(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày 21/5 Tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã kết án cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến 4 năm tù vì tội thiếu trách nhiệm trong việc quản lý đất quốc phòng.
Ông Nguyễn Văn Hiến – Nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, Thứ trưởng BQP
Cụ thể, ông đã không kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị liên quan dẫn đến việc bị đối tác đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển nhượng cho bên thứ ba. Hành vi của ông Hiến cùng các bị cáo khiến cho Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng. Tòa còn cho rằng việc làm của ông gây ảnh hưởng đến hình ảnh cán bộ cao cấp trong quân đội, nên cần bị cách ly một thời gian khỏi xã hội.
Tuy nhiên Tòa cũng nhận định, ông Hiến có nhân thân tốt, gương mẫu, có nhiều cống hiến trong công tác chiến đấu và bảo vệ biển đảo nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Theo tôi, có thể nói rằng, đây là một bản án khá nhẹ so với những thiệt hại về kinh tế, gây thất thoát gần cả ngàn tỷ cho ngân sách nhà nước và quyền lợi của Quân chủng Hải Quân. Tuy nhiên, cũng là một bản án khá nặng đối với 1 sỹ quan cấp cao chỉ biết việc “quân tướng”, việc phòng thủ chiến trường chứ không hiểu gì về kinh tế, mà ở nơi đó có nhiều cạm bẫy giăng ra từ những tập đoàn lợi ích nhóm, từ những cán bộ thuộc quyền biến chất, khiến ông rơi vào “ma trận” từ khi nào không hay biết.
Hình ảnh quân đội bị xấu đi từ vụ án này, nhưng không phải do một mình ông Hiến. Diễn biến của vụ án cho thấy bộ máy tham mưu của ông đã bị các nhóm lợi ích lũng đoạn, để cho những con sâu tham nhũng chui vào dùng thủ đoạn và mánh khóe chuyển đổi loại hình, biến đổi từ đất quốc phòng sang đất kinh doanh nhằm trục lợi.
Có thể nói ông Hiến đã đặt bút ký vào những văn bản, những quyết định liên quan đến kinh tế, đất đai mà không hiểu biết gì về kinh tế, không hề có chút chuyên môn nào trong công tác quản lý đất đai. Ông đã quá tin tưởng vào bộ máy tham mưu của mình mà không hề hay biết một bộ phận sĩ quan tha hóa đã cấu kết với nhóm lợi ích đưa ông vào bẫy. Từ đó, tôi cho rằng ông chính là một “nạn nhân” trong vụ án này. Nếu không, làm sao ông có thể nhận một bản án nhẹ nhàng so với số tiền thất thoát gần ngàn tỷ?
Từ vụ án này, theo tôi nhà nước không nên để cho các đơn vị quân đội, các sĩ quan và tướng lĩnh làm kinh tế, đặc biệt là kinh tế đất đai. Nếu tiếp tục, trong tương lai, đất đai của quân đội sẽ dần lọt vào tay của những đầu nậu quyền lực và lũng đoạn. Chúng ta không xem ông Hiến như là một thành tích của “công cuộc đốt lò”, mà ông chính là nạn nhân đáng thương của các tập đoàn tham nhũng bị đẩy vào vòng lao lý.
Phùng Hiệu