Đến với thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

1211

12.3.2018-09:45

>> Thư viện Nguyễn Thuý Quỳnh

 

Đến với thơ Nguyễn Thúy Quỳnh

 

NGUYỄN XUÂN DƯƠNG

 

NVTPHCM- Sau khi đọc “Mưa mùa đông” tôi có dịp may được gặp nhà thơ trẻ Nguyễn Thuý Quỳnh vào năm 2005 ở Thái Nguyên. Mặc dù đã được xem ảnh sau bìa thơ nhưng tôi vẫn thực sự ngỡ ngàng. Trước mắt tôi là một cô gái có vóc dáng mảnh mai và còn rất trẻ, phải nói là quá trẻ so với những gì đã trải nghiệm trong thơ, so với những gì đã gặt hái được về văn chương với hai tập thơ, về khoa học với 3 bằng cử nhân và một địa vị xã hội có thể là ước mơ của nhiều người: Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật kiêm Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên.

 

Đến với thơ Nguyễn Thúy Quỳnh (NTQ),  tôi không muốn hoặc không thể bàn về nghệ thuật thơ bởi vì nghệ thuật thuộc về một phạm trù mênh mông và vô tận. Tôi chỉ muốn nói đến những gì mà thơ NTQ đã bồi đắp cho tâm hồn tôi, cho tâm hồn của những ai đã được đọc thơ NTQ. Đó là tính nhân văn cao cả, lòng nhân ái bao dung mà NTQ muốn gửi gắm qua thơ mình đến với cõi người.

 

Thơ NTQ giàu nhân ái, nhiều trải nghiệm và cũng lắm đa đoan. Trong lý lịch trích ngang của mình NTQ có ghi nghề làm báo. Có phải vậy chăng mà nhiều bài thơ của NQT có thể được coi là những thiên phóng sự về cuộc đời được viết bằng ngôn ngữ thơ – một thứ ngôn ngữ có sức nặng tâm trạng, sức nặng ám ảnh, sức nặng lay thức mọi trái tim người. Chất liệu của thơ NTQ là chất liệu được chắt lọc ra từ hiện thực khách quan, nhiều hơn là từ chất liệu được chắt ra từ trí tưởng tượng. Chính vì thế mà thơ NTQ rất đời thường, có sự quyết liệt và sức chiến đấu cao. Tôi trân trọng thơ NTQ trước hết là ở điều này.

 

Một con người mảnh mai như thế sao “Bỗng nhiên lạc vào mưa mùa đông” đến nỗi “Cúi xuống, mặt nhòe nước/ ngẩng lên, mưa quất tả tơi”. Cơn mưa mùa đông oan nghiệt ấy chính là vì NTQ phải sống trong sự bủa vây của người khác. Trong vòng bủa vây ấy NTQ đã trở nên nhỏ nhoi và cô độc giữa cõi người. NTQ muốn tìm đến sự chở che của vũ trụ nhưng: “Lầm lũi đi về phía mặt trăng/ mặt trăng gầy guộc còn đợi qua rằm / cắm đầu đi về phía mặt trời/ mặt trời ngủ vùi chờ mùa hè xa lắc” (Mưa mùa đông), NQT lại muốn nhờ lực lượng siêu nhiên để giải thoát “Gánh truân chuyên gửi vào chùa” thì ác nghiệt thay trước cổng chùa NTQ đã “Gặp con nghê đá thẫn thờ đợi chuông”. Thế mới biết trước NTQ đã có bao nhiêu kiếp người muốn vào đây để gửi gánh truân chuyên. Đến nỗi con nghê đá phải đợi đến lượt mình, đợi mãi, đợi mãi cho đến thẫn thờ. Nghê đá mà còn phải thẫn thờ thì kiếp người thịt da làm sao chờ đợi được. Bước vào chùa thì “Trên tòa, đức Phật ngồi suông/ Quan âm phất áo tìm đường sắc không/ Niết bàn đành ngửa cổ trông / Diệt sao hết khổ mà mong vô thường/ Chắp tay đợi một tuần hương” rồi NTQ lại trở về với nơi mình đã sinh ra để tiếp tục cuộc hành trình giữa cõi người: “Cõi người dằng dặc lần đường lại đi” (Đi chùa). Sống giữa cõi người, đi giữa cõi người đã “Nhiều lúc không thể chịu đựng cuộc đời này thêm một giây nào nữa” (Nhớ Trịnh). Nhưng may thay trong đời có những tâm hồn lớn đã gặp nhau, hội tụ rồi giao thoa, tỏa sáng cho nhau. NTQ đã được âm nhạc của Trịnh Công Sơn cứu rỗi, nâng dắt. NTQ đã biết tựa vịn vào đó để mà đứng lên “Rồi sống, rồi yêu, chờ một ngày mặt trời không đến nữa” (Nhớ Trịnh).

 

Trong cuộc hành trình dằng dặc của mình giữa cõi người, NTQ đã gặp những thân phận lầm than đọa đầy và đã đem thơ mình – những vần thơ viết bằng nước mắt, những vần thơ ứa máu để cảm thông và chia sẻ với họ.

 

Đọc những bài thơ NTQ viết về những thân phận, những kiếp người lầm than, đọa đầy tôi coi đó là văn chiêu hồn của thời hiện đại. Thay vì Nguyễn Du khóc thương những cô hồn bơ vơ lưu lạc, đọa đầy trong cõi âm u, tịch mịch thì NTQ khóc thương những thân phận, những kiếp người lầm than đọa đầy đang hiện hữu giữa trần ai dương thế.

 

Từ “Mưa mùa đông” đến “Những tích tắc quanh tôi”, thơ NTQ đã có một sự đổi mới đáng kể về nội dung cũng như về thể loại. Cũng từ đây cái tôi trữ tình trong thơ NTQ đã vượt ra, vượt lên trên cái tôi nhỏ bé đơn côi của mình để đến với cái tôi nhân thế, nỗi buồn nhân thế. Stalin có nói: “Thơ đích thực phải đượm chút buồn nhân thế”. Phải chăng thơ NTQ đã là thứ thơ đích thực?

 

Những bài thơ trong “Những tích tắc quanh tôi” đều được NTQ sử dụng thể loại thơ không vần. Câu thơ không bị câu thúc, gò bó bởi số từ, chính vì thế thơ NTQ đã chuyển tải được cái bộn bề của sự nhiễu động của cuộc sống đời thường và cả cuộc sống văn học đương đại. NTQ không chạy theo sự cách tân ồn ào, phù phiếm, thứ thơ nhiều chữ nhiều câu mà vô nghĩa. Điều này đã được NTQ giãi bày qua hai bài thơ: “Về một nhà thơ” và “Đọc thơ ngày mất điện”.

 

Thơ NTQ viết về một em bé bán củi ngày mưa giữa chợ Đồng Văn – Những câu thơ đẫm đầy nước mắt: “Vừa mới sáng ra đã gặp em góc chợ/Hẳn em đi khi lá rừng còn ngủ / Bó củi to trùm lên lưng nhỏ / Từ bản nào xuống vậy bé ơi ?/ Mưa Đồng Văn, đá cũng sũng nước rồi / Có chiếc ô, em che lên củi / Củi ướt ai mua, làm sao đem về núi / Mưa vô tình lây ướt cả sang tôi”. Không chỉ là không đem được về núi mà không ai mua thì em lấy tiền đâu mua gạo, mua khoai cho mẹ và em đang ngóng đợi ở nhà. Hình ảnh em bé bán củi ngày mưa ở chợ Đồng Văn của NTQ đã khắc lên tâm khảm tôi một tượng đài. Nhưng không phải là tượng đài chiến thắng mà là tượng đài của sự bần cùng và nghèo đói. Còn NTQ đã khóc thương em nhiều lắm, những giọt nước mắt chảy vào trong cứa xót con tim. “Viết cho người say” là chân dung của người đàn bà bất hạnh có chồng, nhưng chồng bao giờ cũng chìm ngập triền miên trong những cơn say. Thật quái ác vẫn có lúc trong cơn say lại nhớ ra là đã có một gia đình và phải trở về để trút lên tất cả những bão giông và những oán hận cuộc đời “Thỉnh thoảng có ngày / cơn say đưa anh về khi đêm đã khuya/ dáng mảnh liêu xiêu/ bước chân chao đảo/ và khi ấy nhà mình có bão” (Viết cho người say). Người đàn bà đã làm tất cả những gì có thể “Em đón anh bằng tất cả sự dịu dàng có được / ly nước mát, bàn tay ấm / gột rửa những vết nhơ trên quần áo / trên gương mặt anh vô cảm / dìu anh vào giấc ngủ bình yên”. “Nhưng không thể gột rửa sự trống rỗng trong em / một quầng đen nhức nhối”. Người đàn bà đành cam phận đợi chờ những cơn giông bão sẽ ập xuống nhà mình “Em lo sợ một ngày chẳng biết ai có lỗi / Khi hạnh phúc ngả nghiêng dưới mái ấm nhà mình” (Viết cho người say).

