Đi tìm hương sắc văn chương

1426

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khái niệm về cái đẹp của sự vật như tác phẩm nghệ thuật văn chương có thể tập trung ý nghĩa trong câu thơ của thi sĩ tượng trưng Pháp Baudelaire (1821-1867): “Hương thơm, sắc màu và âm thanh cùng lên tiếng” (1) (Les parfums,les couleurs et les sons se répondent”). Do vậy, Hương-Sắc – Thanh được coi là những yếu tố gắn kết hữu cơ như một bộ tam sên nghệ thuật hình thành giá trị nội dung và hình thức của một tác phẩm nghệ  thuật văn chương. Cách nói như vậy có làm dịu nhẹ đi quan niệm phê bình (juger/judge) mang tính hàn lâm, tức là phân tích để nêu lên cái không đẹp, không tốt. Từ đó chỉ rõ ra cái đẹp cái hay cho con người học tập hoặc phát huy nhằm áp dụng để làm bổ ích, có lợi cho con người.

Cái đẹp (2) (beauty/beauté) trong đời thường ai cũng thích. Một bài thơ tuyệt bút, một áng văn hay  một bức tranh đẹp, một ca khúc hay luôn có tác dụng tinh thần như một thần dược diệu kỳ trong khoảnh khắc có thể khiến cho người thưởng ngoạn cảm thấy nhẹ nhàng, tâm trí lâng lâng quên hẳn đi bao nỗi phiền muộn, lo toan, khổ ải trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng cơ sở và duyên cớ nào đã khiến cho con người cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương nghệ thuật (literature-arts ). Trả lời được câu hỏi này là giải mã được vấn đề trên.

Từ muôn đời, ai cũng nhận thức được lý tưởng sự sống nhân loại bao giờ cũng không ngừng vươn lên đi tìm sự thỏa mãn cho khát vọng về Chân – Thiện – Mỹ  (3) thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật văn chương. Nhìn chung, đối tượng nghệ thuật phê bình được coi bao gồm bảy chủng loại chính (4): hội họa, văn chương, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh. Trong mỗi bộ môn nghệ thuật còn phân ra nhiều chi nhỏ.

Đọc một bài thơ, một bài văn, hay xem một bức tranh, người đọc hay người thưởng ngoạn dựa vào cơ sở nào để đánh giá nó là hay hoặc không hay. Chưa nói đến phê bình hay thẩm định đúng theo ý niệm hàn lâm. Cảm nhận khái quát một bài thơ, một đoạn văn là vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn và cảm thụ của mỗi người trên bình diện tinh thần, cảm quan chứ không như thuộc phạm trù lý tính, định lượng như trong khoa học thực nghiệm. Thông lệ, khi phê bình, người ta đi từ hình thức đến nội dung. Cùng đánh giá một bài thơ hay một họa phẩm, một bản nhạc, vẫn có người ta này khen trước rồi sau mới đánh giá, chê sau. Thái độ hay nhất trong việc thẩm định một tác phẩm hay sự việc là: muốn khen nhiều ưu điểm thì trước tiên nên nêu qua trước vài khuyết điểm hoặc nhược điểm để tránh làm phiền người bị đánh giá, phê bình.

Như vậy, bây giờ ta thử xét trước cái hay của một bài thơ ngắn như câu ca dao 2 câu: Ngó lên nhan tắc đèn mờ/ Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu ! Hoặc thơ Haiku cực ngắn của người Nhật chỉ có 3 câu: Ôi những hạt sương/ Trân châu từng hạt/ Hiện hình cố hương. Rồi 4 câu như bài ca dao tả hoa sen: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng, lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Kế đến là những bài thơ tứ tuyệt 4 câu. Ví dụ: bài Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương (772-1822)): Thân em vừa trắng, lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm mấy nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẽ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hỏa đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại hàn san tự/ dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi/ Lửa chài, cây bãi đối người nằm co/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa hàn san- Tản Đà dịch). 

 trên hết, bài Nguyên tiêu của chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969): Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền (Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền- Xuân Thủy dịch) mà ý thơ có chỗ rất thân mật phảng phất sự gần gũi với Trương Kế (712-779) đời Đường, Trung Quốc. Hay bài Lời từ biệt (L’Adieu) của Guillaume Apollinaire (1880-1918) cũng chỉ có 5 câu: Anh đã hái cành hoa thạch thảo/ Mùa thu chết rồi, em nhớ cho/ Dẫu chúng ta không còn gặp nhau trên đời/ Vẫn còn đây hương thời gian và hương thạch thảo/ Và em nhớ cho, anh vẫn chờ em – Lời vĩnh biệt – NT dịch).

Nhận định tức đi tìm giá trị – cái hay, cái đẹp- của các bài thơ trên, người đọc dễ nhận ra, ngoài yếu tố vần và thanh – từ tiếng bằng trắc – theo thi pháp quy định, khác với văn xuôi, các tác giả xem như đã tả đúng sự vật là đi từ chân dung ngoài (hình dáng, màu sắc đến chân dung trong (tinh thần, tình cảm, tâm trạng…) ở các bài: Hoa sen, Bánh trôi nước,… Các bài Phong Kiều dạ bạc tả cảnh gợi buồn, bài Nguyên Tiêu, lời giã biệt mượn cảnh để sao đó nói lên tâm tư, ước vọng, tình cảm, chí khí con người. Đặc biệt, bài Tứ tuyệt Tặng Bùi Công, ngoài đúng niêm luật, với tu từ nhân hóa và lung linh phong cách Đường thi. Bài thơ hiển thị trong sáng rõ nét cái tinh thần lạc quan cách mạng qua bức tranh thủy mặc tươi sáng vui vầy với đủ họa chi tiết chim, hoa, bộc lộ rõ phong thái ung dung đĩnh đạc, và tình cảm lạc quan của lãnh tụ kiệt thiên tài kiệt xuất qua chân dung người chiến sĩ cách mạng giàu tâm hồn nghệ sĩ: Xem sách, chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ, thơ xuân tặng một bài.

Quan điểm phê bình nghệ thuật cho rằng sáng tác là đi tìm là cái đẹp, cái hương sắc của sự vật, con người trong tự nhiên, còn phê bình là đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật (Hoài Thanh) để hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nhưng con người vốn là tác phẩm hoàn hảo nhất của tạo hóa. Do vậy, để khả dĩ sở hữu được một tác phẩm tốt, dạy con người biết sống ra sao để được xem là một tác phẩm nghệ thuật văn chương đích thực có giá trị vĩnh hằng và có ích thực sự cho con người trong xã hội. Giá trị của một tác phẩm hay như bài thơ, truyện ngắn, bức tranh hay một bản nhạc… chính là cái mùi hương ngọt ngào và sắc màu của một bông hoa đẹp kết tinh như một thần dược tinh thần kỳ diệu mãi bổ ích cho nhân loại.

Thế nhưng lại có trớ trêu ở mặt bằng văn chương chữ nghĩa! Ý kiến trên lại trở thành một nghịch lý với một số nghệ sĩ chủ trương hãy để cho trực giác tức là giác quan thứ sáu cảm nhận trước đối tượng nghệ thuật! Không cứ tìm cái hay, cái đẹp trong thơ, văn là căn cứ vào nội dung, chủ đề, tư tưởng, bút pháp, nghệ thuật hay họa phẩm thì dựa vào đường nét, sắc màu, kỹ thuật, khuynh hướng, trường phái hoặc âm nhạc thì trên cơ cở thể điệu, tiết tấu âm thanh, giai điệu, ca từ…

Tất cả đều có thể đề cập tới, không nhất thiết phải đem phân tích cặn kẽ chi ly những thứ ấy. Vì lẽ, giác quan của nghệ sĩ không giống giác quan của con người bình thường. Đôi khi, họ nhìn bằng tim, nghe bằng mắt và cảm nhận trong những khoảnh khắc lên đồng ở trạng thái đê mê (ecstatic/passionné), không bình thường. Do vậy, họ chủ trương: Ai đem phân chất một mùi hương/ Hay bản cầm ca! Tôi chỉ thương/ Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong  sương (Xuân Diệu). Dương như nghệ sĩ khuyên ta cứ coi cái hay cái đẹp như một nàng Thơ (the Muse). Mà nàng Thơ thì thiêng liêng không nên chạm tới. Hãy để nó lơ lửng, chơi vơi ở tận mây xa, để mà chiêm ngưỡng, cảm nhận sắc hương nó bằng tất cả trái tim và tâm hồn, không nhất thiết phải kiếm tìm phân chất chi ly cái Đẹp của nghệ thuật văn chương.

(1) Les parfums,les couleurs et les sons se répondent” – Baudelaire

(2) Beauty/beauté

(3) the true/ le vrai; the good/ le bien ; the beautiful/ le bon.                                           (4) hội họa (painting-peiture), văn chương (literature/ littérature), điêu khắc (sculpture-scuplture), kiến trúc (architecture- architechture), âm nhạc (music/musique), sân khấu (play- théâtre), điện ảnh (cinema/cinéma).                                                                                                                                                             (5) J’ai cueilli ce brin de bruyère/ L’automne est morte, souviens-t’en/ Nous ne nous verrons plus sur terre/ Odeur du temps, brin de bruyère/ Et souviens-toi que je t’attends   – Apollinaire

*Tham khảo:  – Văn học khái luận (Đặng Thai Mai, in roneeo trước 1975, Sài Gòn)              – Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan, Nxb Vĩnh Thịnh, 1951, Hà Nội)

– Larousse  (ngoại văn- Paris)

– Histoire  de l’art (ngoại văn, Paris) ,….

Kiều Thanh