Đỗ Kim Cuông & Ngọn đèn phía chân trời

919

12.3.2018-11:30

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

 

Ngọn đèn phía chân trời

 

ĐỖ KIM CUÔNG

 

NVTPHCM- Từ cầu Hiền sĩ (Phong Điền, Huế) ngược theo dòng sông Bồ về phía Tây chừng 20km, ngày nay vẫn còn dấu tích một địa đạo, có ba cửa xuyên trong lòng núi dài hàng trăm mét. Địa đạo có đủ các loại hầm chỉ huy, điện đài, hầm ngủ, phòng họp giao bạn… với nhưng căn hầm kèo kiên cố.

 

Trên mặt đất, trước cửa hầm còn có cả hệ thống giao thông hào chằng chịt. Địa đạo đủ sức chịu được bom pháo. Những người lính cũ của KX thuộc Công trường V quen gọi là Địa đạo 310. Gần kề đấy là điểm cao 360, xa hơn là Hòn Vượn. Ở đấy bộ đội đặt đài quan sát, đặt pháo ĐKB đủ sức khống chế Cố đô Huế. Đây chính là căn cứ tiền phương của Bộ chỉ huy chiến dịch đánh về Huế trong Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Để đào địa đạo này, một tiểu đoàn công binh của Quân khu dòng dã mấy tháng trời bí mật. Địa đạo giấu kín dưới tán cây rừng cổ thụ, giăng mây chằng chịt. Dọc theo bãi cát sông Bồ, quanh các con suối Lươn, khe Trái, nước trong xanh, vào mỗi buổi sáng vẫn gặp dấu chân nai, chân cọp, chân gấu ban đêm xuống uống nước. Nhiều năm ròng vùng địa đạo ven sông Bồ là căn cứ của KX (K là biệt danh chỉ cấp tiểu đoàn, Công trường là tên gọi trung đoàn). Ở chiến trường Trị Thiên Huế nhắc đến KX, K “tư”, KV đặc công, K439 ai cũng biết là quân của ông Thân Trọng Một, của ông Chi, ông Khánh “lửa” có truyền thống đánh giặc từ thời chống Pháp.

 

Còn những người dân Huế coi bộ đội K “tư” KX như con em ruột thịt của mình. Nửa thế kỉ trôi qua, những người già cả và những người lính cũ KX vẫn không quên những ngày xuân rực lửa. Chỉ một đêm bộ đội chủ lực, địa phương, cán bộ du kích, biệt động từ căn cứ trên Xanh kéo về đã làm chủ thành phố, các làng xã. Cờ giải phóng bay trên đỉnh Ngọ Môn, trong các đình làng. Bộ đội Công trường V phối hợp cùng chủ lực QK, bộ đội Công trường 6, công trường 4 giải phóng 6 huyện Phong Quảng, Hương Thuỷ, Hương Trà, Phú vang, Phú lộc và đánh thẳng vào thành phố chốt giữ Cố đô Huế suốt 26 ngày đêm.

 

Không thể nhớ hết những trận đánh chiếm làng, giữ từng góc phố, phá lao Thừa phủ giải phóng hàng trăm cán bộ chiến sỹ cách mạch bị địch bắt, tù đày. Hàng trăm những trận đánh chống càn của bộ đội công trường V diễn ra quyết liệt ở Dưỡng Mông, vùng cát Phú Vang, Quảng Điền. Mười cô gái sông Hương cùng bộ đội chặn Mỹ ở quán cơm Âm phủ. Bom Mỹ ném vào Thành Nội, các khu nhà dân. Còn đây câu hát “cầu Tràng Tiền sáu nhịp mười hai vai” đã phải phá sập một nhịp để chặn quân Mỹ phản kích… Đại đội 4 của KX tham gia bắn cháy tầu địch trên sông Hương.

 

Sau lần tấn công về Huế đợt 2, tháng 5.1968, chiến trường Trị Thiên Huế bước vào thời kỳ căm go ác liệt. Quân số các đơn vị thiếu hụt. Bộ đội K “tư”, KX, K439 hi sinh, thiếu đói, sốt rét. Sư đoàn Kị binh bay số một của Mỹ càn lên miền tây, phá kho binh trạm,chiếm cứ Dốc Chè, ném bom Dốc Mèo, xây dựng Côcava thành cứ điểm phòng thủ mạnh. Đồng bằng giáp ranh sư đoàn một Nguỵ giăng dày chặn bộ đội du kích về làng. Quân Mỹ và quân Nguỵ xây dựng Hòn Vượn, Chóp Nón, Am cây Sen, động Ông Do… thành cứ điểm phòng thủ án ngữ phía Tây che chở cho Huế. Đêm đêm bộ đội du kích vẫn vươt qua chốt chặn của địch về làng xây dựng cơ sở, mua gạo, đậu phộng cứu đói. Một lần tổ trinh sát của tôi có nhiệm vụ vượt đường 12 để chuyển thư và xin gạo về cứu đói. Tới Khe Môn trời sắp tối. Chúng tôi dừng lại nhóm bếp nấu ăn, chờ đêm có trăng lên mới vượt đường. Củi ướt chưa bén, đang lúi húi quạt khói sợ máy bay OV10 của địch bay quần thảo kiểm soát đường 12 phát hiện, tôi thật bất ngờ từ một con đường mòn xuất hiện một toán 5-7 người. Đi đầu là một tổ trinh sát đều đeo AK bán gấp. Phía sau có mấy người lưng đeo gùi bạt, đeo súng K54, K59. Hẳn họ là lãnh đạo cấp “côi”. Nhìn thấy khói bếp, một người đàn ông cao to hoảng hốt la. “- Tụi bay muốn giết cả đám hử?” Ông già cầm cây ba tong xông vào quất chúng tôi túi bụi và hất đổ hai lon gạo cháo đang nấu trên bếp. Người đàn ông ấy cúi xuống nhìn đám cơm gạo vương vãi trên mặt đất nhận ra đấy chỉ là một ít đám gạo sấy của lính nguỵ vất lại trên bãi chúng tôi lượm được trên đường đi nấu lẫn với vài cọng rau tai voi, tẩu bay và vài con cá xanh chúng tôi chém được ở khe suối. Người đàn ông già hỏi: “- Tụi bay quân đơn vị mô?” Tôi sợ hãi trả lời: “- Thưa thủ trưởng, chúng em là lính KX, nhận lệnh của ông Bậu, ông Duy sang trung đoàn đưa thư và xin gạo. Đói quá thủ trưởng ạ. Đã 3 tháng nay chúng em toàn phải bám địch ở động tranh để kiếm đồ hộp Mỹ…”

 

Ông già ấy vừa nhìn những hạt cơm vương vãi trên nền đất rồi nhìn chúng tôi và khóc mà nói. “- Để lính nói như ri là lỗi của qua, của qua, các em ạ!” Rồi ông ta nhìn người đàn ông cũng cao tuổi đứng phía sau. “- Ta có lỗi với Đảng, anh Hoàn ạ!” Về sau tôi mới biết người đàn ông gia cao to có gương mặt sẹo ấy chính là trung đoàn trưởng Thân Trọng Một. Còn người đàn ông cao tuổi thứ hai là nhạc sỹ Trần Hoàn, ở chiến trường ông có biệt danh là Hồ Thuận An, cán bộ tuyên huấn của tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Ông lưng cũng đeo một chiếc gùi bạt, kèm theo cây đàn ghita. Họ đi họp ở trên quân khu về bất ngờ gặp đám lính đói của KX. Ông Một sai cậu công vụ chia sớt cho chúng tôi 5 lon gạo để nấu cơm chiều…

 

Có lần đại đội của tôi về ấp La chữ diêt ác trừ gian, phát động quần chúng… Bộ đội và du kích cán bộ huyện xã về tới con hói Bồn Trì bị vấp phục kích. 21 cán bộ, bộ đội, du kích, biệt động hi sinh. Tôi vẫn không quên hình ảnh Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Ngọc Ngạn đứng trước những người lính vừa hi sinh và những người còn sống sau đêm về ấp không thành, ông Ngạn khóc và nói rằng. “Mất mát này thật là to lớn nhưng chúng ta không thể gục ngã. Dù có mỗi người lính KX có phải thành vượn, thành duộc cũng phải bám giáp ranh để về với dân, về giải phóng Huế. Máu của anh em ta đổ ra hôm nay sẽ tô thắm lá cờ trên thành Huế ngày mai”. Ông Hoàng Ngọc Ngạn ngày nay còn sống đã ngoài tuổi 80, về hưu sống ở xã Ngọc Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

               

Suốt 9 năm gắn bó với chiến trường Trị Thiên Huế, hàng trăm lần đi bám địch, gùi gạo, đào hầm, chuyển hậu cứ, giữ chốt đối đầu với đám lính Nguỵ phòng tuyến Phong Sơn, điểm cao 140, bờ Nam sông Ô Lâu,… tôi gặp nhiều dấu tích của thời kì Mậu Thân 1968. Những chiếc nồi bị đâm thủng, những chiếc bếp Hoàng Cầm, căn hầm chữ A sụt lở. Những nấm mộ không bia bảng ghi tên người liệt sỹ; cũng có khi là mảnh xương khô. Tôi buồn da diết và nghĩ về những bài học chiến tranh, về nhân dân nhiều khi không có trong bài giảng sách vở. Đại đội, tiểu đoàn của tôi hết lớp tân binh Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà rồi đến Hà Tĩnh, Hà Nội, Vĩnh Phú… lớp lớp những người lính ngã xuống trên vành đai Bắc Huế. Người về địa phương làm bí thư, chủ tich xã, làm anh lính biệt động bám dân giữ đất. Ngày tiểu đoàn được quân khu cho tái lập cả đơn vị còn lại chưa tới ba chục tay súng. Một số bị thương lui về tuyến sau,”còn phần đông đã ngã xuống trên các cánh đồng Hương Thái, Hương Thạnh, Hương Mai, Hương Vân, La chữ, Phú Ổ, Văn Xá. Họ nằm trong các lớp đất mầu mỡ  giấu kín dưới tán cây rừng, không để lại dấu tích bia mộ. Ở đấy cứ mỗi độ thu sang trên những vùng đồi trọc hoa lau nở trắng một vùng (trích tiểu thuyết Phòng tuyến sông Bồ – ĐKC)

 

Trong những đêm về làng đánh địch, bám dân trời mưa lạnh, giữa đêm tối mịt mù, chỉ có hương đông nam hửng sáng. Những người lính chúng tôi biết rằng nơi ấy là kinh thành Huế, có ngọn đèn đỏ nhấp nháy suốt đêm thâu, giúp chúng tôi định hướng đường mỗi khi về núi. Ngọn đèn nhấp nháy như thể thúc gọi chúng tôi ngày về giải phóng Huế.

       

Anh Hoàng Ngọc Ngạn, vị chính trị viên tiểu đoàn của tôi đã đúng. Trong cuộc chiến đấu giành độc lâp dân tộc, thống nhất Tổ quốc, máu của những người lính, người dân đổ ra trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy vào đêm mùa Xuân 1968 tạo động lực cho chúng tôi đánh về Huế trong chiến dịch Xuân Hè 1973, giành đất cắm cờ, buộc người Mỹ về nước, mở đường cho ngày giải phóng Huế (26.3) và toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

               

Năm 2011, tôi và nhà thơ Võ Quê tháp tùng ông Kevin Bowen – một nhà văn cựu chiến binh Mỹ đi đò dọc sông Hương, nghe hát “Nam ai nam bình”. Lúc đến chân chùa Thiên Mụ, hiển hiện trước mắt tôi là những dãy núi xanh thăm thẳm, xa mờ. Tôi bảo với ông nhà văn Mỹ. “Tôi và anh Võ Quê, thời 18, thời đôi mươi đã sống nhiều năm trong những dãy núi ấy. Chúng tôi là lính giải phóng!”. Ông Kevin Bowen nhìn tôi và ngạc nhiên, nói bằng tiếng Anh, đại ý: “Tôi cũng từng là lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam vào những năm 1968”. Tôi nói thêm: “Những nhà thơ ở Huế như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Nguyễn Quang Hà… Chúng tôi đều là lính trên rừng về. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có lần tổng kết. “Trong số gần 1000 nhà văn trên đất nước này, có ngót 1/3 đã từng mặc áo lính”. Ông nhà văn Mỹ chợt hỏi tôi: “Giá như ngày ấy ta gặp nhau trên rừng, đụng độ thì sao nhỉ?”. Tôi bảo ông ta. “Hoặc là tôi chết, hoặc là ông chết. Và, nếu điều ấy xẩy ra, thế gian này sẽ thêm một bà mẹ Mỹ, hoặc một bà mẹ Việt đau đớn khóc nhớ con vào mỗi dịp Tết đến, xuân về”. Ông Bowen ngồi lặng đi một lát rồi mới nói. “Hoà bình là vô giá. Cuộc gặp mặt của những nhà văn cựu chiến binh như chúng ta hôm nay thực có ý nghĩa.”

 

“Vâng! Đúng vậy.” Tôi cười và nghĩ. Nhưng đâu phải mọi dân tộc và quốc gia đâu đã hết nạn binh đao và chết chóc khi vẫn còn những kẻ nuôi tham vọng và âm mưu hiểm ác gieo rắc chiến tranh, đem đến cái chết, cái đói cho nhân loại.

               

Mặt sông Hương chợt sáng lên trong ánh nắng chiều tà. Hình như cả trăm năm nay, câu “mái nhì, mái đẩy khoan nhặt” của người dân xứ Huế vẫn vậy. Sâu lắng và da diết lòng người.

 

 

 >> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…