Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng – Kỳ 2

734

19.8.2016-19:00

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

 

>> Thư viện Đỗ Kim Cuông

>> Trang trại hoa hồng – Kỳ 1

 

TRANG TRẠI HOA HỒNG

(Kỳ 2)

 

TIỂU THUYẾT CỦA ĐỖ KIM CUÔNG

 

4

NVTPHCM- Năm tôi 14 tuổi, tốt nghiệp phổ thông cơ sở đạt điểm ưu.

 

Cha tôi cùng với mấy người làm công cắt hoa hồng, đóng vô thùng, nhìn thấy tôi cầm tấm bằng không giấu được vẻ vui mừng.

 

Ông cười, khen: “- Khá lắm! Hè năm nay cha sẽ thưởng”.

 

– “Thưởng chi cha?” – Tôi hỏi.

– “Bí mật!”. – Cha tôi cười.

 

Buổi tối cha tôi lặng lẽ lên phòng thờ, cầm theo tấm bằng tốt nghiệp của tôi, thắp hương khấn vái. Như thể ông báo cáo với mẹ tôi rằng: Tôi là một đứa con ngoan, trò giỏi, đã làm được điều hứa với mẹ tôi trước vong linh của người. Sau này tôi cũng nhiễm thói quen ấy của cha tôi. Trong cuộc sống có điều gì phiền muộn, công việc làm ăn không được như ý, thậm chí trong lòng không vui, tôi lại tới bàn thờ thắp nhang, lòng thấy thanh thản. Những lúc ấy tôi lại nhìn ảnh mẹ, ảnh cha, ảnh bà nội. Tôi ngồi trò chuyện tâm sự như thể cha mẹ tôi đang ngồi trước bàn trà nghe tôi kể lể.

 

Cha tôi quê xứ Bắc. Mẹ tôi ở Huế. Tôi sinh ra ở Nha Trang. Cho đến khi đã trở thành một thiếu nữ bước sang tuổi dậy thì, tôi vẫn chưa bước chân ra khỏi vùng Đầm Vịt. Nghe cha tôi hứa cho về thăm quê, tôi háo hức chờ đợi từng đêm.

 

Chuyến xe đò khởi hành từ Bảo Lộc lúc trời còn mờ tối. Quá trưa, cha con tôi đã có mặt ở Sài Gòn. Ý niệm về một thành phố lớn nhất phía Nam, đến bây giờ vẫn hằn sâu trong ký ức của tôi là những con đường người xe đi lại đông đúc chen lấn như một đàn kiến. Xe đạp, xe máy, xe ba gác, xe đò như một dòng thác người đổ về trung tâm thành phố… Ga Sài Gòn hôi hám và nhếch nhác. Cha dắt tôi vào một quán cà phê bên đường vừa đặt túi xách, ngồi chưa ấm chỗ đã có hai ba người tới gạ.

 

“- Bác mua vé đi Đà Nẵng, Huế hay Hà Nội?” – Cô phe vé gạ thêm: “- Giường nằm, ghế ngồi, cháu có cả. Bác mà chờ mua vé nhà nước thì chẳng có đâu!”.

 

Cha tôi hỏi: “- Vé đi Hà Nội mắc hơn bao nhiêu?”.

“- Dạ ba chục…”.

 

Cha tôi đồng ý mua vé ngoài để có thể lên tàu ngay chiều hôm đó. Hai mươi phút sau người đàn bà bán vé mang ra cho cha tôi một cặp vé giường nằm. Tàu Thống Nhất ba. Về đến Hà Nội đi trọn ba ngày ba đêm.

 

