… Hy vọng rằng, những thay đổi lần này sẽ khắc phục được những tồn tại lâu nay.
Theo Khánh Thảo/VNCA