Điều ước – Truyện ngắn của Quang Nguyễn

733

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa đông, gió heo may về lùa vào khe cửa phả vào mặt  lạnh buốt, ngoài kia hàng cây như rùng mình thở dài, giọt sương của bình minh nằm trên lá rơi xuống, rét mướt cả cái sân với căn nhà.

Tác giả Quang Nguyễn

Một sáng sớm mai, con đường đặc mờ sương trắng, những căn nhà đóng cửa im ỉm, hiu quạnh, dấu mùa điểm lên cây lá, nghe rõ tiếng gió xào xạc, phảng phất hơi lạnh, làm người ta hồi tưởng, nhớ về kỷ niệm nào đó thật ngọt ngào, hạnh phúc và ấm cúng  nhất cuộc đời.

Nó trở về thăm lại căn nhà cũ, nhìn căn nhà đã xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, bên hông là cây xoài tuổi thơ, trên thân cây có treo bảng bán nhà kèm với số điện thoại của ba nó. Nó trở lại với gương mặt buồn, đôi mắt sâu thẳm nước mắt ứa ra như trận mưa hối hả, nhìn khung cảnh với những gì ký ức  tuổi thơ để lại, nó nhói đau như ai đang cào xé đến bầm gan, tím ruột. Nó lặng lẽ lấy chìa khóa mở cửa bước vào trong nhà. Trước mặt nó là cái giường, cái giường này đã gắn liền với hai chị em nó mười hai năm trời, những đêm đông giá lạnh gió bấc lùa vào nhà, và những đêm mưa, hai chị em nó ôm nhau ngủ ngon lành, giờ đây chỉ còn lại dư âm và ký ức. Thời gian đã tạt lên bề mặt giường đầy bụi bẩn, đi hết khắp căn nhà, nó ngồi ôm mặt khóc, nó cảm thấy nhớ em nó vô cùng.

Nó tên là Trâm Anh được mười sáu tuổi, ba mẹ nó gọi là bé lớn, em của nó Anh Thơ được mười tuổi gọi là bé nhỏ, khi còn ở trong căn nhà này, ngày nào đi học về nó cũng mua bánh kẹo đem về làm quà cho em nó, có khi nó nhịn ăn để dành tiền mua đồ chơi, bất cứ cái gì em nó thích, nó đều mua, nó rất thương em, hai chị em như hình với bóng, chia nhau từng con búp bê và những cái kẹp tóc.

Ngày mẹ nó viết đơn ly hôn dẫn bé nhỏ về nhà ngoại, nó chạy theo níu tay bé nhỏ nó khóc như mưa, riêng bé nhỏ chưa biết gì về chuyện người lớn, chỉ cười rồi đưa tay chào, miệng nói bái bai, giống như mẹ chở đi đâu chơi như mọi ngày. Đêm đó ba nó không ngủ, cứ đi tới đi lui nhìn cái giường của hai vợ chồng đã gắn bó hơn mười lăm năm, và nhìn cái giường của nó đã không còn bé nhỏ, ba nó tựa lưng vào tường gục mặt khóc như đứa trẻ con. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời nó nhìn thấy ba nó khóc.

Ba nó lấy tấm hình chụp cả gia đình ôm vào lòng, nhìn ra trước cửa miệng lẩm bẩm hai tiếng “mình ơi” trong lim dim giấc ngủ  nó nghe rõ tiếng khóc của cha nó trút vào đêm hiu quạnh, có khi ngưng, có khi kéo dài, có khi thút thít, có khi rất lớn, nỗi buồn nào đó đang trùm lên cả không gian ngôi nhà. Hòa với tiếng khóc, là tiếng của gió xào xạc ngoài cây xoài, tiếng của côn trùng kêu nghe não ruột sau một chiều mưa tầm tã. Nó tới an ủi ba nó, ba nó ôm nó vào lòng hai cha con cùng khóc, tiếng khóc vang vọng khắp căn nhà.

