Đêm vượt sông – Truyện ngắn của Trần Thanh Chương

208

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lễ kỷ niệm “50 năm truyền thống Đặc công Hải quân” vừa kết thúc, tôi vội bước về phía lễ đài, nơi có gần chục chị trong trang phục bà ba đen, khăn rằn, mũ tai bèo đang chụp ảnh kỷ niệm.

Tác giả Trần Thanh Chương

Các chị thuộc đoàn khách mời từ tỉnh Quảng Trị ra dự lễ. Đây vốn là những nữ du kích quê Gio Linh, Cam Lộ chuyên dẫn đường cho bộ đội trung đoàn tôi đột nhập vào Cửa Việt, Đông Hà đánh tàu chiến địch trong những năm chiến tranh. Tôi bắt tay một chị có lẽ là trẻ nhất, hỏi thăm. Chị cho biết:

– Em quê Gio Linh. Sau hiệp định Pari, các anh rút về Bắc hết, tụi em không phục vụ đơn vị nào nữa mà phần lớn về quê, bởi lúc đó quê em giải phóng rồi.

 – Thế chị có biết tin tức gì về o Liên (cô Liên), o Hằng là hai o thường dẫn đường cho chúng tôi không? – Tôi sốt sắng hỏi chị.

  – À! Ý anh muốn hỏi về hai o đẹp nhất trong số tụi em chứ gì? Không! Vì đứa nào về quê đứa ấy, lấy chồng, sinh con, làm ruộng. Cực lắm anh ạ, chẳng có tin tức gì về nhau. Nay được ra đây, tụi em vui lắm.

Chị cười. Những vết chân chim xếp đầy khóe mắt hiện lên. Nét khắc khổ của người phụ nữ nông thôn ven biển miền Trung vẫn không che hết được vẻ đẹp trên khuôn mặt trái xoan của o du kích năm xưa…

Tôi nhớ đến Liên. Trong số nữ du kích dẫn đường hồi ấy thì Liên đẹp nhất. Liên có dáng người thon thả, bờ vai tròn lẳn, khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, thông minh. Không hiểu sao, dưới cái nắng miền Trung, cuộc sống chiến đấu vất vả mà nước da Liên vẫn trắng mịn đến lạ kỳ. Nơi chiến trường, con gái hiếm hoi, nên nhìn Liên hình như lại càng thêm đẹp.

Tôi quen biết Liên trong một thời gian rất ngắn. Nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để lại nơi tôi những kỷ niệm đẹp đẽ khó quên, đặc biệt là trong cái đêm hai đứa cùng vượt sông.

Lần đó, Liên làm nhiệm vụ dẫn đường cho đại đội tôi vào đánh chiếm quân cảng Mỹ Thủy, cách Cửa Việt chừng hai chục cây số về phía nam. Vài ngày sau, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Hôm đó, tôi nhận được lệnh về Trung đoàn bộ để ra miền Bắc học. Còn Liên đã hoàn thành nhiệm vụ dẫn đường, nên cũng có lệnh trở ra hậu cứ. Cơm trưa xong, hai chúng tôi lên đường. Đến bờ nam sông Cửa Việt thì trời tối hẳn. Vì mới giải phóng, nên nơi đây chưa có đò, phải bơi vượt sông. Tôi cởi hết đồ, trên người chỉ còn lại chiếc quần bơi đặc chủng. Gói ghém ba lô, quần áo, súng đạn vào chiếc tăng ni lông xong, ngoái lại thấy Liên vẫn loay hoay đứng đó. Chiếc bòng (ba lô) nhỏ trên vai cô chẳng biết có gì bên trong mà vẫn không chịu bỏ xuống. Tôi giục:

– Sao? Cởi đồ, bọc quần áo vào tấm tăng làm phao bơi vượt sông đi chứ.

Liên cười:

– Được, nhưng anh phải đi khỏi đây 20m, rồi nhắm mắt lại.

Tôi hiểu ý và làm theo lời Liên. Mấy phút sau tôi quay lại, thấy Liên đã xuống sông rồi. Liên bơi cũng được, chắc đã nhiều lần cùng bộ đội vượt sông. Dòng Cửa Việt đoạn gần cửa biển rộng mênh mang, nước chảy rất xiết, sóng đánh dồn dập, đối với lính Đặc công Hải Quân thì điều đó chẳng là gì, nhưng với Liên thì khác. Ra đến giữa dòng, cô có vẻ hơi đuối, bơi chậm hẳn. Khoảng cách giữa tôi và Liên mỗi lúc một gần. Tôi nghe rõ tiếng thở. Dưới ánh trăng đầu tháng, bờ vai trắng mịn của Liên cứ nhấp nhô, lấp loáng trong làn nước lạnh. Liên bơi trước, tôi bơi sau hơi chếch về phía dưới để đề phòng cô đuối nước. Mấy lần Liên bị sóng đánh dạt về phía tôi. Tay tôi quạt nước, đôi khi vô tình chạm vào người cô ấy… Cuối cùng, chúng tôi cũng sang được bờ bắc. Liên nói với tôi:

– Em lên trước, anh lên sau, nhưng nhớ phải nhắm mắt lại đấy nhé.

Nói rồi, Liên bơi xuống phía dưới khoảng hơn chục mét, lên bờ lau người, mặc quần áo. Thú thật là lúc này tôi không thể nhắm mắt được nữa. Dưới ánh trăng, Liên như thiên thần hạ thế, dáng người thon thả, gương mặt xinh tươi mà ban ngày bọn lính trẻ chúng tôi ngắm mãi không chán, giờ đây trở nên lung linh, huyền ảo…

Hai đứa đi men theo những cồn cát nhấp nhô, có khi xuyên qua mấy rặng dương ven biển. Từng đợt sóng trắng xóa đều đặn xô bờ, những cơn gió biển vù vù thổi. Liên muốn hai đứa đi sánh vai nhau, nhưng tôi lại thích chậm hơn vài bước để được ngắm dáng người thon thả của cô trong bước đi thoăn thoắt. Quá nửa đêm thì chúng tôi về đến xã Trung Giang. Vậy là gần Trung đoàn bộ rồi; đói, mệt rã người. Liên gợi ý:

– Ta nghỉ chút xíu đi anh.

Hai đứa lấy lương khô ra ăn. Ăn xong, Liên mở tấm tăng ni lông trải bên gốc dương, nhìn tôi:

– Cho em ngủ một giấc, anh canh gác nhé.

Tôi ôm súng ngồi cạnh. Vùng này không còn nhà dân, lác đác có vài tổ du kích chốt trong các hầm chữ A đề phòng bọn biệt kích đột nhập từ biển vào. Màn đêm dày đặc, rặng dương xào xạc trong gió khuya. Tiếng pháo từ tàu chiến Mỹ đậu ngoài khơi bắn vào đất liền lâu lâu lại vọng về.

Liên nằm ngủ, đầu gối lên chiếc bòng nhỏ, gương mặt thanh thản rạng ngời. Tấm khăn rằn bé tí không đủ che kín tấm thân. Bầu ngực căng tròn, vòng eo mềm mại của người con gái tràn đầy sức sống càng đẹp thêm trong làn áo bà ba mỏng manh.

Thương Liên quá! Cô du kích chưa đầy 20 tuổi mà đã xa gia đình hai năm làm nhiệm vụ dẫn đường cho đơn vị tôi. Đi từ bờ nam sông Bến Hải vào đến Cửa Việt, Đông Hà thuộc vùng địch kiểm soát dài gần 20km vô cùng nguy hiểm, phải tìm đường luồn lách trong đêm, tránh các điểm phục kích của lính bảo an, dân vệ; tránh các bãi mìn và đồn bốt giặc. Các cô cũng ăn lương khô, tắm nước hố bom và ngủ chung hầm chữ A như những người lính chúng tôi. Nhiều cô chiến đấu rất dũng cảm và đã anh dũng hy sinh cùng với những người lính Đặc công…

Thật lạ, dù rất mệt mà tôi chẳng hề buồn ngủ chút nào. Cơ thể âm ấm của người con gái xinh đẹp đã kề sát bên tôi tự lúc nào, tôi cũng không biết nữa. Đột nhiên, Liên kéo nhẹ tay tôi:

– Anh nằm xuống ngủ chút đi, để em gác cho.

Như có luồng điện từ tay lan đi khắp người, tôi rất muốn nghe theo lời Liên nằm xuống bên cạnh. Nhưng không hiểu sao khi đó tôi lại nói:

– Thôi, em cứ ngủ tiếp đi, để anh gác …

Liên ngoan ngoãn nghe lời tôi, nhắm mắt. Chẳng rõ lúc này Liên có ngủ được không? Gương mặt cô vẫn thanh thản, rạng ngời. Ước chi, Liên đừng tỉnh giấc để tôi được ngồi canh gác như thế trọn đêm. Với tôi, có lẽ đây là phiên gác đẹp nhất trong suốt quãng đời làm lính…

Rồi cũng đến lúc hai đứa phải nói lời từ biệt. Liên về làng Cát Sơn, tôi ra bến đò Tùng Luật. Liên chủ động tiến lại, đưa bàn tay mềm mại nắm chặt tay tôi. Bầu ngực căng tròn tràn đầy sức sống chưa bao giờ lại gần với tôi đến thế. Giọng cô ngắt quãng trong hơi thở gấp gáp:

– Anh, có lẽ… chẳng bao giờ còn được gặp anh nữa.

Rồi Liên áp chặt bầu ngực đầy đặn, ấm áp vào tôi. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên bờ vai tròn lẳn. Lời từ biệt cứ nghẹn lại không thốt ra được, cô ngước nhìn tôi, hình như có giọt nước long lanh trong khóe mắt. Chúng tôi đứng vậy hồi lâu… Đột nhiên, Liên rời khỏi vòng tay tôi, đi như chạy về phía cồn cát trắng. Tôi ngỡ ngàng nhìn theo, mái tóc đen dài lất phất bay trong gió lạnh, dải khăn rằn vắt vẻo theo nhịp bước chân cô. Bóng áo bà ba cứ mờ dần, mờ dần rồi khuất sang phía bên kia cồn cát…

Ngoài khơi, từng đợt sóng trắng xóa vẫn cứ đều đặn xô bờ. Phía xa xa, những tia nắng ban mai bắt đầu ló rạng…

Tôi ra miền Bắc học, Liên ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ của mình. Bao năm qua, tôi rất muốn biết tin tức về Liên, nhưng đành chịu. Lễ kỷ niệm này là cơ hội hiếm hoi để chúng tôi có dịp gặp lại nhau, nhưng rất tiếc là Liên không có mặt. Chẳng biết giờ đây cuộc sống của cô ấy ra sao?

Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng. Ký ức hào hùng của một thế hệ thì mãi mãi còn đây. Dòng Bạch Đằng, nơi những người lính từng được huấn luyện kỹ thuật Đặc công nước vẫn ngày đêm cuộn chảy. Vài chùm phượng vĩ bên bờ sông Giá bắt đầu hé đỏ. Bóng dáng mấy chiếc áo bà ba với khăn rằn quàng vai vừa lạ, vừa quen nổi bật giữa đám đông dự lễ. Dưới ánh nắng đầu hè, những tấm huân chương trên ngực các nữ du kích lại càng thêm lấp lánh. Còn tôi thì lại nhớ về buổi vượt sông năm nào, nhớ về người con gái Gio Linh đã mấy chục năm không gặp.

                                                  T.T.C