Đi hoang cùng gã thi sĩ hoang

599

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hầu hết thơ của Nguyễn Thánh Ngã đều bộc lộ sự khám phá của tâm hồn nhà thơ đối với sự bí ẩn của sự vật và cái đẹp. Thơ ông thoảng hương vị thiền nhưng vẫn thấm đẫm tính triết lý nhân sinh về thân phận con người trong cõi vô cùng của vũ trụ.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã

Tôi quen biết nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đã hơn 20 năm. Tôi biết ông sống gắn bó với vùng đất huyện Lâm Hà và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng suốt mấy chục năm. Gần đây, ông sống tại huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhận biết tâm hồn của Nguyễn Thánh Ngã – gã thi sĩ hoang luôn bị dẫn dắt, cuốn hút bởi đam mê và khát vọng. Ông là kẻ đi hoang cả trong cuộc đời và trong quá trình sáng tạo thơ. Gã thi sĩ hoang dùng thơ để thể hiện khát vọng hướng đến chân trời của tự do của cái đẹp… Đi hoang đối với ông có nghĩa là vượt thoát khỏi sự cương tỏa của bầy đàn, của đám đông và mọi rào cản để sống trong thế giới tự tại, an nhiên. Rimbaud đi hoang khắp phố thị các nước Châu Âu. Hàn Mặc Tử đi hoang cùng trăng sao huyền ảo. Nguyễn Thánh Ngã đi hoang cùng đại ngàn hoang dại…

Hầu hết thơ của Nguyễn Thánh Ngã đều bộc lộ sự khám phá của tâm hồn nhà thơ đối với sự bí ẩn của sự vật và cái đẹp. Thơ ông thoảng hương vị thiền nhưng vẫn thấm đẫm tính triết lý nhân sinh về thân phận con người trong cõi vô cùng của vũ trụ. Thơ Nguyễn Thánh Ngã ít dùng ngôn từ biểu cảm trực tiếp. Ông thường khắc họa sự giao thoa giữa hồn người và những sự vật nhỏ bé, bình dị trong đời sống xã hội và thiên nhiên.

Tập thơ Gã thi sĩ hoang của Nguyễn Thánh Ngã

Hành trình của gã thi sĩ hoang không chỉ là sự kiếm tìm, khám phá vẻ đẹp nguyên sơ, bí ẩn của sự vật mà còn khơi mở, đào sâu chiều kích nội tâm, bản thể của nhà thơ:

“Ôi bông cỏ hoang

Mi là quê hương của tứ thơ

Ta-gã thi sĩ đồng làng, xó núi

Mọc là mọc một tình yêu hoang dại

Trước gian trá lọc lừa”

(Gã thi sĩ hoang)

 

“Những nốt lặng cứ bay bay trên tóc

Cuộc hành trình vi vút khói sương

Tự do trên mười ngón

Chân trần khoáng đạt

Gã nhận ra mình từng bỏ quên mình

Trên phiêu lưu đôi cánh”

(Gã)

Chất thiền của phương Đông và chất siêu hình của phương Tây hòa quyện, tan chảy trong ý tứ, ngôn từ và hình tượng thơ của Nguyễn Thánh Ngã:

“Tôi lặng nghe phía hôm qua

Những toa tàu góa bụa

Tiếng nghiến răng trên đường ray ngộp thở

Sao em bỏ tôi đi

Ôi làn tóc rối chưa rẽ ngôi thì

Đã lên tàu hỏa tốc!”

(Những toa tàu)

Nguyễn Thánh Ngã là người nghiên cứu và sáng tác thơ HaiKu nên ngôn ngữ thơ của ông thường tạo được sự âm ba, vang vọng trong tâm hồn người đọc:

“Tiếng chim

Những cung bậc thanh âm

Lắng vào cây cỏ

Ta uống say những nốt lặng tự do”

(Buổi sáng uống tiếng chim)

Hầu hết các bài thơ Nguyễn Thánh Ngã thường hay ở cấu tứ độc đáo, câu thơ tự do vừa nén chặt vừa bung phá gợi liên tưởng mạnh mẽ đối với trí tưởng tượng của bạn đọc. Thơ ông hay ở hồn cốt nhưng ngôn ngữ và hình tượng thơ vẫn biến ảo, lung linh. Thi sĩ Nguyễn Thánh Ngã vẫn đang miệt mài sống, miệt mài đi hoang và miệt mài sáng tạo. Theo cách nói của thi sĩ M. Rilke, Nguyễn Thánh Ngã là kẻ đi hoang, chính là “đi vào bên trong những sự vật, để phụng sự cho những sự vật…”.

V.T.C