Trong hôn nhân, tờ giấy kết hôn chính là chiếc chìa khóa để mở vào căn nhà hạnh phúc, và tờ đơn ly hôn là dấu chấm hết để kết thúc một hạnh phúc. Đêm đó ba nó cắn răng, bóp bụng, tay cầm cây viết mà nặng như cầm cái gì đến cả trăm ký lô, đặt bút xuống tờ đơn ly hôn của mẹ nó soạn sẵn, thẫn thờ nhìn tờ đơn mà nghe ngực như kim đâm bấy nhầy, ba nó quay trở lại nhìn hai đứa con thơ ngủ, mặt hiện lên một nỗi buồn thê thảm, ba nó cũng hiểu được sắp có một cuộc chia ly diễn ra trong nay mai, do dự cả đêm cuối cùng ba nó cũng ký vào đơn theo yêu cầu của mẹ nó, mặc dù ba nó không muốn tí nào.

Ly hôn thì khỏe, mạnh ai nấy sống, không còn phải cãi vả, bất đồng quan điểm, mỗi người sẽ có một cuộc sống riêng biệt đầy tự do, nhưng con cái chính là nỗi bất hạnh lớn nhất. Đứa gần mẹ thì xa cha, mà gần cha thì xa mẹ, tất cả người làm cha mẹ điều hiểu vấn đề đó, nhưng họ vẫn quyết định lựa chọn con đường ly hôn để giải thoát cho bản thân của họ, kết thúc những năm tháng đầy kỷ niệm. Xóa đi những hạnh phúc mà bao năm tháng qua họ đã vun vén xây dựng.

Hạnh phúc nào hơn khi hai cô công chúa chào đời, tiếng cười của chúng nó thêm niềm vui, thêm hạnh phúc, nhưng tiếng cười của chúng nó cũng sẽ nhạt dần bởi chữ ký của cha mẹ trong tờ đơn ly hôn. Giá như không có chuyện ly hôn của người lớn, thì bé lớn và bé nhỏ đâu có xa nhau, chị một nơi, em một ngả, nếu không có chuyện ly hôn thì chúng nó vẫn như ngày nào chơi cùng nhau, và mỗi lần bé lớn đi học về, bé nhỏ chạy ra mừng rỡ, vẫn như ngày nào trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm, đầy tiếng nói cười, hay tiếng khóc nhõng nhẽo của bé nhỏ đòi chở đi chơi, đòi ăn bánh, đòi mua búp bê, và những lần vui đùa quá giờ bị cha mẹ mắng, nay đã không còn, nên cứ luyến tiếc, nhớ ngày ấy mãi không thôi.

Sau khi ba mẹ nó ra tòa ly dị, ba nó quyết định bán căn nhà này, về thị trấn ở, còn mẹ nó thì dắt em nó về nhà ngoại sống tận Cà Mau. Từ đó nó không còn gặp lại mẹ và em nó nữa. Ngày ba nó quyết định bán nhà, hai cha con cứ nhìn căn nhà mà im lặng không nói được lời nào, vẻ mặt buồn não nề, hiện sâu trong đôi mắt của hai cha con. Một căn nhà đầy yêu thương, rộn vang tiếng nói cười, mà nay nó im ắng đến lạ thường, ba nó cứ đi tới đi lui tiếc trong vô vọng, còn nó thì khóc lóc suốt buổi đó. Nó biết ba nó không hề muốn bán và nó cũng vậy, một ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm, có cả tuổi thơ của nó trong đó, vui buồn đều có nhau, vậy mà giờ phải bóp ruột bán đi để trả nợ. Hai cha con cứ nhìn ngôi nhà trong sự nghẹn ngào, đau khổ, luyến tiếc, đến tột cùng.

Mùa đông này đối với nó lạnh nhất trong các mùa đông trước, nó nhìn cái bếp mà buồn không thể tả, ngày nào vẫn có hình dáng  của mẹ cặm cụi nấu nướng, bếp lửa cháy hồng ấm áp khắp gian  nhà, mà giờ bếp lạnh đến không ngờ. Nó buột miệng gọi “Mẹ ơi, cơm chín chưa” như thói quen của ngày nào mỗi khi nó đi học về, nó nhớ mẹ nó lắm, nhìn cái nền nhà đầy bụi bặm mà không có tiếng quét chổi của mẹ nó vào mỗi buổi sáng. Cái phòng của cha mẹ nó, ngày nào còn nghe tiếng cười đùa, và những câu nói yêu thương rất ngọt ngào, mà giờ chỉ còn lại những mạng nhện giăng kín, nó quen miệng cứ gọi “Cha ơi, mẹ ơi ” kèm với tiếng khóc không ngừng. Nó đi ra hành lang nơi tuổi thơ gắn liền với em nó bên những cuộc chơi trốn tìm, nó vẫn quen miệng gọi “Đố bé nhỏ bắt được chị hai” và cây xoài tới mùa quả chín vàng, nó hái làm quà cho em nó, giờ cây xoài vẫn đó mà em nó xa tận nơi nào, ước mơ của nó bây giờ không phải vàng, không phải kim cương, ko phải tiền, cũng không phải nhà lầu xe hơi, mà chỉ đơn giản là cha mẹ và em nó trở lại căn nhà này cùng sống như những tháng ngày.

Trong cuộc đời này không có nơi nào ấm áp bằng nhà, cũng không có bữa ăn ngon bằng bữa ăn sum họp gia đình, những mùa đông trước nó vẫn ấm áp trong vòng tay người thân. Nhà như ngọn lửa đã sưởi ấm nó trong một mùa đông lạnh lùng, không gì hạnh phúc hơn nữa khi có đủ bốn người, và không có gì bất hạnh và đau khổ hơn nữa khi thiếu một trong bốn người  như bây giờ, hai hàng nước mắt nó chảy dài.

Nó thèm được nghe tiếng mẹ gọi trong những giờ cơm, thèm nghe tiếng cha nhắc nhở học bài và đi ngủ sớm, thèm nghe tiếng nói cười của bé nhỏ, chỉ có được như thế là quá hạnh phúc rồi, không có tiền bạc, kim cương nào có thể mua được điều đó. Mai mốt căn nhà này sẽ thuộc về người khác, nó sẽ không trở lại đây được nữa, lòng dạ nó giờ đây rối bời, nó nhớ mẹ và em nó da diết. Nó cứ thì thầm “Tại sao phải ly hôn, tại sao phải xa cách nhau”, bây giờ nó phải đứng đây với hai hàng nước mắt, nó không có cách nào để giữ lại căn nhà này, càng không có cách để giữ mẹ và em nó ở lại, nó bất lực nhìn mọi thứ quay lưng mà lòng tan nát.

Nó nhìn căn nhà, nó chẳng muốn đi, tuổi thơ của nó là đây, gia đình của nó từng ở đây, thế mà giờ căn nhà trống trơn, chỉ có một mình nó trong căn nhà. Nhiều đêm nó mơ thấy mẹ và em nó trở về, giật mình tỉnh dậy nó biết chỉ là giấc mơ, nó khóc ướt gối, có lẽ nó sẽ sống với giấc mơ này đến trọn đời. Ngoài kia gió đông lạnh lùng, từ nay về sau nó không còn sự ấm áp như trước nữa. Nó đóng cửa tay lau nước mắt ra về, ra tới ngõ nó còn nhìn đi, nhìn lại căn nhà đến bốn, năm lần, nó tự thì thầm “Cha mẹ ơi, xin hãy về lại như những ngày xưa”. Nó quay lưng đi để lại căn nhà rêu phong, với những cơn gió làm rớt từng chiếc lá xuống mái hiên buồn. Từ nay nó chỉ còn lại tâm tưởng về một hạnh phúc gia đình, và một  trời kỷ niệm về căn nhà thân thương. Giờ đây nó chỉ còn ước mơ trong những giấc mơ, ước mơ ấy chính là cả bốn người trở lại căn nhà xưa sống như thuở nào, một điều ước khó có thể trở thành hiện thực, dù biết vậy, nhưng nó luôn mãi ước.

Q.N