 

“Đồng hành” là bài thơ tả thực, rất thực: “Bỗng dưng tôi nhận ra người đồng hành là chị / áo mưa cũ, dép nhựa cũ, xe đạp cũ / mặt nhễ nhãi nước/ những bắp cải xu hào xô người về đằng trước” và “phố sớm nay trên trời dưới hoa”. Nếu chỉ bằng thi ảnh của bài thơ thôi ta chưa thấy hết những gì mà NTQ muốn gửi gắm qua “Đồng hành”. Ở đây phải chú ý đến một điều mà ta rất ít gặp trong NTQ (trong “những tíc tắc quanh tôi” ta chỉ gặp hai lần). Đó là chú thích ngày tháng ra đời của bài thơ. Dòng chú thích tưởng như đơn giản, vô tình: ngày 8/3/2006 lại chính là tứ thơ mà NTQ muốn gửi gắm qua “Đồng hành”. Ngày 8/3 là ngày hội, ngày lễ lớn của toàn thể phụ nữ nhân loại. Mọi người phụ nữ đều phải được tặng hoa, được nhận những lời chúc phúc an lành từ bạn bè, người thân. Thế mà ở đây, chính trên mảnh đất này “Có những người đàn bà chở bắp cải xu hào phía trước/ có những người đàn bà chở nỗi cô độc đằng sau/ đường sao mà dài/… cứ thế chúng tôi đi qua những phố phường đầy hoa”. Bức tranh tương phản ấy cứa xót tim ta.

 

NTQ khóc thương những con cá chết ở sông Nhuệ. Dòng sông trong xanh của một thời tơ lụa Hà Đông giờ đã thành dòng sông đen mà không một sinh vật nào không bị hủy diệt. NTQ khóc thương những con vịt bị dịch cúm H5N1 nên bị lùa ra đồng mặc gió mưa đói rét phũ phàng. Những con vịt đã vạn năm gắn kết với con người không hiểu vì sao chúng bị con người bỏ rơi đầy đọa như thế. Chúng chỉ biết quay đầu về làng gọi làng ơi: “Cạc cạc” và NTQ chỉ biết: “À ơi / ta ru ta mà không ngủ được / triệu cặp mắt tròn kinh hãi xoáy vào đêm” (Lời ru đàn vịt ngoài đồng). Ta mới hiểu được tấm lòng nhân ái và bao dung của NTQ.

 

Thơ NTQ càng ngày càng quyết liệt hơn, có lửa hơn. Nói khác đi NTQ đã biến thơ mình thành những cái roi da để quất thẳng vào những bộ mặt nhầy mỡ của những kẻ tha hóa, tham nhũng và độc ác: “Muốn gào lên / Ném những lời thậm tệ / vào những kẻ đang thản nhiên chạy từ khu nghỉ mát này đến resort kia / bằng xe biển xanh / thản nhiên tán gẫu, chơi game / làm chuyện động trời trong phòng lạnh/ được trả tiền bằng ngân sách” (Tản mạn ngày nắng nóng). Quất thẳng vào mặt những kẻ chỉ biết ký và ký “Một chữ ký nhẹ tênh / Kéo trập trùng sông suối núi đồi chui vào két nhỏ” (Những tíc tắc quanh tôi). Chính chúng là những tội đồ gây ra cảnh lầm than đọa đầy như những thiên phóng sự của NTQ: “Những tích tắc quanh tôi”, “Chuyến xe khách”, “Tản mạn ngày nắng nóng…”.

