‘Di sản’ từ trái tim Cường ‘béo’

595

Nhà chưa có để ở, tiền học phí của con thiếu trước hụt sau, nhưng chứng kiến bao mảnh đời khó khăn cơ cực hơn mình, anh Vũ Quốc Cường (SN 1975, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM – còn gọi là Cường “béo”) dốc hết số tiền ít ỏi trong nhà mở quán cơm chay từ thiện. Quán cơm nhỏ nằm khép mình trong con hẻm hai chiếc xe máy tránh nhau không lọt là cột mốc đánh dấu hành trình thiện nguyện đến hơi thở cuối cùng của anh.


Quán cơm chay Cường “béo” là địa chỉ quen thuộc của sinh viên và người lao động nghèo.

Lúi húi chuẩn bị cơm trưa cho sinh viên và người lao động nghèo, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (SN 1975, vợ anh Cường “béo”) bộc bạch: “Hôm nay có cái ăn, cái mặc là tốt rồi, trước đây, vợ chồng tôi khổ lắm! Không nhà cửa, không của ăn của để, vợ chồng tôi lang bạt làm thuê làm mướn đủ công việc nuôi nhau”.

Phát tâm từ những ngày tháng cơ cực


Lúc sinh thời, anh Cường “béo” luôn hăng hái làm từ thiện (ảnh FBNV).

Sinh con ra, gia đình chị càng thêm túng thiếu. Dẫu vậy, anh luôn động viên chị: mình còn sức khỏe, còn đôi tay thì mình phải cố gắng gồng gánh cho tương lai chứ đừng làm phiền đến ai. Để có tiền nuôi vợ con, thời gian này anh phải “cày” gấp bội. Hết nhận làm thuê chỗ này, anh lại “chạy sô” làm mướn chỗ khác, ai gọi gì anh làm nấy, anh không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là có tiền và không vi phạm pháp luật. Cuộc sống tuy vất vả nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, chưa bao giờ anh nặng nhẹ với vợ con, cũng chưa bao giờ anh than vãn lấy nửa lời.

Con gái út của anh chị chập chững biết đi, chị chuyển sang buôn trái cây, bán mì xào, nui xào… ở lề đường. Anh vẫn cần mẫn với công việc làm thuê làm mướn. Nhờ siêng năng chịu khó, kinh tế gia đình anh dần dần ổn định. Có cái ăn, cái mặc, anh nhìn sang những người xung quanh và thấy ở ngoài kia có biết bao mảnh đời khổ cực hơn mình cần được giúp đỡ. Hình ảnh của họ khiến anh nhớ lại những ngày tháng cơ hàn vợ chồng đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp các con hẻm tìm quán cơm 2.000 – 2.500 đồng ăn cho qua bữa. Hôm nào còn đói, vợ chồng anh uống thêm nước cho no chứ không dám ăn sang. Từ những dĩa cơm nghĩa tình này, anh ấp ủ mở quán cơm chay từ thiện như một cách để anh cảm ơn đời đã giúp mình qua những ngày cơ cực.

Anh bàn với vợ: “Lúc trước mình nghèo, nhờ những bữa cơm giá rẻ mà mình tiết kiệm được chút đỉnh. Giờ mình khá hơn một chút, thấy người ta bữa đói, bữa no anh cầm lòng không đặng. Mình hãy phát tâm mở quán cơm chay giúp đỡ người khó khăn để họ không còn rong ruổi kiếm miếng ăn như vợ chồng mình trước đây”. Nghe anh nói mở quán cơm chay từ thiện, chị thoáng giật mình. Chị nghĩ: vợ chồng làm thuê làm mướn nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn còn chật vật, học phí của con thiếu trước hụt sau, lấy đâu ra tiền mở quán cơm? Nhưng thấy chồng trăn trở trước những mảnh đời cùng khổ và ấp ủ tâm nguyện làm từ thiện nên chị gật đầu.

Nói là làm, căn nhà rộng chừng 20m2 được anh chuyển đổi công năng: đêm là nhà cho 7 người nằm ngủ, ngày là quán cho 30 khách ngồi ăn. Lúc mở quán, vợ chồng anh vét sạch trong túi chỉ còn đúng 1 triệu đồng. Nhiều người bảo anh bị hâm, nhưng anh quả quyết: người ta làm được thì mình cũng làm được, và thế là anh mở quán. Thấy việc làm của anh có ý nghĩa, nhiều người xung quanh cũng xắn tay giúp đỡ. Người góp bao gạo, người góp chai dầu ăn, người cho bịch hạt nêm, người thêm củi lửa… Của ít lòng nhiều, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ lẫn nhau. Một triệu đồng tiền vốn anh dành đi chợ mua rau, củ, quả… Buổi sáng anh dậy sớm chạy xe ra chợ đầu mối Bình Điền mua thức ăn cho rẻ. Chị cân đo, đong đếm từng lon gạo, bó rau. Dần dần quán được dựng lên và được nhiều người biết đến. Nhiều nhất là giới sinh viên, người lao động nghèo, người đạp xích lô, bán vé số…

Để có thêm tiền chợ búa, lúc đầu vợ chồng anh bán mỗi dĩa cơm 5.000 đồng. Về sau thấy nhiều người khổ quá, anh bỏ tấm bảng ghi giá cơm, thay vào đó là chiếc thùng nhỏ để khi vào ăn, mọi người bỏ tiền tùy tâm, người không có tiền cũng cứ việc đến ăn no. Chị bảo, tới hôm nay quán cơm này đã tồn tại được mười mấy năm. Vợ chồng tui mở quán cơm mà lấy tiền như người ta thì giờ này tui đã có xe hơi, nhà lầu, đất đai mấy miếng rồi chứ đâu phải ở nhờ nhà người quen, đâu phải chạy ăn từng bữa.

Làm từ thiện đến hơi thở cuối cùng

Quán cơm mở ra có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít kẻ dèm pha. Có người giễu cợt, Cường “béo” trông vậy thôi nhưng “giàu ngầm”. Có người nói vợ chồng anh mở quán cơm được là nhờ có đại gia đứng sau “chống lưng”. Cũng có không ít người cay nghiệt, vợ chồng anh nghèo cơm không đủ ăn, nhà không có ở mà bày đặt làm từ thiện. Người ngoài chửi đã đành, không ít người thân cũng không hài lòng về việc anh làm. Nhưng bản thân anh vốn xuề xòa, ai nói gì mặc kệ, anh cười cho qua chuyện rồi lại lầm lũi làm. Anh quan niệm “thương người như thể thương thân”, mình làm từ thiện là từ lương tâm, từ đáy lòng chứ không phải làm màu để đánh bóng tên tuổi hay lợi dụng để tư túi cá nhân. Mình sống thế nào, trước sau gì người ta cũng biết nên không cần thanh minh hay tranh luận hơn thua. Họ nói lời cay nghiệt, nhưng họ đâu biết rằng để quán cơm đỏ lửa mỗi ngày, vợ chồng anh phải xoay xở đủ bề, hết xin chỗ này lại nợ chỗ kia. Lúc hụt vốn, vợ chồng anh phải đi làm thuê, làm mướn bù đắp vô.


Việc làm thiện nguyện của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm cho đời (ảnh FBNV).

Quán cơm dần ổn định, anh Cường để cho vợ quán xuyến rồi anh xuôi ngược với những chuyến từ thiện dài ngày. Có nhiều chuyến anh đi cả tháng, thậm chí vài tháng. Được bao nhiêu tiền anh cũng đem đi làm từ thiện hết. Anh cần mẫn giúp người khuyết tật có xe lăn, trẻ em nghèo có xe đạp, người nghèo có cơm ăn, nhà ở, vùng khó khăn có cầu, đường để đi… Anh còn nhận hỗ trợ cho nhiều cháu tới năm 18 tuổi…

Trên hành trình thiện nguyện, ngày 16/8/2021 anh không may anh bị nhiễm SARS-COV-2. Sau đó, chị Lan và nhiều người khác trong gia đình anh cũng dương tính với con vi rút này. Nằm trong khu cách ly, dẫu rất mệt nhưng anh không than vãn nửa lời. Anh dặn vợ con tiếp tục thay anh giúp đỡ những người nghèo đói hơn mình, tiếp tục đưa những ổ bánh mì ngon, những hộp cơm nóng đến lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sau một tuần nhiễm Covid-19, anh Cường mất vào ngày 22/8/2021, để lại bao sự tiếc nuối khôn nguôi.

Chị Lan tâm sự: “Từ ngày mặc bộ đồ lam và xách cái tay nải đi làm từ thiện cho đến lúc xa lìa cõi tạm, anh luôn canh cánh làm sao cho người nghèo có cơm ăn, áo mặc, trẻ em nghèo được đến trường. Nhiều lần tôi hỏi sao anh không giữ lại một chút gì cho bản thân? Anh chỉ cười bảo, ngày trước lúc đói cơm, thiếu áo, anh nhận được sự sẻ chia của nhiều người, bây giờ có cái ăn, cái mặc rồi, anh sẽ dốc sức giúp đỡ cho những mảnh đời nghèo khổ. “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, đời giúp mình thì mình giúp người, có qua có lại mới trọn đạo lý. Anh ra đi với hai bàn tay trắng, không nhà, không xe, không của cải vật chất, gia tài anh để lại chỉ là những tấm bằng khen, thư cảm ơn của nhiều tổ chức, cá nhân và một tâm nguyện còn dang dở”.

Tiếp nối truyền thống của cha mẹ, các con anh cũng hăng hái làm từ thiện theo sức của mình. Vợ chồng cô con gái đầu hàng tháng phụ mẹ lo tiền điện, nước cho bếp ăn. Nguyễn Vũ Kim Như, cô con gái thứ hai xông pha tuyến đầu chống dịch. Cô thứ ba và cô con út thì giúp các bạn ôn lại bài vở. Dù đã ra đi, nhưng tấm lòng nhân ái và những cống hiến của anh cho xã hội đã truyền cảm hứng tích cực, thấm đẫm sự yêu thương đùm bọc nhau trong đại dịch.

Hay tin anh Cường qua đời vì Covid-19, ngày 28/8/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư bày tỏ sự tiếc thương và chia buồn đến chị Lan và gia đình. Thư Chủ tịch nước có đoạn: “Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội. Với lẽ đó tôi mong chị cùng với các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình”.

Ngày 4/9/2021, anh Cường được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng khen cùng với 17 cá nhân tại TPHCM có thành tích và đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Khó khăn duy trì quán cơm


Chị Lan cho biết, khó nhất bây giờ là nguồn kinh phí để duy trì quán cơm.

Thực hiện di nguyện của chồng, điều trị xong Covid-19, chị Lan trở lại con hẻm nhỏ tìm cách đỏ lửa quán cơm chay. Chị lụi cụi dậy từ 4 giờ sáng nhóm lửa, bắc cơm, nhặt rau, lên món rồi làm liên tù tì cho đến 9, 10 giờ đêm. Khi mệt, chị mắc chiếc võng cạnh góc bếp nằm nghỉ ngơi, lúc nào khỏe, chị lại dậy lúi húi nấu nướng. Chị bảo, mấy bữa nay nấu ít chứ hồi dịch bùng phát, mỗi ngày chị nấu cả ngàn suất cơm để anh đi phát cho mọi người trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Thứ bảy, chủ nhật, chị lại đi nấu từ thiện cho các trại trẻ mồ côi, chùa chiền, bệnh viện…

Thời điểm trước dịch, túi tiền của người dân còn khá, họ ít vào quán chị ăn. Bây giờ dịch giã hoành hành, kinh tế khó khăn, người vào ăn ngày càng đông và đa dạng. Bên cạnh sinh viên, người lao động phổ thông còn có công chức, viên chức… Trước đây, mỗi ngày chị nấu 30-40 ký gạo, còn bây giờ mỗi ngày chị nấu 50 – 60 ký gạo. Lúc còn sống, anh Cường lo mọi thứ, từ điện, nước, than củi, nguyên liệu đầu vào cho đến chợ búa, phát cơm, chị chỉ việc đứng nấu. Anh mất rồi, chị phải gồng gánh gấp đôi. Chị tìm mọi cách xoay xở, tằn tiện từng cọng rau, lon gạo. Những quán cơm khác, người ta có nhà hảo tâm tài trợ, giá cả lên xuống đã có người đỡ đần, còn quán chị, chỉ có mỗi mình chị làm nên rất khó khăn, chật vật.

Cái khó nhất của quán bây giờ là kinh phí hoạt động. Quán của chị là quán cơm chay xã hội, mọi người vào ăn trả tiền tùy tâm. Trong khi vật giá ngày một “leo thang”, nhiều lúc tiền cơm không đủ tiền chợ. Để duy trì được quán, nhiều bữa chị phải mua thiếu dầu ăn, rau ráng, còn gạo cơm thì nợ “gối đầu” thường xuyên. Đợt nào thiếu nhiều quá thì chị phải đi làm thêm, dọn dẹp nhà cửa cho người ta kiếm tiền hôm sau đi chợ. Chị nói, bây giờ mình còn sức khỏe, mình ráng làm để duy trì quán được ngày nào hay ngày đó.

Để giúp sức cho quán cơm chay xã hội Cường “béo” tiếp tục có kinh phí hoạt động, rất cần sự chung tay giúp sức của quý bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ 151/4Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM); chị Lan, số điện thoại: 0977881774.

Theo Văn chương TPHCM