Cơm tấm, phá lấu, gỏi cuốn… không chỉ là những món ăn ngon mà hơn thế, chúng đã trở thành một phần không thể tách rời của Sài Gòn.
1. Cơm tấm
Nói cơm tấm là đặc sản trong số những đặc sản của Sài Gòn cũng chẳng có gì sai. Cơm tấm đặc trưng và phổ biến đến mức, ở Sài Gòn, người ta có thể ăn món này cả ngày, từ bữa sáng đến bữa trưa, bữa tối. Thậm chí với nhiều người, cơm tấm còn là sự lựa chọn hoàn hảo cho những bữa ăn khuya.
Dĩa cơm tấm đầy đủ có nhiều thứ lắm, trước tiên dĩ nhiên là cơm tấm, kế đến là thịt sườn nướng, chả trứng, bì, trứng ốp la, lạp xưởng, chút đồ chua. Để phần cơm thêm hấp dẫn, trên mặt dĩa, người ta sẽ chan thêm chút mỡ hành, tóp mỡ cho thêm hấp dẫn. Và cuối cùng, để trọn vẹn, dĩa cơm sẽ được dọn kèm với một chén mắm ớt pha ngọt.
Không chỉ đầy đặn và ngon mắt, cơm tấm còn ghi điểm bởi hương vị đặc biệt của nó. Nước mắm ngọt thấm vào từng hạt cơm quyện với cái béo thơm của mỡ hành mang đến vị đậm đà khó cưỡng. Đặc biệt, phần thịt sườn được tẩm ướp kĩ lưỡng rồi nướng trên than hồng càng khiến món ăn ngon khó tả. Một phần cơm tấm giá trung bình chỉ từ 25 ngàn đến 40 ngàn là đã đủ cho một bữa ăn no mà chất lượng.
2. Súp cua
Ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc, súp cua là món thường chỉ có trong nhà hàng hay các buổi tiệc. Nhưng ở Sài Gòn, đây lại là một món ăn vặt được ưa thích và vô cùng dân dã. Thật vậy, tại Sài Gòn, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức một chén súp cua chất lượng ở vỉa hè với giá trung bình khoảng 15 đến 20 ngàn đồng mà thôi.
Thành phần của súp cua rất đa dạng bao gồm thịt cua, thịt gà xé, trứng cút, nấm, có nơi còn thêm trứng bắc thảo, chả thậm chí óc heo để tô súp thêm đầy đặn, chất lượng. Màu vàng của súp sóng sánh với thịt cua ăn kèm theo rau ngò, tiêu và ớt làm dậy lên mùi thơm quyến rũ và vị ngọt tự nhiên, đặc biệt là không tạo cảm giác ngán.
Hấp dẫn, phù hợp với cả người lớn và trẻ nhỏ nên trong hàng trăm món ăn vặt của Sài thành, súp cua luôn có vị trí riêng. Bất kể trời nóng hay lạnh, ngày hanh khô hay mưa gió, những quán súp cua vẫn khiến thực khách mê mẩn và tranh thủ ghé vào mỗi lúc tan ca.
3. Bột chiên
Bột chiên là món ăn của người Hoa nhưng khi đến Sài Gòn đã được biến tấu theo khẩu vị của người Việt và dần trở thành món ăn vặt mang thương hiệu Sài Gòn. Bột chiên được làm từ bột mì và bột năng trộn thêm ít dầu ăn, sau đó đem đun nhỏ lửa cho bột săn chắc lại và ngả màu trắng ngà. Tiếp đến người bán đem hấp bột trong khuôn hình vuông rồi đổ ra đĩa để nguội, cắt nhỏ hình quân cờ rồi đem chiên trên chảo dầu nóng.
4. Phá lấu
Từ lâu, phá lấu đã là một món ăn vặt, dân dã mà ngon miệng của người dân Sài Gòn. Phá lấu là món ăn làm từ nội tạng của động vật, trong đó phổ biến nhất là phá lấu bò. Phá lấu là món ăn dễ gây nghiện, lần đầu thử có thể thấy bình thường, nhưng ăn đến lần thứ 2, thứ 3 là “bao ghiền”.
