Điểm tựa của ngư dân trên biển

589

14.4.2017-23:20

NVTPHCM- Chúng tôi gọi mỗi đảo nổi, đảo chìm trên huyện đảo Trường Sa là một điểm tựa của ngư dân, bởi giữa biển khơi mênh mông, những người làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo còn thiếu thốn đủ bề, nhưng họ vẫn dành từng bát nước ngọt, viên thuốc và cả rau xanh, lương thực thực phẩm cho ngư dân ra đánh bắt hải sản trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

 

Đoàn công tác đến đảo Đá Lớn (huyện đảo Trường Sa) khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vui mừng vẫy tay đón đoàn công tác ra thăm đảo như đón người thân lâu ngày trở về. Từ lòng hồ, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều tàu cá ngư dân đang thảnh thơi neo đậu sau một đêm vươn khơi đánh bắt.

 

Đại úy Phan Văn Cân, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn cho biết: “Năm nào cũng vậy, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều được đón hàng trăm ngư dân ra đánh bắt hải sản. Cá trên vùng biển này nhiều, chẳng mấy chốc ngư dân thu về đầy khoang, lại được bộ đội Hải quân bảo vệ, hướng dẫn, giúp đỡ nên bà con phấn khởi lắm”.

Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng đoàn

công tác trò chuyện và trao quà tặng cho ngư dân tàu BT 96688.

 

Sau khi kiểm tra, thăm hỏi động viên và tặng quà quân dân trên đảo Đá Lớn, Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đoàn công tác đã sang thăm bà con ngư dân. Xuồng vừa cập mạn tàu cá, bà con ngư dân đón mọi người lên tàu rồi bắt tay niềm nở. Anh Trần Huỹnh, Thuyền trưởng Tàu BT 96688 cảm động trước sự quan tâm của đoàn công tác đã nắm chặt tay Thiếu tướng Lê Hiền Vân chia sẻ: “Đã 17 năm nay, chúng tôi bám biển Trường Sa đánh bắt hải sản. Mỗi chuyến đi ra vùng biển xa này đánh bắt, chúng tôi thường đi một tháng. Cá trên vùng biển này nhiều, nên thu nhập của ngư dân trên tàu cũng khá, (khoảng 15 đến 20 triệu đồng/người/chuyến). Điều đáng trân trọng nhất là khi ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hải sản, chúng tôi được quân dân trên đảo hỗ trợ rất nhiều, nhất là khi thời tiết xấu, thiếu nước ngọt hay nhiên liệu đều được quân dân trên các đảo giúp đỡ…”.

 

Khi đoàn công tác đang vui vẻ trò chuyện thì một ngư dân tên Son còn rất trẻ, từ phía mũi tàu đi về phía chúng tôi tươi cười niềm nở. Son cho biết, mới vừa bước sang tuổi 17 và đã có “thâm niêm” đi biển được 4 năm. Thấy Son trẻ trung, yêu đời, chúng tôi liền hỏi:

 

– Son đi biển từ khi nào vậy?

 

– Dạ, từ năm 13 tuổi anh ạ.

 

– Son có sợ bão không?

 

– Trời! Em là người chứ có phải thần thánh đâu mà không sợ ạ.

 

– Ngư dân, ngoài đánh bắt hải sản, còn phải có ý thức bảo vệ chủ quyền. Son hiết điều đó chứ?

 

– Dạ! Em biết từ khi đi biển với cha lần đầu đó. Biển quê mình, mình không bảo vệ lấy gì mà đánh bắt. Điều này bọn em khắc cốt ghi tâm rồi ạ…

 

Thế mới biết, dân mình yêu biển, yêu Tổ quốc lắm. Thật lòng mà nói, bà con ngư dân có nhiều kinh nghiệm đi biển, sức khoẻ tốt, có khả năng chịu đựng sóng gió, nhưng đa phần ngư dân còn rất trẻ, kinh nghiệm đi biển nhiều nhưng kiến thức quốc phòng chưa có. Cần phải trang bị cho họ, để mỗi ngư dân là một tự vệ biển. Sau một hồi trò chuyện vui vẻ, những cái tên như:  Son, Cường, Minh Trí… đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi. Có thời gian hỏi chuyện tuổi tác mới thấy họ còn trẻ lắm, chỉ mười tám đôi mươi nhưng trông ai cũng bươn trải, sống với biển, chết với biển nên nhiều người già trước tuổi, tuy nhiên, không vì thế mà họ mất đi cái dáng vẻ phóng khoáng, phong trần lãng tử…

 

Là người gắn bó với biển, đảo Trường Sa nhiều năm, Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm Chính trị Hải quân tâm sự: “Ngư dân ra khu vực biển Trường Sa đánh cá chủ yếu thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ. Họ lam lũ, hiền lành, chất phác, có nhiều kinh nghiệm đi biển và tìm kiếm ngư trường nhưng vì ham làm nên hay chủ quan, rất dễ gây ra tai nạn. Nắm chắc được điều này, bộ đội Trường Sa đã phối hợp với các cơ quan chức năng, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển tổ chức tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu hơn về Luật biển từ đó nêu cao ý thức trong đánh bắt và bảo vệ chủ quyền. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền phòng tai, hướng dẫn cách xử trí khi có tai nạn xảy ra để bà con hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Qua đó, nhiều ngư dân đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo đảm an toàn trên biển, nhưng vẫn còn không ít người chủ quan, coi nhẹ tính mạng của mình”.

Dưới cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa 

Hai cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang thăm đảo Đá Tây – Trường Sa:

Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (bên phải) và Thượng tá Nguyễn Văn Tác 

Nhà văn Trần Nhã Thuỵ và hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Long

bên âu tàu đảo Đá Tây nơi thuyền ngư dân đến trú ẩn khi đánh bắt xa bờ

 

Được biết, tai nạn thường gặp nhất của bà con trên biển là do lặn sâu, không có thiết bị hỗ trợ, lặn không đúng cách nên rất dễ mắc các bệnh giảm áp, bệnh bí đái… có trường hợp bị cá đuối quất vào người nhẹ thì sây sước, nặng thì đứt động mạch gây chảy máu nhiều. Cũng không ít bà con do bất cẩn đi lại trên tàu bị ngã gãy tay, gãy chân, chấn thương các vùng khác… Nói chung là muôn hình vạn trạng, rất khó lường trước.

 

Thượng úy Lê Anh Cương, Bác sĩ quân y Đảo Đá Lớn cho biết: Cách đây không lâu, một ngư dân trên tàu cá Phú Yên do lặn sâu không kiểm soát được đã bị bí đái. Bệnh nhân đã có biểu hiện hôn mê, nguy cơ vỡ bàng quang là rất cao, nếu không xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Rất may, ngư dân trên tàu đã kịp thời liên lạc với cán bộ, chiến sĩ của đảo. Ngay lập tức, quân y đã kịp thời khám cho bệnh nhân và thấy không thể chần chừ, mọi người phải xuống tàu đưa bệnh nhân lên đảo để tiến hành chọc thông tiểu. Bằng kinh nghiệm và sự quyết tâm, quân y sĩ của Đá Lớn đã cấp cứu thành công.

 

Không chỉ khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lớn nói riêng và quân dân huyện đảo Trường Sa nói chung còn thường xuyên hỗ trợ cho bà con nước ngọt. Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên Đảo Đá Lớn cho biết: Mặc dù cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tiết kiệm từng lít nước ngọt nhưng khi ngư dân ra vùng biển này đánh bắt hải sản thiếu nước ngọt chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Hàng năm, chúng tôi đã hỗ trợ bà con hàng nghìn lít nước ngọt. Vào những thời điểm khó khăn, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn hỗ trợ thêm rau xanh, lương thực, thực phẩm. Chính vì vậy mà ngư dân rất yên tâm khi ra khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển này.

 

Chia tay các ngư dân chúng tôi còn nhớ mãi lời của Thiếu tướng Lê Hiền Vân: “Mỗi đảo nổi, đảo chìm trên huyện đảo Trường Sa là một điểm tựa của ngư dân. Điểm tựa ấy sẽ luôn vững chắc bởi được xây dựng bằng tinh thần, trách nhiệm của những người giữ biển, bằng mỗi quan hệ bền chặt “quân với dân như cá với nước”.

 

TRỊNH DŨNG – QUANG TIẾN/ QĐND

 

>> Đoàn công tác số 2 đi thăm Trường Sa, DK1

 

 

>> XEM TIẾP NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC…