Đèn lon – Tản văn của Thanh Nguyên

548

(Vanchuongphuongnam.vn) – Giữa nỗi bộn bề của phố thị, giữa dãy nhà phố cao cao kín cổng, những ngọn đèn sáng choang đầy sắc màu mấy ai trong chúng ta còn nhớ về ánh sáng mong manh nhưng lại là cả bầu trời rực rỡ của tuổi thơ, chiếc đèn lon…

Đèn lon trong ký ức tuổi thơ – Nguồn internet

Gọi là đèn lon vì chiếc đèn bé xinh được làm từ chiếc lon hộp sữa bò, hay lon nước ngọt cũ, chiếc đèn Trung thu bé xinh tuy ít sắc màu nhưng đầy huyền diệu của tuổi thơ nơi quê nghèo, xóm nhỏ. Mà cũng có khó khăn gì đâu, chiếc lon cũ, dùng con dao nhỏ chẻ dọc thân lon, những đường chẻ thưa hay dày còn tùy thuộc vào độ khéo tay hay ý đồ “huyền ảo” của chủ nhân và sau đó dùng tay ấn nhẹ xuống thân lon, những đường kẻ dọc bung tròn ra, bầu bầu giống “mấy chiếc đèn trong phim”. Bởi vậy mới có chuyện đứa con nít nào trong xóm “khéo tay” sẽ được xúm xít, bu quanh lại để “nhờ làm dùm”, và nó sẽ yêu sách kiểu làm một lon sẽ đổi được mấy cây nến hay cái kẹo con con… Và cũng có chuyện vì những đòi hỏi của nó mà “ghét” quá tự tay làm, chiếc đèn tự dưng méo xẹo, bên thưa, bên dày…

Đèn lon còn được con nít xóm nhỏ ưa chuộng vì chỉ cần đi một vòng là lượm được vài chiếc lon hay lại mấy chỗ tiệm cà phê tạp hóa mà xin, về ngồi thêm tẹo nữa dăm bảy phút là ra chiếc đèn, tìm thêm sợi dây, đoạn tre nhỏ nhỏ là có thể “trẩy hội” trăng rằm như ai ai đó thôi. Đơn giản và bình dị là vậy nên đèn lon rất được lòng tụi con nít, không cần cầu kì phải đi vót từng nan tre, mua thêm tờ giấy kiếng màu như đèn ông sao, đèn cá chép… Con nít nhà quê mà, tự tay làm đơn giản vậy, mà giờ lớn lên rồi cứ bồi hồi thương nhớ mỗi khi mùa trăng về, khi nhìn những ánh đèn đủ sắc màu rực rỡ khắp phố phường.

Chiếc đèn lon đầu tiên của nó là năm bảy hay tám tuổi gì đó, thấy tụi con nít quây quanh một anh kia trong xóm, mỗi đứa cầm theo một chiếc lon, ngồi chờ đến lượt mình, thấy vui nó cũng chạy lại, thấy chiếc đèn vừa ra lò thích mắt quá xin làm theo. Tụi con nít kia xúi đi “lượm lon” đi để làm, bí quá đi lanh quanh hồi không biết tìm đâu ra chiếc lon, lúc đó tự nhiên nhanh trí lắm, chạy vội về nhà “lượm” chiếc lon trong lu gạo của má, rồi nhanh chân hòa vào nhóm con nít trong xóm. Chiều tối, xách chiếc đèn về nhà khoe với má, má còn nói “Nay biết “lượm lon” chơi đèn nữa, mà cầm khéo khéo không đứt tay như chơi nghen con”, nó dạ vâng rồi đi “trẩy hội” – đi qua đi lại lòng vòng trong xóm, đoàn diễu hành cứ rình rang, rôm rả suốt buổi tối trăng tròn. Đôi lúc gió từ phía bờ sông thổi lên nghe mát rượi mà mấy đứa nhỏ lại đứng nép mình vào nhau, xoay vòng tròn, đưa những chiếc đèn lon vào giữa vì sợ gió dập tắt nến. Cầm đèn lon đi chơi chỉ sợ tắt hay hết nến chứ không sợ cháy đèn như cầm đèn ông sao, gió mạnh chút là cháy lớp giấy kiếng, cháy luôn khung đèn như chơi, còn lúc trời mưa thì màu giấy kiếng lem ra xanh đỏ vàng, bám vào quần áo là ôi thôi ăn đòn. Đèn lon thì chắc chắn hơn tẹo, không sợ cháy đèn, không sợ lem màu… chỉ sợ đi vấp té, ngã lên cái đèn méo xệch thôi. Buồn cười thay, con nít thời nào cũng có lý lẽ riêng.

Sáng hôm sau, khi còn cuộn tròn trong chăn, nướng muốn khét lẹt, nó nghe tiếng má vọng từ phía sau bếp “Ủa cái lon xúc gạo đâu mất tiêu kì vậy kìa?”, tiếp đó là tiếng ba làm bộ húng hắn ho rồi trả lời “Kìa cái lon xúc gạo treo tòn teng trên hàng rào chứ đâu!”… Nó dậy rồi, mà cứ nằm vờ ngủ rút mình thiệt kĩ trong chăn, chứ thức giờ này không khéo ăn đòn như chơi à nghen, giờ lâu lâu nhớ lại những lần roi ngày trẻ nít của má mà vẫn còn cảm giác rùng mình chứ chẳng chơi.

Vậy thôi, nhiêu đó cũng đủ đong đầy sắc màu bàng bạc của tuổi thơ, đủ để bịn rịn, bồi hồi mỗi khi mùa trăng tròn đến. Hôm kia đưa đứa cháu nhỏ đi vòng quanh phố, cu cậu chỉ tay vào cửa hàng bán đồ chơi trẻ em và chọn chiếc đèn điện tử hình siêu nhân, ánh sáng chớp đủ sắc màu, phát ra tiếng nhạc réo rắc, cu cậu phấn kích, mừng rơn, mắt hấp háy theo ánh sáng chớp tắt. Ấy vậy mà được hai hôm, đến hôm thứ ba, bạn siêu nhân lại nằm ngổn ngang trong rổ đồ chơi và dường như bị lãng quên hẳn giữa mùa khi đêm trăng còn chưa kịp tròn đầy nhất… Với riêng nó, đêm trăng tròn chỉ giản đơn là vài món đồ chơi tự chế của những đứa con nít xóm nhỏ, là tiếng rình rang đi vòng quanh, ca hát cùng nhau, là có một miền tuổi thơ trong trẻo để tìm về, ru mình an nhiên giữa nỗi bộn bề của cuộc sống thường nhật. Tự hỏi cu cậu nhà mình, khi lớn lên sẽ nhớ về miền tuổi thơ của mình với điều gì nhất? Thôi thì, con nít thời nào cũng có những lý lẽ riêng.

T.N