Một lần nữa, chúng ta cần nhìn lại cách đào tạo từ trường học và đào luyện từ cuộc sống những chuyên gia đầu ngành.
Ngày 18.5 là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ngày Quốc tế Bảo tàng.
Ngày 18.5.1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt giới trí thức. Đến ngày 18.5.2013, Việt Nam đã chọn ngày này để kỷ niệm, tôn vinh những người làm khoa học, trở thành ngày truyền thống của ngành Khoa học và Công nghệ.
Năm 1977, Đại hội toàn thể Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng lần thứ 11 đã diễn ra tại Matxcova, quyết định bắt đầu từ năm 1978, lấy ngày 18.5 hàng năm là ngày Quốc tế Bảo tàng, ngày của cộng đồng Bảo tàng trên toàn thế giới.
Chúng ta có và trân quý những ngày kỷ niệm của ngành nghề và của những người làm nghề. Từ trong quá khứ chúng ta đã có những chuyên gia đầu ngành, những trí thức tiêu biểu đã khẳng định tên tuổi gắn với đặc trưng công việc. Ở tương lai, lực lượng hậu duệ cũng đang phát triển về số lượng, nhưng có vẻ như đang khuyết những cái tên mà khi nhắc tới thì công luận sẽ nghĩ ngay lĩnh vực khoa học đó, không khác đi được. Đó chính là câu chuyện “góp sức cho nghề, góp mặt với đời”.
Khoa học kỹ thuật đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng khoa học và công nghệ. Thế hệ đi trước đã có top 10 nhà khoa học nổi tiếng nhất Việt Nam như: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Hiệu, Hoàng Tụy, Đặng Vũ Minh, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Sơn Bình.
Việt Nam hôm nay tự hào khi liên tục xuất hiện 13 nhà khoa học lọt vào bảng xếp hạng thế giới ở 7 lĩnh vực: Khoa học Máy tính (PGS.TS. Lê Hoàng Sơn – ĐH Quốc gia HN, TS. Hoàng Nhật Đức – ĐH Duy Tân); Kỹ thuật và Công nghệ (GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – ĐH Quốc gia Hà Nội); Khoa học Môi trường (GS.TS. Phạm Hùng Việt, PGS.TS. Từ Bình Minh – ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội); Khoa học Vật liệu (GS. Nguyễn Văn Hiếu – ĐH Phenikaa); Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ (GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, TS. Phùng Văn Phúc – ĐH Công nghệ TPHCM, PGS. Nguyễn Thời Trung – ĐH Văn Lang, PGS. Thái Hoàng Chiến – ĐH Tôn Đức Thắng, PGS. Bùi Quốc Tính – ĐH Tokyo); Y học cộng đồng và Khoa học Xã hội nhân văn (PGS. Trần Xuân Bách – ĐH Y Hà Nội, GS.TS. Hoàng Văn Minh – ĐH Y tế cộng đồng).
Giới Bảo tàng TP HCM những năm 1990 – 2010 luôn nể phục và thú vị khi kể về các nhà nghiên cứu di sản văn hóa, các nhà bảo tàng học như: Thắng ‘đào’ (PGS.TS. Đặng Văn Thắng, chuyên gia khảo cổ); Thắng ‘đục’ (Điêu khắc gia Nguyễn Quyết Thắng); Thắng ‘chữ’ (Tiến sĩ Văn hóa học Huỳnh Quốc Thắng); Công ‘đồng’ (TS. Phạm Hữu Công chuyên gia khảo cứu đồ đồng); Mý ‘đá’ (TS. Phạm Hữu Mý, chuyên khảo cứu đồ đá); Tuấn ‘mộc’ (TS. Hoàng Anh Tuấn, luận văn nghiên cứu đồ gỗ); Hòa ‘bảo tàng’ (TS. Trịnh Thị Hòa, chuyên gia bảo tàng học tại Nga); Hậu ‘khảo cổ’ (TS. Nguyễn Thị Hậu);…
Những cái tên “chết nghề” thành độc đáo! Một thế hệ lừng danh như thế, đến nay dường như đã “thất truyền”, không tìm được “đệ tử chân truyền”, mất dần bản sắc khi chúng ta chỉ chăm chăm đào tạo và tuyển dụng đúng sinh viên Bảo tàng.
Trong khi chúng ta vẫn cố thuyết phục Cục Di sản văn hóa rằng bảo tàng là lĩnh vực đa ngành, đa chuyên môn, rằng bên cạnh cử nhân Bảo tàng được đào tạo nghiệp vụ cứng (nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, công tác quần chúng), thì vẫn cần cử nhân Sử học, Văn hóa học, Ngoại ngữ Thư viện, kỹ sư Hóa học, họa sĩ, thiết kế Mỹ thuật,… Nhưng trong khoảng 2 thập niên qua ngành Di sản TPHCM lại quá nặng về tuyển dụng cử nhân Bảo tàng, hoặc bước chân vào làm bảo tàng thì buộc phải tiếp tục học bằng 2 ngành Bảo tàng. Sự cứng nhắc trong yêu cầu đào tạo, kém linh động trong tuyển dụng nhân sự và thiếu môi trường rèn luyện khoa học từ thực tiễn đời sống đã tạo ra tính ‘đồng phục’, sàn sàn như nhau trong viên chức bảo tàng, làm ‘mất hình’ thế hệ tiếp nối những nhân vật kỳ cựu của các bảo tàng thành phố một thời.
Một lần nữa, chúng ta cần nhìn lại cách đào tạo từ trường học và đào luyện từ cuộc sống những chuyên gia đầu ngành.
Theo Đinh Thủy/ Báo Người Lao Động