Dịch giả Dương Tường: “Tôi vẫn chưa rửa tay gác kiếm đâu”

819

Văn Giá

(Vachuongphuongnam.vn) – Dương Tường là một dịch giả lực lưỡng, một nhà thơ không ngừng cách tân, một nhân cách cứng cỏi. Công lao to lớn của ông được những người yêu văn học, văn hóa trân trọng và cảm phục.

Dịch giả Dương Tường (người ngồi giữa) trong buổi ra mắt sách

Tối 3.9.2019, tại Trung tâm L’Espace phối hợp với Công ty sách Nhã Nam ra mắt tiểu thuyết “Chết chịu” của tác giả Céline do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ.

Do trước đó truyền thông đưa thông tin là Dương Tường ra cuốn sách này là cuốn sau cùng, chấm dứt con đường dịch thuật của mình, “rửa tay gác kiếm” khiến không ít độc giả tò mò; vả lại Dương Tường là một gương mặt nổi tiếng không chỉ trong dịch thuật, nên cử tọa đến tham dự rất đông.

Trong buổi tọa đàm, ngoài dịch giả, còn có nhà NCPB Phạm Xuân Nguyên (PXN) và TS.Phùng Ngọc Kiên (PNK) tham dự trong tư cách khách mời.
Sau các câu hỏi trong vai trò MC của PXN, các trao đổi của PNK và của cử tọa, dịch giả – nhà thơ Dương Tường cho biết một số thông tin và quan sát của ông về đời sống văn học và văn hóa hiện nay.

Ông cho hay, tiêu đề tiểu thuyết có tên “Chết chịu” là một suy nghĩ rất kỹ về cách dùng từ. Trong đời sống, người ta hay nói “mua chịu”, “bán chịu”, nghĩa là không đủ tiền để mà trang trải; thì “chết chịu” cũng có nghĩa chết mà chưa xong, chết vẫn còn mang nợ. Tác phẩm nói lên điều đó.

Ông cho hay ông đi vào con đường dịch thuật là do ông yêu tiếng Việt, yêu tiếng mẹ đẻ, một thứ tiếng nói của 6 thanh âm đầy nhạc tính, đẹp vô cùng. Theo ông, đối với một người làm nghề dịch thuật, trước hết phải là người giỏi tiếng Việt, và yêu tiếng Việt, sau đấy mới là giỏi ngoại ngữ. Dịch đâu phải là từ dịch từ (mot à mot), mà là phải hiểu rất nhiều, từ văn phong, phong cách, ngôn ngữ tác giả đến văn hóa, lịch sử… mà tác giả thuộc về. Thí dụ dịch một câu tiếng Việt sang ngoại ngữ: “Chó cũng có váy lĩnh” thì dịch thế nào, đâu phải chuyển từ sang từ mà được.

Đối với tác phẩm “Chết chịu” của Celine, ông cho biết ông dịch mất trong vòng một năm rưỡi, một tác phẩm đọc khó đối với ngay cả người Pháp, và đương nhiên dịch rất khó. Ông bảo: khi dịch tôi cứ nghĩ giá như ông bạn Trần Dần của tôi còn sống, ông ấy giỏi chữ nghĩa, giỏi dùng từ, ông ấy sẽ giúp đỡ tôi được rất nhiều.

Nhân nói về tiếng Việt, nhà thơ Dương Tường bảo: Tôi lo tiếng Việt bị tàn phá ghê quá; “văn mạng” thực chất là “văng mạng”, viết lấy được; nhất là VTV, nơi tàn phá tiếng Việt ghê nhất. Tiếng Việt của ta không thiếu từ, ấy thế mà khi nói trên TV, thấy toàn những Check-in… nọ kia (PXN thêm vào: “VTV award nữa chứ, sao không giản dị là Giải thưởng VTV?”).
Dịch giả Dương Tường cho hay, ông đang hoàn thành ở những khâu cuối cùng bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh. Lý do ông dịch Kiều sang tiếng Anh là vì ông muốn giới trẻ yêu hơn tiếng Việt, thấy được vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ.

Hỏi lý do tại sao ông lại chọn tiểu thuyết “Chết chịu” để dịch, ông cho biết ban đầu NXB Giáo dục đặt dịch giả Phạm Toàn (bạn thân của Dương Tường, cùng tuổi, vừa mới qua đời) dịch. Sau khi Phạm Toàn dịch được một chương, đưa cho Dương Tường góp ý, hiệu đính, thế rồi Phạm Toàn bảo: thôi, mày dịch luôn đi; tao dịch mày lại phải hiệu đính nữa thì thật lôi thôi…Thế là tôi phải dịch. Và bây giờ thì Nhã Nam in chứ không phải là NXBGD in nữa.

Nói thêm về nghề dịch thuật, dich giả Dương Tường cho hay: khi dịch, ông dịch bằng tâm hồn của một nghệ sĩ, còn kỷ luật lao động dịch thì y như một cán bộ, có ngày dịch 8 tiếng, có ngày hơn. Nhưng cái quan trọng là thời gian thêm vào, ăn ở với nó, suy tư cùng nó; có khi nửa đêm nghĩ ra được một chữ hay lại lọ mọ dậy ghi kẻo sợ mai quên…

Ngoài tư cách một nhà thơ, nhà phê bình mỹ thuật, nhà báo (ông từng làm nhiều năm ở TTXVN), trong tư cách dịch giả, ông đã dịch và công bố hơn 50 dịch phẩm từ tiếng Anh và Pháp, trong đó có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả lớn trên thế giới: kịch của William Shakespeare; Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Phố những cửa hiệu u tối (Patrick Mondiano), Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust)…

Ông sinh 1932, năm nay đã bước sang tuổi 88. Những năm gần đây, khi dịch, ông phải dùng kính lúp hoặc nhờ người khác phóng to chữ trên máy tính để đọc. Hiện mắt ông đã gần như bị lòa.

Ông là một dịch giả lực lưỡng, một nhà thơ không ngừng cách tân, một nhân cách cứng cỏi. Công lao to lớn của ông được những người yêu văn học, văn hóa trân trọng và cảm phục.

Kết thúc buổi tọa đàm, dịch giả Dương Tường bảo: “Có thể còn lần gặp nữa với các bạn nhân cuốn Truyện Kiều bản tiếng Anh ra mắt, chứ không phải là tôi đã “chết chịu”, đã rửa tay gác kiếm đâu…”

V.G