Chuyến tàu xuyên Việt của những năm “tám mươi” vật vã, nặng nề bởi hàng hóa gạo cơm. Miền Bắc thiếu gạo, thiếu thực phẩm và vật dụng thông thường. Trên các toa tàu, giấu kín dưới các băng ghế, trên khoang để hành lí chất đầy các bao gạo, bao xoài, dừa, cá khô, mắm ruốc… Những con tàu chạy ngược vào Nam ngồi lẫn với người là những bao bột mỳ, áo quần, chăn mền Con Công, vải hoa, đèn pin, bật lửa…của các bà đi buôn đánh hàng lậu từ biên giới Việt Trung, ngày ấy hai “nhà” vẫn còn đang đóng cửa. Nhờ mua được vé chợ đen, cha con tôi có được hai khoang giường nằm ở tầng hai và tầng ba. Tôi nằm ở khoang giữa, thỏa sức ngắm cảnh vật suốt dọc đường. Còn cha tôi hầu như ngủ. Ông nằm bẹp trên khoang thượng áp mái. Chỉ khi nào cần đi vệ sinh, hút thuốc, uống cà phê ông mới xuống. Lần đầu được đi tàu hỏa tôi háo hức. Những tên ga tàu tôi đã thuộc lòng trong cuốn lịch sổ tay như Sóng Thần, Mường Mán, Tháp Chàm, Nha Trang, Đại Lãnh…Những địa danh nghe vừa lạ vừa quen luôn gợi trong tôi những suy tưởng kỳ thú về một vùng đất mới. Bây giờ những vùng đất ấy đang lần lượt trôi qua trong mắt tôi. Con tàu trôi trong đêm. Ngọn đèn pha sáng quắc xé tan bóng tối như trôi về cõi vô định. Ga tàu nào cũng hao hao giống nhau. Người lên tàu, người xuống tàu ồn ã huyên náo. Khi tàu dừng, hàng trăm người bán hàng rong từ trong những vùng tối lao ra chìa trước mặt khách đồ ăn thức uống chào mời. Lâu lâu một tiếng la ré lên: “Kẻ cắp!”. “- Tôi bị nó móc mất bóp rồi…”.

 

Tôi không bận tâm nhiều tới những chuyện vụn vặt mắt thấy tai nghe. Tâm trí tôi mải dõi theo những cảnh sắc, những khung trời mới cứ lần lượt mở ra theo từng cung đường. Con tàu qua Đèo Cả, Vũng Rô vào khuya. Trăng rằm vằng vặc soi rõ những ghềnh đá, sóng đánh tung bọt trắng xóa. Tàu qua Hải Vân, Lăng Cô giữa buổi bình minh. Mặt trời đỏ như một quả cầu lửa trồi lên ngoài biển. Tàu về tới ga Vinh. Cuộc mua bán giữa người trên tàu và người dưới sân ga hỗn loạn. Những bao gạo, khoai sắn, sọt xoài, cá khô như có cánh bay vọt qua cửa sổ. Chỉ một loáng, những món hàng hóa quý giá ấy đã biến mất vào trong các ngóc ngách nằm dọc theo con đường sắt dẫn vào ga. Ở khoang tầng 1 là nơi ở và chứa hàng hóa của vợ chồng anh chị nhà gíáo, đâu như dạy ở Trường Cao đẳng sư phạm N. Tôi nghe rõ giọng cô giáo co kéo về giá cả với mấy người buôn ở ga Vinh. Chỉ đến khi con tàu hú còi rời ga tôi mới cảm thấy không khí đỡ ngột ngạt, xô bồ. Nằm ở tầng trên, tôi nghe rõ tiếng của cô giáo khoe với chồng: “Này ông, cả gạo, cả xoài với mấy buồng cau lãi hơn hai trăm. Thích không!”. Ông chồng, một thầy giáo dạy môn triết, chính trị gầm gừ trong cổ họng: “Buôn với chả bán… Hay hớm gì mà cô khoe cho cả làng nghe…”. Giọng chị vợ rin rít: “Á… à… Gần gấp đôi lương của ông đấy nhé…!”. Nghe người lớn cãi nhau, tôi muốn cười. Lại sợ. Đi đường, cha tôi đã dặn: “Thiên hạ nói chi, họ cãi vã, đánh chửi nhau, con mặc họ, nghe con. Mình là con nít, chả biết đâu chuyện người lớn”.

 

Vài lần, tôi xuống giường đi ra ngoài cửa sổ. Thấy tôi hơi gầy, xanh xao, cô giáo tỏ vẻ ái ngại và bắt chuyện. Tôi trả lới cầm chừng, chiếu lệ. Bữa ăn của thầy cô giáo chẳng khá hơn cha con tôi. Cơm nắm, muối vừng, thêm khoanh giò nạc.

 

Con tàu về càng gần đến đích, hàng hóa càng nhẹ bớt. Qua các ga Vinh, Thanh Hóa, Nam Định, người đi tàu cũng xuống vãn. Đến ga Quán Hành, cha tôi bảo: “Ngày trước, cha đi bộ đội, tàu vào đến đây rồi dừng. Cha và các chú bộ đội phải đi bộ từ đây để vô Nam”. Tôi nghe, biết vậy chứ không hỏi thêm. Nét mặt cha tôi ưu tư, nghĩ ngợi. Tàu về đến ga Hà Nội vào lúc ba giờ chiều. Cha tôi thuê phòng trọ có chỗ cho tôi nghỉ ngơi, tắm giặt sau mấy ngày đi đường vất vả, bẩn thỉu.

 

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, chỉ đến khi nghe tiếng mở khóa tôi mới chợt tỉnh. Cha tôi về, đi theo ông là một thanh niên còn trẻ. Trông qua cách ăn mặc tôi đoán anh ta là bộ đội. Chỉ nghe cha tôi nói với người thanh niên: “- Cháu cầm tạm ít tiền đi mua xăng. Gần năm giờ cháu đến đây đón chúng tôi”.

Anh thanh niên cầm tiền đút vào túi áo, lén nhìn trộm tôi. Gương mặt anh chàng còn trẻ nhưng rắn rỏi, chín chắn. Da ngăm đen, đầu húi cua. Ánh mắt của anh ta liếc nhìn tôi như thể anh ta vẫn xem tôi là một đứa con nít.

 

Tôi hỏi cha: “- Lát nữa đi đâu cha?”. Cha tôi thu dọn đồ đạc cho vào chiếc ba lô, bảo: “- Về quê thăm mộ ông nội. Cha mua sẵn mấy ổ bánh mỳ lát nữa con mang theo để ăn dọc đường. Bây giờ cha đưa con đi ăn phở”.

 

Sau này, khi đã trưởng thành, tôi đi Nam về Bắc, sang cả Paris, Tokyo, Bắc Kinh, Thượng Hải, nhiều lần qua Thái Lan… Mỗi khi chán các bữa ăn Tây Tàu, thèm cơm Việt Nam, món đầu tiên tôi nghĩ đến là phở.

 

Đã hàng trăm nghìn lần ăn phở nhưng tôi luôn ám ảnh bởi ý nghĩ, bát phở cha tôi cho ăn vào cái buổi chiều đông lần đầu tiên ra Hà Nội có lẽ là tô phở ngon nhất, không đâu có cả. Có thể tôi cực đoan, cố chấp, bảo thủ nữa. Không sao! Tôi luôn tin vậy. Cha con tôi ngồi ăn phở ngay trên chiếc ghế băng sát vỉa hè, cạnh một con hẻm dài sâu hun hút. Cách chỗ tôi ngồi chưa đầy hai mét là đường cống thoát nước chảy ra từ những ngôi nhà chạy dọc theo dãy phố. Nước từ trong các nhà chảy ra đổ vào cống chính thành dòng nước đen đặc, lẫn với nước là các cọng rau muống, hạt cơm, hạt gạo, đầu mẩu xương. Thỉnh thoảng từ trong miệng lỗ đen ngòm, một chú chuột cống thò ra, cạp lấy mẩu xương thừa rồi lại chui tọt vào hang. Khách ngồi ăn phở quanh đấy hầu như không ai để ý đến những con chuột và người ngồi ăn cạnh mình là ai. Mọi con mắt đổ dồn vào nồi nước phở đang sôi sùng sục, phía dưới là một bếp than cháy đỏ rực, mùi phở tỏa thơm ngào ngạt. Mỗi bát phở chỉ có ít sợi bánh mềm và mỏng, dăm lát thịt bò, chút cọng hành, hạt tiêu sao mà thơm ngon đến vậy. Có thể là tôi đói. Và lần đầu tiên tôi được ăn phở Bắc, trời lại hơi heo heo rét… Cái ngon và hương vị đặc biệt của tô phở vỉa hè thấm vào tận da thịt và kí ức của tôi đến tận bây giờ.

 

Cùng ăn với cha con tôi còn có những bác xích lô, xe thồ, một vài anh công chức mặc áo bốn túi cắp cặp ngồi trên những chiếc ghế gỗ, ghế nhựa xì xụp ăn phở. Nhiều năm sau, có dịp ra Hà Nội lo công chuyện, rảnh rỗi tôi đi tha thẩn khắp các ngả đường, trở lại ga Hà Nội, sục sạo trong các con phố, tôi có ý tìm người đàn ông với gánh hàng phở ở vỉa hè năm nào nhưng không bao giờ gặp lại.

 

Đúng giờ hẹn, anh thanh niên lái xe đến nhà trọ bằng chiếc xe Commăng-ca cũ kĩ. Chúng tôi nhanh chóng lên đường. Cha tôi ngồi cạnh anh lái xe chỉ đường. Tôi ngồi ở băng ghế sau rộng rãi.

 

Cha tôi bảo: “- Khi nào mệt con nằm xuống ghế mà ngủ”. Đường đi vừa xa lại xóc. Tôi ngủ sao nổi! Xe ra khỏi thành phố trời đã nhập nhoạng tối. Một vài hàng quán đã lên đèn. Con đường lộ xuôi về phía Nam hun hút gió, băng qua làng mạc, đồng ruộng. Những ngôi nhà ngói, nhà lá, nhà rạ nằm lẩn khuất giữa những bụi tre, cây rơm đang chìm dần trong ánh hoàng hôn cuối ngày.

 

Tôi mê đọc văn của Thạch Lam, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao từ nhỏ. Sau này đọc thêm truyện của các ông Nhật Tuấn, Duyên Anh, Vũ Bằng, Tô Hoài, Nguyên Hồng để hiểu thêm về xứ Bắc, quê nội. Nhưng trong buổi chiều u ám, lạnh lẽo này, tôi càng thấm thía khi được tận mắt nhìn những làng quê, con người nơi cha tôi sinh ra. Một đoạn đường dài chiếc xe như trôi đi trong màn sương khói từ các thôn xóm bên đường loang ra phủ mờ cảnh vật, phảng phất mùi ngô, khoai nướng. Câu chuyện của cha tôi và người lái xe càng lúc càng rôm rả, khiến tôi càng chú ý, xua tôi ra khỏi cảm giác buồn tẻ, cô đơn. Những câu đối thoại của hai người lúc to lúc nhỏ.

 

“ – Cậu đi lính được mấy năm rồi?”.

“- Dạ một năm ba tháng chú! Chú ở miền Nam sống ở tỉnh nào?”.

 

“-Lâm Đồng”.

“- Chú làm nghề gì?”.

“- Làm ruộng! Cậu là con thứ mấy trong nhà?”.

 

“- Dạ thứ hai. Thầy cháu hi sinh. Mẹ cháu đi lấy chồng, cháu còn có thêm hai người em nữa… Nghe nói trong Nam làm ăn dễ phải không chú?”.

 

“-Cũng tàm tạm… Ở đâu chăm chỉ làm ăn cũng sống được. Cậu học tới lớp mấy rồi? Sao lại đi bộ đội?”.

 

“- Dạ cháu học hết cấp ba. Gia đình cháu nghèo, cháu xin đi bộ đội. Từ ngày giải phóng đến nay chú về quê mấy lần rồi?”.

 

“- Đây là lần đầu…”.

 

Giọng cha tôi hơi nhỏ lại – “Lần này tôi đưa con gái về thăm quê nội!”. Anh lái xe nhìn tôi qua chiếc gương chiếu hậu. Tôi tránh ánh mắt của anh ta.

 

– Chắc cô bé lần đầu về quê vui lắm”.

 

Anh lái xe cười. Tôi im lặng, cảm thấy tưng tức khi anh ta gọi tôi bằng “cô bé”. Làm như không để ý đến câu chuyện của họ, tôi ngó lơ ra ngoài con đường đang chìm vào bóng tối.

 

Tôi thức giấc lúc chiếc xe đã dừng lại. Ai đó đã đắp lên người tôi tấm áo bông dầy, phảng phất mùi xăng nhớt. Qua tấm kính xe tôi thấy cha tôi và người lái xe đang ngồi uống nước, hút thuốc ở một quán ven đường. Những chiếc xe tải, xe khách, xe con xếp hàng dài đang chờ xuống phà. Những người bán hàng rong bê những mẹt táo, ổi, củ ấu chào mời khách trong quầng sáng của những ngọn đèn điện đỏ quạch hắt ra từ các quán ven đường. Chiếc xe comăngca quân đội được ưu tiên. Khi đã yên vị trên phà tôi mới hỏi: “- Đây là đâu hả cha?”. “- Phà Tân Đệ con ạ. Sông Hồng đấy! Đi một lúc nữa là tới nhà ta”.

