Đêm cầu cơ – Truyện ngắn của Trần Bảo Định

1081

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lão Tám, cố ý níu tụi nhỏ nán ở lại bãi tha ma mộ địa làng cho tới lúc trời sụp mí, khuất mình… thằng Nhanh, thằng Lẹ đâm lo và đôi lần, dợm co giò chạy nhưng ngặt nỗi, Lão Tám đứng chàng hảng chặn lối. 

Ảnh minh họa – Nguồn internet

1. Bãi tha ma mộ địa làng.

– Đồ quân đào mồ cuốc mả!

Tiếng rủa lẫn trong lời chửi của Lão Tám âm âm cánh đồng chiều hiu quạnh.

Đám con Tư, thằng Nhanh, thằng Lẹ dợm liệng đồ nghề: búa, đục, vá, xẻng… vọt chạy.

– Đám tiểu quỷ! Đứng lại đó!

Tụi nhỏ đứng chết trâng, khác chi trời trồng và hình như, có một thứ ma lực nào đó buộc ràng chưn cẳng.

– Ai biểu mấy đứa bây đục ván hòm?

Lặng thinh!

Từng cơn gió mồ côi rượt đuổi nhau trên đầu ngọn bông lau tiệp màu nước sáng trăng đêm sông Rạch Cát (1).

Dạ!

ConTư, ấp a ấp úng kiểu gà nuốt phải dây thun.

– Dạ! Là dạ mần sao?

Lão Tám, cố tình truy gắt củ kiệu con Tư vì lão thừa hiểu, việc này phải có người lớn bày đầu. Vả lại, lão cũng không lạ gì tánh khí của con Tư – con chị Năm Thà – và theo lời chị, là do chị “khai hoa nở nhụy” nhằm đêm Rằm nên nó ưa cứng đầu cứng cổ. Nghe thì nghe vậy, chớ thiệt lòng lão không tin lời chị Năm biện giải.

Sương đồng lê thê vắt bờ ruộng và xa xa, rìa xóm chập choạng tối.

Lão Tám, cố ý níu tụi nhỏ nán ở lại bãi tha ma mộ địa làng cho tới lúc trời sụp mí, khuất mình… thằng Nhanh, thằng Lẹ đâm lo và đôi lần, dợm co giò chạy nhưng ngặt nỗi, Lão Tám đứng chàng hảng chặn lối. Riêng, con Tư thì tỉnh rụi mà lại còn tủm tỉm cười thầm:
“Lão Tám, giở trò nhát ma hòng giành lấy miếng ván hòm cây bình bát dùng làm cơ trục hồn ma bóng quế”.

Hết thằng Nhanh ngó, tới thằng Lẹ nháy mắt con Tư ngầm phát tín hiệu hỏi phải ứng phó sao với Lão Tám? Ôm bụng, con Tư giả bộ mở dây lưng quần…

– Con quỷ cái! Bây mần cái gì kỳ cục vậy?

– Dạ! Đau bụng, mắc đi…

Hiểu ý, thằng Nhanh, thằng Lẹ đồng thanh nhạy miệng:

– Tư! Cứ việc ị đại cho ông Tám coi!

– Ê! Ê! Qua không giỡn với tụi bây, nha!

Nói xong, lão lấy tay bịt mũi, mặt quay chỗ khác.

Và, chỉ đợi có vậy, cả bọn hè nhau dông tuốt.

***

Trăm con mắt trải khắp mình
Dáng cong mềm mại, tính tình dễ thân,
Hè sang ai cũng muốn gần,
Nằm chơi chốc lát, đỡ phần bức oi? (1)

Nghe câu hò đối, lão biết đó là câu hò của cô Hai Bình Bát cố ý chọc ghẹo lão hò đáp. Nhưng, không hiểu sao hôm nay, lão mất cảm hứng mở lời hò đáp lại. Và, tiếng hò đối kia, dường như vẫn văng vẳng trên sông Cần Giuộc, lẻ loi buồn!

Đời cô Hai hiu quạnh cũng như đời lão. Cô Hai lấy ghe làm nhà, lấy sông rạch làm nơi chốn mưu sinh. Lênh đênh, xuôi ngược trên sông Cần Giuộc – có lúc gọi sông Rạch Cát, sông Phước Lộc; cô Hai chèo ghe chở hàng rao bán võng bình bát từ hạ lưu sông Cần Giuộc gặp kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ tới đầu nguồn giáp sông Chợ Đệm, tiếp kinh Đôi đổ ra ngả sông Sài Gòn. Vì là tay làm hàm nhai nên cô Hai phải buông chèo bắt mái, phải lặn lội theo bờ sông rạch để chọn từng cây bình bát già đốn và ngâm nước; áng chừng mươi ngày nửa tháng thì vớt cây lên lột vỏ bỏ lớp ngoài da đen, lấy lớp trong dây nâu đỏ rồi trải ra sân phơi nắng và khi dây thật khô, cô Hai cặm cụi đươn thành võng. Cực vậy, nhưng Lão Tám chưa hề nghe cô Hai than khổ, bởi cô không thấy khổ trong cái cực cơm áo.

Nắng hắt nóng rát mặt người.

Lão Tám, ngồi lựa từng tàu chuối sứ phơi nắng để khi khô thì tuốt bỏ lá, đươn võng bán cho tụi lính Tây được giá hơn bán cho bạn hàng ghe thương hồ Lục tỉnh Nam Kỳ.

– Cơm nước gì chưa, anh Tám?

Bà Năm Thà, chèo xuồng dưới rạch Tràm (2), nói ong óng lên.

– Trời chưa đứng bóng, cơm nước gì chị Năm!

– Trưa trờ trưa trật rồi đó!

Vừa chèo ghe, bà Năm vừa nhắc lão Tám.

Nóng duyên hải rải nắng biền tràn qua rừng bình bát.

Nghỉ tay, Lão Tám xuống bến nước rửa mặt. Mùi nước lợ làm lão tỉnh táo và vị mặn ngọt của nước, khiến lão nhớ bao chuyện đời thấm ngấm ở miền đất nghèo bạc tiền, giàu nghĩa nhân này!

Thân đơn, lão sống một mình nhưng không cô độc. Hỏi tuổi, lão không rõ tuổi. Hỏi bản quán, lão chẳng biết bản quán ở phương chốn nào. Lão chỉ nghe những người cao niên nói lại, rằng ba má lão bỏ xứ theo đường biển vô Nam tìm đất sống và chẳng may, cả gia đình chết nước tại cửa sông Soài Rạp lúc gặp cơn sóng dữ nhận chìm ghe. Có lẽ, nhờ phước đức ông bà – lão nghĩ vậy – người thợ chài cứu vớt lão.

Nhiều lần, lão mon men tìm cách lân la tiếp cận cuộc cầu cơ để qua đó, sẽ biết được phần nào căn kiếp, số phận của lão. Nhưng rồi, lần nào cũng vậy, lúc thì bà Năm khi thì người khác đều từ chối với lý do rằng lão nặng bóng vía!? Thiệt tình mà nói, người làng không ai không cảm thông và thương hoàn cảnh lão, nhưng cũng không ai tin lão vì lão thường xuyên bán võng chuối sứ cho bọn lính Tây ở đồn Cần Giuộc (3). Người bán tín bán nghi thì nói rằng có thể, lão mượn việc bán võng nhằm che giấu việc cộng tác với Tây (!?).

Nhận ra và xét việc một con người, bà Năm luôn điềm tĩnh, thận trọng và tiếp cận. Bà nhớ ông ngoại lúc còn sống, dạy con cháu: “Coi mục đích việc làm, coi những việc và cách thức đã làm, coi những việc làm yên vui thích thú thì sẽ biết người đó là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được!”(4).

– Này, Hai!

– Dạ! Chị Năm gọi em?

Kề tai, bà Năm nói nhỏ điều cần nói cho Hai Bình Bát nắm rõ và vững tâm làm.

Nói xong, bà Năm thong thả hỏi:

– Hai! Em liệu có làm được không?

– Dạ! Thưa chị, được!

Trọn lỏn tiếng “Được” làm bà Năm hài lòng và tin cẩn càng tin cẩn hơn cô Hai. Nắm tay, hai chị em cùng cười. Và, cũng từ hôm đó, Hai Bình Bát gần gũi, gắn bó với lão Tám qua câu hò đối đáp, qua sự tận tình giúp đỡ nhau lúc tối lửa tắt đèn.

– Ông Tám! Ông Tám ơi!

– Chuyện gì mà réo giựt ngược vậy, nhỏ?

Tiếng mái chèo khua be xuồng dưới bến rạch.

– Bà Năm, gởi ông cái này!

– Cái gì vậy, nhỏ?

– Tui không biết!

Thằng Nhanh hối:

– Ông mau ra lấy, trời sắp tối.

– Bộ mầy sợ ma hả, nhỏ?

– Sợ chớ ông!

Lão vội nhét mấy củ khoai luộc vô túi thằng Nhanh, rồi giục:

– Thôi, chèo ghe về sớm đi nhỏ!

Và, lão dặn vói theo:

– Nhớ nói qua gởi lời cảm ơn bà Năm!

Lão chưng hửng, không ngờ bà Năm trao miếng cơ cho lão giữ. Thật ra, từ lâu. lão rất muốn dự cầu cơ để coi ra thể nào mà người làng giữ bí mật. Lão nghĩ: “Có lẽ, do tụi nhỏ học chuyện lão hù dọa việc chúng đục cạy ván hòm làm cơ ở bãi tha ma mộ địa chiều hôm đó mà bà Năm, biểu thằng Nhanh đem miếng cơ tới cho lão giữ?”. Chợt lão nhớ, có lần bà Năm nói: “Người nào được giao cơ giữ thì đương nhiên, người đó có quyền dự cầu cơ”. Vậy là, đong rày sắp tới, lão được quyền dự cầu cơ. Lão mừng húm và cười thích thú trong nắng chiều phôi phai.

2. Hồi đó, quận Cần Giuộc trực thuộc tỉnh Chợ Lớn (5), Chủ tỉnh Rivet (Louis) ngầm ra lịnh viên Thiếu úy Bataille, Trưởng đồn Cần Giuộc phải thường xuyên dòm ngó hành tung của bà Năm Thà, vì chúng hiềm nghi bà dùng cầu cơ mần quốc sự.

Bà Năm hay nói với người làng: “Người thiệt sẽ chết mòn vì những điều xấu xa được ngụy trang bởi sự nhân danh tốt đẹp. Bọn xâm lược thống trị có bao giờ thương dân thuộc địa bị cai trị!”. Và, theo bà, phàm làm người thì ai cũng có căn và muốn biết căn, không chi bằng cầu cơ.

Bà thường nói:

“Soi căn là cách tìm tiền kiếp, là thức coi Linh hay Vong ở bản thân; đồng thời, để biết vị nào độ mạng mà thờ phụng”.

Có ai đó hỏi:

“Cần mở căn không?”.

Bà Năm, cắt nghĩa thêm:

“Mở hay khai căn, là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhứt để làm đúng số phận”.

Chòi hoang, đêm mịt mùng!

Thanh và Lẹ, hai đứa lui cui trải bàn cơ dưới ánh đèn mù u leo lét. Ngồi bên Hai Bình Bát, lão Tám nhìn chăm bẳm hai bốn chữ cái trên mặt bàn cơ với một bên viết: Thần – Thánh – Ma – Quỷ, và một bên ghi: Đúng – Sai – Có – Không. Riêng góc phía dưới, ghi: Thăng.

Run tay, lão đưa miếng cơ ván hòm cho bà Năm.

Ngón tay trỏ để nhẹ lên mặt cơ, con Tư bắt đầu đọc thầm lời khấn cầu cơ (6).

Im phăng phắc!

Lẫn trong gió, lão nghe lời khấn cầu cơ pha hơi sương se lạnh:

“Hồn ơi hãy ghé qua đây

Tâm tình trăng gió nước mây với hồn”.

Rồi:

“Hồn đừng ngại đường xa bóng nhỏ
Hồn cùng ta mở ngỏ treo lời
Hồn về ẻo lả chơi vơi
Cùng ta tâm sự chuyện đời muôn năm”.

Kết thúc lời khấn cầu cơ, con Tư vẫn nhắm nghiền đôi mắt và chậm rãi đọc câu thần chú:

“Với ba nén nhang, bông trái hái từ đất quê, đồng tử cầu thánh thần, ma quỷ xin nhập vô cơ và mời thánh thần, ma quỷ lên trần gian và mời cùng xơi”.

Thời gian như ngưng đọng, không gian rờn rợn như cõi âm. Bất giác lão rùng mình, nổi da gà!

Đột nhiên, lão thấy cơ chỉ rung. Cô Hai nói nhỏ:

– Hồn đã giáng cơ!

Chốc lát, cơ chỉ từ từ di chuyển và đột ngột, cơ dừng lại chúi đầu nơi bông trái, điếu thuốc đang đỏ đầu bừng lửa. Lão ngạc nhiên, cô Hai hiểu ý:

– Hồn giáng cơ đang hưởng bông trái và hút thuốc đó, anh Tám!

Bà Năm, thắp nhang cắm xuống đất trước bàn cơ và con Tư, vẫn nhắm mắt.

– Cô Hai! Hồn giáng cơ hưởng lộc, sao lại chạy vòng quanh và trở về nơi xuất phát?

“Suỵt”! Cô Hai nhắc lão nói nhỏ, kẻo làm kinh động cơ.

– Đó là, hiện tượng hồn mới giáng cơ và chờ chủ cơ, muốn hỏi gì thì cứ hỏi.

Bà Năm, chịt lại khăn rằn nhằm gởi ám hiệu tới cô Hai.

– Anh Tám! Hỏi về căn kiếp của anh đi!

Hai Bình Bát nói và nhắc rất nhẹ:

– Khi hỏi, anh nhớ chữ cái để ghép thành câu trả lời.

Tháng nay, lão trăn trở và suy nghĩ nhiều về căn kiếp, thân phận của lão. Tưởng rằng tứ cô vô thân, nào dè lão không cô độc và cũng chẳng phải kẻ, ngoái nhìn bốn phía không có người thân. Theo hồn giáng cơ mách bảo thì cố tổ lão họ Mai, người miền Hà Thanh, gốc Quy Nhơn (7). Thời loạn, nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh, họ Mai lưu lạc vô Nam khẩn hoang lập điền và tới lúc, giặc Pháp xâm lược Nam Kỳ đánh chiếm Gia Định thì có người họ Mai (8):

“Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung;
Chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm;
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó” (9) đã từ giã người thân, rời mái ấm gia đình, ra đi vì việc nước dưới lá cờ nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc vào đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (10):

“Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.

Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có” (11).

Dưới sự chỉ huy của Cai tổng Bùi Quang Là, người họ Mai cùng nghĩa dân tập kích quân Pháp ở chợ Trường Bình, đốt cháy đồn giặc và người họ Mai đã anh dũng hy sinh được dân tôn làm thần, lập miếu thờ tại làng Đa Phước.

Như vậy, lão đã rõ tông tích và có lẽ, khi xưa ba má lão đưa cả nhà vô Nam là đã có người thân cùng họ cùng xứ dẫn mối dắt lái. Gió khuya xào xạc vườn chuối. Bước ra sân, lão ngửa mặt nhìn bầu trời đầy sao, chạnh lòng, lão tự hỏi: “Đất mình, nhưng lại là thuộc địa của người!”.

***

– Cơn nghèo gặp lúc ngặt!

Tặc lưỡi, cô Hai nói phong long.

Ngồi đươn võng chuối, nghe cô Hai nói phong long lão Tám đâm lo: “Chắc là đâu đó vừa xảy ra luồng khí không tốt lành cho sự việc”.

– Đốt phong long! Lo gì cô Hai?

Lão cười, nói cà rỡn.

– Má thằng Lẹ đang gặp phải “gió rồng” giữa lúc cảnh nhà nghèo rớt mồng tơi, nghèo rơi nước mắt!

Thở dài, Hai Bình Bát giọng buồn buồn.

Lão Tám ngẫm nghĩ: “gió rồng” nói lái là “rò giống”, ám chỉ luồng tà khí từ đàn bà bị hư thai. Lão hỏi:

– Cô Hai! Việc gì xui xẻo đã xảy ra?

Hai Bình Bát, kể đầu đuôi việc má thằng Lẹ hư thai và chừng tháng sau, má nó nói cười như người mất trí. Bà con xóm giềng chung lo thuốc thang nhưng bịnh của má nó ngày càng phát nặng. Kẻ nói má nó bị tà ma bắt, người nói má nó buồn bỏ con mà bị tâm thần…

Sốt ruột, lão Tám cắt lời cô Hai:

– Giờ má thằng Lẹ sao rồi, cô Hai?

– Chiều qua, chị Năm đưa má thằng Lẹ vô nhà thương Chợ Quán.

– Nhà nghèo, đơn chiếc, không biết tiền bạc má thằng Lẹ ra sao?

Vô buồng, lão lấy túi rút rồi trở ra và lão trút tiền xuống đất, những đồng tiền do lão ki cóp chắt chiu từng cắc từng xu phơi bày dưới nắng cần lao. Hai Bình Bát cảm động tấm lòng của người bạn nghèo giàu nhân ái.

– Phiền cô Hai! Nhờ cô chuyển số tiền ít ỏi này cho chị Năm để chị đem vô nhà thương giao má thằng Lẹ.

– Anh Tám! Anh giữ lại chút ít hộ thân.

– Mạng còn giữ không được thì tiền bạc, mần sao giữ được cô Hai?

Nhiều lần, Chủ tỉnh Rivet (Louis) đôn đốc Thiếu úy Bataille phải nắm và phá rã mắt xích bà Năm trong chuỗi Hội kín Nam Kỳ của Chín Trí (11). Thiếu úy Bataille, tìm mọi cách cài người vô nhóm cầu cơ bà Năm nhưng bất khả.

– Trình quan Một! (12)

– Chuyện gì?

Thầy thông ngôn khúm núm trình việc gì đó cho viên Thiếu úy nắm, người ngoài chẳng nghe rõ tiếng chỉ nhìn thấy điệu bộ diễn đạt theo lời của hắn.

“Thời cơ đã thuộc về ta!”. Thiếu úy Bataille mồi thuốc hút, mỉm cười.

Thiếu úy Bataille nhận công điện Chủ tỉnh Rivet (Louis): “Dùng người quê hương của địch, Thiếu úy phải biết hậu đãi để sai khiến nó làm gián điệp”.

Mưa giông đầu mùa!

Những ngày chăm sóc má ở nhà thương Chợ Quán, Lẹ được người Ấn gác dan nhà thương tận tình giúp đỡ: khi thì thức ăn thức uống, lúc thì tiền bạc thuốc men… Và, Lẹ còn được người gác dan tập hút thuốc lá Mélia “vàng” giải khuây và để quên hình ảnh những chiều trống hoác nhìn xác bịnh nhân đưa vô Nhà xác!

Buổi đầu, Lẹ ngại ngùng rụt rè nhận sự giúp đỡ của người Ấn gác dan nhưng rồi suốt mấy tháng như vậy, Lẹ quen dần… Một hôm, người gác dan hẹn:

– Trưa nay, cậu theo tôi!

– Dạ! Có việc gì vậy chú?

– Để gặp một người!

– Một người?

– Phải! Một người!

Ngạc nhiên, thằng Lẹ hỏi dồn:

– Ai vậy chú?

– Là ân nhân của mẹ con cháu!

– ???

– Cháu nghĩ coi, nghề gác dan không đủ nuôi thân chú thì của đâu, chú cho cháu!

Sau lần gặp trưa hôm đó, thằng Lẹ biến thành người của Thiếu úy Bataille.

3. Tờ mờ sáng, sương mù che khuất Rạch Tràm, lão Tám chèo ghe chở võng giao mối sớm cho đồn Cần Giuộc. Lúc mũi ghe sắp qua cua rạch, lão giựt mình thấy tướng ai như tướng thằng Lẹ, lóm thóm từ trong đồn bước qua cổng xuống bến. Lão vội lủi ghe vô rừng bình bát ẩn núp. Tiếng chèo khua nước mỗi lúc mỗi gần, mặt thằng Lẹ rõ dần và lồ lộ sau lớp sương mai và ghe nó vội vã lướt qua.

Liên tục mồi thuốc hút, lão cố đè cơn xúc động tức giận để giữ trạng thái bình tĩnh. Ngồi im lặng trên ghe giữa rừng bình bát bịt bùng, lão đợi trời sáng tỏ.

– Lão Tám! Sao giao hàng trễ?

– Dạ! Thưa quan Một, tui lu bu quá!

– Trên rạch, lão có gặp nghe nào không?

– Dạ! Thưa không!

– Thôi được, lần sau giao hàng buổi trưa nha!

– Dạ!

Trên thủy trình chèo ghe về, đầu óc lão cứ lởn vởn chuyện thằng Nhanh và con Tư trao đổi, mà thằng Nhanh nói lại cho lão nghe:

“Dạo này, thằng Lẹ nó xài sang dữ, nha Tư!

– Ờ há!

Nhưng rồi, Tư nói giảm khinh cho bạn:

– Thằng Lẹ, tánh hiền lành và chắc là, nhờ tánh hiền lành nên những ngày nuôi má ở nhà thương Chợ Quán, nó gặp quới nhơn giúp đỡ!

– Chẳng phải vậy đâu! Nó giờ lạ lắm!

– Thôi thì, Chín bỏ làm mười đi Nhanh!

Tuy nói vậy, nhưng bằng trực giác, Tư cũng nhận ra điều khang khác ở hành động và lối sống gần đây của thằng Lẹ”.

Giờ thì, lão đủ cơ sở khẳng định: thằng Tây sử dụng thằng Lẹ làm nhân gián!

Ghe tới bến, lão không ghé bến mà hối hả chèo rút đi thẳng.

“Phải báo tin dữ này tới chị Năm và cô Hai”, lão tự dặn lão. Nhưng, lão biết cả hai đang ở đâu mà báo tin? Trong lòng lão, nóng như thiêu như đốt.

Cần Giuộc, bước vào những ngày bi tráng chống Tây xâm lược!

Nhận mật lịnh từ Thủ lĩnh Chín Trí, bà Năm và cô Hai mỗi người một hướng để lo vận động may “khăn trắng, quần trắng, áo đen”, và tập hợp trai tráng trong làng gia nhập Hội kín Thiên Địa hội chuẩn bị tấn công dinh Thống đốc Nam Kỳ và Khám lớn Sài Gòn để “Cứu Đại ca” (13).

***

Tha ma mộ địa làng, lâm thâm mưa đêm.

Như thường lệ, bà Năm làm chủ cơ, con Tư thủ vai Đồng tử. Hồn giáng cơ đột ngột chạy ráp chữ: “Giặc tới”. Rồi, chúi đầu xuống chữ “Thăng”! Mọi người chưng hửng chưa kịp hoàn hồn thì đã nghe súng nổ, và tụi lính Tây tràn vô chòi hoang… Thằng Nhanh – đúng là nhanh – nó liệng bát nhang vô mặt thằng Tây, rồi nhảy xuống bãi biền chùi đất lầy ra rạch, lặn nước. Thấy vậy, thằng Lẹ quyết rượt theo bắt cho bằng được thằng Nhanh; nhưng đúng như cái tên cha sanh mẹ đẻ, Lẹ thua Nhanh. Và, trời chợt mưa xối xả!
Nửa đêm, nhận hung tin từ thằng Nhanh. Lão Tám, đoán thế nào bọn lính Tây đồn cũng dùng xuồng chở bà Năm, cô Hai và những người bị bắt qua khúc cua – nơi mà lão núp rình nhận mặt thằng Lẹ – của dòng Rạch Tràm. Lão vói tay lấy cây mác vót, dặn thằng Nhanh làm như vầy… như vậy…

Mắt thằng Nhanh ánh lên trong bóng đêm!

Tụi lính Tây nói cười om sòm trên rạch, và ánh đèn pin chớp sáng mặt lá rừng bình bát. Có lẽ, chúng đang hí hửng vì vừa “cất vó” Hội kín và nghĩ tới phần thưởng bự tổ chảng của thượng cấp sắp ban cho.

Xuồng lính Tây trườn mặt nước, nhích gần tới khúc cua rạch.

Bầu trời chớp giựt, sấm nổ đùng đùng và nhiều tia chớp ngoằn ngoèo chẽ nhành trông giống cành cây lộn ngược xuống rạch. Tụi lính Tây la í ới, có lẽ vì kinh sợ mà la!

– Phụp!

Lão Tám ngoi khỏi mặt nước, phóng mũi mác vót trúng ngay cổ thằng Tây ngồi ở đầu xuồng và nó, té nhào xuống rạch. Cùng lúc, thằng Nhanh lặn sâu đẩy lườn xuồng mất thăng bằng, chao nghiêng lật úp. Hoảng loạn, tụi lính Tây mạnh đứa nào đứa nấy nhảy rạch, cố lội vô bờ thoát chạy. Trời tối đen, chẳng ai nhìn rõ mặt ai, tụi lính Tây không dám bắn súng vì sợ bắn lầm đồng bọn. Lão Tám, lấy tay đẩy bà Năm, cô Hai, con Tư và một số người dạt tấp vô mé bờ. Mở trói con Tư. Lão hét lớn:

– Mở trói! Chạy! Chạy…

Bà Năm và con Tư lôi Hai Bình Bát lên bờ, chạy!

– Chị Năm! Hội và bà con đang cần chị và chị còn bao nhiêu việc phải làm… con Tư còn nhỏ… Thôi, má con chạy đi!

Hai Bình Bát, bơi ngược trở lại trận địa.

Tia chớp, lóe vệt sáng như lưỡi đao bén ngót cắt ngọt bức màn tối không gian.

Qua vệt sáng, thằng Nhanh phát hiện thằng Lẹ dìu thằng Tây nắm be xuồng bơi vào bờ. Tức tốc, thằng Nhanh lặn chưa đủ một hơi đã tới cận lưng thằng Lẹ. Hai thằng từng là bạn nối khố, giờ đối mặt tử thù nhau.

Thằng Lẹ khỏe sức, bơi giỏi; nó dùng đôi chưn xiết cổ nhận nước thằng Nhanh. Ngộp thở, thằng Nhanh lấy hơi lặn, năm ngón tay nắm hờ rồi nhanh như chớp, nó dùng lực các đầu ngón tay nắm chặt và bóp nát hạ bộ thằng Thanh.

Một thằng gắng bơi thoát, một thằng cố lặn giữ. Sự níu kéo chánh tà, sự giằng co sinh tử đã chặn đường sống dành cho kẻ phản bội quê hương!

Tả xung hữu đột với đám lính Tây, lão Tám chẳng khác kình ngư giữa bầy cá dữ. Lão sử dụng thủ pháp “Song thủ ngũ hành vi bản” giết một mớ thằng Tây khiến chúng tháo dạt bơi vô bờ.

Vừa lúc đó, thằng Tây nhảy bổ tới và dùng tay kẹp cổ lão.

Hụp đầu, lão Tám vuột luốt khỏi đôi tay hộ pháp của thằng Tây. Bất ngờ, các ngón tay bàn tay mặt nắm chặt trừ ngón trỏ chỉ thẳng ra trước. Thình lình, lão đâm ngón tay trỏ móc mắt và đồng thời, lão dùng ngón tay cái chọc yết hầu thằng Tây. Đang lúc lão xà quần và tay dính khắn cổ họng thằng Tây, thì một thằng Tây khác nhào vô cứu đồng bọn, mũi lê từ tay nó đâm lưng lão; cũng may đúng lúc đó, Hai Bình Bát kịp trờ tới và cô dùng cùi tay làm trục gạt văng lưỡi lê, đánh cùi tay trúng cằm thằng Tây; đồng thời, cô Hai xoay bàn tay ngửa sấp chặt, chém, xỉa mắt, mặt, cổ… nó dựng người, ngã chìm xuống nước.

Sấm nổ liên hồi át tiếng súng.

Đám lính Tây sống sót chạy thục mạng về đồn.

Đặt lão Tám và thằng Nhanh lên xuồng, Hai Bình Bát chèo ra sông Cần Giuộc. Bóng cô Hai chìm trong bóng tối quê nhà!

Bình minh trên Rạch Tràm!

Thắp nén hương tiễn nghĩa sĩ “Vì nước quên thân” về lòng Đất Mẹ, yên giấc ngàn thu!
Đời sau, không ai không nhớ lão Tám, làm rạng rỡ dòng họ Mai và thằng Nhanh, xứng danh đứa con Cần Giuộc, sống thác chẳng hổ thẹn với những gì mà “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” lưu truyền.

T.B.Đ

1. Cái võng, câu đố dân gian Cần Giuộc.

2. Kinh Cầu Tràm

3. Đồn Cần Giuộc trước kia gọi là đồn Tây dương đóng ở chợ Trường Bình (ở Cần Giuộc không có chợ Trường Bình và có lẽ, chợ Trường Bình chính là chợ Cần Giuộc).

4. “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”, Luận Ngữ, Khổng Tử.

5. Quận Cần Giuộc trực thuộc tỉnh Chợ Lớn (theo Nghị định ngày 11.3.1908).

6. Hồn nào ở chốn non bồng/Qua đây hồn cũng vui lòng ghé chơi/Dầu hồn dạo khắp mọi nơi/Ghé đây đàm đạo chuyện đời trần gian/Cảnh tiên hạc nội mây ngàn/Làm cho hồn cũng ngỡ ngàng kém vui/Cảnh tiên xa lạ bùi ngùi/Sao bằng cảnh tục hồn vui với người/Đờn ca múa hát vui cười/Trà thơm bánh ngọt trái tươi đãi hồn/Hồn ơi hãy ghé qua đây/Tâm tình trăng gió nước mây với hồn/Gió to sóng cả dập dờn/Hồn đi lẻ bóng hoàng hôn một mình/Qua đây bè bạn thêm xinh/Ghé đây bè bạn kết tình âm dương/Hồn dầu ở mấy đường cách trở/Nghe lời cầu xin chớ đắn đo/Mấy lời tâm sự nhỏ to/Hồn ai qua đó thấu cho tấm lòng/Hoặc hồn ở bể sông ngọn suối/Hoặc hồn chơi bụi chuối cành đa/Hoặc hồn nương bóng chiều tà/Hoặc hồn lẩn quất la đà mây xanh/Hoặc hồn ở đầu gành cuối bãi/Hoặc hồn dầm mưa dãi gió mãi/Hoặc hồn vấn vít với ai/Hoặc hồn phiêu lãng lạc loài đâu đâu/Hoặc hồn ở dưới hồ sâu/Hoặc hồn lơ lửng bên cầu gió đưa/Hoặc hồn bị gió mưa dồn dập/Hồn lạnh lùng tràn ngập cô đơn/Hồn ghé lại nguồn cơn cạn tỏ/Hồn đừng ngại đường xa bóng nhỏ/Hồn cùng ta mở ngỏ treo lời/Hồn về ẻo lả chơi vơi/Cùng ta tâm sự chuyện đời muôn năm (Bài cầu cơ ma, nhà báo Hoàng Yên Dy, sưu tầm)

7. Hà Thanh là tên con sông khởi nguồn từ huyện Vân Canh (Bình Định) chảy qua huyện Tuy Phước và khi đến thị trấn Diêu Trì, thì dòng sông rẽ hai nhánh là Trường Úc và Hà Thanh. Rồi, sau đó, cả hai nhánh sông cùng chảy qua thành phố Quy Nhơn, đổ vào đầm Thị Nại bằng hai cửa Trường Úc và Hưng Thạnh.

8. Từ xa xưa, họ Mai từ Bình Đinh vô Nam và khởi nghiệp tại Cần Giuộc, được thờ làm thành hoàng làng Tân Kim, Cần Giuộc, Long An. Mai Văn Phận (gọi là Cố Tám) là cháu đời thứ năm của tiền hiền khai khẩn Mai Văn Giả đã hy sinh trong trận đánh quân Pháp tại chợ Trường Bình (16.12.1861), được dân tôn làm thần và lập miếu thờ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

9. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyễn Đình Chiểu.

10. Ngày 16.12.1861.

11. Nguyễn Hữu Trí (? – 1916) người làng Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một cộng sự đắc lực của thủ lĩnh Phan Xích Long.

12. Cách dân gọi cấp bậc sĩ quan Pháp (Thiếu úy gọi quan Một, Trung úy gọi quan Hai, Đại úy gọi quan Ba…)

13. Tức cứu Phan Xích Long (1893 – 1916) còn có tên là Phan Phát Sanh, ông tên thật Nguyễn Chích (tự Lạc) sinh tại làng Tường Khánh (nay phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An).