Đò dọc buồn hiu – Bút ký của Đào Ngọc Vinh

559

Như đã hẹn, bảy giờ sáng một ngày cuối hạ năm hai ngàn không trăm hai mươi hai, bầu trời mây xám xịt, mưa rúc rắc, tôi có mặt ở bến đò Chợ Lách đi Vĩnh Long. Bờ kè Chợ Lách vắng hoe. Góc trái là quán cà phê ế khách, buồn tênh. Anh Phương, chủ đò, điện thoại bảo tôi chờ chút vì máy trục trặc. Tôi quẹo vô quán cà phê “buồn” (tôi chợt nảy ra ý tưởng và đặt tên cho nó là vậy).

Cô chủ quán trẻ có nụ cười duyên, xởi lởi:

– Sáng giờ mới có người mở hàng. Anh uống cà phê hén?

Tôi nói cô chủ quán làm cho tôi ly cà phê mang đi, vì đò sắp tới. Cô trố mắt ngạc nhiên:

– Gì? Anh đi đò?

Tôi gật đầu xác định, biểu cảm ngạc nhiên trên gương mặt cô gái tăng lên gấp bội.

– Trời, đò dọc bây giờ mà kiếm được người khách như anh là vô cùng… quí hiếm!

Đoạn giao đãi với cô chủ quán cà phê ven sông Chợ Lách ở trên đã khái quát sơ nét về chuyến “thực tế sáng tác” của tôi trên những chuyến đò dọc đang có nguy cơ bị “khai tử” ở các dòng sông Tây Nam bộ trong một sớm một chiều.

Đúng như cô chủ quán cà phê xinh đẹp nói, đò rời bến Chợ Lách, chỉ có tôi và anh chủ đò, chiếc đò trống hoắc, hai hàng ghế và những cái võng vắt ngang dọc trên đò lạnh tanh. Trời vẫn mù mù với những đợt gió nam hiu hắt. Tôi bắt ghế ngồi gần anh Phương, vừa là chủ đò, vừa là tài công kiêm luôn… lơ tàu. Tôi ái ngại cho chuyến đò không khách của anh với câu hỏi thăm dò:

– Tình trạng vắng khách như vầy thường xuyên không anh?

Vẫn chăm chú quan sát phía trước mũi đò, anh Phương nói, giọng buồn:

– Cũng hơn mười năm rồi anh. Từ khi đường xá được nâng cấp, giao thông nông thôn được cải thiện, xe buýt, xe tốc hành phát triển mạnh trên đường bộ thì phương tiện vận chuyển khách đường thuỷ của tụi tui ế… chổng chơ!

Âu cũng là qui luật phát triển, tôi định an ủi anh Phương như vậy nhưng kịp kìm chế phát ngôn khi thấy gương mặt anh đầy tâm trạng. Tôi nhìn dài theo bờ sông trong màn mưa, lẩn quẩn ở những đám bần, những giề lục bình, những bờ bến xao xác lá rơi là ký ức tuổi thơ, là những hoài niệm ngồn ngộn trên sông, trong đó có những chuyến đò dọc, đò ngang nổi trôi cùng thời cuộc.

*     *     *

Lịch sử hình thành và phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến chuyển theo thời gian với đủ những thăng trầm của từng giai đoạn nó đi qua, nhưng, đặc thù của vùng đầm lầy cồn bãi ngập nước này là chằng chịt những con sông lớn nhỏ thì vẫn không thay đổi. Trong đó, sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh sông chính chi phối mạnh mẽ sự phát triển miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, miền Tây còn có những con kênh đào phát triển trong vòng hơn một thế kỷ nay, mục đích chính là phát triển nông nghiệp và giao thông đường thuỷ. Với chín nhánh sông thuộc hệ thống sông Mê Kông và hàng chục ngàn kí lô mét sông rạch lớn nhỏ như vậy, đò dọc miền Tây bao đời nay gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân châu thổ. Tôi hình dung, ban đầu chắc cũng chỉ là những con đò chèo để chở người dân có nhu cầu từ vùng này qua vùng khác khi các con đường nội vùng chưa được mở mang. Xã hội dần phát triển, nhu cầu giao lưu hàng hoá, nhu cầu di chuyển nhiều hơn, thì việc chuyển đổi từ đò chèo sang đò máy là cần thiết. Từ đó, trên sông hình thành một cái nghề chuyên nghiệp: đò dọc.

Chiếc đò của anh Phương chạy hết con kênh Chợ Lách, ra tới sông Cổ Chiên thì mưa cũng vừa tạnh. Gió Nam lồng lộng. Sông mênh mông và cảm giác nao nao buồn khi tôi nghĩ  về phận sông và phận đò. Anh Phương để hai chân trên vô – lăng giữ cho chiếc đò di chuyển đúng hướng rồi ngả người ra sau ghế ngồi vuơn vai, thở dài:

– Kiếm sống được không hả? Được! Thời hưng thịnh của nghề chạy đò, ngày bỏ chi phí tui sắm một hai chỉ vàng là thường. Giờ dao động từ năm trăm tới một triệu, tuỳ hàng hoá ít hay nhiều.

Tôi ngạc nhiên:

– Đò trống trơ vầy sao có thu nhập “khủng” như vậy?

Anh Phương cười, nụ cười phóng khoáng và có chút nghệ sĩ:

– Bận đi thì coi như “cho không biếu không”, khi về mới có tiền. Chở hàng hoá. Qui trình nó như vầy, nói cho anh dễ hiểu: Sáng, tui gom toa* của các bạn hàng ở chợ và những tiệm tạp hoá dọc tuyến đò tôi chạy qua; tổng hợp toa hàng từ các cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng phân thuốc trừ sâu, các cơ sở cửa nhôm cửa sắt có nhu cầu vận chuyển bằng đò, rồi chạy đò không lên Vĩnh Long. Lên đó, giao toa cho các đại lý, xong, họ cho nhân viên vận chuyển hàng hoá xuống đò, đúng giờ, đò rời bến, tui chỉ việc ghé đúng địa chỉ giao hàng. Còn tiền bạc họ tự thanh toán với nhau qua chuyển khoản hay cách nào đó là chuyện của họ. Tui thì tính đầu toa mà ăn tiền. Thí dụ, một thùng mì gói tôi lấy hai ngàn, rẻ rề, vận chuyển bằng xe họ ăn mắc hơn.

Tôi bắt đầu dần hiểu ra vì sao đò không có khách nào mà nó vẫn tồn tại. Hàng hoá vận chuyển bằng đò thì nó thuận lợi nhiều điều: Số lượng nhiều hơn, an toàn hơn và nhất là giá cả rẻ hơn. Xưa, nhà tôi có một tiệm tạp hoá nhỏ, một tuần mẹ tôi đi bổ hàng** một lần. Trước nhà tôi là phụ lưu của sông Cổ Chiên, con sông này chảy qua ba xã cuối cùng của huyện Chợ Lách rồi nhập vào sông Cổ Chiên để tiếp tục cuộc hành trình phiêu bạt của nó. Sông không lớn, lưu lượng nhỏ, thuận lợi cho việc di chuyển bằng ghe xuồng để giao lưu buôn bán hàng hoá giữa dân miệt vườn và thị trấn Chợ Lách. Trên tuyến sông này sau năm một chín bảy lăm có con đò máy của ông Năm Xà Bông. Đò ngày nào cũng đông khách, phần nhiều là người dân hái trái cây vườn nhà, đem ra chợ bán, rồi mua những thực phẩm cần thiết về dự trữ để ăn trong một thời gian nhất định. Đò chạy rất đúng giờ. Bốn giờ xuất phát từ chợ Phú Phụng chạy dọc theo con sông nhỏ, nơi nào bên bờ sông có ánh đuốc lá dừa huơ lên huơ xuống thì đó là tín hiệu khách đón đò. Có những khách là chủ tiệm tạp hoá như mẹ tôi thì không cần huơ đuốc thì chủ đò vẫn biết mà ghé đón khách vì thời gian đi bổ hàng được mặc định hàng tuần.

Tôi thỉnh thoảng cũng được mẹ cho theo đi chợ. Nhà chỉ cách chợ huyện chừng bốn cây số, nhưng mỗi lần được đi chợ, tôi gần như mất ngủ vì nôn nao. Trẻ con vùng quê thời xưa đói đủ thứ, đói chữ, đói văn hoá, đói vật chất…, cho nên, được tiếp cận sự “văn minh”, dù là văn minh miệt vườn vẫn thấy sướng rơn trong người. Có khi xuống đò, tôi vùi vào lòng mẹ ngủ một giấc ngon lành vì gió sông mát rượi, vì tiếng đò máy đều đều, ấm áp. Ra chợ, thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng hấp dẫn, nhất là các xề bánh đủ loại. Rồi vải vóc, quần áo, giày dép, đồ chơi… cứ ặp vào mắt. Thế giới cổ tích trong các quyển sách tôi đọc bày ra trước mắt, tươi nguyên và vi diệu. Vui và rộn ràng nhất vẫn là những chuyến đò Tết. Ngày đò chạy ba bốn chuyến vẫn chở không hết khách. Xưa, người nông dân dành dụm cả năm trời mới đi chợ sắm Tết. Những chuyến đò về khẳm đừ nào hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, mai vàng, dưa hấu… Rồi những tiếng cười đùa của trẻ con khi thấy ba mẹ đi chợ Tết về, âm thanh cuộc sống sôi động từ đầu trên tới xóm dưới.

Đò anh Phương ghé vào cồn Phú Đa để nhận toa từ một tiệm tạp hoá. Đầu mùa lũ, nước từ thượng nguồn sông Cổ Chiên cuồn cuộn đổ về. Sông ngầu đục phù sa. Lục bình tản mác trôi trên sông sau một cơn giông đêm, tơi tả. Anh Phương hướng mắt qua đất liền, nói giọng đầy luyến tiếc:

– Hơn mười năm trước thôi, giờ này là đò đầy nhốc khách, rộn ràng như chợ, ai ngờ giờ nó đìu hiu như vầy…

Và anh kể: Nhà anh có truyền thống làm nghề chạy đò. Trước năm một chín bảy lăm, ông nội anh từng là chủ đò chạy tuyến Cà Mau – Sài Gòn. Đò còn có nhiều “nhiệm vụ” khác ngoài chở khách, như chở thương binh chẳng hạn. Ông nội anh từng chở thương binh từ vùng chiến sự ra vùng giải phóng theo yêu cầu của cách mạng. Và rồi, cũng vì chiến tranh đã “đập bể” nồi cơm gia đình anh khi bom pháo đã bắn nát chiếc đò của nội anh trong một trận chiến ác liệt. Kế sinh nhai không còn, gia đình ly tán, cha anh chạy qua Trà Ôn, Vĩnh Long lập nghiệp. Sau một  thời gian dành dụm, tích luỹ, cha của anh Phương tiếp tục chọn nghề đò dọc để phát triển kinh tế. Qua Chợ Lách mua lại một chiếc đò tuyến Chợ Lách – Vĩnh Long, cha anh giao lại cho các con nối nghiệp truyền thống gia đình. Và rồi, cái nghiệp sống trên sông vận vào người anh từ đó đến nay. Vui buồn trên đò, trên sông thì vô cùng phong phú, kể một ngày một đêm chưa hết chuyện, anh Phương nói trong hoài niệm.

Đầu những năm hai ngàn, khi đường xá, xe cộ chưa được phát triển mạnh mẽ, vận chuyển đường thuỷ vẫn là lựa chọn hàng đầu của những người dân miệt vườn. Chỉ Chợ Lách thôi đã có sáu chiếc đò chạy các tuyến đi về như Chợ Lách – Sài Gòn; Chợ Lách – Cái Bè; Chợ Lách – Mỹ Tho; Chợ Lách – Vĩnh Long. Riêng tuyến Chợ Lách – Vĩnh Long có tới hai tài***, tài nhất là đò Hoà Hiệp 1, đi từ Bang Tra, Cái Mơn xuất bến lúc bốn giờ sáng (còn đò Hoà Hiệp 2 cũng xuất phát từ Bang Tra nhưng không ghé bến Chợ Lách), tài nhì là đò Tân Hoàng Long của anh Phương xuất phát tại bến đò Chợ Lách lúc sáu giờ. Dù mỗi ngày hai chuyến đò tới cùng một địa điểm nhưng đò lúc nào cũng dư khách, có khi khách phải ngồi trên mui đò vì trong khoang đò đã chật ních. Còn hàng hoá thì khỏi nói, lúc nào cũng đầy ắp. Chuối, dừa, sầu riêng, măng cụt, cóc, ổi… được vô bao, vô cần xé chất đầy trên mui đò. Hầu hết là trái cây vườn nhà, bà con đem lên chợ Vĩnh Long ngồi bán lẻ, được giá hơn bán cho trung gian là những bạn hàng chuyên nghiệp. Có những sự tủn mủn nhưng thật thương, như dì Năm ở Sơn Định, nhà không có đất vườn, nhưng chuyến đò nào cũng có mặt dì. Dì đi xin lá chuối, lá lùng, lá môn, rau má, càng cua… của hàng xóm mỗi thứ một ít rồi lên chợ ngồi bán. Lúc này bọc ni – long chưa được sử dụng đại trà, nên những lá cây như đã kể ở trên còn rất hữu ích cho việc gói ghém hàng hoá thông dụng.  Buổi chợ có khi chỉ được vài ngàn (trong thời điểm đầu những năm hai ngàn), nhưng đó là kế sinh nhai, đó là miếng cơm cho một gia đình năm miệng ăn. Những trường hợp như vậy, anh Phương  không hề ăn tiền đò mà còn “khuyến mãi” thêm lúc là miếng bánh bò, bánh tiêu, lúc là miếng bánh da lợn hoặc ly cà phê đá.

Nhắc tới cà phê đá là nhắc đến những dịch vụ “ăn theo” trên đò. Hiểu rằng những khách hàng trên đò phần đông là chuẩn bị rất sớm để đón đò, chưa kịp ăn uống lót bụng, nên có một đội ngũ phục vụ thức ăn, thức uống bám theo đò mưu sinh. Cà phê đá, hột vịt lộn, bánh tiêu bánh bò… kẻ xề người thúng rộn ràng chen chút buôn bán trên đò. Mấy dì mấy chị bạn hàng xuống đò rảnh rang, lên mui đò kiếm chỗ trống tụm năm tụm ba ngồi đánh tiến lên ăn hột vịt lộn, bánh tiêu hay cà phê đá. Tiếng cười đùa, tiếng giỡn cợt, rôm rả, xôm tụ, âm thanh cuộc sống vang rộn một khúc sông. Cùng với đội ngủ bán dạo trên đò là những người chuyên lãnh toa hàng của các tiệm tạp hoá khu vực thị trấn đi giao các đại lý ở Vĩnh Long. Cách làm trung gian để hưởng đầu toa này  không kiếm được nhiều tiền nhưng nhàn rỗi và thu nhập ổn định. Khu vực Chợ Lách có dì Hai Liên và dì Năm Hương làm cái nghề trung gian này “chuyên nghiệp” hơn bốn mươi năm, cho đến khi đò dọc hết khách, và các dì đã lớn tuổi. Dì Năm Hương giờ đã mất, Dì Hai Liên thì lúc nhớ lúc quên. Dì cười móm mém khi tôi nhắc lại giai đoạn làm “cò” trên đò: Hời ơi, hồi đó vui lắm con, đò đông nghẹt, tao vừa đi giao toa cho đại lý, vừa đem theo ít kẹo bánh, dầu gió… bán trên đò kiếm thêm chút đỉnh. Giờ nằm nhà buồn lắm, cứ nhớ những chuyến đò xuôi ngược trên sông, vui buồn có đủ. Buồn hả? Nhiều chuyện lắm, như thời bao cấp, dân đi buôn gạo lậu trên đò, bị các trạm chặn lại “hốt” hết dù chỉ có năm mười lít. Những người buôn gạo lậu bị tịch thu, mặt héo queo, buồn như cha chết. Rồi hồi chiến tranh ở “trển” (ý nói chiến tranh biên giới Tây nam), thỉnh thoảng nhìn dưới sông trôi lểnh nghểnh những cái xác người không đầu, đau xót lắm mầy à, dù họ là ai, ta hay giặc!. Còn nhiều lắm, nhớ không hết đâu, như những cái chết đột tử, những ca đẻ rớt rồi chết trên đò do không được cấp cứu kịp thời…

Tôi hướng mắt nhìn hai bên bờ sông Cổ Chiên, hàng bần xanh rì chạy thụt lùi qua chúng tôi theo chuyển động biểu kiến. Gió Nam vẫn quần quật trên sông. Sóng nhỏ nhưng đầy đe doạ. Anh Phương trầm ngâm với những suy nghĩ của riêng mình. Còn tôi, ký ức về sông và đò thì ngồn ngộn với rất nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là những chuyến đò buồn đưa tiễn. Xưa, đò ngoài chức năng chở khách còn có khi làm thêm “nhiệm vụ” đưa rước dâu cho các đám cưới khi có yêu cầu. Nàng ở cồn Phú Đa, tôi và nàng quen nhau qua sự giới thiệu của một người thân. Nội nàng nói: Con cưới con T. đi, nội lo hết, năm công mận trên cồn nội cho vợ chồng con làm của hồi môn. Lúc đó tôi mới hai mươi hai tuổi, nàng mười chín. thời điểm đó, với tôi, khái niệm về hôn nhân thật mơ hồ mặc dù tôi rất thích nàng, thích mái tóc dài đen mượt kẹp gọn ghẽ sau lưng đong đưa mỗi khi nàng di chuyển. Tôi lần lựa mãi vì những hoài bão lớn nơi đô thành hoa lệ. Rồi nàng bị gã đi do những hủ tục lạc hậu, rằng có con gái lớn trong nhà như… Tôi từ Sài Gòn về đưa dâu nàng, nhìn chiếc đò chở khách thân thiện ngày nào, giờ tôi muốn nguyền rủa nó, nhưng tất cả đã muộn màng. Tôi đưa nàng về nhà chồng vào một buổi sáng mưa sụt sùi. Sông buồn, đò buồn và hàng bần ven sông như cũng rũ rượi theo hành trình đưa tiễn.

Ngoài chức năng “phụ” đưa rước dâu cho những đám cưới trong vùng, đò dọc còn cải thiện thu nhập bằng những chuyến chở khách ngoài tuyến chính như chở bà con vùng sâu ra trung tâm thị trấn coi cải lưởng mỗi khi có đoàn hát ở Sài Gòn về, chẳng hạn. Những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, văn hoá văn nghệ ở nông thôn thiếu thốn nghiêm trọng, nhất là những loại hình sân khấu như cải lương, kịch nói. Phim màn ảnh rộng có về tới xã, nhưng hầu hết là phim Liên Xô, Tiệp Khắc, bắn giết nhau ì đùng trong phim, người già và trẻ con ít quan tâm. Còn ti vi thì một tuần mới có một tuồng cải lương, người dân nông thôn coi không đã thèm. Thế nên, mỗi khi có gánh hát về thị trấn, người dân hồ hởi đi coi như hội. Những bà, những dì chuẩn bị rất sớm, nào trầu cau, đuốc là dừa mang theo cho bận về… Nắm bắt được nhu cầu di chuyển này, những chuyến đò chiều có mặt rước khách từ năm giờ chiều ở vài vị trí cố định dọc phụ lưu sông Cổ Chiên. Ba bốn giờ chiều là lục đục chuẩn bị, người lớn tuổi kỹ lưỡng, luôn đem theo món ăn dặm như xôi, trái cây… Trẻ con thì hào hứng vui vẻ vì thế nào cũng được mặc đồ đẹp. Đám thanh niên thì hẹn hò với người yêu, chứ đi coi cải lương chỉ là cái cớ. Chiều những ngày ấy thật rộn ràng, thật sôi động sau những tất bậc lo toan mùa màng. Và những chuyến đò chiều như vậy luôn ám ảnh tôi, ăn sâu vào ký ức tôi, nó cho tôi nhớ lại những cơn đói, không chỉ là những cơn đói sinh học, mà là những cơn đói “tinh thần”, những cơn đói văn hoá văn nghệ trong giai đoạn bao cấp lạc hậu một thời.

*     *     *

Trong số những khách hàng “ruột” từng theo đò anh Phương buôn bán nhỏ lẻ ở chợ Vĩnh Long có dì Ba Thử ở xã Hoà Nghĩa. Suốt mấy chục năm bám theo đò dọc để mưu sinh, dì mua trái cây ở vườn như mận, ổi, cam, quít… mỗi thứ một ít đem lên chợ Vĩnh Long ngồi bán lẻ. Khi tích luỹ được số vốn kha khá, dì đầu tư cho những chuyến hàng qui mô hơn, không bán lẻ nữa mà giao hẳn cho chủ vựa trái cây. Và bây giờ, dì Ba Thử không còn là một bạn hàng nhỏ với cuộc mưu sinh nhỏ trên đò, mà có cả một vựa trái cây lớn ở xã Hoà Nghĩa, Chợ Lách với số vốn tính bằng con số tiền tỉ. Ngồi với dì bên quán cà phê cạnh vựa trái cây bề thế của mình, dì tâm sự: Nhớ lại những ngày mưa nắng theo đò cơ cực mà thương quá chú ơi. Mới đầu xuống đò kiếm sống, tui chỉ có một xề nhỏ nào ớt hiểm, sả, gừng, riềng…  và  mấy tụm chanh, chuối. Hầu hết là đi xin trong vườn hàng xóm, hoặc mua rẻ rề, người ta thấy mình nghèo nên thương, không kì kèo giá cả. Rồi chủ đò hiểu hoàn cảnh, có khi lấy tiền đò, có khi không, hoặc chỉ lấy nửa giá tiền. Thời bao cấp, kiếm miếng ăn nhét vào miệng, trần thân! Cứ vậy, ngày qua ngày, dành dụm mỗi bữa một chút, tăng dần số lượng và chủng loại trái cây, và trở thành một bạn hàng chuyên nghiệp.

Đò đã đến phà Đình Khao trong cái nắng hanh hao của những ngày chớm thu sau cơn mưa sớm. Đò vẫn chỉ một khách và một chủ, vắng teo. Trong ngữ cảnh này, bất giác làm tôi nhớ tới Đông, bạn học tôi giờ đang định cư ở Mỹ! Học hết lớp bảy, gia đình nghèo quá, lại đông con nên Đông quyết định nghỉ học để phụ giúp ba mẹ. Hàng ngày, Đông quảy thùng cà rem đi bán khắp nơi trong địa bàn huyện Chợ Lách, có khi đến cả những địa phương lân cận để bán. Rồi một ngày đột ngột Đông mất tích, gia đình tá hoả đi tìm, nhưng Đông vẫn bặt vô âm tín. Một ngày rồi nhiều ngày, một tháng rồi nhiều tháng trôi qua, gia đình Đông chờ đợi mòn mỏi trong vô vọng, và nguyên nhân sự mất tích của Đông vẫn là một điều vô cùng khó hiểu. Sau đó, có nhiều chi tiết đáng nghi vấn liên quan tới sự biến mất đột ngột của Đông. Như, cùng với ngày Đông mất tích thì chiếc đò khách lớn nhất miền Tây thường ghé Chợ Lách rước khách cũng… bặt tăm, mà Đông thì hay xuống đò có giang đi một đoạn từ địa phương này qua địa phương khác để  bán cà rem. Cho đến khi gia đình nhận được thông tin của Đông từ nước ngoài, xâu chuỗi lại những chi tiết thì nó thế này: Một chiếc đò dọc tổ chức vượt biên, hoàn toàn bí mật. Những người tổ chức chuyến đi vẫn để đò hoạt động bình thường, tránh tai mắt của các cơ quan chức năng. Họ chuẩn bị chu đáo từ đầu nhớt, lương thực, nước uống để phục vụ chuyến đi dài ngày. Rồi tới ngày đã định, đò vẫn xuất bến bình thường, vẫn đón khách theo những bến cố định.  Cho nên, ngoài những người tham gia tổ chức chuyến đi, ai “xui xẻo” xuống đò ngày hôm đó thì “bị” chở đi luôn, để bí mật của chuyến đi được bảo đảm tuyệt đối. Đông nằm trong số những người “không may” đó. Sau này, khi đã trở thành việt kiều, về thăm quê, Đông kể lại chuyện vượt biên bất đắt dĩ của mình vừa bùi ngùi, vừa hóm hĩnh:

– Khóc hết nước mắt mầy ơi. Mọi khi có giang đi một đoạn thì đò ghé bến nào đó cho lên, còn lần đó đò cứ chạy miết, chạy miết. ban đầu còn thấy sông quen quen, rồi lạ dần, rồi ra sông lớn hơn… Tao linh cảm có điều gì đó bất thường, nhưng hỏi ai cũng chỉ là những cái lắc đầu im lặng nặng nề. Sự lo sợ trong tao lớn dần và tao bắt đầu khóc. Hình như có vài người lại gần an ủi, động viên, nhưng đầu ốc tao lúc đó vô cùng hoảng loạn. Và, tao trở thành việt kiều một cách… kỳ cục như vậy. May mắn hay bất hạnh trong đời người có khi xảy ra trong một thời gian rất ngắn, và, những “nạn nhân” như tao trên chuyến đò định mệnh đó giờ không biết họ giàu nghèo, sống chết ra sao?

*     *     *

Đoạn sông Cổ Chiên còn lại để đến bến đò Vĩnh Long nhiều sóng và gió. Anh Phương vừa lái đò vừa trả lời “phỏng vấn” của tôi, thỉnh thoảng pha trò bằng nụ cười cởi mở và thân thiện. Có nhiều lúc anh chợt sựng lại giữa câu chuyện, đôi mắt xa xăm, thẳm buồn. Chắc những lúc đó anh đang hoài niệm, mà hoài niệm buồn thì thể hiện trên gương mặt rõ nhất. Tôi hỏi, một câu hơi thiếu tế nhị, rằng, có khi nào anh nghĩ đến chuyện bỏ đò lên bờ làm việc khác không, và cũng đồng nghĩa là những chuyến đò dọc miền Tây sẽ dần dần bị khai tử? Anh buồn bã lắc đầu: Nó đã trở thành cái nghiệp rồi, sống chết với đò đã ba đời nhà tui, thằng con tui mới học lớp năm, hỏi nó sau này làm gì, nó nói… chạy đò! Đò dọc bây giờ không giàu có như trước, nhưng kiếm ăn được, kiếm ăn lương thiện, không xô bồ giành giựt như trên bờ, tôi thương sự chậm rải muôn đời của sông nước đò giang.

Đầu mùa nước rong, sông ngầu đục phù sa, những giề lục bình sau một cơn giông đêm tản mác trôi dật dờ qua con đò vắng khách. Qui luật phát triển của xã hội hiện đại không dành cho sự chậm chạp. Quốc lộ, đường cao tốc, đường giao thông nội vùng từ tỉnh, huyện đến xã, ấp dày đặc, phóng lên xe cái rẹt là tới nơi. Ai lại đi ngồi “nhấm nháp” sự trì trệ, rề rà của một con đò? Riêng tôi, tôi luôn yêu miền Tây qua những chuyến đò dọc. Và, thương lắm những dì Hai Liên, dì Năm Hương, dì Ba Thủ ngày ngày bám theo đò bươn chải mưu sinh. Để rồi, tôi bần thần nhớ về chuyến đò đưa tiễn nàng về Bang Tra, chuyến đò buồn da diết.

Nhận được một cuộc điện thoại có công chuyện gấp, đò cặp bến Vĩnh Long, tôi định gởi anh Phương chút thù lao cho chuyến đi, anh phủi tay từ chối với nụ cười đôn hậu. Tôi cảm ơn và tạm biệt anh. Trên chiếc xe buýt từ Vĩnh Long về Chợ Lách, tôi cứ rai rứt mãi, nếu không có cuộc điện thoại thúc giục của gia đình, tôi sẽ lại cùng anh quay về trên chuyến đò đầy ắp hàng hoá nhưng thiếu hơi người, biết đâu sẽ còn được nghe anh kể rất nhiều điều thú vị trên đò. Và rồi, tôi biết, trưa nay anh vẫn phải trở về một mình trên chuyến đò dọc buồn hiu.

ĐÀO NGỌC VINH/VAN.VN