‘Dị nhân’ giữa Rú Chá

748

Cỏ Ba Lá

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một chiều giữa tháng ba, khi hạt nắng còn vương dài trên tóc, tôi tìm đến “ốc đảo” giữa cánh rừng ngập mặn xanh mướt. Nơi có “dị nhân Rú Chá” Nguyễn Văn Đáp hơn nửa đời người làm “kiểm lâm” không lương để bảo vệ rừng ngập mặn nguyên sinh. Dẫu qua bao mùa thay lá nhưng người “hiền nhân” ấy vẫn kiên định giữa rừng Chá không thay dạ đổi lòng.

Rú Chá hiện là khu rừng ngập mặn nguyên sinh của miền Trung thuộc phá Tam Giang(Thừa Thiên Huế). Tam Giang là đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Rú Chá là hệ sinh thái rừng ngập mặn được ví “lá phổi xanh”, được xem như một vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá. “Rú” có nghĩa là “rừng”, còn “Chá” là bởi trong rừng toàn là “cây Chá”. Từ bao đời nay rừng Chá mọc dày đặc như một bình phong án ngữ che chắn, bảo vệ vùng đất này trước biển Thuận An.

Ngôi nhà nhỏ của ông lọt thỏm giữa một “ốc đảo” hoang vu. Tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông Ðáp là chiếc radio với âm thanh phát ra khi được mất. Nhiều người gọi ông Đáp là người “lạ lùng”, là “dị nhân Rú Chá”, là “Robinson” phiên bản Huế. Vì Rú Chá lúc ấy hẻo lánh, tĩnh mịch, hoang vu, không bóng người, không lối đi. Để có nước sinh hoạt ông Đáp phải lội bùn trên đầm lầy chở từng thùng nước vào. Kể cả nước cho gà cho vịt uống cũng phải đi lấy từ đồng ruộng.

Khi tôi đến, ông vẫn đang cặm cụi bên bếp củi nấu nước châm trà. Tiếp chuyện với tôi, ông Đáp hồ hởi cười vang vang với giọng ấm trầm và say sưa kể câu chuyện về Rú Chá như kể về câu chuyện cuộc đời mình:

“Tôi không biết Rú Chá có từ khi nào, chỉ biết đời ông cha mình đã có rồi. Vào thời kháng chiến chống giặc Pháp, Mỹ cứu nước Rú Chá là tấm chắn đỡ đạn cho cách mạng. Từ rất lâu, một số người dân vào khai thác nguồn tôm cá, do thiếu chất đốt do giặc tàn phá nên người dân địa phương đốn Chá để làm củi. Ban đầu chỉ vài người nhưng sau đó từng tốp dân làng kéo nhau vào triệt phá nên diện tích Rú Chá bị thu hẹp đáng kể”.

Vốn yêu thương và quen với từng gốc cây, ngọn cỏ, từng mô đất nơi đây. Nên khi chứng kiến cảnh mảnh đất này sắp sửa chỉ còn là tên gọi của miền quá khứ, vợ chồng ông Đáp thấy rất buồn. Ông Đáp lựa lời nói với bà con phải kiếm củi bằng cách khác chứ không nên chặt cây Chá, rồi sẽ có ngày xóa sạch rừng Chá này mất thôi. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng đây là vùng đất có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió khi mùa mưa bão đến cho dân làng. Nhìn từng cây Chá bị đốn hạ, loang lổ, xác xơ, ông Đáp xót xa vì mình không thể làm gì trước vấn nạn phá rừng ngập mặn càng ngày càng nghiêm trọng. Đêm đêm ông gác tay lên trán với bao trăn trở:

– Rú Chá bị triệt phá trong nay mai, làng quê trước những ngọn sóng, cơn gió sẽ không còn được bảo vệ che chắn bởi sự xâm thực của nước biển. Bao đêm trăn trở và rồi tôi cùng vợ dắt nhau lên xã xin đảm nhận công việc bảo vệ rừng.

Bà Hồng – vợ ông Đáp tiếp lời:

– Ban đầu tôi cũng lắc đầu, e dè hoài nghi trước những quyết định của chồng. Nhưng chồng tôi kiên quyết bảo: – Nơi nào có tôi là có ăn chứ bà lo gì, cá nước, cây cỏ nuôi mình nuôi ta. Tôi tin vào chồng, chồng tôi thì tin vào chính mình. Cuối cùng tôi cũng xuôi theo. Vì tôi biết tính chồng mình, khi quyết là phải làm và điều cơ bản là tôi cũng yêu rừng Chá như một phần thân thể của tôi vậy. Tôi muốn cùng chồng gìn giữ mảnh đất tuyệt vời này.

Tôi ngầm hiểu, một người phụ nữ tảo tần, thương chồng con như bà làm sao yên lòng để chồng một mình ra Rú Chá mà không có người sớm tối chăm lo. Sau khi lo cho các con tạm ổn cuộc sống ở trong làng, ông Đáp dẫn theo vợ và chọn bãi bồi cao đắp đất rồi be bờ, dựng lều che mưa, che nắng sinh sống giữa “ốc đảo”. Bà Hồng đưa tay chỉ về phía cánh rừng Chá trước mặt và bảo:

– Ngày ấy, rừng Rú Chá âm u, hẻo lánh muốn vào bên trong phải lội bộ một quãng đường xa. Có nơi bùn lún sâu đến ngang hông. Hồi trước ở đây rất nhiều rắn. Rễ cây chiếm hết lối đi, nổi lên xù xì như những con rắn bò ngoằn ngoèo. Ngày ngày, vợ chồng tôi lội qua con đường ngập sình nước để vào làng mua tre dựng nhà. Nói đúng hơn đó chỉ là căn chòi nhỏ che mưa che nắng. Ban ngày thì còn có người trong làng vào rú nhặt củi, bẫy chim. Đêm đến tối om, chỉ có hai vợ chồng thui thủi. Không điện, không nước ngọt, tách biệt hoàn toàn với cuộc sống bên ngoài. Từ từ tôi cũng quen dần và gắn bó nơi đây đi qua bao mùa mưa nắng, lũ lụt, hạn hán, bão gió. Chúng tôi vui và hạnh phúc vì đang được già đi cùng Rú Chá.

Vậy là đã 35 năm canh giữ mảnh rừng yêu thương. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng bằng tình yêu dành cho rừng Chá nên vợ chồng lão nông quyết bám trụ để sống cùng khu rừng ngập mặn như chính đó là cuộc đời mình.

Hàng năm, khi đàn cò và nhiều loài chim khác bay về hội tụ. Ông Ðáp lại tất bật đi gỡ bẫy, để cứu lấy những cánh chim trời. Theo năm tháng, Rú Chá ngày càng “thay da đổi thịt”. Một màu xanh mướt bao phủ và là điểm đến thu hút với nhiều du khách cả trong và ngoài nước có niềm đam mê, khám với thiên nhiên hoang dã. Nơi đây cũng là nơi cho các đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia thoả chí sáng tạo…

Khi tôi hỏi về các con của ông nghĩ sao về việc ông bà càng ngày càng gần độ tuổi gần đất xa trời lại phải ở một nơi thiếu thốn như vậy?! Ông nhìn ra phía đàn chim đang đậu trên vòm Chá. Ông trầm ngâm và bộc bạch:

– Tôi hiện có 10 người con và hơn 40 cháu chắc. Các con của tôi, vì thương cha mẹ nhiều lần khuyên vợ chồng tôi trở về làng để chăm sóc nhưng tôi vẫn kiên định ở lại cùng rừng Chá. Tôi nay đã gần 80 tuổi, tôi muốn ở lại mảnh đất yên bình này, sống một cuộc sống giản dị êm đềm bên rừng Chá. Nơi đây như là máu thịt của tôi, cây Chá như là người thân của tôi. Tôi đã gắn liền ở đây hơn nửa đời người. Tôi muốn chăm sóc khu rừng này đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi. Tôi chết cũng muốn được chết nơi đây.

Người thôn Thuận Hòa cảm kích nói về công của ông Đáp:

– Nhờ ông Đáp mới có Rú Chá bây giờ. Không bỏ cuộc dù nhiều người quấy phá. Hồi đó, dân làng gom góp phụ cho ông Đáp ba tạ lúa mỗi năm để ông giữ gìn Rú Chá. Ông Đáp chỉ lấy hai tạ lúa để sống và nuôi con, còn một tạ dành để lo việc làng. Đến năm 2000, không còn được trả bằng thóc nữa nhưng từ đó đến nay, đôi vợ chồng ấy vẫn giữ gìn, bảo vệ Rú Chá như giữ linh hồn mình không màng chuyện được mất, không cầu trả công, không ham danh lợi.

Du khách đến với Rú Chá họ chỉ biết đây là rừng có cây Chá. Mấy ai hiểu được rằng trong sâu thẳm chỉ đôi chồng vợ lão nông ấy mới hiểu họ chính là người ươm mầm, vun vén cho khu rừng. Họ “khát” thay cho rừng Chá khi vào mùa hạn. Họ biết “co mình” thay cho Chá vào mùa đông. Họ biết đau cho Chá khi những cơn đại hồng thủy hay những cơn bão cuồng phong ghé ngang qua. Ngoài cây Chá, họ biết đếm được ở đây còn có khoảng 1500 cây Quao. Một loài cây cũng rất kiên cường trước phong ba, bão táp làm sức sống của cây Chá thêm mãnh liệt.

Vào mùa thu, Rú Chá dịu dàng níu chân, mời gọi du khách với toàn bộ lá của rừng cây chuyển từ sắc xanh, vàng nhẹ sang đỏ rực. Ở trên cao nhìn xuống như hình một trái tim khổng lồ giữa miền sóng nước Tam Giang. Mùa đông khi tất thảy cây Quao, cây Chá rụng lá để lại những vòm cây khẳng khiu. Những cành cây như những cánh tay đan khăng khít vào nhau, Rú Chá trở nên huyễn hoặc. Qua mùa Xuân, rừng Chá đâm chồi nảy lộc dưới màu nắng vàng tươi mới. Vào hạ Rú Chá phủ những vòm che mát rượi.

“Thương Chá, bảo vệ Chá rồi Chá trả ơn! Cứu vật, vật trả nghĩa” – (Lời ông Đáp). Đàn cò và nhiều muôn thú ở Rú Chá coi ông là người thân. Tầm tháng chín, tháng mười từng đàn chim sống hoang dã kéo về đây chao liệng khắp trời. Từng đàn cả hàng ngàn con đậu trên vòm Chá ca hát, bay xuống ăn hạt và tăm cá. Chiều chiều, chúng tung cánh rợp trời trở về rừng Chá trú ngụ. Chúng ríu rít khi thấy bóng dáng ông bà Đáp chèo thuyền ra thăm rú. Vì thương rừng Chá, thương những cánh chim trời. Ông ra sức ngăn bà con không tiếp tục đốn Chá làm củi, bẫy chim. Vì thế những lời ra tiếng vào của một số người đối với vợ chồng ông. Thế nhưng, ông Đáp vẫn bình thản, kiên định, như cây cổ thụ sừng sững, hiên ngang bảo vệ nơi này. Có lẽ do sống gần gũi với đất, với trời rộng bao la, với nước và cây nên cái tâm của vợ chồng ông cũng khiêm nhường, tĩnh lặng, bền bỉ như cây vậy.

Từ khi có vợ chồng ông Đáp giữ rừng. Khu rừng nguyên sinh trở thành bức tường xanh, lá phổi xanh giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Ngày nay, quanh khu vực rú là những hồ tôm, cá. Là nguồn thủy sản dồi dào góp phần cải thiện đời sống của nhiều người dân nơi đây. Rú Chá không còn là nơi hoang vu mà là địa điểm du lịch lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên kỳ thú.

Nếu như trước đây, chỉ có vợ chồng ông lão “hiền nhân” và tiếng chim muôn gọi bầy bay về trú ngụ. Thì nay, từng đoàn người từ thập phương tìm đến đón bình minh, săn ảnh từ lúc giọt sương vẫn còn đọng trên lá đến xế chiều. Giữa không gian rộng bao la, ai ai cũng có thể bị cuốn hút bởi vẻ đẹp nên thơ của Rú Chá khi dừng chân trước một ngôi nhà xinh xắn dưới những tán cây Quao được bao bọc bởi nước ngập mặn phá Tam Giang với lớp lớp rừng cây Chá già vấn vít nhau. Bên trong ấy có đôi ‘hiền nhân” đẹp tâm bên nhau sớm tối bảo vệ khu rừng tuyệt đẹp. Rú Chá đã được đánh thức, vùng đất này bừng tỉnh diệu kỳ sau một giấc ngủ dài. Cũng vì thế mà tình yêu Rú Chá của ông Đáp và bà Hồng đã được lan toả đi muôn nơi trong lòng những người yêu thích và khám phá nét đẹp hoang dã cả trong nước và trên thế giới.

Tạm biệt đôi vợ chồng “hiền nhân”. Tạm biệt “dị nhân Rú Chá”. Tôi ru hồn bước miên man trở về trên con đường sình lầy ngày xưa giờ đã được bê tông hóa. Lòng vẫn như đang lạc vào khu rừng cổ tích tuyệt đẹp với những vòm cây vấn vít nhau như những cánh tay dài ôm lấy chở che cho đôi vợ chồng nghèo nhưng yêu cây, yêu đất, yêu muôn thú và chan hoà với con người không màn lợi danh. Đôi vợ chồng ấy năm tháng vẫn kiên định với phong ba, bão táp cùng “người thân Rú Chá” của mình. Rú Chá đã qua bao nhiêu thăng trầm, đã bao mùa thay lá nhưng người “dị nhân Rú Chá” nơi “ốc đảo” ấy vẫn không đổi dạ thay lòng.

C.B.L