 

Bức tranh tương phản giữa một bên là những kẻ “làm chuyện động trời / trong phòng lạnh / được trả tiền bằng ngân sách” và một bên là: “những người thợ nề ngất ngưởng trên cao / cặm cụi miết từng mạch vữa / những thanh niên lui cui đào thuê hố móng / phồng rộp lưng trần / bà bán hàng rong khản hơi sân bến xe rát bỏng / chị đồng nát oằn lưng gánh tả tơi / lầm lũi leo dốc nắng …” (Tản mạn ngày nắng nóng). Đó là những lời tố cáo đanh thép ném thẳng vào mặt những kẻ tham nhũng, biến chất và tha hóa. Chính những chữ ký nhẹ tênh đã đẩy biết bao nhiêu “Tuổi teen tóc đỏ / dắt nhau vào nhà trọ bình dân còn quên tháo khăn quàng” (những tích tắc quanh tôi). Sự trẻ hóa của nạn mại dâm đã là tiếng chuông cảnh báo cho xã hội. Những nhà trọ bình dân, nhà nghỉ, khách sạn một hình thức kinh doanh hợp pháp và cũng chính vì thế nó lại là nơi chốn hợp pháp cho những tuổi ten tóc đỏ đua đòi sa đọa, cho những kẻ mua bán dâm chộp giật.

 

Những chữ ký nhẹ tênh đã đẩy biết bao những con người mà “những “truyền thống”, “tiềm năng” / không níu được chân người ở lại” (Một chuyến xe khách). Họ phải phiêu dạt khỏi quê hương đến xứ người nơi “Đồng đô la chảy thành dòng trên mặt đất / giọt mồ hôi không kịp lăn xuống cát” để mưu sinh, mong làm giàu. Ta nghĩ gì khi đọc câu thơ “giọt mồ hôi không kịp lăn xuống cát” với gia tốc rơi tự do là 9,8 m/s khoảng cách từ trán người xuống cát chỉ hơn 1m mà giọt mồ hôi đã bị đốt cháy xèo. Chỉ một câu thơ thôi đã nói được đủ đầy cái cực khổ, cái bỏng rát của sa mạc xứ người. Đó chưa kể đến những lần bao nhiêu con người phải chạy trối chết vì cuộc chiến tranh vùng vịnh, vì cuộc nội chiến Li Bi… Và “Ôi quê tôi / mỗi ngày bao nhiêu chuyến xe đưa người / bao nhiêu người đàn ông hăm hở vận may / bán mồ hôi xứ dầu / bao nhiêu người đàn bà gửi con mình vượt trùng khơi nuôi con thiên hạ / bao nhiêu người đàn bà ngồi hóa thạch đầu sàn / bao nhiêu bé lớp 1 đến trường không cha đưa mẹ đón ?” (Một chuyến xe khách). Ngày xưa chiến tranh bao nhiêu người mẹ chờ con, người vợ chờ chồng hóa đá đã đành, sao bây giờ vẫn còn những người đàn bà hóa đá ? Những em bé lớp 1 đến trường không cha đưa mẹ đón?

 

Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều nữa “Chưa được mùa đã lại mất mùa / chợ lao động dài thêm những đứng ngồi chờ việc / sân bay đông thêm những thắt đáy lưng ong / vừa khéo nuôi con vừa khéo chiều chồng / giờ phiêu dạt xứ người/ lo giấc ngủ bữa ăn cho chồng con thiên hạ” (Đọc thơ ngày mất điện). Hỡi tất cả những người đàn ông chân chính trên cõi người này có thấy xót đau về những câu thơ như thế của NTQ. Đó cũng chính là những làn roi mà NTQ không thương tiếc quất thẳng vào những kẻ tham nhũng, biến chất, tha hóa. Và cũng chính những câu thơ nhiều sức sẻ chia và giàu cảm thông ấy đã thức tỉnh bao nhiêu trái tim trong cõi người.

 

Đọc những bài “Nghĩ chơi” 1 và 2, bài “Thầy tôi”… ta mới cảm hết nỗi đau nhân thế, nỗi buồn nhân thế trong thơ NTQ lớn lao biết chừng nào. Những chuyện thật như đùa “Những cây sưa bị đốn ban ngày giữa phố người ràn rạt” NTQ chỉ buông một câu “Đời vẫn bảo cây ngay không sợ chết đứng / Đời không bảo cây quý chết nằm” (Nghĩ chơi 1). Và còn bao nhiêu chuyện thật mà như đùa của thế sự. NTQ chỉ biết buông một câu, câu thơ nhiều chua xót: “Thượng đế chỉ đùa dai”. Thế cũng đủ hiểu thêm những trái ngang bất cập trong cõi người. Nghĩ chơi mà có tầm cao của tư duy và triết luận, vẫn còn đó những day dứt da diết về nỗi buồn đau nhân thế.

 

Đạo học suy đồi thì đạo làm thầy vất vả gian truân. Kẻ thất học sau một năm đi qua chặt đò làm đôi, kẻ tiểu nhân sau mười năm đi qua chặt đò làm ba, thầy vẫn kiên gan đóng lại con đò để chở sông chữ. Còn đến lúc “Người tâm phúc đi qua / sau ba mươi năm / trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh” (Thầy tôi). Sự phản phúc của người được coi là tâm phúc thì sự độc ác và suy đồi đã đi đến tận cùng. Thầy đã định lên sông Ngân làm người lái đò chở sông chữ, thế nhưng cõi đời này, thiên hạ này vẫn cần thầy. Dù gian nan, dù “những mảnh vỡ lặng câm/ găm vào ngực thầy” thì “thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông” Thương thầy, kính trọng thầy “sông chữ ngầu ngầu khóc / – Thầy ơi!”.

 

Làm thầy đã khó và sống ở đời này giờ cũng thật khó thay. Muốn im lặng là vàng cũng không được, muốn “một sự nhịn chín sự lành” cũng không được, đến tận cùng: “Bây giờ / bầy người điên nhảy múa trong căn nhà của tôi / giật bốn bề tung tóe / giẫm lên cái tên mẹ cha cho tôi / và cười nhạo” NTQ cũng chỉ biết: “Tôi một mình đứng ngoài bờ dậu / mới biết là mình câm” (Im lặng). NTQ đã “Ngộ ra một điều “ở hiền gặp lành” chỉ là mơ ước” (Về căn phòng của tôi). Vâng, ở đời khó thay, muốn im lặng chỉ có thể là người câm.

 

Tôi muốn nói một đôi điều về những bài thơ viết về “Anh” – những bài thơ được viết ra từ trong cõi thẳm sâu của tâm thức. Trong “Những tích tắc quanh tôi” điều mà tôi không gặp trong “Mưa mùa đông”. Mười lăm năm, hơn năm ngàn ngày đêm cố níu giữ nhưng cuối cùng “Anh” đã ra đi để lại NTQ và hai đứa con thơ dại giữa cõi đời còn lắm bão giông, còn nhiều vây bủa. NTQ mới cảm nhận hết cái mất mát lớn lao mà sự ra đi của Anh đã để lại. Tất cả những điều đó đã được NTQ giãi bày qua những bài thơ: “Sinh nhật”, “Đêm thứ 84”, “Nghĩ lúc 23 giờ 15”, “Có thể ở nơi ngọn khói hương bay lên”… Ta hãy đọc một đoạn để cùng sẻ chia với NTQ: “Bây giờ mỗi chiều giông gió em về / trân trân nhìn chiếc ghế trống / các con dọn cơm chắp tay mời bố / hàng xóm nhìn theo rồi rơm rớm quay đi”. Hàng xóm chứng kiến cảnh thực thì rơm rớm quay đi, còn tôi chỉ qua thi ảnh mà đã trào nước mắt. Và nữa một lời khẩn cầu sao vừa cao thượng, bao dung đến thế: “Nếu có thể gửi những ngày dương gian của mình / nối thêm kiếp sau của anh dài hơn/ xin anh nhận cho em một nửa / còn nửa này / em chăm cho các con dài rộng thêm chút nữa / thế cũng là nhiều” (Có thể từ nơi ngọn khói hương bay lên).

 

Cảm thức về thời gian trong thơ NTQ cũng có điều khác lạ và ngược chiều với cảm thức thời gian trong thơ của nhiều Nhà thơ khác. Với HPNT thì: “Thời gian sao mà xuẩn ngốc / Mới thôi đã một đời người”, còn ĐTLL thì: “Chưa tiêu gì ra món / đã hết veo cuộc đời”. Còn NTQ thì “Nghe mưa rơi sầm sập mái tôn thấy đời sao mà dài” (Về căn phòng của tôi). Phải chăng gánh nặng số phận đã quá oằn lên đôi vai của NTQ.

 

Với 39 bài thơ trong “Mưa mùa đông” và 35 bài thơ trong “Những tích tắc quanh tôi”, thơ của NTQ đã là muôn mặt cuộc đời. “Đến với thơ NTQ” của tôi chỉ là những khám phá một phần rất nhỏ trong cái mênh mông vô tận của thơ NTQ.

 

Trong lúc mỗi tích tắc quanh ta đều tiềm ẩn những thảm họa khôn lường, những thảm họa đến từ thiên nhiên, những thảm họa đến từ lòng tham vô độ, độc ác, vô trách nhiệm và nạn tham nhũng đang hoành hành của con người.

 

Người đọc chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với những suy nghĩ về thơ của NTQ. Chính vì thế, người đọc chúng tôi nghi ngờ các nhà thơ, những người được tạo hóa ban tặng tài năng sáng tạo, ban tặng sứ mệnh thiêng liêng và cao cả và góp phần giáo dục đạo đức, định hướng nếp sống văn hóa, mang chân thiện mỹ đến cho cõi người thì lại ngồi tranh luận, cấu xé nhau nơi thi đàn thiêng liêng như thơ NTQ đã viết: “Quanh đền thiêng / mặt vàng mặt xanh chụm vào nhau thì thụp / móng vuốt diều hâu găm xuống mặt bàn / những cái nhìn âm u / trận mưa ngôn từ rào rào / nhân danh sự tử tế / nhân danh thơ / cuộc cắn xé bắt đầu” (Về một nhà thơ) và vẫn còn nữa trong “Đọc thơ ngày mất điện” NTQ đã viết: “Có phải vì ta mất điện không nhìn thấy thơ / Hay vì thơ mất điện / Thấy thơ lông bông trăng sao / váy áo lòe xòe nhởn nhơ hoa bướm / vung tay nhổ bọt chửi thề trong quán bia / cao giọng những tín điều sáo rỗng / hổn hển chiếu chăn / loay hoay chữ vần / ngả nghiêng ký tự / chủ nghĩa nọ, trường phái kia cãi nhau hàng thế kỷ / chẳng làm cho hạt thóc vì thế mà nảy mầm” (Đọc thơ ngày mất điện).

 

Người đọc đòi hỏi các Nhà thơ hãy cùng với NTQ viết những vần thơ có điện đốt lên thành ngọn lửa để xua tan, thiêu đốt tà ma ám khí, những thảm họa đang gieo xuống cõi người và hãy viết những vần thơ biết cảm thông chia xẻ với những kiếp người lầm than đọa đầy, nâng dắt họ, sưởi ấm tâm hồn họ, thắp lên trong trái tim họ ngọn lửa của lòng nhân ái để rồi họ cũng như NTQ “Rồi sống, rồi yêu” cho đến tận cùng cuộc sống.

 

Những ngày đầu mùa hạ 2013

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Cuộc thi văn chương đầu tiên ở Việt Nam – Lê Minh Quốc

>> Chợt nghĩ về hoa – Đặng Huy Giang

>> Tiếng nói tâm linh trong thơ thế hệ Đổi mới – Phạm Thị Trịnh

>> Dòng chảy Tự do giữa hai bờ lựa chọn – Trần Việt Hà

>> Sự cần thiết của hồi ký – Trần Hữu Dũng

>> Đôi dòng về sáng tạo thơ – Mai Văn Phấn

>> Văn học mạng trong dòng chảy văn học nước nhà – Đỗ Hải Ninh

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…