Đi trốn – Cuộc chơi văn chương tử tế của Bình Ca

441

Ở cuộc chơi văn chương lần này, Bình Ca lan tỏa sức hút tác phẩm đến nhiều tầng bậc độc giả. Những người cùng thế hệ Bình Ca sẽ nhanh chóng gặp lại thời đại mình và đồng thời là ấu thơ mình trong Đi trốn. Những độc giả là con đẻ của thời đại 4.0 với những khao khát kiếm tìm bản thể, tìm kiếm cái mới giữa một bối cảnh sống xơ cứng, nhàm chán cũng sẽ hào hứng kết nối với trò chơi trốn tìm đặc biệt này. Riêng với thiếu nhi, Đi trốn có khả năng đánh thức những mơ mộng của tuổi thơ; chắp cánh cho khát vọng Robinxon trong mỗi đứa trẻ…


Nhà văn Bình Ca.

Đây là lần thứ 2 tôi đọc tác phẩm của Bình Ca. Năm năm trước là truyện dài Quân khu Nam Đồng, lần này là tiểu thuyết Đi trốn(1). “Cuốn sách này kể về một câu chuyện diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Tất cả các nhân vật chính đều được xây dựng bởi trí tưởng tượng của tác giả. Vì vậy, nếu có tình cờ có những chi tiết trùng với sự thật đã xảy ra ở một nơi nào đó, tác giả xin được miễn trách”. Chia sẻ của người viết khiến tôi có đôi chút “vướng víu” trước khi đọc. Hư cấu hay phi hư cấu chẳng phải là vấn đề sống còn của văn chương. Chạy vào tim người đọc để làm rung lên những nhịp đập mới mẻ, đó mới là điều đáng giá. Đọc xong tác phẩm mới rõ sự khôn khéo của Bình Ca. Một sự thận trọng không thừa. Một kiểu đánh lạc hướng?

Đọc tác phẩm sẽ nhận thấy năng lượng sáng tạo và sự tử tế trong cuộc chơi văn chương của Bình Ca. Đến với văn chương muộn màng hóa ra là cái hay cho tác giả. Khi mọi trải nghiệm đã tràn đầy, lại được sống và viết trong bối cảnh tự do, câu chuyện cứ thế mà tuôn chảy. Người tay ngang như Bình Ca thì chẳng nợ nần gì với văn chương nhưng Đi trốn lại trả được một “món nợ” có thể xem là kinh điển của văn học nước nhà. Tác phẩm ra mắt độc giả đúng vào thời điểm văn học Việt Nam khan hiếm những nhà văn “biết đùa” như cách nói của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Rất may, Bình Ca vừa vặn sự hóm để người đọc không thể cứ đạo mạo và nghiêm nghị khi đọc những câu chuyện bé tựa cây kim về đám trẻ thừa sự ấu trĩ và hồn nhiên; chủ yếu sống bằng sự mày mò, học hỏi và bắt chước lẫn nhau. Đây có thể là những điều vốn có của đời sống mà tác giả thu nhận được và cũng có thể là sản phẩm của sự hài hước bản năng mà Bình Ca may mắn có. Cơ chế tạo tiếng cười trong tác phẩm khá giản đơn nhưng nó đã góp phần “làm tươi tắn một nền văn chương đã quá thừa sự nghiêm nghị” (ý của Hoài Nam). Điều đáng nói là tác giả đã dính kết các chi tiết hài hước với đặc điểm lịch sử xã hội sâu xa của một giai đoạn kéo dài hàng chục năm. Thời điểm ấy “không chỉ nhà trường, mà cả gia đình đều né tránh con trẻ trước những câu hỏi về vấn đề giới tính”; “Ngay cả thày cô và các bậc cha mẹ cũng chẳng được học hành về lĩnh vực này, đã thế lại mang nặng tư tưởng phong kiến…”. Nhờ vậy mà truyện không quá nặng nề dẫu đụng chạm đến nhiều vấn đề được xem là nhạy cảm của một thời. Việc Bình Ca khai thác những rung động đầu đời của Tự Thắng và Thảo cũng là điều thú vị. Đúng tính chất của những tác phẩm văn học phiêu lưu kinh điển của nước ngoài, hợp quy luật xúc cảm tự nhiên của trẻ con, cũng là sự bù đắp kịp thời cho khoảng trống về đề tài xúc cảm giới tính trong văn học thiếu nhi Việt Nam.

Đi trốn” – tiểu thuyết của Bình Ca

Điều thú vị là cả Quân khu Nam Đồng lẫn Đi trốn, tác giả đều có lối đi riêng. Trong Đi trốn, nhà văn kể câu chuyện về những đứa con của lính, trong đó có con của các cán bộ miền Nam được gửi ra miền Bắc theo chủ trương “chuẩn bị lực lượng kế cận cho cuộc chiến đấu trường kỳ”. Thoạt đầu chúng vào Trại Nhi Đồng Khe Khao – “nhà trẻ nội trú đầu tiên của ngành giáo dục mầm non nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhưng sau đó lại bị điều sang Nhà Kỷ luật vì những khuyết điểm “từ trên trời rơi xuống” lẫn cả sự non nớt thơ dại. Với ý định tạm trốn khỏi Nhà Kỷ luật vì sợ điều tra vụ ăn trộm súng đạn, “khúc sông tuổi thơ” của những đứa trẻ này đã không gắn với chiến hào như lệ thường mà lại gắn với Hồ Mây. Nguồn cơn của nhan đề Đi trốn là vậy. Chỉ riêng với việc đặt tên tác phẩm đã cho thấy cái phần trẻ con trong một Bình Ca dạn dày sương gió. Có đứa trẻ nào đi qua ấu thơ mà chưa từng lang thang cùng trò chơi trốn tìm và nhận ra vô số điều thú vị xoay quanh trò chơi ấy? Nhưng Đi trốn không chỉ dừng lại ở cuộc chơi của những đứa trẻ con. Những thanh âm của đời vẫn đều đều vọng vào Hồ Mây mà phần tươi sáng nhạt hơn buồn thương. Câu chuyện về cải cách ruộng đất làm cho chúng ta xa xót với giấc mơ trở thành bần cố nông của người dân một thời. Đâu đấy sẽ có thở dài len lén trước những bi kịch gia đình trong thời chiến. Để chồng có “vỏ bọc hoàn hảo” quay về miền Nam với nhiệm vụ tiếp cận bạn bè cũ trong hàng ngũ đối phương, thu thập tin tức và vận động họ đi theo cách mạng, má của Việt Bắc đã phải chấp nhận để chồng kết hôn với người phụ nữ khác. Tiếng khóc của má Việt Bắc hẳn còn vọng rất sâu: “Em là một chuyện, nhưng còn gia đình, còn các cháu… Sau này em biết ăn nói với các cháu như thế nào? Ba các cháu và trong đó, biết khi nào trở lại? Rồi đến ngày thống nhất, liệu người ta có chịu trả lại anh ý cho em, trả lại ba cho các cháu?”.

Đọc Đi trốn còn nghe xôn xao những đối thoại về tín ngưỡng, về cách ứng xử của con người với tự nhiên và vượt ra ngoài tự nhiên. Cuộc đụng độ kinh hoàng giữa bọn trẻ với rắn hổ mang chúa ở Hồ Mây mang đậm chất điện ảnh. Bình Ca kể chuyện cứ như người của rừng. Những con rắn trong mùa giao phối trở nên hung dữ vô cùng khi phải chiến đấu để tranh giành bạn tình. Cả Linh lẫn rắn chúa phải nhờ đến sự kiên nhẫn – “đức tính sống còn mà tổ tiên truyền lại cho các thế hệ sau” để chiến đấu với kẻ thù. Trong cuộc chiến này, Linh quyết định tha thứ cho “đối thủ” khi nhìn thấy hình ảnh rắn chúa dìu bạn tình đang bị thương về hang sâu. Điều này làm bùng nổ cuộc tranh cãi sau đó. Có những phát ngôn của bọn trẻ chạm đến quy luật sinh tồn khắc nghiệt của đời sống. Chính nhà văn cũng điềm tĩnh đến lạnh lùng khi buông hờ một vài triết lý, kiểu như: “Từ khi biết đứng lên bằng đôi chân, cái làm cho con người chiến thắng các loài thú dữ trong những cuộc săn tanh mùi máu không phải là sức mạnh của nọc độc hay móng vuốt, mà là sự toan tính lạnh lùng”.

Không dừng lại ở đó, Đi trốn còn là câu chuyện về chống hủ hóa để người lính yên tâm ra trận, là hiện thực cuộc sống ở chiến khu R với ám ảnh về bóng tối, ma, cọp, rắn rết, bọ cạp và những cái chết. Những ngày tách biệt với thế giới bên ngoài khiến những đứa trẻ dễ mở lòng sẻ chia. Linh kể cho Việt Bắc về những hình ảnh thỉnh thoảng hiện về trong ác mộng: “Chẳng biết cái Loan trúng bom hay đạn pháo, bụng và ngực vỡ toác, quả tim văng ra đất. Tao nhìn thấy nó vẫn đập…”. Thì ra nhà văn đang mượn trò chơi của trẻ con để kể những câu chuyện buồn cách đây hơn nửa thế kỷ. Ngỡ là cũ mà còn bao nhiêu điều cần được sẻ chia. Quả thực, thời kỳ lịch sử này vẫn là “mỏ vàng” với văn chương Việt. Có một người nhớ và hiểu về thời ấy, lại biết dùng ngòi bút để dựng lại những mảnh ghép của thời cuộc như Bình Ca quả là điều may mắn. Tuy nhiên, dường như tác giả đang có gì ngần ngại nên chủ yếu đan cài những câu chuyện ấy vào hành trình phiêu lưu của những đứa trẻ. Kể chuyện ở ngôi thứ ba với lối kể khách quan, giữ khoảng cách với nhân vật lẫn sự kiện cũng là lựa chọn an toàn. Một khi Bình Ca không đi theo nhân vật nào, ông có quyền “làm tình làm tội” người đọc, thả họ trong vòng xoáy xét đoán và hồ nghi. Mãi đến phần vĩ thanh của tiểu thuyết, tác giả mới “ra mặt” tiết lộ những nỗi buồn của chiến tranh. Danh hiệu liệt sĩ và tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng không thể làm má Việt Bắc quên đi những “thiệt thòi, buồn tủi” mười mấy năm ròng. Linh, dù còn ba và má ở hai đầu đất nước, nhưng luôn cảm thấy mình không thuộc về ai, “rất chật vật trong hòa nhập với cuộc sống mới”. Ba của Hoài Nam sau ba nghìn ngày bị khai trừ Đảng và cởi bỏ bộ quân hàm mới được minh oan và phục hồi. Bình Ca viết: “Trong chiến tranh, luôn có người phải trả giá cho những sai phạm mình không làm”. Viết vậy thôi nhưng đủ để thấm, đủ để day dứt lòng người.

Đi trốn không thiếu những tình tiết ly kỳ xoay quanh cuộc chiến sinh tử của nhân vật nhưng phần thành công chủ yếu nằm ở “hương vị đường dài”. Ngoài hương vị đặc biệt mà Tự Thắng nhận ra từ cơ thể bạn khác giới, phần lớn hương vị của hành trình phiêu lưu tập trung vào hai đối tượng: tâm hồn của những đứa trẻ và đặc tính của thiên nhiên. Rời Nhà Kỷ luật để dấn thân vào Hồ Mây là phép thử với các nhân vật. Cùng với sự chuyển động của không gian, thời gian là sự chuyển động về phẩm chất nhân vật trong hành trình tìm đường ra khỏi rừng và cũng chính là tìm đường vào đời. Càng lúc nhân vật càng thể hiện rõ sự dũng cảm, tình nghĩa, bản lĩnh, ý thức thực hiện lời hứa con nhà lính và con nhà tướng. Hình ảnh Sơn rứt thịt từ vết thương để Tự Thắng làm mồi câu cá là bí mật vừa dữ dội vừa ấm nóng. Chính Sơn và những người bạn của mình cũng đã khám phá và chiết ra hương sắc của thiên nhiên. Đây là phần được tác giả chăm chút kỹ lưỡng, là những khoảng lắng đầy thẩm mỹ trong tác phẩm.

Đi trốn mang màu sắc của chuyến du lịch sinh thái trên không gian sông nước mà nhiều người đinh ninh đó chính là Ninh Bình – quê ngoại của nhà văn. Thêm những năm công tác ở Ninh Bình, đặc biệt là khoảng thời gian hoàn thiện hồ sơ để Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tác giả đã có cơ hội thâm nhập vùng địa lý đặc biệt này để có những trang văn kỳ thú về giang sơn cẩm tú. Người đọc tác phẩm phải đi bằng nhịp của bè, của thuyền đang trôi trên những dòng chảy bình lặng, xuyên qua từng “màn sương” để đến động Người xưa, vách Đá Ma, hang Địa Linh, hang Đào Tiên, thung Hoa Gạo… và nín lặng ngắm thiên nhiên phô bày sự kiều diễm. Đồng hành cùng tác giả trên chuyến đi này sẽ thực sự bất ngờ với một Bình Ca nghệ sĩ và lãng tử mà trước đó, trong Quân khu Nam Đồng, ta chưa được thấy. Cách phác họa thiên nhiên tỉ mẩn, mê đắm, có nhiều phát hiện kỳ thú: “Trong động ít nhũ đá nhưng rất nhiều cột nhũ mọc lên từ sàn, trông như chuông, như oản, như rùa cõng nến, như cá hóa long, như tòa bảo tháp… Màu sắc các cột nhũ ở đây rất lạ, chỗ xanh như ngọc, chỗ trắng như ngà, chỗ hồng rực, chỗ da cam, chỗ như quần áo dát vàng, dát bạc của các ông Phúc, Lộc, Thọ và xiêm y lộng lẫy của các cô tiên. Cứ như tạo hóa đã nghiền vụn ngọc, kim cương, đá quý trong lòng núi để tạo nên những cột nhũ huyền ảo này”. Những người đọc nhanh sẽ đánh mất cơ hội diện kiến bức tranh đẹp bất tận của đất trời thuở ban sơ. Trôi qua từng thung, từng hang động, ngoái lại, vẫn thấy sương khói bảng lảng. Những bí mật khuất lấp của thiên nhiên sẽ “thúc đẩy sự khao khát khám phá”; “chắp cánh cho trí tưởng tượng bay bổng và khiến con người mộng mơ”. Với những đứa trẻ như Tự Thắng, Linh, Sơn, Thảo, Việt Bắc, đấy là khu rừng cổ tích mà chúng may mắn được đặt chân đến trong một đoạn đời. Trò chơi chiến tranh trên rừng si cổ thụ vào cái đêm trăng “rải ánh sáng bàng bạc xuống rừng già” đã theo chúng trong những giấc mơ nhiều năm sau đó. Có thể là vì chúng đã thực sự có những ngày tự do rong chơi đúng nghĩa, không bận bịu với việc học hành, không vướng víu với những cấm đoán. Ở cách hiểu khác, chúng đang là những nhân vật phiêu lưu đúng nghĩa. Đến với Hồ Mây là “thoát khỏi không gian đơn nhất và rơi vào các quan hệ không gian phức tạp” (H.Lefebre). Sự dịch chuyển không gian gắn với sự trưởng thành của nhân vật về nhận thức, trong đó, có những hiểu biết về bí ẩn thẳm sâu của thiên nhiên.

Ở tác phẩm này, Bình Ca không đơn thuần tả, kể về rừng mà còn làm đẹp cho rừng bằng văn phong trữ tình mềm mại đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, tác giả còn bổ sung những huyền thoại về rừng mà ông đã tự tưởng tượng hoặc nhặt nhạnh đâu đấy. Sự tích về cây hoa phù dung qua giọng kể của Tự Thắng tiếp tục phủ sương khói lên không gian vốn đã bảng lảng sắc màu thần thoại. Các nhân vật vì thế đã không ngừng mơ ước được kết nối với chốn thần tiên này; ngày đi lấy tổ ong, bắn chim, câu cá, đến thung Hoa Gạo hái phù dung; đêm về đốt lửa trại, ca hát, ngắm trăng sao, bắn bùm trong rừng si…

Trong số các nhân vật, Sơn được xem như cuốn gia phả sống của Hồ Mây. Đứa trẻ này thông thuộc từng không gian, đọc vị được quy luật sinh tồn của tự nhiên, hiểu rõ về tín ngưỡng của người xưa. Nhưng kết cục Sơn là nhân vật duy nhất trong truyện phải chết. Dù đã sống và biểu hiện đúng như cái tên của mình, dù có là “địa chủ” của rừng như lời của Thảo thì Sơn vẫn không thể đi đến tận cùng cái hun hút, bí ẩn của đất trời. Giấc mơ hết chiến tranh để được đi học dang dở. Đấy là sự thật nghiệt ngã của chiến tranh; là lời cảnh báo cho những nông nổi và khờ dại của tuổi thơ; là ẩn dụ về sự không tròn vẹn cái “lõi di sản” mà đất trời ban tặng con người và sự vắng bóng dần những con người xem thờ phụng rừng và người xưa như là tín ngưỡng tất yếu và đẹp đẽ của cuộc đời.

Hiểu thế sẽ trân trọng hơn những trang viết của Bình Ca. Dù nhà văn thiên về kể, tả để tạo ra những điển hình về tính cách và số phận chứ chưa chăm chút nhiều đến cảm xúc, tâm lý nhân vật thì đóng góp của ông không hề nhỏ. Khi mà những cái tên như Khe Khao, Nhà Kỷ luật… và những câu chuyện về những đứa con của lính dần rơi vào quên lãng; khi mà khu rừng cổ tích năm xưa chỉ còn là hoài niệm, thì Đi trốn của Bình Ca là kho tư liệu quý. Gọi là tư liệu bởi tôi có niềm tin vào những điều nhà văn đã giãi bày khá tường tận lẫn những điều mới dừng ở mức độ khơi gợi. Nếu ông chỉ tưởng tượng thôi mà vẫn tạo được sự tin cậy cho người đọc như tôi, đấy cũng là điều đáng nể. Tôi nghi ngờ Bình Ca đang sở hữu một kho chuyện đáng giá của thời đại ông. Nghi ngờ cũng là để chờ đợi những cuộc chơi văn chương mới của tác giả. Ở cuộc chơi văn chương lần này, Bình Ca lan tỏa sức hút tác phẩm đến nhiều tầng bậc độc giả. Những người cùng thế hệ Bình Ca sẽ nhanh chóng gặp lại thời đại mình và đồng thời là ấu thơ mình trong Đi trốn. Những độc giả là con đẻ của thời đại 4.0 với những khao khát kiếm tìm bản thể, tìm kiếm cái mới giữa một bối cảnh sống xơ cứng, nhàm chán cũng sẽ hào hứng kết nối với trò chơi trốn tìm đặc biệt này. Riêng với thiếu nhi, Đi trốn có khả năng đánh thức những mơ mộng của tuổi thơ; chắp cánh cho khát vọng Robinxon trong mỗi đứa trẻ, và xa hơn là thiết lập những ràng buộc thiêng liêng với nguồn cội tổ tiên, với di sản sinh thái.

TS Nguyễn Thanh Tâm/Tạp chí VHNT số 485/2022

______________________

(1) Bình Ca, Đi trốn, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam 2020. Tiểu thuyết này được trao Giải Khát vọng Dế Mèn của năm, Hà Nội, 2021 (Giải thưởng Dế Mèn do Báo Thể thao và Văn hóa sáng lập và tổ chức).