Đêm tháng tám – Truyện ngắn của Trần Thế Tuyển

1040

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nửa đêm, điện thoại của tôi rung lên. Một cảm giác ớn lạnh xương sống. Giờ này có điện thoại, chắc là chuyện không lành. Mẹ tôi ở quê, năm nay sang tuổi 92. Chúng tôi đã chuẩn bị cho điều gì đến sẽ đến. Chẳng lẽ? Tôi chồm người với chiếc điện thoại và sẵn sàng đón nhận “điều gì đến sẽ đến” từ chú em trai đang phụng dưỡng mẹ.

– A lô, tôi nghe đây.

Giọng một người đàn ông vừa nói, như vừa khóc:

– Anh ơi, thằng Thành nó đi rồi.

Tôi nhận ra tiếng Ban, một thành viên của Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn:

– Chú nói lại đi, ai, ai làm sao?

Giọng Ban méo xệch:

– Thằng Thành nó bị Covid vừa mất xong, anh ạ.

Tôi dồn dập hỏi thêm vài câu cho rõ ngọn nguồn: “Vậy bây giờ làm sao, hả chú?”

– Do Covid người ta không cho bất cứ ai tiếp cận với người chết. Nhà nước lo hết.

Nước mắt tôi trào ra. Cổ họng như có ai lấy thứ gì đó chặn lại. Tôi bung ra khỏi phòng ngủ, leo lên tầng trên. Nơi ấy, có bàn thờ tổ tiên và bát nhang thờ em trai tôi, một liệt sĩ thời chống Mỹ. Đã lâu tôi có thói quen như thế. Có điều gì hệ trọng xảy ra, tôi thường đứng trước bàn thờ tổ, nhìn sâu vào ánh mắt của thân phụ và em trai như thỉnh cầu sự mách bảo. Tôi đứng hồi lâu trước ban thờ, cho đến khi nén nhang cháy gần hết. Khác với mọi khi, tàn nhang hôm nay cuộn cong như dấu hỏi. Linh nghiệm. Tôi tự trấn an mình.
Bình tĩnh nào!

***

Tôi bước ra ngoài ban công, nơi trồng mấy chậu hoa. Đêm nay rằm, mấy chậu lan chiếu thủy ngát hương. Từ khi thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, về đêm thành phố như chốn không người. Dưới ánh trăng bàng bạc, từ trên cao nhìn xuống phố xá lúc mờ, lúc tỏ như bức tranh màu nước đang vẽ dở. Tất cả im lặng. Chỉ có tiếng vật vã của gió trên vòm cây và tiếng còi hú từ xe cấp cứu chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 vọng lại.

Mấy ngày nay, dịch bệnh bùng phát dữ dội khiến chính quyền và hệ thống y tế tưởng như bó tay. Chắc chắn là chưa thống kê hết. Mỗi ngày bình quân có vài trăm người tử nạn do Covid.

Để cứu dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Như một thời đánh giặc, cả miền Bắc chi viện người và của cho miền Nam. Những người lính cựu chiến binh chúng tôi cũng không ngoài cuộc. Tôi nhớ lại cách đây vài ngày chúng tôi nhóm họp trên zalo. Phải chung tay “chống dịch như chống giặc”. Trước hết hãy chăm lo các gia đình đồng đội, gia đình cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ neo đơn. Thành là một trong số người hăng hái nhất. Không chỉ nhắn tin, Thành điện thoại cho tôi:

– Trung đoàn mình có mấy ca F0 anh ạ. Chúng ta phải cứu lấy anh em. Đồng đội cần nhau nhất lúc này, khi hoạn nạn, hiểm nguy.

Đã sống với Thành gần nửa thế kỷ, tôi hiểu người đồng đội cũ. Trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), đơn vị chúng tôi đánh giặc tại vùng biên giới đồng bằng sông Cửu Long.

Thành không chỉ là xạ thủ giỏi, được tặng danh hiệu Dũng sĩ mà anh còn là người hết lòng với đồng đội. Tôi không bao giờ quên, đánh trận Long Khởi (đợt 2), đơn vị “phơi áo trên hàng rào” nhiều quá. Một đêm trăng nhạt, tôi dẫn đầu tổ công tác đưa thi thể liệt sĩ về tuyến sau. Thành là một người trong số ấy.

Lúc đó Thành mới 20 tuổi, thân hình vạm vỡ, tác phong nhanh nhẹn. Như con thoi từ trận địa đến gò Thốt nốt nơi tập kết liệt sĩ, Thành đi lại suốt đêm. Trận ấy có trên 30 liệt sĩ. Chúng tôi chôn cất đến người lính cuối cùng thì mặt trời mọc. Cả tổ tiếp tục đào hầm sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1974, Thành được chuyển từ đại đội DKZ lên đội tuyên truyền địch vận của Trung đoàn. Một đêm nọ, Thành cùng đồng đội “vác loa” ra đầu ấp Thái Trân kêu gọi binh lính đầu hàng. Địch bắn pháo dữ dội. Từ sở chỉ huy tiểu đoàn, chúng tôi bồn chồn, lo lắng. Ba đợt pháo diễn ra trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi cứ nghĩ không ai sống sót. Gần sáng, Thành từ trận địa về. Người xám đen khói đạn và trên lưng cõng một đồng đội. Thành bảo, đó là cậu Thân, xạ thủ B40. Vết thương nặng quá, cậu ấy đã hy sinh trên đường đưa về tuyến sau.

Sau giải phóng, giải ngũ nhưng lúc nào Thành cũng lo lắng quan tâm đến đồng đội. Khi chúng tôi có ý định xây dựng đền thờ liệt sĩ nơi chiến trường xưa, Thành đã bỏ công sức ngày đêm cùng tổ công tác đi tìm kiếm hài cốt và danh tính liệt sĩ. Mới đây, Hoà, một bạn chiến đấu cũ của Thành qua đời do đột quỵ, Thành đã thức suốt mấy đêm bên linh cữu người bạn chiến đấu cũ, lo toan đủ thứ để đưa Hoà đến nơi an nghỉ cuối cùng…

***

Trời xẩm tối, tôi mới tìm được nhà Thành. Đó là một căn nhà cấp 4 lợp tôn trong hẻm nhỏ tại khu dân cư ngoại ô thành phố. Vợ anh cùng người thân trong gia đình đầu đội khăn tang trắng toát và trang phục phòng chống Covid đang chờ đợi. Con trai lớn của Thành nói nhỏ:

Hũ tro cốt ba cháu sắp về tới.

Tôi đứng lặng trước di ảnh của Thành. Trong bộ quân phục bạc màu, Thành nheo mắt cười như chẳng có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau, chiếc xe bán tải mang biển số đỏ dừng trước nhà. Mấy chiến sĩ lễ phục chỉnh tề, đưa bát nhang và hũ tro cốt vào nhà. Vợ Thành như điên dại, gào khóc:

– Ôi anh Thành ơi. Sao anh bỏ mẹ con em ra đi mà chẳng nói lời nào?

Con cháu của Thành xúm quanh hũ tro. Tiếng khóc như xé vải khiến những ai có mặt đều không cầm được nước mắt.

– Đề nghị gia đình và mọi người ổn định để làm lễ truy điệu cho đồng chí Thành. Lời vị sĩ quan chỉ huy vừa dứt, gian phòng im phăng phắc. Trưởng ban lễ tang là một cựu chiến binh lên đọc điếu văn. Tai tôi như có luồng gió cực mạnh thổi vào. Người tôi chung chiêng như đang cỡi những đám mây màu cánh vạc:

– Đồng chí Thành đã nhiễm Covid khi làm nhiệm vụ tại trung tâm cách ly. Mấy tuần nay đồng chí đã cùng Ban chỉ đạo chống Covid của phường tận tâm cứu chữa bà con. Nhiều người đã khỏi bệnh, tránh được cái chết do Covid. Nhưng đồng chí Thành đã vĩnh viễn ra đi. Đồng chí ngã xuống để nhiều người được bảo toàn sự sống… Đồng chí Thành ơi… Vị trưởng ban tang lễ không đọc được nữa. Cả đám tang chỉ trên dưới chục người, tất cả dường như đang khóc…

***

Quá khuya, tôi về đến nhà thì điện thoại reo. Từ mấy tháng nay, mỗi lần nghe điện thoại reo, trái tim tôi bỗng giật thót. Tôi mừng rỡ khi nghe tiếng mẹ:

– Tình hình thế nào con. Xem tivi, trong đó dịch dữ dội lắm. Cả nhà có ổn không?

Tôi cắn chặt môi. Lại thêm lần nữa tôi nói dối mẹ như thời chiến tranh vẫn viết thư về cho mẹ. Chúng con khỏe lắm. Mẹ đừng lo…

Cuộc nói chuyện với mẹ vừa dứt, điện thoại tôi lại reo:

Tiếng của Ban:

– Anh ơi, cậu Tấn D6 lại dính F0 rồi. Cậu ấy đang ở bệnh viện dã chiến số 8…

Tôi lặng người đi. Bầu trời đêm tháng 8 đầy trăng mà mắt tôi như có mảnh vải đen che kín. Mỗi lúc, tôi càng nghe rõ tiếng còi hụ của xe cấp cứu từ xa vọng lại. Chưa bao giờ tôi thấy đêm tháng tám dài như thế!

T.T.T