Nồi nước phá lấu gồm các gia vị như ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc. Còn phần thịt có thể là bất cứ từ lưỡi, tai, ruột cho đến bao tử của heo, bò. Nồi phá lấu thường luôn sôi ùng ục và thoang thoảng vị nước dừa. Khi có khách ăn, người bán dùng kéo và đồ gắp cắt nhỏ những miếng phá lấu cho vào chén rồi mới chan nước vào.
Chén phá lấu sóng sánh nước lèo màu nâu cánh gián dọn kèm chén nước chấm ớt chua ngọt chỉ nhìn thôi đã thèm. Phá lấu có thể ăn kèm với bánh mì hoặc mì tôm đều rất ngon. Bây giờ Sài Gòn không còn nhiều nơi bán phá lấu nhưng dù sao đi nữa, đây cũng là một món ăn đường phố rất “Sài Gòn” bạn nên thử.
5. Gỏi cuốn
Ở Sài Gòn, từ lâu gỏi cuốn là thứ đồ ăn được ưa chuộng, bởi ít có món nào dễ tính và chiều được nhiều người như thế. Người mập ăn kiêng tìm đến gỏi cuốn để thưởng thức sự thanh đạm khi yêu cầu nhiều rau, người bình thường lại có thể ăn no gỏi cuốn vì không bị ngấy. Gỏi cuốn có thể dùng để ăn dặm giữa buổi cho bớt đói lòng, ăn chơi cho khỏi “buồn miệng”, không thì dùng thay bữa chính cũng hay.
Chỉ từ 4 nguyên liệu chính là bánh tráng, rau (rau sống và rau thơm), bún, thịt, tôm, gỏi cuốn mang đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm. Thịt heo được lựa từ thớ ba rọi vừa mỡ vừa nạc; tôm luộc hoặc hấp màu đỏ tươi bắt mắt; thêm chút bún, giá đỗ, rau thơm, xà lách, hẹ… dùng bánh tráng cuốn ngoài thành từng phần ngon lành.
Gỏi cuốn muốn ngon thì nguyên liệu phải tươi, người cuốn có kỹ thuật khéo léo, chắc tay để cho gỏi đẹp nhưng không quá dùng sức nếu không gỏi sẽ bị bung, vỡ. Ngoài ra nước chấm gỏi cũng đóng vai trò quan trọng. Có 2 loại nước chấm chính là nước tương và mắm nêm. Khi ăn gỏi cuốn, dùng tay cầm từng cái, chấm thật đẫm vào chén nước chấm, cắn ngập chân răng mới thấy hết cái ngon, cái tuyệt vời của món ăn bình dân này.
6. Xôi mặn
Sài Gòn có hàng trăm tiệm xôi mặn với đủ loại hình từ xe xôi, gánh xôi lề đường đến cửa tiệm đoàng hoàng. Xôi mặn, có tiệm bán sáng, có tiệm bán tối và điểm chung là nhân ăn kèm vô cùng phong phú như xôi gà, xôi lạp xưởng, trứng cút, xá xíu, xôi chả, pa tê…
Xôi mặn Sài Gòn khiến người ta phải thèm thuồng từ cách bày biện với những xe xôi hoành tráng, đồ ăn luôn đầy ngộn và bài trí vô cùng ngon mắt. Đặc biệt xôi mặn thường có thêm mỡ hành và nước sốt khiến từng hạt xôi mềm dẻo càng trở nên ngon lành, hấp dẫn hơn.
Một số tiệm xôi có tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến như xôi gà chợ Bà Chiểu, xôi nhà xác, xôi Tám Cẩu. Một gói xôi ngon lành trung bình chỉ từ 10 ngàn mà thôi. Biết là xôi thì đâu cũng có, nhưng đã ghé Sài Gòn, tội gì không ăn thử một gói xôi mặn để trải nghiệm đúng chất món ăn đặc biệt của thành phố này?
7. Bánh mì
Bánh mì thì vùng nào, miền nào, tỉnh nào cũng có, có điều ở mỗi địa phương, bánh mì lại có sự biến tấu riêng trong nguyên liệu, tạo nên sự khác biệt cho món ăn tưởng chừng rất quen. Sài Gòn là một trong những nơi có nhiều biến tấu bánh mì độc đáo và vô cùng hấp dẫn, thế nên đây là món nhất bạn nhất định nên thử khi đến đây.
Loại bánh mì phổ biến nhất ở Sài Gòn phải kể đến chính là bánh mì thập cẩm với đủ loại pate, chả, xúc xích, jambon… Một ổ bánh mì thập cẩm chất lượng như ở tiệm Huỳnh Hoa nổi tiếng có khi lên tới cả 50 ngàn đồng, nhưng bù vào đó là những miếng cắn ngập miệng trong các loại nhân bánh chất lượng, lớp vỏ bánh giòn rụm không thể chê vào đâu.
Ngoài ra, bánh mì còn có hàng loạt biến tấu như bánh mì thịt nướng, bánh mì bì, bánh mì phá lấu, bánh mì kẹp khô bò. Trung bình một chiếc bánh mì vừa ngon, vừa lạ miệng giá trung bình cũng chỉ 15 đến 20 ngàn đồng. Vậy có lý do gì mà không đưa bánh mì vào danh sách những món nhất định phải “chén” khi đến Sài Gòn cơ chứ?
8. Bánh tráng trộn
Người ta vẫn hay bảo Sài Gòn là nơi mà người dân tứ xứ tụ về làm ăn, mua bán, thế nên Sài Gòn làm gì có “đặc sản” vì đã bị pha trộn hết rồi. Ngẫm kĩ điều này vừa đúng vừa không đúng. Một số món ăn “đặc sản Sài Gòn” bây giờ là du nhập từ các tỉnh khác, nhưng ở thành phố phồn hoa này, chúng được tô vẽ, được biến tấu, trở thành món ăn độc nhất mà có thể chẳng thể tìm thấy mùi vị thế này ở đâu ngoài Sài Thành.
Bánh tráng trộn xuất xứ từ món bánh tráng muối tôm tỉnh Tây Ninh. Nhưng khi đến Sài Gòn, bánh tráng trộn được “hô biến”, thêm nào khô bò, rau răm, xoài chua… và trở thành đặc sản Sài Gòn đích thực từ khoảng 8 – 9 năm trở lại đây. Bây giờ một gói bánh tráng trộn “đúng chuẩn” Sài Gòn có không dưới 10 thành phần nguyên liệu. Có thể tìm ăn món này ở mọi cổng trường học, công viên… với giá từ 10 ngàn đến 20 ngàn.
9. Hủ tiếu
Hủ tiếu là món ăn bình dân quen thuộc của nhiều người Sài Gòn. Hủ tiếu Sài Gòn thì đa dạng lắm, bình dân nhất, làm nên thương hiệu nhất là món hủ tiếu gõ, còn đâu là vô thiên lủng các loại hủ tiếu khác để bạn đổi vị, từ món hủ tiếu bò kho đậm đà đến hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu mực mới mẻ.
Hủ tiếu cũng là món được xếp vào hàng ăn lúc nào cũng được, nghĩ là bạn có thể ăn sáng hay ăn khuya đều tuyệt vời. Cho dù là một tô hủ tiếu trong tiệm hay một tô hủ tiếu vỉa hè cũng đều có cái hay riêng. Những sợi hủ tiếu mềm, dai, nước lèo thơm ngọt chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi về món này.
10. Chè trứng trà
Chè trứng gà trà tàu là một món ăn rất nổi tiếng của người Hoa. Món chè nghe có vẻ kì lạ này và thậm chí nếu chưa ăn, người ta có quyền ái ngại cho rằng nó sẽ tanh. Nhưng đấy là một định kiến mà bạn phải tự phá bỏ bằng cách thưởng thức trực tiếp mà thôi.
Trên thực tế, ai đã dùng thử một lần nhất định khó quên mùi vị, thậm chí bị mê, bị nghiện, cứ thèm nhớ hoài cái vị bùi của lòng đỏ trứng, cái dai giòn của lòng trắng được nấu kĩ với trà đen khiến vị trà ngấm vào trứng, cho mùi hương thơm nhẹ, ngọt ngào.
Ăn chè hột gà trà nhất định phải ăn từ tốn, mới thấm được phần “trà” trong phần “trứng”. Nước dùng của chè là nước trà đen đã dùng nấu trứng với đường phèn, vừa ngọt thanh, vừa đắng nhẹ, thêm vài viên đá mát lạnh thì quả là ngon “số dzách”. Có lẽ vì lý do này mà người Hoa có nhiều món chè nhưng đặc sắc và đáng thử nhất vẫn là món chè trứng trà này.
Theo Trí thức trẻ