Đỗ Kim Cuông – Trang trại hoa hồng – Kỳ 5

1190

25.8.2016-16:15

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

 

>> Thư viện Đỗ Kim Cuông

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 4

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 3

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 2

>> Trang trại hoa hồng – kỳ 1

 

 

TRANG TRẠI HOA HỒNG

(Kỳ 5)

 

TIỂU THUYẾT CỦA ĐỖ KIM CUÔNG

 

4

NVTPHCM- Nhiều năm sau, thằng Ca sẽ không bao giờ quên được sự kiện này. Một câu chuyện hi hữu mà chỉ một mình nó trong xã được biết. Ca đã giữ đúng lời hứa với “một anh cán bộ cấp trên”. Anh ta sau buổi làm việc với Ca đã dặn lại rằng: “- Những gì cậu báo cáo với tôi và viết ra ở đây nhớ là “sống để bụng, chết mang theo”, rõ chưa? Cậu là trung sĩ, đảng viên hử? Tốt! Tôi là đại úy, cấp trên của cậu. Quân lệnh như sơn. Nhớ nghe đồng chí trung sĩ!”. Giọng anh cán bộ lơ lớ, người miền trong. Thằng Ca không biết tên anh đại úy, cũng chả rõ ở đơn vị nào nhưng biết chắc là người của quân đội. Có vậy mới đeo lon đại úy.

 

Một buổi tối, có hai người mặc đồ dân sự đi cùng ông Ảnh, bí thư kiêm chủ tịch xã tìm đến nhà thằng Ca. Làng Lôi đêm ấy mất điện. Gia đình Ca đang ngồi ở vạt sân trước cửa nhà chuẩn bị ăn cơm tối. Mùi rau rút nấu canh cua đồng bốc khói, tỏa thơm. Thằng Ca cởi trần, vần hòn đá nén dưa cà ở góc sân để lấy cà ăn canh cua. Cha Ca, ông phó Đợi mới đi bừa về, áo quần chưa kịp thay bùn đất còn dính cả lên tóc. Ông ngồi trên thềm hè bê chiếc điếu bát rít thuốc lào khoan khoái. Mẹ Ca và hai cô em gái mới đi cấy lúa ở đồng về, đang gột quần, rửa tay chân dưới cầu ao.

 

Thoạt nhìn thấy ông chủ tịch xã, phó Đợi tỏ ra luống cuống, ngại ngùng.

 

“- Chào bác Đợi!” – Ông chủ tịch xã chủ động lên tiếng – Gia đình ta đang chuẩn bị ăn cơm chiều?”.

 

“- Vâng, chào bác Hoạt… Chào hai ông! Có việc gì mà các bác ghé thăm lại không cho gia đình chúng tôi biết trước thế này?”.

 

Ông chủ tịch và hai người khách lạ chủ động ngồi xuống bậc hè.

 

“- Bác mới đi bừa về, chúng tôi ghé thăm, nhân tiện thăm cậu Ca luôn”. Ông chủ tịch thân mật đỡ lấy cái điều bát từ tay ông Đợi, rồi nói “- Đây là hai đồng chí ở huyện đội…”.

 

“- Quý hóa quá… Các bác quan tâm đến cháu Ca”. Ông Đợi quay ra góc sân gọi với – “Ca ơi! Có mấy anh bên huyện đội vào chơi”.

 

Thằng Ca nghe có khách, đặt bát cà nén vào thành bể. Nó vội rửa tay. Nước cà muối mặn chua loét, ngấm vào tay ngưa ngứa.

 

Ca vừa ngó mặt ra chào khách, một trong hai người cán bộ huyện đội đã nói vui:

 

“- Chào anh bộ đội giải phóng anh hùng! Oanh liệt quá! Những con người đã làm nên trận chiến thắng 30 tháng 4 của làng ta đây rồi. Thật vinh dự cho Đồng Tiến, làng Lôi có một người con từ chiến trường trở về”.

 

Thằng Ca nghe một đoạn diễn văn rổn rảng của anh cán bộ huyện đội, váng cả mặt mũi. Cu cậu xấu hổ đỏ mặt nhưng ngấm ngầm chút tự hào của kẻ chiến thắng. Dù đơn vị của hắn có là thê đội 2, không phải nổ phát súng nào từ sau chiến dịch giải phóng Trị Thiên, Quảng Đà, vào Sài Gòn sau cả chục ngày thì hắn cũng là người có được vinh dự góp mặt trong lễ duyệt binh ngày 15 tháng 5 giữa Sài Gòn hoa lệ. Trong lúc khách chủ đang tíu tít nói năng, hút thuốc ở hiên nhà, mẹ Ca và hai cô con gái ngượng ngùng với khách lạ vì quần áo ăn mặc lôi thôi, ống cao, ống thấp, tanh mùi bùn ruộng, len lén luồn vào trong bếp, thập thò nhìn ra.

 

Ông chủ tịch xã nói với ông Đợi:

 

“- Chắc cậu Ca chưa kịp ăn cơm với ông bà! Thôi khỏi! Hôm nay có cấp trên về, xã mời cơm khách và mời luôn cậu Ca đi ăn tối với chúng tôi cho vui”. Ông chủ tịch nói với vẻ quan trọng: “- Sau bữa cơm, cấp trên muốn trao đổi với cậu Ca vài việc”.

 

Chiếc xe Commăngca đít vuông đậu sẵn ở trước cửa ủy ban xã, chở gọn ông chủ tịch xã, hai anh cán bộ và Ca đi một mạch về huyện. Cũng chẳng có bữa cơm khách nào của xã. Cả đám kéo nhau vào một quán thịt cầy bảy món. Gần một tiếng đánh chén no say, ông chủ tịch xã sau vài ly rượu mặt đỏ như gà chọi. Thằng Ca cũng cầm ly nâng lên đặt xuống cho phải phép, hắn không dám uống rượu trước mặt cấp trên mà biết chắc đấy là những người của quân đội. Hai anh cán bộ chỉ ăn, rượu uống cầm chừng. Có lúc một anh cán bộ mà sau này Ca biết mang quân hàm đại úy hỏi hắn:

 

“- Rượu uống được không đồng chí Ca?”.

 

“- Xoàng chú ạ!”. Ca bảo thẳng “- Nhà cháu nấu rượu. Hôm nào cháu xách lên cho chú vài lít rượu nếp cái hoa vàng làng Lôi, mẹ cháu nấu để chú ngâm thuốc”.

 

Đã hơn 7 giờ tối, chiếc xe commăngca chở mọi người vào một khu nhà có vọng gác bên ngoài. Căn phòng khách rộng nhưng chỉ có một bóng đèn tròn treo lơ lửng giữa nhà. Ca và ông chủ tịch xã ngồi ở một bên bàn, đối diện với hai người cán bộ quân đội. Anh đại úy bảo:

 

“- Giờ ta làm việc để hai đồng chí còn về”. Anh ta quay sang bảo người cán bộ đi theo “- Hợp! Cậu lấy giấy bút ghi biên bản”. Anh đại úy nói với ông chủ tích xã và Ca. “- Câu chuyện thế này bác Hoạt và đồng chí Ca ạ. Chúng tôi nghe tin từ làng báo lên, trong chuyến về phép thăm nhà vừa qua, đồng chí Ca cho biết: anh Đệ – con trai của ông Bùi Văn Đê và bà Lê Thị Mít ở làng Lôi còn sống. Hư thực thế nào, yêu cầu anh Ca cho chúng tôi biết cụ thể. Việc này hệ trọng vì nó liên quan tới gia đình chính sách của huyện ta. Anh Đệ đã được báo tử từ năm 1971, xã đã làm lể truy điệu, gia đình đã có bằng liệt sĩ, có phải không bác Ảnh nhỉ?”.

 

Ông chủ tịch xã đã ngà ngà say, ngúc ngắc cái đầu.

“- Đúng! Đúng, đồng chí đại úy ạ. Gia đình ông Đê, bà Mít là liệt sĩ”.

 

Hơn hai giờ đồng hồ, thằng Ca phải đánh vật với bốn trang giấy có dòng kẻ và những hàng chữ vừa thiếu nét vừa xấu như gà bới, kể lại sự việc hắn đã gặp Đệ ra sao. Hắn vốn chẳng giỏi giang về môn văn, học ngang tới lớp 7 rồi bỏ về nhà đi theo những người thợ mộc cưa xẻ, gặp dịp rồi đi bộ đội nên hắn phải đánh vật với từng con chữ. Chỉ có điều chuyện thằng Ca tình cờ gặp lại anh Đệ trong một ngày buổi sáng cuối tháng 3 năm 1975 thì hắn không quên. Cuối năm 1973, chả hiểu trời xui đất khiến thế nào, hắn bị thương nhẹ. Một mảnh cối cá nhân của tui ngụy ở dãy đồi 165 trên tuyến chốt ở bờ Bắc sông Bồ đã đưa hắn đi viện. Tại quân y viện 68 Mường Lòong, thằng Ca gặp được một người làng, phó chính ủy của một trung đoàn thuộc sư 10. Ông phó chính ủy trung đoàn đã nhận thằng Ca về đơn vị. Thằng Ca đang là lính của trung đoàn 4, thuộc quân khu Trị Thiên nghiễm nhiên thành quân số của sư 10, chuyển vùng vào Tây Nguyên, tham gia vào cuộc Tổng tấn công Xuân 1975, giải phóng Buôn Mê Thuột.

 

Những ngày cuối tháng 3. Cả khu vực Tây Nguyên và dải đất Nam Trung Bộ cực kỳ hỗn loạn. Mặt trận Buôn Mê Thuột tan vỡ. Cả một tuyến phòng thủ của Vùng 2 chiến thuật, theo lệnh của tướng Nguyễn Văn Phú tháo chạy. Trên các trục đường 19, đường 21 và cả con đường tỉnh lộ từ Play cu xuống Phú Yên, dọc theo bờ bắc sông Ba đều trở thành con đường máu rút chạy của tàn quân ngụy chạy về biển. Hàng ngàn xe tải, xe pháo, xe tăng thiết giáp M13 xô đạp cùng các đơn vị lính của sư 22, sư 23 và Bộ chỉ huy vùng 2 tháo chạy tìm đường về các cảng Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… Ngã ba Ninh Hòa, tuyến đường lên Tây Nguyên, qua đèo Phượng Hoàng cũng rơi vào cảnh hỗn loạn.

 

Chính trong cái ngày hỗn loạn ấy, thằng Ca đã nhận ra Đệ mặc bộ quần áo dân sự, tay ôm theo chiếc máy chữ lẫn lộn với đám sĩ quan của sư 22, bị bộ đội ta bắt được và nhốt trong một căn phòng của khuôn viên trường trung học Trần Bình Trọng. Điều làm hắn ngạc nhiên, tự hỏi : “Sao anh Đệ gia đình đã nhận giấy báo tử, nay lại còn sống?” Thoạt nhìn thấy anh Đệ, thằng Ca không kìm giữ được bật kêu to:

“- Đệ! Anh Đệ ở làng Lôi phải không?”.

 

Người thanh niên nghe gọi giật mình, thoáng nhìn Ca. Đôi môi anh ta mấp máy rồi cúi nhanh xuống, vẻ bối rồi. Thằng Ca mạnh dạn bước tới, vỗ nhẹ vào vai người thanh niên.

 

“- Anh cho tôi hỏi, có phải anh tên là Đệ, con ông Đê, người làng Lôi?”.

 

Lần này, người thanh niên ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt Ca, nói giọng lai lái như những người Bắc di cư, quả quyết:

 

“- Chú nhầm tôi với ai chăng? Tôi tên là Mai Văn Hoàng…

Thằng Ca ngỡ ngàng, chữa thẹn:

 

“- Xin lỗi! Tôi trông anh giống một người ở đơn vị cũ của tôi quá… Anh ấy tên Đệ, cán bộ của đại đội tôi, hi sinh ở ngoại ô Huế cuối năm 1969”.

 

Người thanh niên cười khẩy.

“- Đời người thiếu gì kẻ giống nhau. Tôi là Hoàng, Mai Văn Hoàng…”.

 

Thằng Ca nghe nói vậy chưng hửng. Nhưng hắn đâu ngờ rằng, tiếng gọi và câu chuyện của nó không lọt qua ánh mắt của một sĩ quan quân giải phóng. Sau hắn mới biết tên người cán bộ ấy là Tháo, một sĩ quan chính trị của Trung đoàn, mới từ Bắc chuyển vào. Tháo, người thấp đậm, gương mặt vuông, sáng bóng, tóc húi cao, đeo quân hàm thiếu tá. Anh ta gọi Ca đến và đưa vào căn phòng có tấm biển hiệu đề: “ Phòng hiệu trưởng!”. Anh thiếu tá sĩ quan rút ra bao thuốc lá Thăng Long, một loại thuốc chỉ dành cho cán bộ cao cấp thời bấy giờ, hào phóng rút ra một điếu cho Ca.

 

“- Cậu hút thuốc đi! Rồi tôi hỏi cậu vài câu”.

 

Thằng Ca vừa sợ, vừa ngại ngần nhưng nhanh tay cầm lấy điếu thuốc. Mấy năm ở chiến trường dù làm hậu cần hắn cũng chỉ được xài thuốc lá Tam Thanh, Tam Đảo, Trường Sơn… Ai cho hắn hút Thăng Long, Sông Hương bao bạc bao giờ?

 

“- Này, cậu vừa gọi tay lính Ngụy kia tên gì nhỉ? Tôi nghe không rõ!”. Anh thiếu tá sĩ quan hỏi Ca.

 

“- Dạ thưa thủ trưởng! Tên Đệ… nhưng tôi sợ mình lầm”.

“- Anh Đệ là thế nào với cậu?”.

 

“- Dạ thưa, anh Đệ nghe nói là cán bộ cũ của đại đội tôi hồi còn ở Trị Thiên, anh ấy người cùng làng với tôi. Tôi nhìn thấy anh ta giống với anh Đệ quá, nên tôi gọi. Anh ta nói với tôi tên là Hoàng”.

 

Tất cả những câu trả lời của Ca đã được anh sĩ quan ghi không sót một chữ vào sổ tay. Rồi anh ta bảo Ca.

 

“- Không rõ hư thực ra sao nhưng cậu kí vô đây. Ghi rõ họ tên, chức vụ đơn vị”.

 

Thằng Ca không dám kể lại cho ai câu chuyện của nó với người sĩ quan về sự nhầm lẫn giữa một người đã quá cố với một anh lính Ngụy ở Sài Gòn. Trong thâm tâm, hắn đinh ninh một điều. “Biết đâu anh Đệ, con cụ Đê còn sống thật. Gương mặt của người lính Ngụy giống hệt anh Đệ, lúc anh Đệ về phép để đi B”.

 

Thằng Ca càng không ngờ rằng câu chuyện ở chiến trường làm quà cho ông Đê, bà Mít đêm nay đã bắt hắn phải ngồi viết bản tường trình dài dằng dặc. Vừa viết thằng Ca liên tục đốt thuốc lá. Ở một băng ghế dài kê sát với cửa sổ, ông chủ tịch xã sau bữa cơm rượu thịt chó, ngà ngà say, trong lúc ngồi chờ Ca làm việc, đã lăn ra ngủ. Bữa bún thịt chó cùng với nửa lít rượu gạo đã làm ông khoái khẩu, lâu lắm mới được một bữa no say như vậy. Ông chủ tịch xã ngủ ngáy như kéo gỗ. Ở một chiếc bàn khác, hai anh cán bộ cũng đã giở bàn cờ tướng ra gõ chan chát, giết thời gian trong lúc chờ đợi Ca viết bản tường trình.

 

Hơn 10 giờ đêm, chiếc xe commăngca mới chở Ca và ông chủ tịch xã về lại làng Lôi. Tiếng chó sủa râm ran. Làng xóm đã ngủ say sau một ngày dài rộn rã vất vả với chuyện đồng áng. Cha Ca vẫn còn ngồi hút thuốc lào chờ con. Bát canh cua đồng và phần cơm dành cho Ca được đậy bằng một cái sàng, nguội ngắt nguội ngơ. Cơm rượu vào, lại phải căng đầu óc ra để nghĩ và viết, thằng Ca khát nước. Chỉ một vài hơi, Ca húp sạch bát canh rau đay mồng tơi.

 

Thằng Ca sẽ không bao giờ được chứng kiến cái ngày tang thương của gia đình bà Mít. Bốn tháng sau, Ca trở về đơn vị và tham gia vào đội quân gỡ mìn, trồng cao su ở Tây Nguyên. Một đoàn cán bộ huyện xã tới nhà ông Đê, bà Mít. Ông Đê bán thân bất toại đã mấy tháng nằm thoi thóp trên giường. Buổi sáng ấy, bà Mít chặt được nải chuối ở góc vườn mang ra chợ Tổng bán, chỉ có cô cháu gái ở nhà trông nom người ốm. Không biết họ nói gì với cô cháu gái chỉ thấy cô lên gỡ tấm bằng “Tổ quốc ghi công” treo ở trên tường và trao lại cho họ. Lúc bà Mít về đến nhà, những người cán bộ đã đi. Cô cháu gái cũng bỏ đi đâu mất. Còn ông Đê nằm trên giường, bất động, nước mắt ứa ra trên gò má. Như thể, ông biết hết mọi chuyện xẩy ra trong nhà. Quá nửa đêm, bà Mít trở dậy cho chồng uống thuốc. Không thấy ông động cựa. Từ chỗ ông nằm, mùi phân bốc lên khắm lặm. Vẫn còn thấy ông thoi thóp thở. Bà lặng lẽ lau rửa cho ông, thay áo quần.

 

Bốn giờ sáng, ông Đê trút hơi thở cuối cùng.

 

Ở vào những năm “76” ấy, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp còn đang rầm rộ, miền Nam bắt đầu đi vào công cuộc cải tạo tư bản tư doanh. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang là kiểu mẫu cho cả nước noi theo. Các hủ tục trong đám cưới, đám ma rườm rà theo lệ cũ bị phá bỏ. Đám ma của ông Đệ diễn ra lặng lẽ, gọn nhẹ, không kèn, không trống. Chiếc xe đòn của hợp tác xã được những người bà con làng Lôi đưa ông ra đồng. Mấy người thân thiết, ruột rà trong họ mạc đeo khăn tang. Không người chống gậy, bưng ảnh. Tháng chạp, ruộng làng Lôi đang vụ trồng màu lấp ló những luống cải vàng xen kẽ những mảnh ruộng trồng rau lang, ngô, đỗ… Từng đàn ruồi bay à à ra ngoài bãi tha ma, đánh hơi ngửi thấy mùi cơm rượu và cả hơi người chết. Mấy chục người đưa tang ông Đệ lặng lẽ đi trên con đường bờ mương còn ướt sương đêm. Cây cờ tang được một đứa cháu trong họ vác đi trước.

 

Bà Mít đầu trùm chiếc khăn trắng theo sau quan tài. Những tháng ngày bà cạn kiệt sức lực để chăm sóc chồng đau ốm, thêm sự căng thẳng và nỗi đau dồn nén đổ xuống đầu người đàn bà vừa bước sang tuổi 62, khiến bà Mít không còn sức để khóc chồng. Mấy bà chị họ, mấy đứa cháu cố gào lên lúc những người khiêng quan tài chuyển linh cữu ông Đê xuống hố đất sâu. Đôi mắt của bà Mít vẫn ráo hoảnh, chỉ hơi tối lại. Gương mặt bà hằn sâu những nếp nhăn… Không ai biết rằng từ lúc ông Đê nằm liệt giường, bà đã phải mang ra những đồng bạc cuối cùng để lo thuốc thang và tang ma cho chồng. Tính ra từ ngày Đệ đi B cho đến ngày anh báo tử, mỗi tháng ông bà nhận được 12 đồng. Tằn tiện lắm ông bà chỉ dám tiêu vào suất tiền của người con đi B mỗi tháng 5 đồng để mua gạo, mắm, đóng góp việc họ, việc làng. Bảy đồng còn lại bà tích cóp quyết giữ cho đứa con trai ngày về có chút tiền để cưới vợ. Một trận ốm thập tử nhất sinh của ông Đê và một đám tang. Vốn liếng dành dụm cho con trai bao năm hết cả.

 

Mọi người đã ra về theo xe tang, bà Mít còn ngồi lại bên mộ chồng một hồi lâu, đắp những vỡ cỏ lên ngôi mộ đất còn in dấu chân người. Ngọn gió tươi thổi phóng túng trên cánh đồng như mang đi hết những đau buồn, uất ức, nhớ thương trong lòng người đàn bà suốt những ngày tháng qua cắn răng phải chịu đựng. Giá như bà chết được theo chồng? Có lẽ bà sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhưng từ trong cõi thẳm sâu, bà Mít hiểu rằng bà không thể chết vào lúc này được. Bà chết ai sẽ là người đi giải nỗi oan khuất này. “Thằng Đệ là một đứa đảo ngũ, chiêu hồi?! Chao ôi là nhục!”. Bà còn mặt mũi nào mà nhìn bà con chòm xóm. Trong đám ma ông Đê chiều nay bà đã nghe loáng thoáng những điều ong tiếng ve của những kẻ thối mồm. Rằng “ông Đê ngã bệnh rồi chết bất đắc kỳ tử vì có đứa con phản quốc…”. “Nghe bảo ông lão chết hộc máu mồm, không nhắm mắt được”.

 

Bà Mít và mấy người chị em trong họ ngậm tăm. Không ai dám hé răng cãi lại một lời. Họ biết được tấm bằng liệt sĩ của Đệ đã bị thu hồi. Nhà có tang nhưng chẳng có một ai trong chính quyền, đoàn thể, hội cựu chiến binh đến viếng. Anh thôn trưởng có mặt cùng với anh đội trưởng đội sản xuất nhưng đều là người có họ xa với ông Đê. Họ đến cho phải phép…

 

Trời đã nhá nhem, không rõ mặt người. Bà Mít rời khỏi ngôi mộ chồng vác chiếc cuốc lầm lũi đi về làng.

 

5

Gió thổi mạnh. Ngọn lửa càng bốc dữ dội.

 

Lưỡi lửa đỏ tím hung dữ như một cái đầu rồng, lúc loang rộng, lúc vươn dài, khi gặp gió bốc lên cao vượt khỏi ngọn tre. Tiếng luồng, nứa nổ lốp bốp như tiếng pháo. Tàn than kéo theo hàng ngàn vạn bông hoa lửa tạo thành dòng khói đen cuồn cuộn bốc lên trời. Tiếng trống Ngũ Liên, tiếng kẻng hợp tác xã treo ở cửa đình, tiếng phèng la khua vang khắp làng trên xóm dưới hòa lẫn trong tiếng hò hét, quát tháo của người đi cứu hỏa. Trời về khuya không rõ mặt người. Chỉ thấy bóng người chạy qua chạy lại nhập nhòa trong ánh lửa lúc sáng lúc tối. Một chiếc xe công nông đèn pha bật sáng quắc chạy đi chạy lại trên con đường làng. Chiếc xe lúc ẩn lúc hiện sau những khóm tre, vườn chuối giữa chỗ nhà cháy và cái ao đình cách nhau hơn 300 mét để tiếp nước cho thanh niên dập lửa.

 

Ngồi nép sau một bụi dứa dại, bà Mít lặng lẽ nhìn về phía làng. Run rẩy và sợ hãi. Bà không lường hết những hậu quả gây ra. Cái lùm rơm và đống trấu chỉ một loáng đã thui rụi gian bếp và cái chuồng lợn kế bên. Lửa tạt hắt mạnh bén cháy vào ngôi nhà ba gian, hai chái lợp rạ của bà. Một cơn gió to cuốn phăng tấm líếp cửa ken bằng lá gồi bay sang nhà ông Quới. Nhà ông Quới bốc cháy. Lửa từ nhà Quới truyền sang nhà Toản, nhà Quát. Từ nhà Quát lửa bén cháy nhà lão Vinh mù rồi nhà Hộc… Ngồi chui lủi giữa những bụi dứa dại ngoài đám mồ mả giữa đồng, bà biết mình là người gây ra hỏa hoạn. Phen này chắc chết. Không chết cũng đi tù mọt gông… Bà càng kinh khiếp hơn nữa khi chạy được tới con đường đất bám dọc theo bờ mương nghe một tiếng nổ to như trái bom kèm theo một quầng lửa vọt lên giữa bầu trời tối đen. Ánh sáng chiếu rộng cả một vùng. Kho xăng bén lửa và phát nổ. Bà Mít ngồi thụp xuống rệ cỏ cất lên thành tiếng. “ Lạy trời, lạy Phật… tội lỗi này do con gây ra… con là kẻ có tội! Có tội. Con xin lấy cái chết để tạ lỗi này…”.

 

Bà Mít vừa chạy gằn trên con đường tắt đồng đi ra chợ Tổng, vừa lắng tai nghe ngóng. Thỉnh thoảng bà lại ngoái nhìn về phía làng, nơi ấy lửa vẫn bốc cao. Bà càng hoảng sợ khi nghe tiếng còi xe cứu hỏa hú giật thột chạy về hướng kho xăng. Ngọn lửa bốc cao, khói đen cuồn cuộn sáng cả một vùng. “Phen này mình mắc tội to rồi… Họ bắt được chỉ có đi tù!”. Nhìn đám cháy ở làng Lôi và kho xăng, bà Mít thấy giống như một buổi chiều nào, bom Mỹ ném xuống làng Lai, làng Cựu mùa đông năm 66. Vùng quê của bà chẳng có nhà máy, chẳng có cầu cống, chẳng là nơi đóng quân ấy vậy mà cũng bị bom Mỹ đào xới. Về sau bà hiểu rằng làng Lôi nằm dọc theo sông Hồng, ra cửa bể không xa. Tàu bay Mỹ từ hạm đội ngoài biển bay vào, ở đấy có các ụ pháo cao xạ, tên lửa của bộ đội, các ụ súng của dân quân du kích nằm phục sẵn. Máy bay Mỹ đem bom ném vào Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định không hết về đến đây chúng mặc sức thả xuống các làng trước khi rút ra biển. Dân làng Lai bị một phen chết oan. Một chùm bom sáu trái, thiêu rụi một phần ba làng. Ngày đó bà Mít là chi hội phó phụ nữ thôn. Nghe bom nổ, nhà cháy, bà không cảm thấy sợ hãi gọi thêm mấy người bạn mang câu liêm, thùng, chậu hò nhau đi dập lửa. Hơn hai chục người già, trẻ, lớn bé của làng Lai chết cùng một giờ, một ngày bởi bom Mỹ. Hơn nửa ngày trời, phải vất vả lắm dân quân du kích mới nhặt hết xác trong đám tro than cháy đen. Nhìn cảnh bom ném, nhà cháy, người chết, bà Mít lại nghĩ tới con. Không biết giờ này ở chiến trường thằng Đệ sống chết ra sao. Từ ngày con ra đi, về phép được dăm ngày trước khi đi B, gia đình chẳng nhận được lá thư nào. Bà chỉ ân hận một điều, thằng Đệ đang học dở lớp 10, chỉ còn nửa học kỳ nữa là thi tốt nghiệp đùng đùng viết đơn xin đi bộ đội. Ngày Đệ nhập ngũ, bà Mít không khóc lấy một tiếng. Chồng bà trầm tính càng ít nói hơn. Thương con trai đứt ruột nhưng từ trong sâu thẳm bà không dấu giếm niềm tự hào của một người mẹ thời chiến. Bà phải cứng rắn vừa để yên lòng con, vừa động viên đám thanh niên trai làng măng tơ nhập ngũ. Bây giờ nhìn đám cháy ở làng Lôi, bà Mít sợ hãi thực sự. Bà vừa trốn chạy, vừa nuốt nước mắt. Hơn một trăm ngày kể từ lúc chồng nằm sâu trong lòng đất, bà chờ đợi từng đêm, mong ngày ra đi. Bà không thể ở lại cái làng này, hàng ngày nhìn thấy mặt người quen trong nỗi tủi nhục. Không phải không có người đồng cảm chia sẻ những nỗi đau của bà. Cũng có không ít kẻ nhìn bà với con mắt soi mói, khinh thị. Để xẩy ra cơ sự cháy làng, bà Mít không ngờ hậu họa lớn đến vậy.

 

Bà Mít chạy dọc theo con đường xuyên đồng lúc chạy gằn, lúc đi chậm lại để lấy sức. Không dám dừng lấy một lúc. Khát quá, bà vục tay xuống con mương, uống tạm hớp nước lạnh tanh nồng mùi đất. Trời chưa sáng rõ, bà Mít đã đến được bến đò sang bên kia đã là đất Nam Định. Bà trùm kín trên đầu cái khăn, che bớt khuôn mặt và ngồi vào con đò ngang sang sông. Đò sớm chở người đi chợ, mấy cô gái ở làng Thuận mang rau sang bán cất cho các sạp buôn ở chợ Rồng. Bà Mít ngồi lẫn với đám rau dưa, tay ôm chặt chiếc túi vải nâu chỉ độc có hai bộ quần áo, chiếc áo bông và tấm ảnh thờ của con. Bà có một giấy chứng minh thư, định cầm theo nhưng lúc ở bên bờ sông Hồng chả hiểu nghĩ sao, bà vất xuống sông. Mấy đồng bạc mang theo phòng thân bà giấu kín trong cạp quần. Mấy nắm cơm vắt chặt từ chiều qua bà gói kĩ trong lá chuối hơ lửa cùng với chai muối vừng để ăn dần vài ba ngày. Trước khi rời căn nhà lần cuối, bà Mít đã đến bàn thờ thắp nhang cho chồng, cho con. Bà vái lạy tổ tiên và lặng lẽ gỡ tấm ảnh của Đệ mang theo. Ngôi nhà tranh vách đất đã gắn bó cuộc đời bà hơn bốn mươi năm năm. Bây giờ là lúc bà rời xa, xa mãi mãi. Bà không cảm thấy hối tiếc. Cũng không cảm thấy quyến luyến với người chồng gắn bó với bà đang nằm lại với đất này. Ông Đê vốn hiền lành nhưng cục tính. Có lần trong cơn giận dữ, đang ăn cơm ông quăng cả bát đĩa ra sân. Nhiều phen bà cũng khổ vì ông. Những ngày cuối cùng chăm sóc ông Đê, nhìn ông bà biết bệnh tật đổ ụp xuống đầu ông không phải không có nguyên nhân. Ông lão không phải là cán bộ, không phải đảng viên, chỉ là một anh dân cày ở làng. Nhưng ông ngấm ngầm tự hào vì có một anh con trai học giỏi nhất vùng. Đệ đã từng có tên trong đội thi học sinh giỏi toán của tỉnh, mỗi lần giật giải các thầy cô đều khen. Mỗi buổi trưa, buổi tối nhìn Đệ đi học về ngồi ăn bát cơm độn khoai với vài gắp rau muống luộc, đĩa tép kho lá chanh ông chồng cất được ở con mương ngoài đồng, bà Mít không dám nghĩ sao mình lại đẻ ra được một đứa con như thế. Vợ chồng bà hiếm muộn đường con cái. Bốn lần sinh nở chỉ đậu được hai. Người chị của Đệ cách cậu em 9 tuổi. Lúc Đệ nhập ngũ vào chiến trường đến năm thứ 2, chị Đệ chỉ sau một trận cảm hàn rồi mất. Năm sau đến lượt Đệ báo tử. Nỗi đau gậm nhấm hai vợ chồng già đến nỗi nghe tin con chết ông Đê ngã bệnh. Bà Mít gan góc hơn nhưng trái tim bà tan nát. Từ ngày thằng Ca trở về làng loan tin Đệ còn sống, chiêu hồi giặc. Và xã cho người xuống thu lại bằng Tổ quốc ghi công, bà Mít càng buồn tủi hơn. Thêm những lời soi móc của vài kẻ hay ngồi lê đôi mách rỉ tai nhau “thằng Đệ đảo ngũ, chiêu hồi…”, bà càng đau đớn hơn. Như thể có lưỡi dao sắc nhọn chọc đúng tim bà. Đã có lúc nghĩ quẩn, bà Mít muốn đi theo chồng. Có những buổi chiều đi làm về ngồi hàng giờ bên bờ sông Cọi, để gánh cỏ một bên, dắt con bò tha thẩn, bà Mít đã định nhẩy xuống sông. Ấy vậy mà bà không chết được. Như thể giời bắt bà phải sống, phải chịu đựng sự nguyền rủa của những kