Đếm lãi nụ cười của Phạm Đức Mạnh

1056

13.3.2018-00:30

 Tập thơ Đếm lãi nụ cười của Phạm Đức Mạnh

 

Chắt chiu dành lại nụ cười tặng nhau

 

KAO SƠN

 

NVTPHCM- Từ tập thơ đầu tiên “Đừng theo trăng em nhé” xuất bản năm 2013, tiếp theo là “Đong đầy kỷ niệm”, “Nếu mai không còn mẹ”, “Đưa gió qua sông”, đến nay “Đếm lãi nụ cười” là tập thơ thứ 5 của tác giả Phạm Đức Mạnh. Tập thơ gồm 79 bài, dày 110 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành cuối năm 2017.

 

Lấy tên cho tập thơ mới: Đếm lãi nụ cười – ngay từ đầu tác giả đã muốn xác lập cho thơ mình một giọng điệu riêng không thể trộn lẫn.

 

Phạm Đức Mạnh là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cho tới nay anh đã có 5 tập thơ được trình làng. Tất cả đều đầy đặn đủ chứng tỏ năng lực viết, năng lực sáng tạo và nhất là trữ lượng cảm xúc luôn căng đầy của anh. Phạm Đức Mạnh có thế mạnh về ngôn ngữ. Biết chọn lọc và rất cẩn trọng trong cách dựng tứ, sử dụng hình ảnh, hình tượng cho thơ, để câu thơ luôn là sản phẩm của riêng mình.

 

Vốn xuất thân là một người lính, và sau đó là một nhà báo, số phận lại gắn anh trong cuộc mưu sinh với nghề chuyên viết về kinh tế – tài chính, và cũng từ mối lương duyên này mà trong thơ Phạm Đức Mạnh thường có sự ánh xạ của Nghề sang Nghiệp. Một số ngôn ngữ Nghề được đem vào thơ với sự chọn lọc kĩ, đúng chỗ và với một chủ ý rõ ràng đã đem đến cho Thơ của anh một nét rất lạ, rất độc đáo. Ngay cả khi lấy tên cho tập thơ mới: “Đếm lãi nụ cười” – là Phạm Đức Mạnh cũng đã ngay từ đầu muốn xác lập cho thơ mình một giọng điệu riêng không thể trộn lẫn.

 

Cửa sinh nhầm số long đong

Thôi đành đi hết trăm vòng nhân gian.

 

Chỉ là vài dòng phác thảo vậy nhưng cũng đã đủ để làm nên một chân dung, một khái quát cho mình. Phạm Đức Mạnh cùng bạn bè đồng trang lứa nhập ngũ ngay từ khi vừa chớm bước vào tuổi thanh xuân.

 

Một thời đi lính cùng nhau

Bỏ quê vếnh váng nỗi đau mẹ già.

Chiến tranh – ai khóc – ai cười?

Hồn ai oán hận kiếp người phù du?

 

Mỗi người mang trên vai một trách nhiệm. Phải gắng để hoàn thành trách nhiệm đó, thế thôi. Điều này khác với nhiều nhà thơ đã từng là lính. Mỗi người có một nhân sinh quan riêng, một lối ứng xử riêng và có cho mình một mối quan tâm riêng. Cuộc sống luôn biến động, luôn đặt ra những thử thách và con người, buộc phải tự xoay sở, thích nghi để tồn tại. Anh coi điều đó là tất nhiên nên không rành rọt chi ly những gì buộc phải bỏ ra. Anh đánh giá cuộc đời theo cách của anh, theo lối quản lí kiểu hộp đen của nghề: Đầu vào, đầu ra không quan tâm. Cái chính là kết quả. Anh bươn trải, anh vận động, thu gom và chi phí… Nhưng cuối cùng, gặt hái được gì và bao nhiêu. Ấy là quan trọng.

 

Đời người được mấy giấc mơ? Niềm vui trong mỗi đời người thường không nhiều. Nụ cười cũng không nhiều. Nó có thể đem ra đếm và sau đó làm một hạch toán cho cho mỗi lời lãi sau đó. Tất nhiên, đó chỉ là một cách nói vui. Bởi nào ai cân đong đo đếm được, nào ai định giá, định lượng được.

 

Một lần khờ khạo đi vay

Trắng hồn cặm cụi tháng ngày trả em

Nỗi buồn không đặt được tên

Trở thành nợ xấu triền miên rối bời.

 

Trói nhau cả vốn lẫn lời

Em ngồi đếm lãi nụ cười trăm năm.

 

Chòm chèm tuổi đá

sáu mươi

Khấu hao vốn liếng còn lời tí ti

Đường đời dài ngắn

sá chi

Chừng nào cụt vốn thì đi lên chùa.

 

Có vẻ như liều. Có vẻ như bất cần. Và có vẻ như không chấp nhận những gì lãng mạn, không thực tế:

 

Gió đừng mượn thói trăng hoa

Làm ta mê mẩn, làm ta ngã lòng

Ta không thích lại đèo bòng

Lả lơi ôm sóng đắm dòng sông mê.

 

Nhưng đó chỉ là những thể hiện bề ngoài. Đó chỉ là một cách nói. Nó giống như một chàng trai yêu lắm mà trước đối tượng lại chập chờn cảm xúc. Hay yêu lắm, say lắm mà khi gặp thì lại chỉ một sự lặng im, thậm chí lạnh băng. Không bày hàng. Không quảng cáo. Không nói những lời thuận môi theo thói đời. Tình yêu khi đó ẩn sâu vào lòng, giống như con sóng lừng được giấu nơi đáy biển. Giống cơn bão giấu mình bằng ráng chiều đỏ yên bình:

 

Trên ngực em trăng là nỗi khát thèm

Ta ngơ ngẩn theo gió vàng quyến rũ

Góc nhớ sân chùa mỗi tối chờ em.

 

Tất cả những đam mê cháy bỏng nhất, sâu lắng và lãng mạn vẫn đầy ắp ngay cả khi.

 

Có những chiều gió quên không thổi

Mây quên về đan nắng cho hoa

Anh quên nhớ và em quên giận

Đêm thất tình hóa dại hồn ta.

 

Và không chỉ cho riêng tình mình. Chia sẻ với người chiến sỹ nơi đảo xa, thơ của Phạm Đức Mạnh cũng vẫn tìm ra được vẻ đẹp rất riêng:

 

Em giặt nắng phơi chiều lên sào gió

Gội thời gian thơm mát ánh trăng thề

Để nơi ấy ước mơ xanh màu nhớ

Biển ngàn đời vẫn hát bản tình quê.

 

Và vẻ đẹp đến thành lãng mạn đó đã mở ra thành một quan điểm cho cuộc sống và tình yêu của anh thông qua hình ảnh của đôi vợ chồng già bán vé số:

 

Anh chín mốt – mùa thu vàng thay áo

Em bảy ba – xuân cứ hẹn lại về

Đôi mắt thời gian đã bao lần ganh tỵ

Hai đứa mình vẫn rực cháy đam mê.

 

Trân trọng. Tin tưởng. Ấm áp tình người trong mọi hoàn cảnh. Đó là cách biểu lộ riêng của anh với tình yêu.

 

Phạm Đức Mạnh cũng dành nhiều trang viết về Mẹ. Hình ảnh người mẹ trong thơ Phạm Đức Mạnh được chọn lọc kĩ. Kỹ trong xây dựng tứ và sử dụng ngôn từ thể hiện với nhiều chi tiết sống động:

 

Về lại ngôi nhà âm thanh đã mốc

Đối diện sự lặng im suy tàn

Thăm đất thiêng mẹ thảnh thơi giấc ngủ

Ngọn cỏ thời gian hát ru nỗi đau.

 

Trở về quê sau những năm tháng dài xa cách, mong được sửa lại cho mẹ cha ngôi nhà nhỏ đã nhiều dột nát mà ngày cất bước ra đi làm nghĩa vụ đời trai anh chưa một lần được về để thực hiện:

 

Về quê dặm lại mái trời

Mẹ cha lụi cụi cả đời nắng mưa.

 

Và trên hết, được thấy lại hình ảnh mẹ cho dù trong gian khó tủi cực.

 

Lay phay

gió bấc mưa phùn

Dại tê chân mẹ quánh bùn đồng sâu.

 

Nhưng niềm mong không thành. Đón người con xa trở về chỉ có ngôi nhà cũ đang dần mục theo thời gian cùng tiếng lá khua ngoài vườn sau. Tiếng lá không làm cho không gian đỡ quạnh vắng mà trái lại, như gợi thêm sự cô đơn, như tăng thêm nỗi thương nhớ tủi hờn, cay đắng.

 

Sáng nay con vén màn trời

Ngôi nhà vắng mẹ nắng rơi phật phờn

Vườn thương gió nhớ tủi hờn

Lá đời cay đắng từng cơn khóc thầm.

 

Mẹ đã thành người thiên cổ. Mẹ đã hóa thân vào sông nước trời quê:

 

Mẹ ngồi giặt gió bờ sông

Hàng cây say nắng trổ ngồng tiếng ve

 

Sông xưa dáng mẹ hao gầy

Bạc phơ mái tóc trộn mây cuối trời.

 

Kỷ niệm về món quà sinh nhật mẹ vẫn thường trao con xưa cũng đã vĩnh viễn lặn vào cùng bia đá:

 

Hồn xuân khắc trên bia đá

Không ai tặng bánh sinh nhật

Hương trầm nhớ lối đi về.

 

Nhưng vẫn còn đó, như vang vọng đâu đây lời mẹ trong gió xuân, trong thời khắc linh thiêng đất trời giao hòa.

 

Con đừng khóc. Mẹ tết này xa cách

Không cùng con phút chờ đón giao thừa

Thời khắc âm dương giao hòa nỗi nhớ

Con hãy cười như có mẹ khi xưa!

 

Lời dặn của mẹ đã trở thành định hướng cho Phạm Đức Mạnh trong cuộc sống. Xa quê, chấp nhận cuộc sống lặm lụi nơi đất khách quê người, sẵn sàng đối mặt với mọi bất trắc và luôn hướng lòng về quê, lấy quê và Mẹ để làm nên động lực sống cũng như yếu tố làm cân bằng lại tâm hồn mình.

 

… Giải ngân cay đắng kiếp người

Giờ ta ngồi đếm nụ cười với ta.

 

Đếm nụ cười – Sàng lọc cuộc đời, giải phóng đi tất cả những cay đắng của kiếp người. Chắt chiu giữ lại nụ cười. Chỉ Nụ Cười thôi. Nhưng đó là tất cả giá trị của cuộc sống còn lại đáng để ta lưu giữ, đáng để ta trân trọng dành lại tặng nhau. Đây cũng chính là một dấu ấn và một thông điệp mà Phạm Đức Mạnh đã tạo lập gửi tới người đọc.

 

              TP.HCM, tháng 12 năm 2017

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…