 

Suốt chặng đường về làng, cha tôi và người lái xe không nói chuyện nữa. Gương mặt cha tôi thỉnh thoảng lại hiện lên khi có một chiếc xe chạy ngược chiều hắt đèn pha vào mặt. Ông trầm tư nghĩ ngợi. Nhiều năm sau nghĩ về cha, nhớ lại chuyến thăm quê lần đầu, tôi vẫn không sao cắt nghĩa lí giải nổi tâm trạng của cha tôi đêm ấy. Ông đã nghĩ gì sau gần hai mươi năm xa quê! Không hẳn ông vui. Cũng không thấy ông biểu lộ tâm trạng háo hức hồi hộp của một đứa con biền biệt lâu ngày. Có lúc hình như cha tôi khóc. Không thành tiếng. Dòng nước mắt lăn dài trên gò má, gặp luồng sáng của đèn pha ôtô rọi chiếu ánh lên như một sợi bạc rồi vụt tắt. Trong lúc ấy, người lái xe chăm chú quan sát phía trước, tránh ổ gà và người đi bộ, đi xe đạp sát bên vệ đường. Họ cũng lặng lẽ, âm thầm như những cái bóng di động. Chiếc xe con rầm rì lao đi trên con đường rải đá. Ánh đèn pha ô tô như bị nuốt gọn trong khoảng tối của hai hàng cây xà cừ cổ thụ.

 

Có lúc chiếc xe băng qua một ngôi làng nào đó. Đêm chưa khuya nhưng trong các ngôi nhà đều im ắng. Một vài nhà le lói ánh đèn dầu. Bầy chó nghe tiếng máy xe gầm gừ thi nhau sủa. Đi mãi nhưng cha tôi không chỉ cho người lái xe lối rẽ vào làng. Đến một cây đa cổ thụ có ngôi chùa nhỏ giữa cánh đồng ông mới bảo anh ta dừng lại.

 

“- Nếu cháu vội phải về Hà Nội thì đưa chúng tôi đến đây là được. Còn nếu không ráng chờ chúng tôi có chút việc, khoảng hơn một giờ đồng hồ rồi ta cùng về”. Cha tôi bảo người lái xe như vậy.

 

Tôi vừa mệt lại vừa buồn ngủ. Niềm háo hức được về quê thăm nhà nội đã tan biến từ lúc nào. Đứng giữa đồng không mông quạnh, lạnh lẽo hoang vắng, nỗi ám ảnh sợ ma, sợ bị cướp giật lởn vởn trong đầu óc tôi.

 

Cha tôi như thể không nghĩ tới điều đó. Ông khoác ba lô và dắt tôi trong tay làm cho tôi cảm thấy yên tâm.

 

“- Cha con ta ra mộ thắp cho ông nội nén nhang”.

 

Ánh trăng hạ tuần bị che phủ bởi bầu trời đầy mây. Tôi nhận ra khu nghĩa địa rộng mênh mông nằm giữa cánh đồng. Ở phía xa, sau bụi tre có ngôi nhà nhỏ leo lét ánh đèn dầu. Sau này tôi mới biết đấy là ngôi nhà của người trông coi nghĩa trang. Cha đưa tôi đi trên con đường đất nhỏ luồn lách giữa các ngôi mộ đất. Thỉnh thoảng có một vài ngôi mộ xây gạch. Như thể đã biết rõ mộ ông nội nằm ở đâu, cha tôi nhắm thẳng tới một bụi cây đen ở giữa khu mộ. Đấy là một khóm dứa dại mọc trên một gò đất cao, cành lá rậm rạp, phiến lá có nhiều gai sắc nhọn. Cha tôi đặt chiếc ba lô xuống một vạt cỏ, ông chậm rãi mở ra lấy mấy phong bánh, nắm nhang, giấy vàng mã cùng với một cái đèn pin chỉ nhỏ bằng ngón tay. Một luồng ánh sáng to bằng đầu đũa phát ra từ cây đèn pin, ông lia nhanh qua một vài ngôi mộ nằm quanh bụi dứa dại. Ông bảo nhỏ tôi:

 

“- Con đọc trên bia đá có tấm nào ghi tên cụ Bùi Văn Đê là mộ ông nội nhà ta”.

 

Khi đọc tới ngôi mộ thứ tư tôi đã nhìn thấy tấm bia ghi tên ông nội. Tấm bia đá chỉ vỏn vẹn có mấy chữ: ‘Cụ Bùi Văn Đê. Làng Lôi, thôn Đông Xá. Mất ngày tháng Bảy năm Nhâm Mão”. Cha tôi soi đèn pin đọc lại một lần nữa. Ông cẩn trọng đặt lên ngôi mộ mấy phong bánh và châm hương. Tôi quỳ xuống bên cạnh ông. Trong giây phút tĩnh lặng giữa đêm khuya tôi đã nghe cha tôi khấn ông nội:

 

“Thầy ơi! Con là đứa con bất hiếu. Được thầy mẹ cho ăn học rồi ra trận đánh giặc. Ai ngờ cuộc đời con gặp bao gian truân, những tưởng chỉ một mình con gánh chịu nỗi oan khuất tủi cực nào ngờ con lại giáng họa cho thầy mẹ để thầy chết oan uổng như thế này… Con có chết cũng không rửa hết nỗi nhục của thầy… Thầy ơi!”.

 

Giọng cha tôi lạc đi. Nghe ông tạ tội với ông nội, tôi chỉ muốn khóc. Tôi mơ hồ hiểu rằng trong quan hệ gia đình nhà tôi, giữa cha tôi và ông nội có uẩn khúc gì đó…nhưng chưa bao giờ tôi thấy cha mẹ tôi kể cho tôi nghe…Cũng như lúc này, khi cha con tôi vượt qua quãng đường cả ngàn cây số, nằm tàu suốt mấy ngày trời, cha đưa tôi về quê chỉ làm mỗi một việc là đưa tôi ra thắp hương ở mộ ông nội giữa đêm đông lạnh giá.

 

Cũng đêm ấy, giữa bãi tha ma của làng Lôi, tôi đã gặp phải một phen kinh hãi. Nỗi sợ hãi ấy e sẽ đeo đẳng tôi đến suốt đời. Vào lúc cha tôi đốt tàn nắm giấy tiền, vàng mã, bất ngờ từ sau bụi duối già, một bóng người hiện ra. Tôi không rõ mặt hắn. Hắn chụp trên đầu chiếc mũ vải nhàu nát như của anh hàng phở, tấm áo dạ khoác ngoài màu xám, dài đến đầu gối. Cha tôi chưa nhìn thấy người lạ, ông vẫn còn đang châm lại mấy cây hương chưa cháy hết. Người đàn ông lạ mặt đã quỳ sụp xuống sau lưng cha tôi và lạy:

 

“- Thưa ông, ông có phải là anh Đệ không?”.

Cha tôi giật mình quay lại ngơ ngác nhìn người lạ. Người lạ mặt nói tiếp:

 “- Em là thằng Ca ở trung đội 2, đại đội 3, lính KX đây”.

 

Cha tôi đứng lên. Tôi nắm chặt tay cha. Người đàn ông ngẩng mặt lên nhìn cha tôi rồi nói:

 

“- Chỉ vì lầm lỡ của em khiến gia đình cụ Đê tan cửa nát nhà… Giời có mắt ông ạ… Bao năm mới gặp lại ông ở làng này. Vong hồn cụ Đê có linh thiêng chứng giám cho tội lỗi của em… Ông giời đã quả báo…Con vợ em vì nghe lời em lên xã tố điêu mà rồi bị sét đánh chết ở ngoài Cống Vàng. Thằng con trai em đi theo mấy người lên rừng buôn gỗ về ngã nước rồi cũng chết…Còn lại thân em giời đất đày đọa để chịu kiếp nạn này”.

 

Kẻ lạ mặt nói một thôi một hồi kể lể câu chuyện bi thảm về gia đình hắn. Có lẽ cha tôi cũng chẳng hiểu sự thể câu chuyện ra sao. Lúc hắn ôm mặt khóc rưng rức, cha tôi chĩa cây đèn pin vào mặt hắn rồi hỏi:

 

“- Anh là ai? Tôi không biết! Chắc anh cũng chẳng biết tôi là ai, giữa đêm hôm khuya khoắt này ra đây kể chuyện vợ con anh!”.

