(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa hè năm tôi lên 8, mẹ tôi (nghệ sỹ Tân Nhân) đón tôi về nhà của mẹ trong khu văn công Cầu Giấy. Một chân trời mới mở ra với tôi là chân trời nghệ thuật, vì mẹ tôi là diễn viên của đoàn ca múa nhân dân TW. Tiếng đàn tiếng sáo suốt ngày véo von, rồi hát rồi múa. Và cả những đứa trẻ con như thằng Nhật hay thằng H. con cô Ngà (là bạn nghệ thuật tâm giao của mẹ tôi) cùng rất nhiều trò chơi và nhiều tâm sự.
Nhà văn Châu La Việt
– Này, mày có hay bị bố đánh không? Một hôm nó hỏi tôi, có vẻ như nó vừa bị bố nó tẩn một trận.
– Không, không bao giờ…
– Sao mày sướng thế. Tao vừa bị bố tao quất một trận…
Nó thì thầm vào tai tôi:
– Tao rất ghét lão ấy…
Tôi vênh mặt lên hãnh diện:
– Tao không bị bố tao đánh bao giờ…
– Mày sướng thật. Còn tao thì suốt ngày bị ông ấy bắt tập đàn, hôm nào mà lơ là lại bị tẩn ngay. Ông ấy chỉ đánh bằng cây thước kẻ, nhưng đau lắm… Ông ấy không phải là bố tao đâu!
– Thế à? – Tôi ngạc nhiên hỏi nó.
– Ừ, không phải bố tao. Tao nghe bà tao nói với tao thế.
– Thế bố mày bây giờ ở đâu? Tôi tò mò hỏi nó. Sao mày không về ở với bố mày cho khỏi bị đánh?
– Tao không biết nhưng nghe nói ở trong Nam, xa lắm…
Thằng H. nói với giọng buồn buồn.
– Ước gì tao được ở với bố tao mà không phải ở với lão ấy… Nếu có bố tao, tao sẽ không bao giờ bị đánh đâu.
Tôi nhìn nó đấy thương cảm, nhưng cũng không biết chia sẻ với nó thế nào…
Thế rồi Chủ Nhật ấy, bố tôi từ đơn vị về. Sau bữa cơm chiều, bố nói với tôi: “Bố mẹ phải đi có việc. Cu Hoài ở nhà một mình nhá”.
Tôi di di chân, gãi đầu:
– Bố mẹ cho con đi với. Con ở nhà một mình sợ lắm…
Bố tôi gạt phắt:
– Có gì mà sợ. Con trai lớn rồi…
Tôi nhìn quanh khu nhà, bao quanh là những cánh đồng đêm về tối om om. Một phần tôi sợ bóng đêm, mà phần nữa cũng muốn đi với mẹ.
Tôi nhìn mẹ tôi cầu cứu:
– Mẹ cho con đi với!
Mẹ tôi có vẻ xuôi xuôi, nói với bố tôi:
– Hay cho cu Hoài cùng đi nhỉ
– Xe đạp của bố chỉ chở được ba người. Thêm cu Hoài e không chở được…
Thế là bố tôi chở mẹ tôi đi, thằng Ngọc em tôi cũng được ngồi đàng trước, trên gióng ngang của xe đi theo. Bố mẹ đi mãi, đến nửa khuya mới về. Trong thời gian đợi chờ ấy, bỗng nhiên tôi thấy tủi thân vô cùng. Xung quanh giun dế kêu nỉ non, làm tôi chỉ muốn khóc. Nhất là tôi vốn là một đứa trẻ được nuông chiều. Không biết làm gì, tôi sang nhà thằng H. rủ nó đi chơi, thì thấy nó đang mặc chiếc quần dài cho khỏi bị muỗi cắn, ngồi chăm chú tập đàn. Và bên cạnh nó là ông bố dượng mặt sát khí đằng đằng đang uốn nắn tay đàn của nó. Tôi hoảng quá, chạy luôn về nhà, và đắp chăn lên mặt nằm khóc thút thít…
Sau đêm ấy, một bí mật lớn nhất đời tôi đã được hé mở: Thì hóa ra, người tôi gọi là bố không phải là bố tôi, mà cũng chỉ là một người cha dượng. Hoàn cảnh tôi không khác gì thằng H., chỉ khác là tôi không bị người dượng tôi đánh như bác Khoa cha dượng của nó mà thôi… Những điều bí mật ấy, chính thằng H. nói cho tôi hay, vì mẹ nó từng tâm sự với bố nó và nó nghe trộm được. Sau khi to nhỏ với tôi, nó liều lĩnh rủ tôi: “Mày đã xem phim đi tìm cha chưa? Tao đã xem, hay lắm. Hay là hai thằng mình trốn nhà đi vào Nam tìm cha Hoài nhé”. Tôi hỏi nó miền Nam là ở đâu, nó bảo với tôi là xa lắm, nhưng có bố chúng mình ở đó, và nếu chúng mình được ở với bố thì chẳng sung sướng nào bằng. Rồi nó vạch ra một kế hoạch chúng tôi sẽ ra đi thế nào, trốn nhà ra sao, sau bao lâu thì sẽ được gặp cha mình ở miền Nam, được hưởng một cuộc sống bên cha như thế nào? Phải nói thằng này là một thiên tài về kế hoạch, cho đến mãi mãi về sau đời tôi chưa từng thấy ai lên một kế hoạch hành quân chi tiết và hoành tráng như thế…
Chỉ đáng tiếc là kế hoạch ấy lại sớm bị bại lộ. Chỉ bởi một hôm, thằng H. nhặt được tiền của ai đó làm rơi, lẽ ra nó phải nộp lại, thì lại cất đi để cho vào quỹ đi tìm cha của chúng tôi. Sự việc này không dè bị cái Thu nhìn thấy, nó mách với chị Quỳnh phụ trách đội thiếu nhi. Chị Quỳnh mới gọi H. lên dò hỏi, thì thằng này sợ quá khóc tu tu khai ra tất cả. Thế là chị Quỳnh vội tìm ngay cô Ngà và mẹ tôi, hổn hển kể lại sự việc, cứ như ngay đêm nay tôi và thằng H. sẽ trốn nhà ra đi. Mẹ tôi cũng phát hoảng, liền đưa tôi về ngay nhà ông bà tôi, sụt sịt kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông bà tôi, khiến ông tôi cho tôi ăn ngay một cái tát nảy đom đóm mắt, mấy ngày sau má tôi còn hằn vết bàn tay của ông. Đấy cũng là cái tát đầu tiên và duy nhất trong đời ông tát tôi…
*
10 năm sau giữa rừng Trường Sơn.
Số là sau khi đơn vị huấn luyện bàn giao chúng tôi cho đơn vị mới, cả tiểu đoàn chúng tôi sẽ được đưa tiễn lên đường bằng một chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật Quân khu, diễn ra trong một vòm hang sâu rộng, đèn nê ông chói sáng và rộn rã tiếng sáo tiếng đàn. Lính tráng chúng tôi ngồi xem biểu diễn rất hào hứng. Mắt cứ dán vào các diễn viên, đặc biệt là các cô gái. Hết hát lại múa, hết đơn ca lại tốp ca, mắt chúng tôi đắm đuối, tai chúng tôi nuốt từng lời hát. Thì chính giữa lúc ấy, không phải một em gái nào, mà có một anh chàng kéo đàn làm tôi giật mình. Thấy quen quá, hình như là thằng H.? Cái đầu nghiêng nghiêng, đôi mắt lim dim, những ngón tay lướt nhanh trên phím đàn. Trời ơi, đúng là nó rồi, làm sao tôi có thể nhầm được. Thế là cả buổi diễn ấy, tôi gần như quên hết các cô gái diễn viên, chỉ chăm chắm nhìn thằng bạn của mình. Để rồi khi tiết mục cuối cùng kết thúc, trong dòng các chiến sỹ ôm hoa rừng lao lên sân khấu tặng các diễn viên, tôi cũng lao lên xiết chặt tay H.:
– Tao đây, Hoài đây, mày còn nhớ tao không…
– Ôi giời ơi sao mày lại ở đây? Thật là tuyệt vời lại được găp mày thế này…
Thế là tối ấy, chúng tôi ngồi với nhau, và ôn lại bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ. Khu văn công Cầu Giấy, những bãi cỏ non và những chú dế ấu thơ. Chúng tôi đã như những chú dế ấy, dế trũi, dế mèn, xiến tóc… cũng từng đã định phiêu lưu rủ nhau bỏ nhà ra đi. Ôi tuổi thơ…
– Mẹ tao mất rồi… H. buồn bã kể lại với tôi – Mẹ tao mất vì một cơn bệnh nặng. Những ngày ấy, tao mới thấm thía tình cảm của bố tao với mẹ tao. Ông chăm sóc mẹ tao còn hơn bất cứ một ai có thể chăm sóc người thân của mình. “Cám ơn anh, cám ơn anh đã mang lại cho em những điều mà không một ai trên đời này có thể mang lại cho em được”. Đó là những lời cuối của mẹ tao nói với bố tao. Tao thầm hiểu là, chính ông ấy mới là tình yêu, mới là chồng của mẹ tao. Và chính ông ấy mới là bố tao, vì ông ấy đã mang lại cho mẹ tao những hạnh phúc vô biên, và đã kèm cặp, rèn giũa, dạy bảo để tao nên người…
Một giọt nước mắt từ mắt H. bỗng nhiên rơi xuống, làm tôi cũng hết sức bùi ngùi. Rồi H. cầm tay tôi:
– Có một điều này nhiều năm qua tao đi tìm mày, để xin lỗi mày, mà không tìm được, vì có lẽ chúng mình đều đi sơ tán về những làng quê, ở cách xa nhau. Hồi ấy tao bảo với mày là bố mày ở miền Nam, và rủ mày cùng trốn nhà đi tìm cha. Không phải như thế đâu, đấy là bịa đấy. Chú Khánh Căn chính là bố mày, chú ấy tốt lắm. Khi biết tao bịa ra điều ấy để nói với mày, và rủ mày cùng trốn nhà ra đi, mẹ tao đã đánh cho tao một trận nhừ tử, thừa sống thiếu chết, và bắt tao phải sang xin lỗi mẹ mày và đi tìm mày để nói lại cho mày hiểu. Nhưng suốt từ ngày ấy tao đi tìm mày mà chẳng thấy mày đâu. May mà hôm nay…
Thằng H. thì cứ nói, mà lần này đến lượt nước mắt tôi chảy ra. Tôi định nói với nó rằng, mày khỏi phải thanh minh hay xin lỗi tao, mày có lỗi gì đâu mà phải xin lỗi, ngày ấy mày nói với tao, dù là chuyện của những thằng trẻ con, nhưng đều là sự thật, mày không phịa đâu, hoàn cảnh tao đúng là như thế. Tao đúng là có một người cha ở miền Nam, thậm chí còn là một người ở chiến tuyến bên kia. Nhưng hôm nay tao vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, không phải là một đứa con bất hạnh đi tìm cha, mà là một người lính ra trận vì những sứ mệnh cao quý… Gặp nhau giữa Trường Sơn này, chắc mày đã hiểu, phải không H. ơi…
C.L.V