Diêm Liên Khoa & Con đường của nhà văn

1540

29.4.2018-08:30

Nhà văn Diêm Liên Khoa

 

Con đường của nhà văn

 

DIÊM LIÊN KHOA

 

NVTPHCM- Ở Trung Quốc có hàng ngàn người có thể gọi là nhà văn, mỗi một năm có hơn hai vạn cuốn tiểu thuyết được xuất bản. Trong hàng vạn nhà văn đó, anh là ai? Mỗi năm tập hợp khoảng hai ba vạn cuốn tiểu thuyết dài và vừa. Nếu may mắn, hai năm, ba năm anh viết xong một bộ tiểu thuyết, nhưng cuốn tiểu thuyết của anh trong hàng vạn tác phẩm văn học kia sẽ là cuốn nào?

 

Tại sao những tác giả sáng chói trên thế giới, các nhà văn vĩ đại như Lep Tonxtoi, Dostoievxki, Balzac, Hugo… của thế kỷ 19 có thể khiến chúng ta mãi mãi tôn sùng và kính trọng? Vì sao mỗi người ngồi tại đây, có thể kể tên những tác giả và tác phẩm lớn ở thế kỷ 20 như Kafka, Faulkner, Heminway, Camus, Borges, Markquez… những tác giả mà dường như tất cả những người viết văn đều đã đọc qua tác phẩm của họ, dù là thích hay không. Nguyên nhân kỳ thực rất đơn giản: những tác giả đó đều có một trái tim rộng lớn, đều tràn đầy sự mẫn cảm, ưu tư và tình yêu vô bờ bến với thế giới này. Họ muốn làm một người con của thế giới, đối với đời sống và sự tồn tại của nhân loại, muốn tự mình tạo nên cá tính nghệ thuật, thể hiện sự thấu hiểu về những tình cảnh khốn cùng của con người.

 

Vì vậy, có một vấn đề xuất hiện trước mắt nhà văn. Đó là: ở các quốc gia, địa vực khác nhau, khi viết, nhà văn không chỉ dùng các tài liệu không giống nhau, mà còn từ các hoàn cảnh văn hóa khác nhau. Ở một số nước, nói một cách tương đối, anh muốn viết gì thì viết, nghĩ thế nào viết thế ấy, chỉ cần anh ở trong phạm vi của văn học nghệ thuật. Nhưng ở một số khu vực hoặc quốc gia khác, nhà nước yêu cầu anh viết cái gì thì anh mới có thể viết cái đó, không cho anh viết cái gì, thì anh không được viết cái đó. Hoàn cảnh Trung Quốc hiện nay, sau 30 năm cải cách mở cửa, ngoài thành tựu lớn về kinh tế thì cánh cửa của hình thái ý thức cũng đã được mở. Nhưng sự mở cửa đó không phải là toàn bộ cánh cửa đều mở toang rộng rãi, mà là hai cánh cửa chỉ mở một bên, hai cửa sổ chỉ mở một cánh. Với những người thông minh và tác giả thông minh, bằng một cánh cửa sổ mở, đã có thể tự do mà chui ra ngoài. Nhưng những người khác, trong đó có một nhà văn ngốc nghếch là tôi, đều hy vọng mở toàn bộ cửa chính lẫn cửa sổ, để cho tất cả những người đang tồn tại, sinh sống ở mọi nơi, mọi xó xỉnh của hiện thực và lịch sử, đều có thể được ánh sáng của văn học chiếu rọi. Bởi tôi và rất nhiều nhà văn Trung Quốc đều biết rằng, đằng sau cánh cửa sổ khác còn bị đóng kia, có những nhà văn thực sự quan tâm đến những tảng đá ngầm, nỗi khốn cùng và quẫn bách của nhân loại – là một nhân loại mà chúng ta thân thuộc và biết rõ nhất, nơi những hòn đảo u tối, cát bồi và ánh mặt trời không thể chiếu sáng nơi thâm sơn cùng cốc của đời sống của con người. Ngòi bút của văn học nếu không thâm nhập vào góc tối đằng sau cánh cửa sổ đó, thì thứ văn học đó chỉ là một bên cánh của con chim, chỉ là một nửa cái mỏ và một nửa cái lưỡi, không thể nào phát ra âm thanh thực sự, hát lên bài ca của loài chim ưng. Đó là một thứ chim mặc dù trong dàn hợp xướng của văn học, cái mỏ cũng không ngừng khép mở, nhưng nó chỉ có thể là sự diễn tấu và hợp xướng lẫn lộn, chứ không phải là những âm thanh đích thực phát ra từ cái tôi của nhà nghệ sĩ.

 

Người ca sĩ vĩ đại đương nhiên đều là những nhà nghệ thuật bậc thầy về độc xướng, chứ không phải là một vũ công của đội khiêu vũ và là một thành phần trong dàn đồng ca.

 

Ngày nay, nhiều tác giả Trung Quốc đều nhận thức rất rõ điểm này: anh là nhà văn, anh không chỉ yêu cuộc sống và con người mà anh có thể thấy, càng cần phải tìm cách yêu những con người và đời sống, hoàn cảnh tồn tại mà anh không thấy, biểu đạt nỗi khổ của đời sống và linh hồn của nội tâm họ – đó mới là tình yêu, sự mẫn cảm và ưu tư của nhà văn.

 

Ở Trung Quốc đã phiên dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết Sự thật lịch sử về băng Kelly (True History of the Kelly Gang, 2000) của tiểu thuyết gia người Australia – Peter Carey, đây là một tác phẩm thành công với bút pháp cá tính độc đáo khi thâm nhập vào những góc tối của lịch sử Australia. Sự thành công của tiểu thuyết Sự thật lịch sử về băng Kelly nằm ở chỗ, không chỉ vì Peter Carey đã có một phương thức biểu đạt độc đáo, mà còn bởi tác giả đã có một tâm hồn rộng lớn để nhìn nhận về thủ lĩnh Ned Kelly và gia đình ông, đời sống bần cùng và sự phản kháng của họ cách đây hơn một trăm năm. Nhà văn với một tấm lòng bao la đã đánh thức và làm tan chảy mảnh đất lịch sử và nhân vật bị con người lãng quên, khiến nơi chốn, nhân vật và những thứ tương tự đã bị quên đi trong tầng sâu nhất của linh hồn nhân loại được chiếu rọi đến mọi ngõ ngách bằng thứ ánh sáng vĩ đại.  

 

Tôi không thể xác quyết rằng cuốn Sự thật lịch sử về băng Kelly là một cuốn sách đạt đến độ vĩ đại, nhưng tôi có thể khẳng định rằng thành công đầu tiên của tác giả là đã mở một cánh cửa đi vào nơi tối tăm khác của lịch sử. Hiện thực và lịch sử của Trung Quốc ngày nay, do một thời gian dài phong bế và khép kín, cho đến bây giờ, khi mở một cánh cửa thì lại đồng thời đóng một cánh cửa khác. Vì thế, những sáng tác của tác giả Trung Quốc hiện tại, so sánh một cách tương đối, giống như việc chúng ta đã dùng một con mắt để nhìn thế giới; với một cây bút hai ngòi màu, chúng ta hầu hết chỉ dùng một ngòi màu để viết. Chúng ta hiểu rõ rằng, sáng tác văn học vĩ đại không nằm ở chỗ nhà văn dũng cảm viết về những đề tài của đời sống và lịch sử mà quyền lực không cho anh viết, không nằm ở chỗ anh luôn có thể dùng ánh mắt soi chiếu đến những tảng đá ngầm, bãi cát và sự ẩm ướt tối tăm đằng sau cánh cửa. Mà ở chỗ, tâm linh của một nhà văn không chỉ chiếu ánh sáng ấm áp tới chốn lạnh lẽo thê lương của nhân loại, mà còn sưởi ấm cho những linh hồn lạnh lẽo của con người nơi không có ánh sáng. Chỉ như vậy mới là tâm hồn của một nhà văn vĩ đại, tựa như tâm hồn của Kafka có thể đi sưởi ấm cái lạnh trên thân thể của một con bọ cánh cứng. Còn nếu chỉ dựa vào phương diện hình thức, gồm kỹ thuật, kỹ xảo, ngôn ngữ, kết cấu… để biểu đạt cá tính và nghệ thuật, thì chúng ta sẽ cảm thấy nhà văn đã khuyết thiếu ít nhiều. Khi chúng ta ca ngợi những tác phẩm xuất sắc của Borges, tốt nhất là không cần đặt ông cạnh Kafka. Nếu như chúng ta nói Borges vĩ đại, kiệt xuất, thì không còn từ ngữ nào dành để nói về Kafka nữa. 