 

Người lạ mặt quỳ sụp xuống dưới đất, tế sống cha tôi, nói như van lơn:

 

“- Em là thằng Ca ở xóm Chung, cùng làng với ông. Ông không nhận ra em thật sao? Em là lính cùng đơn vị với ông ở đại đội 3 đây… Em có tội… có tội. Ông cứ giết em đi”.

 

Gương mặt cha tôi đờ đẫn nhìn người đàn ông lạ mặt. Tôi lờ mờ đoán hiểu hình như cha tôi cũng đã biết hắn là ai. Ông không nói gì, bỏ mặc hắn nằm úp sấp trên mặt cỏ ướt đẫm sương. Đi vài bước, chợt cha tôi quay lại, hỏi:

 

“- Anh nói là lính trung đội 2, cùng đại đội với anh Đệ, nhưng ở chiến trường nào mới được chứ?”.

 

“- Dạ, chiến trường Trị Thiên Huế, thưa ông”. Hắn nói hổn hển.

“- Sao anh biết anh Đệ, người làng Lôi?”.

 “- Dạ thưa, anh Đệ là đại đội phó của đại đội em, người đồng hương với em”.

 

Cha tôi lại hỏi:

“- Bây giờ anh làm gì ở đây?”.

 

Người đàn ông lạ mặt đã có vẻ tĩnh tâm, trả lời:

 “- Vợ con em chết, cảnh nhà túng đói, các cụ trong làng cho em ra đây trông coi mồ mả!”.

 

Cha tôi lặng lẽ lấy thuốc hút và chìa ra trước mặt người đàn ông bao thuốc. Hắn giơ bàn tay ra nhón lấy một điếu nhưng không hút mà lại gài lên vành tai.

 

“- Tôi ở xa về nhân tiện ghé qua đây thăm mộ, thắp hương cho cụ thân sinh ra anh Đệ, người làng Lôi. Anh Đệ bộ đội cùng đơn vị với anh ngày trước, chết lâu rồi”. Cha tôi bảo người đàn ông lạ mặt.

 

Dưới ánh trăng mờ ảo, tôi nhìn rõ cha tôi rút ra từ trong túi áo khoác chiếc ví, ông dúi vào tay kẻ lạ mặt một xấp tiền.

 

Tám năm sau, tôi đã là một kỹ sư ra trường về lại trại Đầm Vịt, mở công ty riêng. Nhiều lần tôi về lại làng Lôi để khảo sát mua hàng mây tre ở vùng này, xuất khẩu sang thị trường Đông Âu. Nhân lúc rảnh rỗi, tôi hỏi thăm người làng mới hay, người có tên là Ca, trông coi nghĩa địa của làng cũng đã chết. Phần việc trông coi mồ mả đã được giao cho một người khác. Gia đình nhà Ca chỉ còn sót lại một người con gái hơn tôi vài tuổi, “hơi dở người”, vẫn chưa có chồng, sống nghèo khó, chuyên đi cấy thuê, cuốc cỏ, đan lát thuê cho cả làng. Tôi đã tìm gặp người con riêng của lão Ca, chính là cô Thoa bây giờ. Ngày trở về Nam, tôi đã dắt theo Thoa. Mười mấy năm nay, cô Thoa đã trở thành một phần trong gia đình nhỏ bé của tôi, chăm lo việc cơm nước, cai quản việc nhà.

 

Những lúc rảnh rỗi, tôi hay tẩn mẩn giở từng cuốn sổ của cha tôi để lại. Tình cờ tôi được đọc những dòng này của ông ghi câu chuyện hai cha con ngày về làng Lôi.

 

“Gần hai mươi năm mới trở về quê. Dòng sông Hồng và bến phà T.Đ còn đó. Chỉ muốn khóc. Sợ cậu lái xe và con gái cười. Lòng đau quặn thắt. Cả đời, Hương Giang ao ước một lần về Hà Nội, về thăm quê vậy mà không được…Có người lính nào như ta, về lại cố hương trong cảnh trớ trêu này…Ca nào đây ta? Nhớ ra rồi. Thằng Ca làm lính giữ B40 của trung đội cậu Toan B2. Nó đã gặp ta ở Ninh Hòa vào cái ngày cuối tháng 3 năm 1975.Chỉ một câu nói của mi mà làm ông khổ…Khốn nạn thân thằng Ca sao bây giờ đổ đốn ra nông nỗi này!”.

 

Đoạn viết ấy, cha tôi ghi ở tập sách thứ năm theo cách đánh số thứ tự của ông. Kẻ mang tên là Ca ấy, tôi còn được đọc một vài lần nữa trong tập ghi chép của cha tôi. Thời điểm ấy, cha tôi bị đưa đi trại cải tạo ở Ngân Điền. Bà nội tôi ngày còn sống thi thoảng cũng một đôi lần kể chuyện làng quê với mẹ tôi có nhắc đến người tên là Ca. Đã bao năm, tôi vẫn không quên câu chửi của bà. “- Tiên nhân bố nó! Đồ bất nhân bất nghĩa làm đời con trai bà khổ! Ông giời quả báo con ạ”.

 

Về lão Ca đã có lần tôi hỏi chú Hoài. Nhắc đến tên lão, chú Hoài có biết nhưng xem ra chú không ưa lão Ca. Tôi gặng hỏi, chú Hoài chỉ nói:

 

“Chú ghét thằng cha ấy. Nó cùng nhập ngũ với chú, ở chung một tiểu đoàn huấn luyện vào Nam. Thằng Ca là lính giữ B40 của trung đội. Trong một lần nó cùng với anh trung đội phó đưa thương bệnh binh lên phẫu Nhô ở bờ Bắc sông Bồ. Chỉ vì vô trách nhiệm, sợ bị địch phục kích dọc đường, nó đã bỏ quên một người trong đơn vị, bị sốt rét, nằm lại dọc đường. Cho đến nay, cũng không rõ người lính ấy bị hổ vồ hay bị chết đâu đó trong rừng. Không ai biết. Người lính trẻ ấy là thằng bạn thân của chú, hai đứa cùng học một trường, cùng đi lính một ngày, vào Nam chiến đấu”.

 

Nghe chú Hoài nói vậy, tôi không dám hỏi thêm gì nữa về lão Ca.

 

Lúc cha con tôi trở lại, anh lính lái xe comăngca trẻ tuổi vẫn kiên nhẫn chờ ở dưới gốc cây đa già. Trời lạnh anh ta chui vào khu miếu nhỏ tránh rét. Trong lúc đứng dưới gốc đa, cha tôi đã huơ tay chỉ về phía làng, nói với tôi:

 

“- Con có nhìn thấy cái vạt nhà trăng trắng kia không? Đất nhà ta đấy, ông bà đã sinh ra cha ở đấy. Bây giờ hợp tác xã lấy làm trại chăn nuôi, làm sân phơi lúa”.

 

Tôi nghe và biết vậy. Không buồn cũng không vui. Chỉ thấy thương cha.

 

Gió bấc vẫn thổi ào ạt trên cánh đồng. Chúng tôi chui vào xe, lặng lẽ rời làng Lôi. Đã quá nửa đêm. Bầy chó ở trong làng nghe tiếng xe ô tô ngoài đường sủa vu vơ. Có con còn liều mạng đuổi theo xe ô tô một quãng rồi đứng sững lại giữa đường. Eo óc tiếng gà gáy… Một con trâu nhà ai sổng chuồng đứng tha thẩn gặm cỏ bên mương nước.

 

Tảng sáng, cha con tôi đã về tới Hà Nội. Người lái xe lặng lẽ chia tay cha tôi. Anh chàng xoa nhẹ lên đầu tôi. Chỉ nghe anh nói phải đi gấp vào một bệnh viện nào đó trong Hà Đông để đón thủ trưởng. Lúc chiếc xe mất hút trên đường đêm, tôi mới chợt nhận ra vẫn khoác trên mình chiếc áo bông của người lính. Chiếc áo dài tới gần đầu gối, hơi nặng nhưng ấm. Người lái xe tên Khang. “- Chú Khang!”. Tôi nhớ vậy.

 

>> Xem tiếp kỳ 3

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC