Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng – Kỳ 4

1012

24.8.2016-10:00

 Nhà văn Đỗ Kim Cuông

 

>> Thư viện Đỗ Kim Cuông

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 3

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 2

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 1

 

TRANG TRẠI HOA HỒNG

(Kỳ 4)

 

TIỂU THUYẾT CỦA ĐỖ KIM CUÔNG

 

II

BÀ MẸ LÀNG LÔI

 

1

NVTPHCM- Trong cuốn biên niên sử của huyện miền duyên hải, xã Đồng Tiến là một xã anh hùng. Danh hiệu anh hùng không chỉ vì có nhiều thành tích trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà dòng máu nghĩa liệt ấy còn là mạch nguồn của cả ngàn năm trước. Các cuốn sách cổ như Đại Việt sử kí toàn thư, hay như cuốn Việt sử lược, cố giáo sư họ Trần khi nghiên cứu về dải đất này luôn xem đây là một vùng đất cổ. Cổ là phải vì vài trăm năm trước, trong kí ức của người già làng Lôi, làng Muộn, làng Kẹo đời này truyền qua đời khác vẫn còn kể về câu chuyện của những người ngư dân sống dọc theo các triền sông Hồng, sông Luộc, vùng đầm bãi ven biển hàng năm vẫn bắt được thuồng luồng, cá sấu, rồng đất, rồng vàng, rắn xanh, rắn trắng… Vào mùa mưa lũ, nước trên nguồn đổ về, cây rừng to như một tòa nhà bị đánh bật gốc, kết bè, kéo mảng mang theo cả những con cọp, báo còn sống trên rừng. Những ông vua, chúa của rừng xanh bị lũ cuốn, đứng chình ình trên phần thân cây cành nổi lập lờ mặt nước, giương đôi mắt sáng quắc nhìn đám người làng chạy lụt đổ cả lên bờ đê tránh nước. Thú dữ nhưng những vị thần rừng không làm hại ai cả, chỉ thương bị lũ cuốn về xuôi, trôi ra biển. Còn chuyện cá ông, cá kình, cá mập bị bão tố ngoài khơi theo sóng biển đánh dạt vào nằm trên bờ cát như những trái núi. Theo lệnh của quan nha, các làng tổ chức tang lễ cho “đức Ông”, nhiều nơi lập miếu thờ. Chuyện khinh động cả một vùng.

 

Còn trai đinh các làng quanh vùng từng theo Bố Cái Đại Vương, Triệu Quang Phục, Trần Lãm, Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ chống giặc ngoại xâm thì đã đi vào sử sách. Hơn 700 năm trước vùng đất này còn là quê hương của vua tôi nhà Trần, mấy lần giặc Nguyên Mông sang cướp nước ta, nhiều lần người trong hoàng tộc cùng với vua cha về Sơn Nam lánh giặc. Người viết những dòng này, cứ mỗi lần về quê, nếu có dịp lại tìm về làng Gạo, cố hình dung ra những bãi sình lầy ven bờ con sông Hóa, mường tượng ra con đường hành quân của đức thánh Trần khi người mang quân đi diệt Ô Mã Nhi. Và tự huyễn hoặc mình những bờ đất, bãi lầy nơi con voi trận của Ngài gửi lại dưới lòng sông. Nơi ấy bây giờ bát ngát một màu xanh của dâu, ngô trải dài tới tận chân đê.

 

Thời chống Pháp, cánh trai làng của vùng này nổi tiếng về nghệ thuật đánh du kích. Ban ngày khi không có giặc, họ là những anh dân quê, gái làng vác cày, vác cuốc, dắt trâu, gánh mạ ra đồng tát nước, làm cỏ. Nhưng mỗi khi nghe tin lính Pháp từ bốt Bo, bốt Cao, Đống Năm về càn, họ biến hình thoắt ẩn, thoắt hiện như ma, len lỏi giữa những rặng tre ngà dụ địch vào những hầm chông tre, vạt nhọn. Đòn xóc, mã tấu, kiếm, dao găm vung lên, đầu Tây lìa khỏi cổ. Thời chống Mỹ, trung đội dân quân gái của xã đã từng được đài báo loan tin hạ máy bay F4 của Mỹ bổ nhào vào ném bom thị xã. Không rõ thực hư những viên đạn K44, CKC, trung liên cánh dân quân đặt súng ở mả Bà Tạ bên sông có bắn trúng máy bay phản lực Mỹ thật hay không, nhưng cả xã cả huyện làm cỗ mừng công vì nhận được thư của cấp trên khen. Phần thưởng là một con lợn nặng ngót tạ của phòng thương nghiệp huyện bán theo giá phân phối đem về khao cán bộ, dân quân du kích. Nhưng điều này là có thật. Đồng Tiến là một trong những xã của tỉnh có nhiều con em tham gia đi bộ đội vào Nam. Thương binh liệt sĩ đông nhất. Hợp tác xã Đồng Tiến cũng có lúc được nhận cờ thi đua xuất sắc trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, giỏi về nuôi bèo hoa dâu, làm phân xanh, năng suất lúa năm nào cũng đạt trên 5 tấn. Đấy là vào những năm “70” lúc phong trào “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, giải phóng miền Nam”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” đang dâng cao. Rồi từ đó phong trào thi đua, khí thế ở Đồng Tiến tự nhiên sút giảm hẳn. Có năm chi bộ thôn Lôi bị kỷ luật cảnh cáo. Đảng ủy xã bị khiển trách. Lý do không hoàn thành nhiệm vụ, làm thất thoát tài sản hợp tác xã. Đảng viên đánh nhau vì chia công điểm thiếu công bằng. Tuyển quân không đạt chỉ tiêu. Chủ nhiệm hợp tác xã ngủ với kế toán trưởng bị nhân dân tóm được. Vân vân và vân vân. Trong các cuộc họp của huyện, cái tên Đồng Tiến ít được nhắc đến. Hoặc nếu có được nêu gương, toàn rơi vào mục khuyết điểm, yếu kém. Hai kỳ đại hội, cả xã không ai trúng vào huyện ủy. Thế thì tệ quá!

 

Trong một vài kỳ họp Đảng bộ xã, thảng hoặc có một vài ý kiến, chủ yếu của các cụ lão thành, cựu chiến binh nêu ra câu hỏi chất vấn bí thư Đảng bộ về sự sút kém trong các phong trào thi đua của xã. Song dường như những ý kiến ấy ít được trả lời một cách đầy đủ, thuyết phục và bị lọt thỏm trong những cánh tay giơ lên biểu quyết những chỉ tiêu, con số. Nào là diện tích sản xuất vụ Đông, sản lượng lúa mùa, chỉ tiêu tuyển quân, xây làng văn hóa, cải tạo kênh mương, đường sá… Chuyện ấy cấp bách hơn nhiều ở một xã, một huyện vào thời kỳ đất nước vừa đi qua những cơn binh lửa ở miền biên giới Tây Nam và cả vùng biên giới phía Bắc. Nghị quyết quan trọng với một cấp ủy Đảng lúc này là phải lo cái ăn, cái mặc, lo cho sự học hành, công ăn việc làm cho con cái. Những câu chuyện cũ của làng Lôi chỉ còn nằm lại trong kí ức của vài người quanh bàn trà, điếu thuốc. Hoặc ở một vài người già, buổi trưa trời nóng không ngủ được, các cụ ra ngồi quanh gốc si già cạnh quán cắt tóc của cụ Sự, nói chuyện vãn.

 

Và theo cái lý của cụ Sự, phong trào thi đua của Đồng Tiến thụt lùi còn liên quan tới vụ cháy làng Lôi năm 1975, khiến cho 16 ngôi nhà tranh phát hỏa.

 

Trận cháy làng Lôi đến nay nhiều người cũng đã quên. Quên vì làng quê nay đã đổi khác. Đố ai tìm ra được những ngôi nhà tranh vách đất thấp bé lụp xụp mọc như nấm trong làng ngày trước. Cả làng bây giờ bói không còn nhà nào có đống rơm, chuồng trồ (nhà xí) thối um. Ở làng Lôi không còn hình ảnh những đứa trẻ, người già mỗi khi đi đại tiện ngồi chênh vênh trên những đoạn tre bắc cầu, bất kể mưa nắng. Con đường làng ngày trước sau cơn mưa lầy lội, nhoe nhoét vết chân người, chân trâu, cứt chó. Bây giờ đường làng bê tông hóa, vào tận cửa. Nhà nghèo nhất cũng đã xây gạch, lợp ngói. Nhà có tiềm lực kinh tế khá hơn nay đã có nhà xây 2 tầng, 3 tầng. Gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo đã có nhà tình nghĩa. Điện thắp sáng cả làng. Sáng cũng như đêm tiếng loa phóng thanh của xã, tiếng tivi chen lấn tiếng nhạc xập xình của vài quán karaoke, nghe đau cả đầu.

 

Về sự cố cháy làng Lôi, theo cụ Sự, làng ít nhất có ba vụ cháy lớn. Trận cháy thứ nhất xẩy ra vào những năm “50” khi giặc Pháp càn vào vùng tự do liên khu III. Để tiêu diệt cán bộ du kích, chúng đốt sạch các làng. Vụ cháy thứ thứ hai xảy ra vào năm 1967. Máy bay Mỹ vào ném bom Nam Định, Thái Bình, lúc bay ra biển qua làng Lôi chúng trút bom thừa, thiêu cháy quá nửa làng. Trận cháy thứ ba ở làng Lôi không do bom đạn địch nào gây ra cả. Nửa đêm, cả làng hoảng loạn vì cháy nhà. Một nhà cháy loang ra cả xóm, lan tới cả kho xăng của chính phủ. Kho xăng nổ to như bom, làm chết bốn người, trong đó có con trai của ông Bí thư huyện ủy đang ngồi đánh bài, uống bia mừng ngày giải phóng.

 

Cuốn sử biên niên của xã Đồng Tiến do mấy anh tuyên giáo của tỉnh về chấp bút, khi viết về làng Lôi không ai ghi lại chuyện ấy. Đám thanh niên trai tráng ở làng, mỗi khi nghe những người già ngồi nhắc chuyện cũ, có đứa tỏ ra khinh thị “Các cụ già sắp gần đất xa trời để làm nhi đồng ngoài nghĩa địa hay hoài vọng quá khứ”.

 

Đám cháy sau cùng của làng Lôi bắt đầu từ nhà ông Đệ. Đệ là gọi theo tên anh con trai đầu, tên thật của ông là Đê. Vợ là bà Mít. Đấy là kết luận của mấy anh công an huyện cùng với cán bộ xã sau khi điều tra hiện trường ghi trong tờ biên bản gửi lên cho cấp trên: “Lửa bén từ mái nhà tranh vách đất của ông bà Đệ, cháy lan sang đống rơm hợp tác xã, gặp gió, đống rơm bén lửa cháy sang đám cây ngô dựa quanh bờ rào, bén vào dây điện. Điện chập nổ, cháy sang nhà ông Kha, ông Hoạt, bà Bèo, nhà ông Dĩnh, ông Mẹo…rồi lan sang kho xăng. Trạm xăng nổ. Lửa bắn tung tóe, cháy thêm 9 ngôi nhà dân quanh xóm”. Đấy là những dòng được trích nguyên văn từ tờ giấy vở học trò được xé ra làm biên bản ghi lại vụ hỏa hoạn ở làng Lôi. Còn chuyện bốn người cán bộ “hi sinh” trong vụ hỏa hoạn, trong đó có anh con trai của đồng chí Bí thư huyện ủy chết oan được ghi vắn tắt: “Hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ”. Theo dân làng kể lại, người ghi biên bản không ghi chuyện họ sát phạt đỏ đen, đánh chén mà được thay bằng hình ảnh họ ngồi “trực cơ quan” và đang bàn luận tin tức thời sự miền Nam giải phóng. Thủ phạm gây ra vụ cháy nhà ở làng Lôi theo kết luận điều tra là do bà Mít “đánh đống dấm, lửa bén vào bức vách rồi bốc cháy”.

 

Sau đêm cháy nhà, dân quân du kích, công an, cán bộ xã chia nhau đi truy tìm thủ phạm suốt mấy ngày trời. Dò hỏi tin tức khắp nơi. Họ như muốn đào tung cả đất làng Lôi để đưa bằng được bà Mít về tống giam, nhưng chẳng ai nhìn thấy bà già ở đâu. Giả thuyết cho rằng bà Mít, người gây ra vụ cháy đã chết cháy. Trong một báo cáo của xã gửi lên huyện cũng ghi rằng bà Mít, người gây ra vụ cháy đã chết cháy. Nhưng những người hay chuyện lại bàn, chết cháy thì còn xương cốt. Đám tro tàn của ngôi nhà tranh hai gian ba chái người ta chỉ đào bới được vài mảnh chum, mảnh bát vỡ vụn. Chiếc mâm đồng bị lửa uốn cong nằm lăn lóc giữa ba ông đồ rau bằng đất, lửa nung rắn như gạch. Vậy bà Mít đi đâu? Không rõ!

 

Nửa tháng sau, một cô bé đi cắt cỏ dọc bờ sông Cọi tình cờ tìm được một chiếc quần nái đen, tấm áo cánh nâu đã cũ giấu trong lỗ chuột dưới gốc một bụi dứa dại. Cô bé tưởng vớ được của, giấu vội mớ quần áo vào trong gánh cỏ đem về khoe với mẹ. Bà mẹ trẻ đang là phó chủ nhiệm hợp tác xã nhận ra đấy là bộ quần áo của bà Mít. Tại cuộc họp của Đảng ủy xã, đồng chí công an xã kết luận: “Bà Mít sợ tội nhẩy xuống sông tự tử!”.

 

Thêm một lí do thứ hai ông Sự cho rằng làng Lôi phong trào đi xuống còn có một nguyên nhân là anh con trai của cụ Đê, bà Mít chiêu hồi theo giặc. Vết nhơ này, khởi nguồn từ sau cái ngày thằng Ca, con ông Cà ở làng trở về thăm gia đình vào một ngày đầu tháng 10 năm 1975.

 

Làng Lôi có 78 anh con trai nhập ngũ vào Nam đánh giặc. Ca là người thứ ba mới trở về quê sau ngày giải phóng, lại từ Sài Gòn ra. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào của cả làng, cả xã. Ca béo tốt hồng hào, tươi tắn, trông có già đi so với ngày còn ở đội sản xuất. Nhưng thế mới ra anh bộ đội giải phóng vượt qua bao gian khổ, chết chóc hiểm nguy, có ngày trở lại quê hương. Ca không đeo sao, đeo lon nhưng cả xã biết anh ta đã là thượng sĩ, trung đội trưởng một đại đội của một sư đoàn đánh vào Sài Gòn. Như ngàn vạn những người lính được về phép thăm cha mẹ, làng xóm sau chiến tranh, Ca nhận được 45 đồng tiền cửa rừng, một ruột tượng gạo, gói mỳ chính, chút ruốc bông mặn chát… đủ để hắn có lương thực ăn đường, mua ít gói kẹo và một vài thứ quà về thăm quê. Theo lời khuyên của một vài anh có kinh nghiệm, Ca chọn mua cái khung xe đạp, một con búp bê nhựa, vài ba cái khăn voan về làm quà cho gia đình. Thế đã là oách. Con búp bê nhựa của Ca mua ở chợ Bến Thành to bằng đứa trẻ lên 2, mặc áo váy hồng, mở mắt, nhắm mắt được. Mấy trăm đứa trẻ con ở làng Lôi chưa đứa nào có được con búp bê to và đẹp như vậy. Con búp bê đặt ở giữa sân, trẻ con, người lớn quanh xóm đến xem con búp bê vòng trong vòng ngoài vì lạ. Nhân tiện họ hỏi chuyện thằng Ca về những người con, người em của họ cũng đi Nam xem còn sống hay chết. Một vài người có con em cùng nhập ngũ với Ca một ngày, biết tin người thân hi sinh thì buồn, nhìn Ca mà thương con nhớ cháu. Nhiều người đến nghe Ca kể chuyện ngày giải phóng Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Chuyện người Sài Gòn ăn ở ra sao, mặt thằng lính Ngụy ngang dọc thế nào. Những ngày tháng Năm năm 75, ở làng Lôi cũng vui như Tết. Tin giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, non sông liền một dải như ngọn gió lành xua đi những tháng năm mong ngóng chờ đợi. Hết rồi bom đạn chiến tranh, hết rồi giặc giã. Con em họ sau bao năm xa nhà nay đang trên đường trở về quê hương.

 

Vào cái đêm thứ 4, khách đã vãn, ông Đê tìm đến nhà Ca. Bà Mít cẩn thận nhét vào tay chồng nải chuối để làm quà cho cháu. Chưa uống xong bát nước chè xanh, Ca nhìn ông Đệ đắn đo.

 

“- Cháu báo để bác biết tin này nhé. Anh Đệ nhà bác chưa chết! Anh Đệ còn sống…Cháu nhìn thấy anh ấy còn sống”.

 

Nghe Ca nói vậy, ông Đê bủn rủn cả chân tay, bát nước chè xanh đang cầm trên tay rơi xuống đất. Ông Đê nói như người mất hồn:

 

“- Có thật không cháu? Có thật cháu bảo anh Đệ nhà bác còn sống? Ông Đê lắp bắp hỏi lại”.

 

Cây gậy đuổi chó tựa ở mép bàn bị một bàn tay của ông gạt rơi xuống đất. Chỉ nói được đến đấy, ông Đê tự nhiên thấy hoa mắt, loáng choáng. Ngọn đèn điện treo lủng lẳng trên đầu quay cuồng, mắt nổ đom đóm. Ông ngã lăn xuống đất, bất tỉnh nhân sự…

 

2

Chuyện kể rằng:

 

Những người già cả ở làng Lôi vẫn còn nhớ mùa đông năm 1970, làng Lôi, làng Muộn, làng Kẹo, làng Tằm có một ngày buồn. Trời rét căm căm, theo lịch của đội sản xuất, hôm ấy cả làng phải ra đồng đổ ải. Đột nhiên buổi sáng ấy chiếc loa phóng thanh treo trên ngọn cây gạo đầu làng phát đi bản tin của xã yêu cầu một số gia đình xã viên không ra đồng, lên tập trung ở trụ sở xã… Giọng cô Na, một phát thanh viên của xã vừa chua, vừa nói ngọng, trang trọng mời bẩy gia đình ở làng Lôi, hai gia đình làng Muộn, năm gia đình bên làng Kẹo, mười một gia đình bên làng Tằm lên xã để nhận tin báo tử và làm lễ truy điệu cho con em liệt sĩ.

 

Hai mươi nhăm cái tang cho một xã vùng duyên hải. Hai mươi nhăm người con của quê hương đã bỏ mình vì nước trong chiến dịch Tổng tấn công Mùa xuân năm 1968, một số hi sinh năm 1969. Trong số ấy, có Đệ – anh con trai duy nhất của ông Đê. Nhưng còn một trăm bốn mươi mốt gia đình của xã Đồng Tiến lo lắng hơn. Những gia đình này đều có con vào Nam, phần đông con cái họ từ ngày đi B không có tin tức, thư từ gì gửi về cho gia đình. Miền Nam xa xôi cách trở. Nghe đài báo tin Mỹ ném bom khu IV, Vĩnh Linh, Quảng Bình, Thanh Hóa,…Cầu Hàm Rồng bị bom Mỹ ném đêm ngày. Đường Trường Sơn bị máy bay bắn phá. Nhưng khi hỏi Hàm Rồng ở đâu, Đồng Lộc ở chỗ nào chả mấy người dân làng Lôi biết chính xác. Ngoại trừ một vài người dân làng đi thoát ly làm công nhân, cán bộ, số đông thanh niên đi bộ đội, thanh niên xung phong còn người trong làng chả mấy ai đi xa khỏi lũy tre làng…

 

Lễ báo tử cho những người con của làng Lôi diễn ra trang trọng, gọn nhẹ thích hợp với thời chiến. Vả chăng, việc xã báo tử cho con em của người trong xã cũng đã quen rồi. Năm nào chả có những cuộc báo tử như vậy. Các gia đình, người thân có con em hi sinh được mời lên trụ sở của xã, hợp tác xã để nghe thông báo. Không kèn đám ma. Không cỗ bàn rình rang. Không dựng rạp. Không lợn kêu eng éc. Và thậm chí vắng cả tiếng khóc than, kêu gào của những người mẹ, người vợ, người chị. Người thân yêu chết thì cũng đã chết rồi. Chết ở phương trời nào, trong chiến trận hay chết vì sốt rét. Chết vì dính mìn, chết vì vào làng gặp đám bảo an, dân vệ phục kích khi đi lấy gạo. Chết vì đánh cá. Chết vì cây đổ trong giông bão, sập hầm vì pháo… Tất cả được gói gọn trong mấy chữ “hi sinh tại mặt trận phía Nam”. Đơn giản và dễ hiểu xiết bao. Những đứa con của làng Lôi hi sinh vì nghĩa lớn, vì đất nước và dân tộc. Giọng đọc của ông bí thư Đảng ủy xã thật thống thiết trước mặt các gia đình liệt sĩ và đại diện của các cơ quan quân dân chính đảng. Từng người, từng người một hết làng này sang làng khác. Tên những người liệt sĩ được nêu danh giống như những cuộc điểm danh một ngày không xa, anh cán bộ tuyển quân kêu từng người đi nhập ngũ. Từng gia đình cha mẹ con cháu dặn nhau, nhớ lấy cái ngày người thân hi sinh để mà làm giỗ. Có nhà có ảnh để thờ con. Nhiều nhà không có ảnh con để thờ. May mắn thay những tấm ảnh thờ liệt sĩ ở làng Lôi, anh nào cũng trẻ đẹp. Thanh niên trai tráng tuổi 18, đôi mươi. Những ngày luyện quân ở Hà Bắc, Yên Tử, ngày nghỉ, chủ nhật cố ra đến thị trấn huyện để ăn lấy một tô phở bò và chụp lấy một tấm ảnh làm kỉ niệm. Chao ôi! Những tấm ảnh thời chiến chỉ to bằng ba đầu ngón tay. Ảnh đen trắng. Anh nào cũng quân phục sáng láng. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh của phố huyện lấy bút chì cu lơ tô xanh, tô hồng. Anh lính nào cũng vui và tự hào có được một tấm hình để gửi về cho cha mẹ, anh chị, người yêu.

 

Việc Ca được về làng thăm gia đình vào cuối năm 1973 là một sự kiện chấn động cả một vùng. Ngày ấy Đông Hà đã giải phóng và trở thành một địa điểm quan trọng của mặt trận giải phóng và chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm sau hiệp định Pari đã được kí kết. Mặt trận Trị Thiên Huế, quân ta và quân Ngụy đang ở thế “hòa hợp”, cài răng lược, cắm cờ giữ chốt, giữ các vùng đất đã chiếm đóng được. Thị trấn Đông Hà được cánh lính giải phóng Trị Thiên gọi đùa là Thủ đô kháng chiến. Trong khi đó cách Đông Hà hơn chục cây số đã là sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, các đơn vị quân giải phóng chủ lực và địa phương đang căng ra giữ chốt, phía đối diện là các sư đoàn chủ lực của Ngụy. Thị trấn Đông Hà tấp nập các sắc áo lính. Chợ Đông Hà lại tiếp tục mở cửa bán cả hàng của ta và đồ của Ngụy. Có lương khô, bột trứng, mì chính bán cả thùng. Ở một vài quán tạp hóa bán cả khăn voan, xà bông cục của Mỹ, bật lửa zippo…Lạ mắt nhất có lẽ là những cuốn album có hình các cô gái đẹp, ăn mặc hở hang. “Đúng là đồ văn hóa tư bản!”. “Tiên sư nó, thế này thì đánh đấm gì”. Một anh lính chửi tục nhưng mắt vẫn còn ngơ ngác vì có lẽ là lần đầu tiên trong đời anh được chiêm ngưỡng vật lạ của người phụ nữ.

 

Khốn khổ cho thằng Ca, trong đáy ba lô bẩn thỉu hôi hám của nó ngoài mấy phong lương khô, lạng mì chính mang về cho mẹ, cụ cậu có được một cuốn album nhấp nháy, mua với giá 12 đồng ở chợ Đông Hà. Cô em gái lục túi ba lô để giặt giũ quần áo cho anh, vô tình nhìn thấy cuốn album có hình cô gái khỏa thân, cô bé rú lên như cháy nhà. Cha Ca đang ngồi hút thuốc lào vặt ở ngoài hè, tưởng có chuyện gì chạy vào, nhìn thấy cuốn album, biết chắc đây là “sản phẩm của lũ đế quốc Việt gian bán nước”, đầu độc con trai ông, giận quá ông thuận tay xé cái roạt cuốn album ra làm đôi và vất tấm ảnh vào lửa. Thằng Ca đang ngủ chợt thức dậy, biết chuyện vừa ngượng vừa xấu hổ với cha và cô em gái. Nó đường đường là một anh cán bộ tiểu đội phó, đảng viên lại đi mua cái thứ sản phẩm độc hại của Mỹ Ngụy tha về làng. Ca ngậm tăm, ngồi phì phèo điếu thuốc lá, mặt đuỗn ra như một đứa đi ăn cắp vặt bị bắt tận tay.

 

Nhưng vốn là một đứa tháo hoạt, những lúc bà con cô bác hàng xóm láng giềng sang thăm hỏi chuyện chiến trường, Ca trở thành một nhân vật quan trọng trong các câu chuyện kể về những anh lính giải phóng cùng đơn vị. Những câu chuyện bộ đội lần đầu tiên được nhìn thấy những tên lính Mỹ, nhẩy xuống từ những chiếc trực thăng chiếm cứ điểm, đến những chuyện lính Mỹ cởi truồng nhẩy múa trên đỉnh đồi để tắm tập thể. Nước như những cái vòi rồng phun ra từ những chiếc trực thăng H34 to như tòa nhà treo trên lưng trời. Đến chuyện thằng Ca bò vào chốt Mỹ để lượm hộp, cà phê thuốc lá và nhặt được cả những con đàn bà bằng cao su to như người thật lính Mỹ mang theo khi hành quân… (Không biết những chi tiết này thằng Ca kể cho thêm phần hấp dẫn hay hắn bịa bởi hắn chưa bao giờ làm lính trinh sát, đặc công!). Khổ nỗi người làng Lôi vốn thật thà tin người, nghe một người lính bằng xương bằng thịt từ chiến trường ra, từng là đồng đội với con cái họ, ai chả tin? Thầy mẹ Ca tự hào vì có một cậu con trai đã trưởng thành sau những năm được quân giải phóng đào luyện. Người nghe những câu chuyện của Ca cũng không ai biết thực đâu là Dốc Miếu, hay Dốc Mèo, A Vao, A Sầu, A Lưới. Nhưng nghe chuyện ta thắng Mỹ thua, quân Ngụy bị bắt hàng xâu hằng xốc, nghe chuyện bộ đội “cắm cờ, giành đất giành dân”, nghe chuyện bộ đội giải phóng cãi nhau tay đôi với tụi tâm lý chiến của sư đoàn thủy quân lục chiến, lính dù ở Phong Sơn, Hiền Sĩ về những điều khoản trong hiệp định Pari, tụi tâm lý chiến chịu thua đã là sướng lắm rồi. Những người nông dân ở làng Lôi chưa bao giờ được nghe những chuyện ấy, báo đài càng không thấy nói, hoặc có nói họ cũng chả được nghe… Câu chuyện của Ca kể về chiến trường một đồn mười, mười thành trăm, lên đến cả huyện ủy, huyện đội. Anh bí thư đoàn huyện, vốn là một thương binh ở khu IV, tìm về tận làng Lôi mời bằng được Ca về huyện nói chuyện cho thanh niên nghe một buổi cho đã thèm.

 

Thằng Ca có lúc cười thầm, tự thấy mình là một nhân vật quan trọng trong những ngày về phép. Hắn chỉ là một anh quản lí đại đội, về làng oai ra phết. Chuyện đánh đấm ở Quảng Trị, Thừa Thiên, ở khu V, Ca nghe kể từ miệng những người lính, thiếu gì? Ba tháng Ca nằm an dưỡng ở Mường Loòng, một tháng chữa vết thương ở viện 94 đủ cung cấp cho hắn cả một kho chuyện của chiến sĩ ta ở chiến trường. Những ngày bám giáp ranh ở Hương Trà, Phong Quảng, dù không phải đi bám địch, đi chốt gác hàng ngày như những anh lính bộ binh thứ thiệt nhưng Ca cũng thấm thía cuộc sống đích thực của một người lính bộ binh. Hắn cũng đã từng ăn cơm nắm, chấm muối đậu phộng. Từng đi gùi đạn gùi gạo, từ đường tuyến về kho của tiểu đoàn bên kia sông Bồ. Nhiều lần hắn về làng mua gạo thực phẩm cùng với cánh du kích địa phương… Những ngày chạy địch càn dưới chân đồi Chổi, đồi Chóp Nón, những đêm ngồi chịu trận nghe pháo Tứ Hạ, pháo Đồng Lâm bắn vào hậu cứ, đếm xác những đứa chết, đứa bị thương… Ca đều chứng kiến cả. Câu chuyện của Ca kể cho dân làng Lôi nghe tươi rói, không cần thêu dệt. Nhưng thằng Ca không biết điều này. Những người dân làng Lôi đến thăm hắn, nghe kể chuyện chiến trường, với họ chẳng quan trọng gì. Họ đến chủ yếu để được nhìn tận mắt một anh lính giải phóng đích thị là người làng Lôi còn sống trở về. Nhìn Ca để nhận lại hình hài con cháu họ, người còn, kẻ mất ở đâu đó chưa về.

 

Chỉ riêng việc thằng Ca trời xui đất khiến thế nào mà vào đến chiến trường Trị Thiên được phân công về cùng một đại đội với Đệ, con cụ Đê, đã là chuyện hi hữu. Ca đi bộ đội năm 1968. Còn anh Đệ nhập ngũ đi chiến trường từ những năm 1963. Khi Ca về đơn vị bộ binh, KX, công trường V, Đệ đã là đại đội phó đại đội 3. Thằng Ca nhờ có trình độ văn hóa hết lớp 9 nên được phân công làm công tác quản lý đại đội. Chuyện Đệ hi sinh ở một làng ven đô Huế nhiều người trong tiểu đoàn biết. Thậm chí đại đội 3 và tiểu đoàn bộ đã làm lễ truy điệu cho Đệ sau trận đánh về xóm mới Bầu Tháp, gần thôn Triệu Sơn, đại đội 3 tiêu diệt đại đội Hắc Báo của Ngụy về đóng dã ngoại ở làng. Ca nhớ thuộc lòng cái tên làng Triệu Sơn và ít nhất hắn cũng có đôi ba lần về Triệu Sơn mua gạo, đậu phộng. Cả vùng Hương Trà vào mùa dỡ đậu phộng (quê hắn gọi là củ lạc), nhà nào cũng có hàng vài chục bao đậu phộng để bán. Bán đậu phộng cho nhà buôn lãi một, bán cho “việt công” lãi gấp đôi, gấp ba. Bộ đội du kích về làng không gặp địch vào được dân đã là sự may mắn. Lại còn mua được gạo, đậu phộng, đường, kẹo nuga, mè xửng, mì chính, dầu đậu nành của Mỹ còn ao ước gì hơn. Trong kí ức của Ca vẫn còn nhớ tới hình ảnh cây bông đồng ở đầu làng xóm Mới, Bầu Tháp như là một điểm để bộ đội, du kích định hướng trong đêm tối. Thằng Ca nhớ thuộc lòng lời dặn của o Lành, một cán bộ xã thường đưa bộ đội về mua gạo trong dân:

 

“- Em nhớ, ngọn đèn đỏ phía tê là Huế. Còn ngọn núi nhọn nhô lên như núm vú của chị em là đỉnh hòn Vượn. Một núm vú thấp hơn là hòn Chóp Nón. Dải đồi cao cao kia giống hình người đàn bà nằm là hòn Dài. Có đánh nhau, gặp phục kích chạy lạc đường, “đồng chí” cứ chạy vào giữa hai núm vú là gặp đường trục để về hậu cứ, nghe rõ chưa?”.

 

O Lành nhỏ người, đôi mắt lanh lợi, có nụ cười duyên, gương mặt hiền hậu, trông vậy nhưng o đã là bí thư xã. Lần đầu tiên thằng Ca về đồng bằng để mua lương thực, nghe chuyện hay gặp phục kích của đám lính bảo an, dân vệ, lại nghe những phương án tác chiến tưởng như sắp có đánh nhau đến nơi, hắn hơi hoảng. Hoảng cũng phải đi. Quân lệnh như sơn! Cả đại đội hắn phải đi. Lẽ nào hắn là người quản lí, giữ tiền để xuống đồng bằng mua thực phẩm lại không có mặt. Bắt đầu từ hậu cứ dốc Tranh, cánh quân đi đồng bằng cuốc bộ ròng rã ba tiếng mới tới cửa rừng. Lính trinh sát đi trước bám đường, bộ đội, du kích, cán bộ xã rồng rắn bám đuôi theo nhau. Trời sẩm tối, đoàn người phải đi thêm ba tiếng nữa mới tới được con đường sắt, nếu không có địch, vượt quốc lộ số 1 để vào làng.

 

Biết Ca là người cùng làng với anh Đệ, o Lành đã có lần nói với hắn:

 

“- Ấp tối qua mình vô mua gạo là ấp chiến lược Triệu Sơn. Ấp ấy năm trước anh Đệ, chỉ huy đại đội 3, người cùng làng với em về đánh tụi Hắc Báo bị hi sinh ở đó”.

 

Nghe o Lành nói, Ca khẽ thở dài.

“- Tội nghiệp anh Đệ, con cụ Đê. Có dịp nào về lại làng em sẽ kể lại cho gia đình nghe”.

 

Câu hứa vu vơ với o Lành năm nào, ai ngờ giờ đã thành sự thực. Đêm nay, thằng Ca đang ngồi giữa làng Lôi kể chuyện chiến trường cho cả làng nghe. Mãi tới khuya, khách vãn. Con chó mực sủa gầm gừ ngoài đầu cổng rồi lát sau thấy cụ Đê lọc cọc chống cây gậy vào nhà. Cụ đặt lên bàn chục trứng và hai nải chuối ngự. Cụ nói như phân bua với thầy mẹ Ca:

 

“- Bà lão nhà tôi nhất quyết bắt tôi sang biếu ông bà chục trứng để tẩm bổ cho cháu. Còn đây là bánh thuốc lào bác cho, mai mốt cháu mang vào làm quà cho anh em”.

 

Mẹ Ca nguây nguẩy:

“- Hai bác làm vậy là chúng tôi không vui đâu… Cháu ở xa về, bác sang thăm là quý rồi”.

 

Cụ Đê ngồi xuống chiếc ghế đẩu nhìn Ca:

 

“- Bác sang thăm cháu, thấy cháu khỏe là bác mừng. Nhân thể hỏi cho rõ ngọn ngành về anh Đệ nhà bác. Nghe nói cháu với anh Đệ cùng đơn vị”.

 

Thằng Ca nghe nhắc đến Đệ, thực sự xúc động. Hắn im lặng một lát rồi nói.

 

“- Anh Đệ nhà bác là cấp trên của cháu. Lúc cháu vào đơn vị, anh Đệ đã hi sinh rồi. Các anh chị cán bộ, du kích biệt động huyện kể chuyện cho cháu nghe về trường hợp anh Đệ hi sinh trong trận đánh với tụi lính “Hắc Báo” ở xóm Mới Bầu Tháp thôn Triệu Sơn. Anh Đệ bị trúng mìn của địch gài, đơn vị không tìm thấy xác”.

 

Nghe Ca kể cụ Đê chết lặng. Cha mẹ Ca cũng cúi đầu im lặng. Một lúc lâu sau cụ Đê nói:

 

“- Xã cũng đã báo tử anh Đệ nhà bác rồi. Cả làng đều biết. Bác sang đây chỉ để nghe chính cháu nói cho rõ ngọn ngành… Cũng là để cho bác và bác gái yên lòng. Từ ngày anh Đệ mất, đêm nào bà ấy cũng ngồi cầu kinh niệm Phật. Đi cúng hết chùa này sang chùa khác. Tội nghiệp bà ấy, chỉ vì thương con…”.

 

Cụ Đê đứng dậy chào cha mẹ Ca, cầm cây gậy xua chó, lững thững đi ra cổng. Đấy là vào một đêm đông giá rét. Chỉ vài ngày nữa là đêm giáng sinh. Cụ Đê nhẩm tính, vậy là Đệ, anh con trai duy nhất của cụ mất đã hơn ba năm… “Nó chết mất xác… Không biết hồn phách giờ nằm ở nơi đâu… !”. Nghĩ vậy mà cụ ứa nước mắt.

 

3

Nghe tin động trời, Đệ – anh con trai còn sống, ông Đê ngất xỉu. Tưởng ông chỉ bị trúng gió nhẹ mà hóa nặng. Ca và mấy thanh niên khiêng ông Đê về được tới nhà, người ông nóng hôi hổi như lên cơn sốt, chân tay co giật đùng đùng, sùi bọt mép. Bà Mít nghe chuyện Ca kể, biết con trai còn sống, nửa tin nửa ngờ. Bà càng hoảng loạn khi nhìn thấy ông chồng già bất tỉnh nhân sự. Bà cùng với cô cháu gái ở nhà kế bên ra vườn hái ngải cứu, rang cám nóng đánh gió cho chồng. Lúc ông Đê đã nằm yên, hơi thở khò khè, bà Mít mới tranh thủ ra bàn thờ thắp vội tuần nhang, len lén nhìn lên tấm ảnh con trai. Bà không quên khấn thầm trong bụng.

 

“- Con khấu đầu lạy tạ Đức Ngọc Hoàng thượng đế, cùng các vị thần hai bên tả hữu. Khấu lạy Đức Phật Tổ Như Lai, Đức Phật Bà Quan Âm Bồ Tát đại từ đại bi. Khấu lạy hương hồn liệt tổ liệt tông hai bên nội ngoại… cầu cho chồng con là Bùi Văn Đê tai qua nạn khỏi… cầu cho cái tin chú Ca về báo con trai con còn sống là sự thật. Thằng Đệ nhà con có là người, hay là ma cũng xin cho mẹ con còn có ngày gặp nhau. Đức trời Phật cao sâu xin soi thấu lòng con”.

 

Quá nửa đêm, ông Đê hơi tỉnh mở he hé mắt. Bàn tay ông khua nhẹ, ra ý đòi uống nước. Bà Mít nâng đầu chồng dậy ghé bát nước cháo vào miệng chồng. Hớp nước chưa nuốt trôi, ông Đê bỗng hộc lên một tiếng. Máu mũi, máu mồm ộc ra thấm đầy vạt áo. Bà Mít cuống cuồng không biết kêu ai. Cô cháu gái đã về bên nhà. Bà quơ vội lấy cây đèn chai chạy sang nhà hàng xóm tìm người cứu giúp.

 

Ba thanh niên trai làng và bà Mít đưa được ông Đê lên tới bệnh viện huyện đã hơn bốn giờ sáng. Một người cầm đuốc đi trước, tắt qua cánh đồng làng Vàng, dọc theo bờ con mương để ra thị trấn huyện. Những người thầy thuốc thật tốt bụng, thấy ca cấp cứu giữa đêm hôm khuya khoắt, gọi nhau trở dậy chung tay cứu chữa. Người đo mạch, người lo kim tiêm, ống thở ôxi…Ông Đê vẫn nằm yên bất động. Người ta biết ông vẫn còn sống qua mạch đập yếu ớt và miếng bông đặt trên mũi ông lay động nhẹ.

 

Bà Mít bán đi tạ thóc được hợp tác xã chia cho sau vụ gặt, chạy thuốc thang, cơm cháo cho ông Đê. Thuốc men, cơm cháo nuôi người ốm ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cũng chỉ cầm cự được đúng hai mươi mốt ngày, họ trả ông Đê về. Ông chưa chết nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lúc mê lúc tỉnh. Ông Đê không ngồi dậy được nữa. Uống chút nước cháo, nước gạo rang đều phải nằm, hoặc có người đỡ lưng mới tựa được vào chiếc thành giường nhưng cũng chỉ được chốc lát. Đôi mắt ông vẫn mở, nhìn cảnh vật lờ đờ, mờ ảo. Cũng chỉ tỉnh được một lúc rồi như thể ông trôi vào thế giới mộng mị hoang tưởng. Những lúc tỉnh ông Đê không nói được, muốn điều gì hay gọi người nhà chỉ thấy ngón tay khua nhẹ ra dấu. Rõ thật tội.

 

Tất cả mọi việc đồng áng, đi chăn con bò khoán của hợp tác xã lấy công, chợ búa cơm nước cho đến việc chăm sóc người ốm tất cả một tay trông vào bà Mít. Vài đứa cháu họ ở quanh trong làng rảnh rỗi lúc nào chạy sang đỡ đần người ốm. Việc nhà nông ai cũng bận cả. Nhà nào cũng còn có con cái, gia đình, sớm chiều ngong ngóng tiếng kẻng hợp tác xã để đi làm lấy công điểm. Đêm đêm bà Mít ngồi nhặt từng gốc tre già, cành củi khô vơ ngoài vườn sắc thuốc lá cho chồng. Ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, chốc chốc bà lại nhìn ông nằm đắp chiếu ở một góc nhà coi thức hay ngủ, lòng thầm khấn nguyện trời Phật cho ông tai qua nạn khỏi. Những giọt nước mắt âm thầm chảy khi nghĩ tới chồng, nghĩ tới con. Nhiều lúc bà nhìn tấm ảnh Đệ trên bàn thờ, đầu óc nghĩ mông lung không biết Đệ còn sống thật hay đã chết. Điều thằng Ca nói về số phận của đứa con trai không biết thật hay giả? Bà cất nên lời ai oán.

 

“- Con ơi! Con sống khôn chết thiêng. Con sống thật hay chết giả mà chỉ một lời của thằng Ca để cha mẹ con chịu nỗi khổ này?”.

 

Lời cầu khấn và cả tiếng khóc của bà Mít chìm đi trong tiếng mưa rơi nặng hạt ở ngoài sân. Trời đêm, chớp sáng xanh lè. Một tiếng sét nổ đinh tai đâu như ngả miếu Cây Duối ngoài cánh đồng.

 

Bà Mít, ông Đê hẳn không biết điều này. Chuyện anh Đệ, “con ông Đê, bà Mít ở xóm Đình làng Lôi còn sống!” từ cửa miệng thằng Ca chỉ ít hôm đã loang ra cả vùng. Một vài gia đình ở các làng có con đi bộ đội vào Nam, người hi sinh, người chưa có tin tức nhiều năm nay kéo về làng Lôi để tìm gặp Ca dò hỏi tin tức về con cái họ. Ai cũng mong con cái họ có được sự may mắn như anh Đệ. Rằng còn sống, dù đui què mẻ sứt, bị thương tật nhưng miễn là còn sống để trở về gặp vợ con, cha mẹ thế là mừng. Có người ghé qua nhà bà Mít vừa để chia vui với bà, vừa chia buồn khi nhìn thấy ông Đê nằm bất động trên giường.

 

(Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC