(Vanchuongphuongnam.vn) – Tin nghĩa địa làng Thượng có ma lan rộng ra khắp làng trên xóm dưới. Đi đến đâu người ta cũng bàn tán về chuyện đó, nhất là lũ trẻ con. “Đêm qua có một con ma tóc tai rũ rượi ngồi phủ phục trước ngôi mộ của cụ Hòa”. “Mấy đứa thanh niên đi chơi khuya về gặp, sợ quá chạy vãi đái, mất cả dép”… Thằng Bang bô lô ba la. Con Hảo cũng vừa kể vừa run. Chúng thề sống thề chết rằng đó là chuyện có thật một trăm phầm trăm, chính chúng nó đã gặp.
Nhà văn Đỗ Xuân Thu
Nghe tin này, Khoẳn ngờ vực. Hắn trộ lại hai đứa: “Tao trông coi cái bãi tha ma này mấy năm nay làm gì thấy con ma nào mà chúng mày bảo có? Chỉ được cái hoa mắt, thần hồn nát thần tính. Mẹ cha chúng mày chứ! Đừng có dọa ông!”. Thằng Bang vênh mặt: “Cháu cá với chú đấy. Có cái Hảo đây, cháu nói sai cháu chết”. Rồi nó với cái Hảo mô tả lại cảnh gặp con ma đó. Khoẳn nắm tay thằng Bang: “Được rồi. Đêm nay tao với mày đi xem con ma nó to bé thế nào. Không có thì mày liệu hồn. Chết với tao!”. Thằng Bang vùng vằng gỡ tay nói: “Cháu chịu thôi. Chú đi mà xem lấy”. Khoẳn vằn mắt, bặm môi, nhổ nước bọt phì phì: “Mẹ mày chứ! Ma với mãnh gì! Dọa ông à?”.
Nghe bọn trẻ con kháo nhau vậy, trong bụng Khoẳn hình thành ngay một kế hoạch khám phá vụ này. Xưa nay, hắn có biết sợ là gì. Ngay cả lúc trông coi nhà xác ở bệnh viện, nằm cạnh mấy cái xác chết hắn vẫn ngủ vô tư. Thậm chí, có lần Khoẳn còn lái xe ôm chở thuê một xác chết cho người ta từ bệnh viện vượt mấy chục cây số đường rừng giữa đêm hôm khuya khoắt hắn cũng còn chẳng sợ nữa là. Ma thật cạnh người còn chẳng ăn ai nữa là ma hoắng.
Ngay chập tối, Khoẳn đã ra bãi tha ma. Tuy vậy, để tăng thêm khí thế, hắn nạp vào người cả một cút rượu. Mưa phùn, gió bấc. Rét căm căm. Trăng suông tháng củ mật trông mọi thứ đều nhờ nhờ. Đồng làng im ắng. Mấy bụi dứa dại lù lù như như những bóng ma chập chờn ẩn hiện. Có vẻ như ở đó, có thể ai đó bất ngờ nhảy bổ ra mà vồ lấy không chừng. Mọi đêm, Khoản có thấy thế đâu? Vậy mà đêm nay lại thấy sởn da gà mới lạ chứ. Khoẳn mặc áo rét, chụp mũ lông, chân tay găng tất nai nịt rất cẩn thận. Thế mà vẫn rét. Một tay cầm con dao quắm, một tay cầm cái đèn pin, Khoẳn lò dò đến nấp sau một bụi dứa dại quan sát. Mả mới, mả cũ mấp ma mấp mô. Những cái huyệt vừa cải táng chưa kịp lấp trông nham nhở. Bùn nước lõng bõng, thối hoắc. Bãi tha ma âm u. Những cơn gió hoang thổi vù vù. Mộ cụ Hòa ở góc khuất mãi đằng kia. Ngọn đèn nến người nhà ra thắp lúc chiều tối còn sót lại lập lòe trong gió. Nhìn cảnh này đến người cứng bóng vía cũng phải sởn gai ốc. Riêng Khoẳn thì không. Mấy năm làm quản trang ở đây, Khoẳn có biết sợ là gì. Vậy mà đêm nay, nghe thằng Bang nói vậy, hắn cũng cảm thấy chờn chợn. Kệ. Phải phục kích mục sở thị xem sao. Trăm nghe không bằng một thấy. Ma với chả mãnh.
Căng mắt, căng tai theo dõi. Hơn chín giờ tối vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Lũ kiến, mối ở đâu bu đến. Chúng chui vào người Khoẳn đốt nhoi nhói. Bầy muỗi đói cũng thi nhau tiu vào những chỗ hở trên người. Khoẳn bắt đầu bực mình. “Mẹ cha cái thằng Bang này! Mày lại lừa ông à?”. Chợt, Khoẳn thấy nhột nhột ở đít. Hắn giật mình nhỏm dậy. Con gì đen trũi to bằng bắp tay chạy vụt đi. Con khác đuổi theo chí chóe. “Tổ sư lũ chuột! Làm ông hết cả hồn”. Khoẳn chửi tục.
Đang loay hoay lựa lại thế ngồi, lúc ngẩng lên, Khoẳn giật mình. Trước mặt hắn một bóng đen đang đi về phía mộ cụ Hòa. Dụi mắt mấy lần, hắn vẫn thấy đúng như thế. Hay là người nhà của cụ ấy? Không phải. Ai lại ra mộ cụ lúc này cơ chứ? Với lại bóng đen chui ra từ bụi dứa dại cơ mà? Trống ngực Khoẳn đập thình thịch. Người hắn nổi da gà. Chân tay hắn lóng la lóng ngóng. Chẳng lẽ lại có ma thật? Hồi làm bảo vệ ở nhà xác bệnh viện, hắn không sợ. Lúc đó có bóng điện, có khu bệnh viện cạnh đó. Dẫu sao còn có người nọ người kia. Lúc làm xe ôm chở xác vẫn có người đồng hành cùng hắn. Bây giờ một thân một mình giữa đồng không mông quạnh này kể cũng hơi run.
Lấy hết can đảm để bình tĩnh trở lại, Khoẳn vụt đứng dậy. Tay quét đèn pin, miệng Khoẳn quát lớn: “Ai?”. Bóng đen hú một tiếng nhào lên. Khoẳn giật mình luống cuống. Chiếc đèn pin rơi tuột khỏi tay tắt ngấm. Đêm đen ngòm. Hắn hoảng sợ thực sự, hai tay rờ rẫm tìm chiếc đèn. Nó lăn mãi vào bụi rậm. Một lúc sau hắn mới sờ thấy. Bật đèn lên thì nghĩa địa vắng tanh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Trống ngực Khoẳn đập mạnh hơn. Hắn lia đèn ngó nghiêng một lúc rồi chuồn. Về đến nhà, Khoẳn vẫn chưa hết sợ. Vắt tay lên trán hắn thắc mắc: “Chẳng lẽ thằng Bang nói đúng? Mẹ cha nó chứ!”. Hôm sau, thằng Bang thì thầm hỏi hắn: “Đêm qua, chú gặp ma chưa?”. Hắn vằn mắt lên: “Gặp cái con mẹ mày ấy. Ma với chả mãnh!”. Thằng Bang ấm ức. Tự nhiên lão ấy lại cáu với mình. Đúng là là… Nghĩ vậy, nó cun cút bỏ đi.
Mấy đêm sau, trí tò mò cộng với máu trinh thám nổi lên, hắn lại rình phục con ma. Vẫn không thấy hiện tượng gì. Đúng đêm thứ bảy, đang ngồi rình trong bụi rậm thì hắn lại thấy bóng đen xuất hiện. Rút kinh nghiệm đêm trước, lần này hắn giữ thế chủ động. Khẽ khàng khom người, Khoẳn bò theo bóng đen. Còn cách nó khoảng mươi bước, Khoẳn dừng lại quan sát. Bóng đen ngồi thụp xuống xõa tóc trước ngôi mả mới. Có tiếng rì rầm u u. Khoẳn căng tai nghe ngóng. Đúng. Bóng đen đang lảm nhảm điều gì đó. Người Khoẳn bỗng nhiên lạnh toát. Ma hay người? Nắm chặt chuôi con dao, Khoẳn đứng hẳn dậy. “Ai?”. Vừa quát, Khoẳn vừa bấm đèn pin. Bóng đen bật dậy định chạy. Khoẳn giơ cao con dao quắm: “Đứng yên, không tao chém chết bây giờ”. “Tôi tôi, tô…ôi…tôi đây. Đừ…ừ…ng đừng chém!”. Bóng đen hốt hoảng lắp bắp. Khoẳn thở phào. Thì ra đó là người. “Đứng nguyên tại chỗ. Cấm nhúc nhích”. Khoẳn quát và chiếu ánh đèn pin vào mặt bóng đen. Trước mặt Khoẳn hiện rõ một người đàn bà đội mũ len, choàng khăn kín mặt.
“Em tên là Hạnh, người làng bên…”. Khoẳn dẫn “con ma” về nhà đòn (ngôi nhà trong khuôn viên nghĩa trang), bật đèn lên và bắt đầu cật vấn nó. Nghe giọng nó nói, Khoẳn nhận ra trước mặt mình là một cô gái. Tuy vậy, mặt cô ta vẫn bịt kín mít, chỉ hở ra đôi mắt. Trông vào đôi mắt đó, Khoẳn thấy ánh mắt cô ta rất buồn. “Đêm trước, cô trốn ở đâu?”, Khoẳn dằn giọng hỏi. Cô gái run run kể lại: “Lúc anh quát, em hoảng quá cứ cắm cổ liều chạy. Không ngờ rơi tụt xuống cái hố mả cũ họ bốc bỏ lâu ngày. Chỗ đó rậm rạp, đầy gai xấu hổ. Em náu ở đó. Gai cào em đau lắm nhưng em cố chịu”. Khoẳn hậm hực: “May cho cô đấy. Đèn pin tôi hỏng chứ không thì cô ăn đủ. Vì sao cô phải lên bãi tha ma vào giữa đêm hôm khuya khoắt như thế?”. Cô gái sụt sùi: “Em bị bệnh”. “Bệnh gì?”, Khoẳn sỗ sàng ngắt lời. “Dạ. Bệnh… bệnh phụ nữ ạ. Đi xem bói, thầy bảo em cao số và có duyên âm. Muốn chữa khỏi bệnh và cắt được duyên âm thì em phải ra bãi tha ma “tâm sự” với những người đã chết để họ hiểu và tha cho. Đặc biệt, đi được vào những đêm có người mới chết và ăn được những thứ người ta mang ra mộ cúng thì càng chóng khỏi. Thế nên, đêm trước em đã ra đây và…”. “Thế cô không sợ à?”, Khoẳn lại ngắt lời cô gái. “Có chứ. Nhưng mà có bệnh thì vái tứ phương. Thầy bảo sao mà chả phải làm hả anh?”. “Bệnh gì mà khiếp thế?”, Khoẳn chủng chẳng hỏi lại. Cô gái có vẻ e dè: “Bệnh phụ nữ. Xin anh đừng hỏi nữa”. “Thôi. Được rồi. Thế cái lão thầy bói ấy bảo cô phải làm như thế bao lâu?”. “Dạ, cũng tùy anh ạ”. “Rõ vớ vẩn. Thế mà cũng tin. May cho cô hôm nay kêu sớm chứ không tôi đã băm nát cô ra rồi”. Khoẳn nhấm nhẳn. Cô gái thu mình im lặng. Lát sau, Khoẳn nói tiếp: “Từ đêm mai, cô cứ tự do ra mà tâm sự với ma. Tôi cũng mong cho cô chóng khỏi bệnh. Có điều…”. Cô gái cướp lời: “Có điều… anh hãy coi em như là ma đi”. “Sao? Là ma?”. Khoẳn ngạc nhiên hỏi lại. Hạnh giải thích: “Vâng! Vì em muốn làm thế để lũ nghiện chúng nó sợ không dám lên đây nữa. Em vừa chữa được bệnh lại vừa làm được việc đó anh ạ”. Khoẳn ngỡ ngàng. Hay! Hay đấy! Cô này bí ẩn và nghị lực đấy chứ. Bệnh tật thế mà vẫn còn lo cho người khác. Hạnh sụt sùi: “Em có hai đứa em trai thì một thằng đã chết vì nghiện rồi. Thằng thứ hai đua đòi cũng đang lao vào nghiện hút. Bãi tha ma này là chỗ tụ tập của bọn chúng. Em muốn xua đuổi chúng nó ra khỏi con đường tội lỗi. Thằng em em mới mắc, may ra vẫn còn kịp anh ạ!”. Khoẳn bặm môi thừ người. Bụng Khoẳn thầm nghĩ: “Bọn nghiện chúng nó thì sợ chó gì. Ừ, thì cứ thử thế xem sao. Chứ nhiều đêm thấy lũ nghiện chích hút thấy cũng chán lắm. Đuổi được đêm nay thì đêm mai chúng lại tới”.
Quả thật, tiếng là trông coi nghĩa trang nhưng Khoẳn mới chỉ chú tâm đến trồng hoa màu thu hái sản phẩm, cắm đất mả mới, chỉ chỗ cát táng và đôi khi tham gia…bốc mả thuê. Rượu suốt ngày, Khoẳn đi hết đám nọ đến đám kia. Lũ nghiện lấy bãi tha ma này làm tụ điểm tiêm chích. Xi lanh, kim tiêm chúng vứt bừa bãi Khoẳn biết cả đấy song mặc kệ. Có đêm, gặp chúng đang chích hút Khoẳn cũng lờ đi hoặc có nói thì cũng chỉ nói cho có lệ. Đuổi mãi, chúng vẫn tụ tập đến. Khoẳn đâm ra chán. Kệ bố chúng mày. Có thân thì lo. Thế mà bây giờ có một cô gái dám vượt qua cái sợ vừa chữa bệnh vừa giả làm ma dọa bọn chúng thì thật đáng nể phục. Khoẳn tự nhiên thấy mên mến cô gái này.
Sau đêm đó, Khoẳn phao ầm lên rằng đúng là trên nghĩa địa có ma. Chính mắt hắn trông thấy con ma đó. Hắn còn làm động tác múa may, thêu dệt thêm nhiều chi tiết kinh dị khiến người nghe cũng phải lè lưỡi rùng mình. Lũ trẻ con thì sợ mất mật chẳng dám thả trâu đùa nghịch cạnh bãi tha ma nữa. Thế mà lại hóa lại hay. Không phải lo quát tháo bọn chúng coi chừng trâu bò dẫm nát hoa màu của Khoẳn nữa. Còn lũ nghiện cũng đã bớt tụ tập chích hút trên nghĩa địa. Ai cũng vậy thôi, tiếng là cứng đầu cứng cổ mà nghe nói có ma thì cũng chột chứ. Người nào nói còn bảo không tin chứ tay Khoẳn nói thì chỉ có đúng. Thằng cha này có biết sợ là gì. Vậy mà nó cũng bị chột rồi đấy. Một vài kẻ bán tin bán nghi thử mai phục như Khoẳn thì gặp lại đúng cảnh Khoẳn đã gặp đêm nào vội chạy bán sống bán chết. Cho nên họ càng tin sái cổ.
Trước kia Khoẳn rất ít lên nghĩa địa vào ban đêm. Từ ngày gặp Hạnh, hắn thường xách chai rượu cầm theo cái điếu cày cùng con chó lên nhà đòn. Hắn ngồi nhâm nhi và hút thuốc lào vặt một mình. Ngoài kia, Hạnh đang “tâm sự” với người chết. Đôi lúc hắn tự hỏi không biết cô ta bệnh gì mà chữa trị một cách quái gở thế nhỉ? Trông Hạnh có đến nỗi nào. Dáng dấp nhẹ nhõm. Eo co đâu ra đấy. Lời ăn tiếng nói dịu dàng, đúng mực. Mái tóc đen dài óng mượt luôn buông xõa ngang lưng. Những lúc “tâm sự” với ma xong, Hạnh vào nhà đòn với Khoẳn. Đêm hôm khuya khoắt chỉ có hai người, Khoẳn chăm chú nhìn cô gái. Đẹp đấy chứ. Nhưng sao lúc nào cô ấy cũng bịt mặt thế nhỉ? Ôi, đôi mắt của cô ấy kìa! Buồn và sâu thăm thẳm đến thế? Bao nhiêu lần Khoẳn định hỏi, định nói điều gì đó song nhìn vào đôi mắt ấy, thế là lại thôi. Hai người cùng im lặng. Khoẳn thỉnh thoảng tu rượu. Còn Hạnh lơ đễnh nhìn đâu đó. Đến khi Hạnh nhỏ nhẹ nói: “Thôi, em về!” thì Khoẳn mới giật mình ngơ ngác. Mãi sau, hắn cũng lững thững bước về nhà. Con chó lũn cũn chạy theo sau. Lúc đó thường vào khoảng hai, ba giờ sáng.
Về nhà rồi, một mình nằm vắt tay lên trán, Khoẳn ngẫm nghĩ sự đời. Bốn mươi tuổi, sau những năm dài quăng quật trên đường đời, lúc lên voi, lúc xuống chó, Khoẳn trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Không vợ con, của nả, không bạn bè người thân, hắn thừa hưởng của bố mẹ ngôi nhà gỗ lợp lá cọ ngay cạnh bãi tha ma. Vào đời bằng nghề lái xe, hai mươi tuổi, hắn trẻ, đẹp trai và rất phóng khoáng. Lái xe cho giám đốc một công ty tầm cỡ của tỉnh, hắn tha hồ vi vu. Những tưởng cuộc đời hắn cứ thế mà đi lên, nào ngờ hắn bị vạ. Số là, vợ lão giám đốc đó lại chết mê chết mệt vì hắn. “Chị chị em em”, hắn như người thân trong gia đình giám đốc. Ai cũng thầm ghen với Khoẳn. Thế rồi, việc gì đến phải đến. Một hôm, Khoẳn đưa giám đốc đi họp xong, hắn nhận được điện của vợ ông ta. Khoẳn đánh xe tức tốc về nhà. Tưởng có chuyện gì ai ngờ mụ ta õng ẹo rồi bất ngờ ôm chầm lấy Khoẳn. Tuổi bốn mươi hồi xuân bốc lửa gặp tuổi hai mươi rực cháy khát thèm, Khoẳn không cưỡng lại được. Cuộc tình trớ trêu vụng trộm ấy đã đi đến nước cuối cùng. Sau nhiều lần như thế, lão giám đốc đã bắt quả tang và Khoẳn bị tống cổ ra khỏi công ty. May mà Khoẳn không bị lão ấy đánh cho đui què mẻ sứt hoặc tống cổ vào tù.
Lại những ngày lang thang. Sau đó, số phận vẫn mỉm cười với Khoẳn. Hắn lại được tiếp tục nghề lái xe nhưng lần này là lái xe cho bà giám đốc. Bà ta cũng biết chuyện của Khoẳn ở công ty cũ. Song cái sức hút đàn ông từ Khoẳn đã làm cho bà ta mê mẩn. Đẹp trai, tháo vát, nhanh nhẹn, bẻm mép, biết làm vừa lòng sếp là những ưu điểm của Khoẳn. Bà chấm Khoẳn về làm lái xe cho mình. Thế rồi, Khoẳn trở thành công cụ tình dục của bà ta lúc nào không hay. Thấm thoắt thời gian trôi, loáng cái Khoẳn đã bước sang tuổi ba mươi. Mải mê ăn chơi trác táng hắn quên cả chuyện vợ con. Những tưởng cứ thế sống trong nhung lụa nào ngờ bà giám đốc bị bắt trong một vụ làm ăn phi pháp. Bà ta vào tù, công ty đổ bể. Khoẳn lại bơ vơ. Mãi mấy năm sau, Khoẳn mới xin được chân lái xe hợp đồng cho một bệnh viện. Nhưng thái độ bất cần, phóng túng quen thân, Khoẳn đã để lỡ nhiều ca cấp cứu. Hắn bị di xuống làm chân trông coi nhà xác. Vài năm sau nữa, chán cảnh ấy quá, hắn giải nghệ về quê. Chuyện vợ con hắn đâm ra dửng dưng. Ở một mình cho tự do. Vợ con bìu ríu vướng chân cẳng mà làm gì. Hắn nghĩ vậy. Thế nên, bốn mươi tuổi Khoẳn vẫn lêu têu bù khú với rượu và trở nên bặm trợn với đời. Thương tình, làng Thượng cho hắn cái chân trông coi nghĩa trang của làng. Khoẳn tự hào một mình một vương quốc. Vương quốc của hắn là bãi tha ma, là những người chết. Cũng oách ra phết đấy chứ.
Từ ngày gặp Hạnh, Khoẳn trở nên thâm trầm ít nói và chí thú với công việc ở nghĩa địa hơn. Khoẳn phát quang cây tạp, làm cỏ rả sạch sẽ. Xung quanh nghĩa địa, Khoẳn đã lấy cây que rào lại. Hoa màu nhờ đó mà cũng tốt tươi lên. Bọn nghiện cũng không còn bén mảng đến đây nữa. Ngày nào cũng vậy, Khoẳn chỉ mong cho trời chóng tối, chóng khuya để được lên tha ma, được ngồi trong nhà đòn ngắm Hạnh “chữa bệnh”. Cô gái này vẫn là một điều bí ẩn đối với Khoẳn, thôi thúc Khoẳn phải khám phá. Nhiều đêm mưa rét căm căm Hạnh vẫn co ro ngồi như tượng bên một ngôi mộ. Rồi Khoẳn nghĩ ra cách hôm thì luộc trứng, hôm thì bày hoa quả lên các mộ giả làm đồ cúng của gia chủ để làm “thuốc” cho Hạnh. Khoẳn cũng không hiểu sao mình lại làm như thế nữa. Có lẽ cả Hạnh và Khoẳn đều dơ dở hâm hấp rồi chăng? Cả làng Thượng vẫn không ai hay biết về chuyện này. Một lần Khoẳn hỏi Hạnh: “Bệnh tình của cô ra sao rồi?”. Hạnh nhỏ nhẹ: “Cũng mới đơ đỡ thôi anh ạ”. “Thế còn thằng em của cô? Nó có nghiện không?”. Hạnh buồn rầu: “Nó đi cai rồi”. Khoẳn buông tiếng thở dài ngao ngán.
“Hạnh! Sao lại thế này?”. Khoẳn cuống cuồng hai tay sờ lên khắp thân thể bất động của Hạnh. Người Hạnh lạnh toát. Con chó dụi dụi cái mõm lên người cô hít hít. Khoẳn vội bế xốc Hạnh chạy vào nhà đòn. Mọi đêm, Hạnh chỉ “nói chuyện với người chết” độ gần tiếng đồng hồ thôi. Vậy mà đêm nay đã quá một tiếng từ rất lâu rồi mà vẫn chưa thấy cô vào nhà đòn. Sốt ruột quá, Khoẳn ra tìm. Nào ngờ, Hạnh đã nằm sõng soài trên ngôi mộ mới. Khoẳn chạy tới bế thốc cô chạy và nhà đòn. Đặt Hạnh lên chiếc phản, Khoẳn luống cuống tìm lọ dầu gió. Anh luồn tay qua mấy lần áo rét của Hạnh xoa dầu lên khắp người cho cô. Chiếc cúc áo bật tung hở ra khuôn ngực trắng ngần của Hạnh, Khoẳn hơi ngỡ ngàng. Cả người cô ngồn ngộn sức sống, đầy quyến rũ. Song lúc này trong anh không có ý nghĩ nào khác ngoài việc làm cho Hạnh tỉnh lại. Anh xoa dầu khắp hai bàn chân, bàn tay cho cô. Đoạn, anh lột chiếc khăn choàng mặt của cô ra thì bất ngờ… “Trời ơi, người hay là ma thế này?”. Suýt nữa thì Khoẳn kêu lên như thế. Một khuôn mặt dị dạng. Da mặt Hạnh nhăn nheo, xám xịt. Hai má cô trông bầu bĩnh thế mà cũng sần sùi một cách gớm ghiếc. Đến ngang tàng, ngổ ngáo, bất chấp như Khoẳn mà cũng phải sững sờ. Có phải thế này chăng mà Hạnh phải “chữa bệnh” kiểu quái gở nọ? Mất mấy giây định thần, Khoẳn lại tiếp tục xoa dầu lên hai thái dương, lên trán của Hạnh.
Mãi một lúc lâu sau, người Hạnh ấm dần trở lại. Không thể đưa Hạnh như thế này về giữa đêm hôm khuya khoắt được, Khoẳn quyết định lấy toàn bộ số cờ, phướn đám ma quấn lên người cô. Chưa yên tâm, anh nằm bên ôm chặt lấy cô. Khoẳn muốn truyền hơi ấm cho cô gái đáng thương nọ. Gần sáng thì Hạnh tỉnh hẳn. Cô ngơ ngác nhìn Khoẳn. Việc đầu tiên là Hạnh lấy tay sờ lên mặt mình. Cô hốt hoảng vùng dậy lao ra ngoài. Khoẳn đuổi theo cô. Anh ôm chặt lấy cô và quyết dìu cô trở lại nhà đòn. Không thể cho cô ấy về giữa lúc gió rét như thế này được. Hạnh rống lên khóc nức nở.
“Tôi biết cô chữa bệnh gì rồi – Khoẳn chủ động lên tiếng – Cô có gương mặt xấu xí nhưng Hạnh ạ, tấm lòng của cô, nghị lực của cô thì tôi không chê vào đâu được. Nhờ cô mà nơi đây không còn con nghiện tụ tập. Nhờ cô mà cái bãi tha ma này của tôi đầy sức sống. Cây cối tốt tươi hơn. Khuôn viên nghĩa địa quy củ hơn. Tôi rất hiểu và thông cảm cho cô”. Khoẳn nói khá dài. Không ngờ lúc ấy anh lại nói hay đến thế. Hạnh vẫn gục đầu nức nở. “Anh biết không, chính vì khuôn mặt xấu xí này của em mà em không dám ngẩng đầu với thiên hạ. Nhiều khi em oán hận cả bố mẹ, những người đã sinh thành ra em. Đi xem bói người ta bảo phải chữa như thế. như thế… Suốt mấy tháng trời nay em ra đây, may mà có anh ở bên không thì… Hạnh dừng lại lấy tay quệt nước mắt sụt sịt – Người đời xa lánh em, ghê tởm em. Em tìm đến người âm để tâm sự giãi bày, để sửa chữa phần khiếm khuyết của cơ thể. Em biết anh, nghe tiếng anh từ lâu và em rất mến mộ anh. Em ra đây cũng có cả lý do đó nữa. Bây giờ thế này rồi thì…”. Hạnh buông lửng câu nói giữa chừng. Khoẳn lên tiếng: “Cô đã tin thì cứ thế mà làm. Tôi sẽ ở bên cô”.
Sau đêm ấy, Hạnh ít ra nghĩa địa hơn trước. Khoẳn sốt ruột lắm. Nhiều đêm anh ngồi một mình ngóng chờ cô. Không hiểu sao anh lại nhớ cô đến thế. Khuôn mặt gớm ghiếc nọ chẳng làm cho anh bận tâm. Cái dáng hình thon thả dịu dàng nhẫn nhịn của Hạnh cứ in đậm mãi trong lòng anh. Rồi mùa xuân sang. Đêm nghĩa địa giun dế, cóc nhái kêu inh ỏi. Chúng đang vào mùa sinh nở. Khoẳn cũng cảm thấy bồn chồn. Đêm nay, Khoẳn vẫn tu rượu suông chờ Hạnh. Cô ấy đến thật. Hạnh mặc bộ đồ trắng làm anh ngỡ ngàng.
Trong lúc đợi Hạnh “tâm sự với người chết”, Khoẳn dốc hết cả chai rượu mang theo mơ màng. Như mọi đêm, “chữa bệnh” xong, Hạnh lại tạt qua nhà đòn. Trong ngà ngà men say, Khoẳn nhìn Hạnh trắng toát như một thiên thần. Khoẳn lao ra ôm chặt lấy cô. Hạnh bối rối không kịp phản ứng. Khoẳn hổn hển: “Hạnh! Anh yêu em! Chúng mình lấy nhau nhé!”. Hạnh bàng hoàng đờ đẫn. Được thể, Khoẳn vòng tay xiết chặt lấy thân hình mềm oặt của Hạnh. Cô ngã ra, Khoẳn đổ ập xuống người Hạnh. “Đừng! Đừng anh!”. Cổ họng Hạnh kêu lên những tiếng rên dài, ú ớ. Khoẳn dồn tới, dồn tới, mái tóc Hạnh tràn trên mặt anh. Cơ thể cô rung lên nhè nhẹ, xiết chặt lấy Khoẳn. Cả người Khoẳn căng lên thật cao, rướn vào độ sâu tuyệt đối. Tóc Hạnh quệt qua quệt lại trên mặt anh càng lúc càng nhanh, hơi thở càng gấp rút hơn, dữ dội hơn. Họ ôm lấy nhau lăn lộn, nghiêng ngả, uốn cong người lại rồi run lên bần bật. Cả hai trôi đi bồng bềnh, dồn thúc. Sau đó họ cùng lịm đi. Chỉ có ánh trăng suông và tiếng kêu rỉ rả của lũ côn trùng chứng kiến được cảnh đó của họ.
Không ngờ cái đêm kỳ diệu đó lại có tác dụng đối với cả hai người. Khoẳn thuần tính, càng chăm chỉ hơn trước. Khuôn mặt Hạnh cũng rờ rỡ ra, từ màu xám chuyển dần sang màu nâu, có chỗ đã thấy hồng hào trở lại. Riêng khoản nhăn nheo thì không còn nữa. Như có phép màu. Đúng thế. Đến Khoẳn cũng ngạc nhiên ngỡ ngàng. Anh bắt Hạnh soi gương, cái việc mà không bao giờ cô nghĩ tới. Hạnh vui lên như trẻ con. Cô đã không còn che mặt như người đạo Hồi nữa. Người nhà Hạnh, rồi dân làng bên ai cũng bảo cái lão thầy bói đó giỏi và “cái Hạnh thế mà kiên trì”. Nghe thấy thế Hạnh chỉ mủm mỉm cười một mình.
Mấy tháng sau, gặp Khoẳn, Hạnh thì thầm: “Chúng mình sắp có con!”. Khoẳn trố mặt ngạc nhiên rồi gần như reo lên. Anh bế Hạnh xoay mấy vòng liền trong nhà đòn. Con chó tròn xoe mắt nhìn theo vòng xoáy của Khoẳn. Nó sực lên sủa gâu gâu rồi vẫy đuôi rối rít. Cả hai cười hết cỡ mặc dù lúc đó đang là nửa đêm. “Chúng mình sẽ cưới nhau. Nhất định thế, Hạnh nhé!”. Khoẳn đề nghị. Hạnh nhìn sâu vào mắt anh lặng lẽ gật đầu.
Thanh minh năm đó, hai người mua rất nhiều hương hoa. Họ đến tất cả các ngôi mộ cắm hoa và thắp hương khấn vái. Hình như tất cả những người âm đều chúc mừng họ. Hoa thơm lắm. Hương cháy đượm lắm. Nghĩa địa làng Thượng ngạt ngào hương bay, bồng bềnh khói tỏa. Bóng hai người trôi đi trong huyền ảo.
Đ.X.T
Đ.c chỗ ở: Thôn Phượng Hùng I, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. ĐT: 0912 940 316. Số CMND: 131 021 916.
Số TK: 2707215003843 – Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Phú Thọ.