 

Bởi vì, Kafka đã giúp chúng ta đẩy một cánh cửa chính và một cánh cửa sổ khác bị đóng của cuộc sống nhân loại, mà theo cái nhìn phiến diện của cá nhân tôi đối với Borges – mặc dù tôi vô cùng thích tác phẩm của ông – nhưng tôi không nghĩ ông đã đẩy được những cánh cửa của nhân loại đã bị đóng lại. Quay trở lại những sáng tác của tôi và các nhà văn Trung Quốc, có thể nói một cách trung thực rằng, chúng tôi đều hy vọng có thể dùng những nỗ lực của bản thân, mở những cánh cửa khác của hiện thực Trung Quốc, để sự ấm áp của tâm hồn nhà văn có thể dần dần chiếu rọi đến những kiếp người lạnh lẽo tồn tại trong cảnh cùng khốn của thời đại đằng sau cánh cửa kia.

 

***

 

Sự hướng về văn học của chúng ta, giống như cách một con chim sẻ với đôi cánh đẹp hướng về bầu trời. Bên dưới, tôi sẽ kể một câu chuyện làm ví dụ, hy vọng mọi người có thể đoán ra được câu trả lời.

 

Trên đầu bạn là trời xanh mây trắng, một con chim tự do bay lượn với đôi cánh hạnh phúc, nó có một bộ lông xinh đẹp và mạnh khỏe. Nhưng bạn nhìn kỹ xem, dưới miếng đất vàng khô cằn dưới chân, có một con chim xấu xí với đôi cánh bị gãy, một bộ lông thưa thớt và bẩn thỉu. Nó chỉ còn thoi thóp thở, nhưng vẫn đang kiên cường để tiếp tục sống.

 

Vậy xin hỏi, anh yêu con chim đẹp đẽ bay trên trời hay là yêu con chim xấu xí chỉ còn thoi thóp thở trên mặt đất? Anh hát bài ca của con chim đẹp đang bay, hay là trị bệnh cho con chim sẻ bị gẫy cánh? Đó là câu hỏi mà tất yếu anh phải trả lời, buộc phải lựa chọn trong khoảnh khắc. Tôi tin rằng tất cả mọi người, đều nói hãy để con chim trên trời vui vẻ bay đi, tôi muốn trị bệnh cho con chim bị gẫy cánh trước đã. 

 

Ca tụng con chim bay trên bầu trời, đó là câu chuyện của những thi nhân lãng mạn. Vậy hãy để nó cho những thi nhân lãng mạn. Còn trị bệnh cho con chim bị thương, đó là danh dự, là công việc của những nhà văn coi tâm linh của con người là sứ mệnh thượng tôn của ngòi bút anh ta. Đó là điều khiến chúng ta vì con chim gẫy cánh thở thoi thóp kia mà trị bệnh cho nó, vì con chim dù đứng trên bờ vực của cái chết nhưng vẫn kiên cường sống kia mà cất cao tiếng hát.

 

Ngày nay, người Trung Quốc hay văn học hiện thực Trung Quốc hiện đại, đều giống như con chim sẻ gẫy cánh vật lộn để sống trên mặt đất rộng lớn. Trên thực tế, chúng ta có rất nhiều người giàu, nhiều gia đình quyền quý mà nhân dân tệ, đô la và euro của họ nhiều như giấy vệ sinh tích trữ thành núi tại các cửa hàng; hàng loạt con dấu đỏ – biểu tượng của quyền lực, lại có thể đổi thành văn bằng chứng chỉ, đặt trên bàn làm việc, khóa trong két sắt. Họ mua một cái máy bay như trong nhà nuôi một con chim câu; dùng vài chiếc siêu xe nhẹ nhàng như người công nhân đi chiếc xe đạp cũ băng qua đường lúc tan tầm. Vợ, con, tình nhân, ngồi trên máy bay tới Hàn Quốc làm đẹp giống như cô gái ở đầu thôn quê nhà tôi đứng bên đường hái một nhành hoa cúc dại. Nhưng, ngược lại với họ, còn những giai tầng bần cùng, còn vô số những người nông dân và những nhân vật thấp bé nhất. Ở Thiểm Tây Trung Quốc, người dân vẫn phải sống dưới mưa, trải qua cảnh lở đất, sụp đổ nhà cửa; Ở tỉnh Cam Túc, còn có hàng ngàn vạn người không nỡ đổ đi nước rửa mặt, thậm chí có gia đình còn dùng lại thứ nước đó để đun nấu thức ăn. Ở tỉnh Quý Châu, còn có những đứa bé để đến được lớp học phải đi bộ qua hàng chục dặm đường núi mỗi ngày, đeo trên vai cả lương thực, tự mình nấu ăn tại trường tiểu học, bởi vì dinh dưỡng không đủ nên các em không thể phát triển một cách bình thường. Tại tỉnh Hà Nam quê hương tôi, đến tận bây giờ, với người mắc bệnh, sinh mệnh kết thúc không phải là chết trên giường bệnh của bệnh viện mà là trên giường nhà. Không phải là Tây y không chữa được bệnh, mà là đàn con của họ chỉ có thể lên núi tìm thứ thảo dược không thể chữa khỏi được.

 

Khi trên bầu trời có một cánh chim đẹp đẽ tự do bay lượn, thì có thể có mười, hai mươi cho đến cả trăm, cả vô số những con chim bị thương gẫy cánh bắt buộc phải đấu tranh để được sống trên mặt đất. Con chim trên bầu trời ca một bài ca hiện thực, đó là sự thực không thể bỏ qua và phủ nhận. Nhưng ở mặt đất bên dưới bầu trời kia, cũng có một, có nhiều, có vô số những con chim, phải đấu tranh để sống – đó cũng là hiện thực, là sự thực, là chân thực. Khi thi nhân lãng mạn chọn lựa ca tụng con chim bay trên bầu trời, thì tôi – chọn là người thứ hai. Tôi lựa chọn là người đứng bên con chim bị gãy cánh.

 

Trong truyền thống thơ ca Trung Quốc, thi nhân thời cổ đại Khuất Nguyên, Đỗ Phủ…làm thơ viết về cuộc đấu tranh của con chim sẻ trên mặt đất mà không phải là đôi cánh chim đẹp đẽ bay trên bầu trời. Nhưng đến thời cận đại, những nhà thơ đứng bên con chim bị thương lại ngày càng ít đi. Trong truyền thống hội họa Trung Quốc đâu đâu cũng là con chim bay, mà hiếm thấy có chim sẻ bị gẫy cánh. Trong văn học hiện đại Trung Quốc, những tác giả đứng cạnh con chim sẻ bị gẫy cánh không chỉ có lập trường sáng rõ, mà còn có những tác phẩm vĩ đại, như Lỗ Tấn, Thẩm Tùng Văn và Tiêu Hồng, Lão Xá…Nhưng từ sau thời kỳ Tân Trung Hoa đến giờ, các tác phẩm văn học hầu như luôn ở gần cánh chim bay, tụng ca màu xanh của bầu trời, bộ lông tuyệt đẹp của con chim và tư thế làm rung động lòng người của nó. Còn con chim gẫy cánh với những tranh đấu của nó, sự kiên cường chống lại số mệnh của nó, dường như không được để ý, không được chú tâm, bị quên lãng trong ký ức. Làm một nhà văn hay nhà thơ, có thể chọn lựa chỗ đứng là bầu trời với chú chim đẹp đẽ, cũng có thể không lựa chọn lập trường đứng bên loài chim nào, bầu trời hay mặt đất. Nhưng tôi, trong hiện thực Trung Quốc, là một nhà tiểu thuyết, một người tất yếu phải lựa chọn, tôi sẽ kiên định chọn cách đứng bên con chim nhỏ gãy cánh kia, điều trị cho nó. Tôi không biết tôi có thể viết ra những tác phẩm làm cảm động lòng người hay không, nhưng tôi biết tôi sẽ quay lưng lại với con chim nhỏ bay trên bầu trời kia và những nhà thơ, nhà văn viết bài tụng ca nó. Tôi không biết ứng xử của mình mang lại kết quả ra sao, tôi chỉ hy vọng sáng tác của tôi, tác phẩm của tôi có thể trở thành liều thuốc chữa trị vết thương cho con chim sẻ gãy cánh đang phải vật lộn kia, tiếp một dòng máu và chất dinh dưỡng cho nó. Dù không thể điều trị toàn bộ vết thương của con chim sẻ mà chỉ có thể hỗ trợ – thì cũng có một giá trị nhất định. Cho dù không thể chữa khỏi vết thương của con chim bị thương nọ, thì cũng có tác dụng giúp cho nó mọc ra một bộ lông mới.

 

Nếu như một ngày, trong bầy chim đang bay trên không, có một đôi cánh chim mà tôi đã chữa khỏi cũng đang bay, tôi sẽ tự hào về sự lựa chọn của tôi và những gì tôi viết! 

 

Nguyễn Thị Thúy Hạnh dịch từ nguyên bản tiếng Trung

 

Nguồn: Văn nghệ số 14/2018

 

______________________

 

Diêm Liên Khoa (1958 – ) giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh, Trung Quốc, một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Trung Quốc đương đại. Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng gây được tiếng vang trong và ngoài nước như: “Người tình của phu nhân sư trưởng”, “Phong nhã tụng”, “Thụ hoạt”, “Tứ thư”, “Kiên ngạnh như thủy”… Nhiều tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Việt.

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…