(Vanchuongphuongnam.vn) – Đò ra giữa sông, gió bất chợt lồng lộng thổi ngược. Con đò chòng chành, nghiêng ngả. Lòng đò chật cứng người, hàng hóa, xe cộ. Ai cũng thầm cầu trời đừng mưa bây giờ, chết lạnh chứ giỡn sao. Ông Bảy lên sau cùng, ngồi ngay mũi đò với cái bọc ôm khư khư phía trước. Ông nhấp nhổm, lo lắng. Giờ mà ông trời mưa xuống, là mình gặp kiếp nạn.
Nhà văn Phùng Phương Qúy
Từ bao đời, vẫn con sông, bến đò đó. Bên này là xóm Cây Bần, lơ thơ, rải rác hai chục nóc nhà lợp tol. Bên kia con lộ trải nhựa chạy từ biên giới về huyện lỵ, ồn ào chợ ngày, lô nhô nhà tường. Cách một dòng sông, mà khung cảnh, cuộc sống khác biệt. Hình ảnh con đò trong trí nhớ của mỗi người cũng khác. Những ông lão ngẩn ngơ tóc bạc, có dịp gặp lại dòng sông dập dềnh lục bình, chợt nhớ mái dầm khua nhịp bì bõm và dáng cô Tám Lụa thấp, tròn lẳn bộ bà ba đen. Những người trạc năm, sáu chục tuổi, mỗi lần ngồi trong quán cà phê Út Tâm, nhìn con đò sùng sục chạy ngang, thường hồi tưởng một thời tiếng máy Kohler phành phạch của Tư Rỗ, vốn là con trai thứ tư của bà Tám Lụa ngày nào. Bây giờ, tiếng máy chạy dầu sùng sục kia là của vợ chồng Bảy Nga, gái và rể Tư Rỗ. Người qua đò cũng thay đổi dáng vóc theo thời gian. Ngày xa xưa, những dáng dấp nông dân đầu quấn khăn rằn, quần xăn tới bẹn, leng cuốc lấm bùn. Ngày đâu đây, những gánh hàng khô, hàng chè, bánh, những bao sọc đỏ sọc xanh dưa hấu, dưa leo, thóc gạo chen chúc nhau dọc hai bên sườn đò, những chiếc xe đạp dựa hờ hững phía sau lái. Con đò bây giờ, ngồn ngộn những thùng to, thùng nhỏ, máy móc, ti vi, xe máy, heo gà, lại cả những đứa trò lớn quần xanh áo trắng, lẵng nhẵng túi cặp tới khoeo chân. Hàng ngày, con đò bị lèn chật cứng vào hai buổi sớm và chiều.
Bảy Đờn là dân xóm Cây Bần chánh hiệu. Mỗi khi qua bên kia khu chợ ồn ào, ông thường lựa những chuyến đò lối từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Lúc đó không phải chen chúc, chờ đợi, không sợ đò đầy. Ông già tía Bảy Đờn hồi còn sống vẫn dạy con. “Đi đò đừng vội. Thấy đông quá thì chờ chuyến sau. Quá độ mạc tranh tiền… Nên thận trọng”. Chuyện qua đò từ xóm Cây bần sang bên lộ nhựa, có chuyện chi gấp gáp? Mấy công lúa tới vụ mới thu gặt, muốn bán chút đỉnh thêm tiền mua phân, mua dầu… một buổi trưa là xong. Lúc đó đò của vợ chồng Bảy Nga ế nhệ, ngồi ngáp ruồi chớ gì.
Chiều nay, đò Bảy Nga chuẩn bị rời bến. Chồng nó xoa tảng ngực trần đỏ au, ngạc nhiên hỏi ngược bờ:
– Ủa! Chú Bảy cũng qua hả?
– Ờ… ờ! Chờ tao chút, chồng con Nga.
Chiếc đò nghềnh ngàng lùi đít vô bờ, cây sào dài chống lút bùn. Bảy Đờn tay xách dép, tót lên, miệng hối.
– Lẹ lên mầy! Sắp tối rồi đó.
Lần qua sông này, ông bảy Đờn không mang theo cây đờn cò. Vậy là ở bển không có người mới qua đời. Nhiều người ngạc nhiên thấy Bảy Đờn qua sông tay không, lại nhằm chuyến đò chiều.
– Đi chơi tối vậy ông Bảy? Lóng rày còn đờn đám hông?
Có ba, bốn người mở miệng hỏi cắc cớ. Ông Bảy chỉ búng búng ngón tay, mỉm cười. Ngu gì bỏ nghề? Cái nghề vừa vui, vừa được chia sẻ, lại được tiền bộn. Bữa nay thì khác. Không bán thóc, đậu, gà vịt gì, cũng không chơi đờn đám ma. Ông Bảy đi đâu mà phá lệ giờ giấc? Ai biết chết liền! Vụ đi đò chiều này, ông Bảy Đờn giấu nhẹm không cho ai hay, kể cả mấy ông bạn nhậu. Những ý tưởng cao xa, cứ một thời gian lại lóe trong đầu ông, hối thúc. Giấc mộng dài lượt thượt nửa thế kỷ, nay rùng mình bừng tỉnh. Bảy Đờn nhìn cuộc đời, nhìn xã hội, nhìn từ xóm Cây Bần qua bên kia sông, bao nhiêu đổi thay lớn lao, cần bắt nhịp mau lẹ.
Ráng chiều rơi rớt sau lưng, óc ách sóng nước mạn đò, những hình khối, khuôn mặt khách đi đò nhòe dần, tụ thành một đám chật chội, mờ xám. Bờ bến trước mặt đã lấp ló ánh sáng điện. Một giọng ca nam bất chợt vang lên giữa dòng. “Ầu ơ… Con chim đa đa đậu nhánh đa đa… Chồng gần à… không lấy… mà lấy chồng xa. Lỡ mai cha yếu ơ mẹ già. Chén cơm đôi đũa à… ơ… bộ kỷ trà ai… dâng”. Lòng Bảy Đờn chợt trĩu buồn. Hơn một năm nay, con Ba nhà ông sống với chồng bên Đài Loan chưa được về thăm nhà như lời hứa của thằng rể ngoại. Tiền nó cũng mới gửi về cho vợ chồng ông một mớ, gọi là thơm thảo. Chắc chúng nó cũng phải mần ăn từ từ rồi mới có tiền gởi về nhiều. Chuyện quyết định cho con Ba lấy chồng ngoại cũng nằm trong những ý tưởng mới của Bảy Đờn. Sanh ra một bầy bốn đứa con gái, ông Bảy nghĩ nát bấy đầu óc về việc mình phải làm gì cho thoát khỏi câu “thập nữ viết vô” của miệng đời. Thì đây, cho nó đi lấy chồng ngoại quốc, mang tiền về xây cất nhà cửa, nuôi dưỡng ba má già. Mấy đứa kia, ông cũng cho đi lấy chồng ngoại… tỉnh hết, không để đứa nào phải cực nhọc như má nó trên xóm Cây Bần, cái xóm chỉ nghe tên thôi cũng thấy não lòng.
Bản thân ông Bảy, đêm nằm trên võng, ngắm đom đóm bay lập lòe từ chuồng trâu ra tới hàng rào ô rô, từ đám dưa bay qua ruộng lúa, trong đầu ông cũng lập lòe nhiều toan tính. Giữa đám nhậu vui ngất trời, cây đờn cò có lúc ngưng nửa chừng, cái đầu lại hướng về bên kia bờ sông, nơi người ta kiếm tiền dễ như lượm lá. Xóm Cây Bần bắt đầu thay đổi từ khi có điện lưới. Những chiếc đèn dầu chỉ còn tồn tại trên bàn thờ mỗi nhà. Những chiếc radio – casset chạy pin nằm chỏng chơ làm đồ chơi cho con nít. Nhà nào cũng ti vi màu, đầu đĩa, loa thùng, nhiều nhà khá giả, đã dám mua tủ lạnh. Hiện giờ mọi thứ đều sáng choang, mới coong, nhưng rồi chống mắt lên coi, bọn chúng sẽ giở chứng, kiếm chuyện hư hỏng chỗ này, chỗ kia. Cho nên, sau chuyến đò chiều ấy, dân cư xóm Cây Bần ngạc nhiên thấy trước cổng nhà Bảy Đờn treo tấm biển bự chảng “NHẬN SỬA CHỮA ĐIỆN GIA DỤNG”. Dân xóm thì mừng húm, chẳng ai nghi ngờ gì về khả năng nghề điện của Bảy Đờn. Có người còn binh ông. “Ổng kéo đờn cò hay vậy, lại có thằng rể ngoại, việc gì mà không làm được”.
Khách hàng đầu tiên của Bảy Đờn là bà Út Riệc. Chiếc ti vi cũ thằng rể đem biếu bà, lâu nay chạy ngon, mấy bữa bỗng dở chứng cà chớp, cà nháy rồi kéo một vệt trắng ngang màn hình. Bảy Đờn đem đồng hồ điện ra, chọc chọc hai cái kim dài vô sau ti vi, gật gù.
– Về đi! Chiều mai tới lấy.
Đúng hẹn, bà Út Riệc ghé nhà Bảy Đờn, thấy ti vi nhà mình đang ca cải lương um sùm, màn hình sáng choang, không còn chớp nháy nữa, liền móc năm chục ngàn ra trả, mãn nguyện. Người thứ hai là cô Hai cà lăm, ôm chặt cái nồi cơm điện.
– Chu… ú… chú Bảy! C… c… cái nồ… nồi con mới mua. Tự dư… ư… ng…
– Biết rồi. Để đó tao coi lại!
Món này không cần hẹn, ông Bảy tìm ra bịnh liền, sửa ngon tại chỗ.
– Chớ con Hai đun nấu gì lâu, cháy sợi dây điện vậy?
Thì ra cô Hai thường dùng nồi cơm nấu nước tắm, dây điện quá tải, cháy mất một sợi. Bảy đờn nối lại, lấy ni lon cuốn bên ngoài, bật hộp quẹt hơ nóng cho săn lại. Xong! Mười ngàn đồng. Nụ cười cô Hai tí tởn.
Bảy Đờn sắm bộ đồ pijama kẻ sọc, đôi dép xốp mang trong nhà, thêm chiếc kính lúp bự bằng cái chén. Giờ ông ngồi thảnh thơi trước hiên, nhâm nhi trà sáng, rượu chiều. Vợ chồng Bảy Nga thấy ông Bảy Đờn không còn qua đò theo giờ giấc. Bất kể lúc nào, cần qua sông là ông kêu đò, còn vác theo những bọc to nhỏ, cuốn trong tấm mền cũ màu sọc dưa.
Trưa nay, Bảy Đờn gặp ca bịnh khó. Ông Mười cô đơn nhà cuối xóm, kẽo kẹt xe đạp tới kiếm.
– Chú Bảy mầy tới sửa giùm tao cái đèn ống coi. Nó không chịu sáng nữa. Tao mới mua tháng nay chớ lâu lắc gì.
Ba thứ đèn tuýp, đèn “pắc” gì đó, coi như Bảy Đờn bó tay. Ông nhăn nhó, giả bộ đấm đấm lên đầu gối.
– Ôi! Ba vụ đèn đóm tui không làm nổi anh Mười ơi. Già rồi, xương cốt kêu rổn rảng, trèo leo gì được nữa.
Ông Mười cô đơn có tiếng là nóng tánh, nghe vậy liền đứng trước hàng rào ô rô, vạch quần đái một bãi, miệng chửi:
– Mẹ họ! Thầy thợ con c…! Có cái đèn mà cũng không sửa được. Vậy mà cũng trương bảng lên.
Bảy Đờn kéo vội ông Mười cô đơn vô nhà, rót ra một ly rượu màu hổ phách.
– Từ từ rồi tính anh Mười. Làm tới ly rượu bìm bịp đi cha nội. Thứ này hay lắm đó. Uống vô hết đau xương cốt liền.
– Vậy sao chú không uống cho hết đau đầu gối đi, đặng tới sửa đèn giùm tao.
– E hèm! Cái đầu gối tui nó mắc bịnh khác anh ơi! Nó bị gút ghiếc gì đó, nhức thấy bà cố.
Bảy Đờn lo lắng. Giờ không sửa được cái đèn cho Mười cô đơn, chả đi rêu rao cùng xóm là mình mất mặt và mất khách. Thôi đành móc hầu bao ra mà giữ uy tín vậy. Sáng sau, Bảy Đờn qua đò sớm. Chiều về ôm nghềnh ngàng cây đèn thước hai, mang tới tận nhà ông Mười cô đơn.
– Tui tặng anh Mười cây đèn mới, cây đèn hư để đem về rảnh tôi sửa lại. Coi có thằng nhỏ nào tới nhờ nó treo lên giùm coi.
Hồi sáng ở tiệm điện bên chợ, ông Bảy nhờ chủ tiệm đấu sẵn dây dài ba mét vô cây đèn, nối với cái chuôi điện. Về nhà cứ cắm vô ổ điện là đèn sáng, khỏi công tắc gì cho tốn tiền. Vụ “từ thiện” này, mất đứt tám chục ngàn của Bảy Đờn, chưa kể tiền đò hai lượt. Bảy Đờn dựng cây đèn sát vách, cắm chuôi vô ổ điện. Đèn chớp chớp một hồi không sáng, làm Bảy Đờn toát mồ hôi. Rồi cây đèn cũng bừng lên, soi sáng khoảng vách nhà thưng bằng bồ trúc. Xoa tay phấn khích, Bảy Đờn ra lịnh:
– Kiếm thằng nhỏ nào lanh lẹn, nhờ nó máng đèn lên đi ông kẹ!
Thằng nhỏ hàng xóm chắc đang học bài, thấy ôm cả cuốn sách chạy qua.
– Con học lớp mấy?
Bảy Đờn hỏi chặn họng.
– Dạ lớp 9!
– Biết mắc điện hông?
– Dạ biết sơ sơ! Hồi lớp 7 tụi con có học rồi mà.
– Tốt! Giờ con cột giùm ông Mười cây đèn lên ngang cây xà kia. Cột cho chắc nghen, không lại hư nữa à.
Chiếc thang thì dài, mái nhà thấp, phải chỏi ngang xương, thằng nhỏ trèo lên, rung rinh nín thở. Hai ông già xúm vô đỡ mỗi người một bên thang.
– Ủa! Cây đèn trên nầy còn mới mà ông Mười.
– Ờ, thì mới. Nhưng nó hư rồi, có sáng nữa đâu.
– Mèn ơi! Chuột nó cắn đứt cọng dây đỏ nè. Ông Mười cúp cầu dao đi, để con nối lại cho.
Cây đèn cũ cũng chớp chớp một hồi, rồi sáng lên. Bảy Đờn ôm cây đèn mới về, trong bụng mừng rơn.
Những ngọn đèn đường phía chợ đồng loạt sáng lên. Tiếng ồn ã trong chợ không giảm đi, mà tăng lên. Bên phố này hay thiệt, tối xuống người ta mới ra khỏi nhà, la cà khắp nơi, không như bên xóm Cây Bần, giờ này nhà ai nấy chui vô, ngồi trước mâm cơm hoặc trước màn hình ti vi. Thằng chồng con Nga sốt ruột cắm cây sào, ngóng mắt vô chợ. Lát sau, ông Bảy Đờn khệ nệ ôm cái bọc vuông vức trùm tấm mền sọc dưa.
– Lẹ lên chú Bảy, tối hù rồi. Chút nữa thôi là tôi bỏ về trước đó.
Đò ra giữa sông, gió bất chợt lồng lộng thổi ngược. Con đò chòng chành, nghiêng ngả. Lòng đò chật cứng người, hàng hóa, xe cộ. Ai cũng thầm cầu trời đừng mưa bây giờ, chết lạnh chứ giỡn sao. Ông Bảy lên sau cùng, ngồi ngay mũi đò với cái bọc ôm khư khư phía trước. Ông nhấp nhổm, lo lắng. Giờ mà ông trời mưa xuống, là mình gặp kiếp nạn. Chiếc ti vi 21 “inh” của thằng Sáu nhờ sửa, nếu gặp nước mưa coi như xong đời. Đời nó cũng xong, mà đời mình cũng nhục. Lại bỏ ra mấy triệu mà đền cho người ta. Lắc rắc mấy hạt mưa dạo đầu, ông Bảy cuống quýt nhổm dậy. Thằng chồng con Nga hét lên:
– Ngồi im đi chú Bảy, đò đầy đừng có nhấp nhổm vậy.
– Cho tao gởi cái… cái nầy vô ca bin đi mày. Ướt bây giờ… chết tao.
Vừa ôm cái bọc dợm đứng lên, gió quất một nhát làm ông Bảy ngã kềnh, hai tay vội quàng được cái mỏ neo trước mũi đò. Mấy người ngồi gần nắm hai chân ông lắt lẻo ngoài mép đò, rị lên. Tiếng la mắng lao xao. Trời ơi! Ông già mắc dịch. Xém chút nữa rớt xuống sông chết ngắt còn gì. Ông Bảy thấy đau rát dưới bụng, thở hổn hển vì sợ. Người ta dồn chỗ, kéo ông xuống lòng đò. Định thần lại, Bảy Đờn hốt hoảng kêu lên:
– Má ơi! Chiếc ti vi đâu?
– Ti vi nào ông Bảy? Có cái bọc gì đó bay xuống sông rồi.
– Trời ơi! Chiếc ti vi của thằng Sáu nhờ sửa…
– Ông mở tiệm sửa tại nhà, còn ôm ti vi đi làm chi? Thôi, của đi thay người.
Bảy Đờn hình như khóc. Ông nín bặt cho tới lúc lên bến, lảo đảo về nhà.
Sau đó ít bữa, thấy tấm biển sửa chữa điện trước nhà Bảy Đờn bị hạ xuống. Ông không nhận hàng nữa, mà chỉ bà con ai có hư hỏng đồ điện, ráng đem qua tiệm điện Tư Sang bên kia sông. Tư Sang vừa sửa đồ vừa hỏi chuyện khách, rằng hồi này không ai nhờ ông Bảy Đờn đem đồ qua đây sửa nữa sao? Tội nghiệp ông già. Ổng nói thương bà con lu bu việc nhà, nên mang qua đây sửa giùm. Tư Sang cũng lấy giá hữu nghị thôi, đặng chừa ổng phụ tiền đò.
Sau vụ làm rớt chiếc ti vi 21 “inh” của khách xuống sông, không thấy Bảy Đờn đi đâu xa. Ông cũng bỏ luôn nghề kéo đờn đám ma. Tiếc quá trời!
10/01/2013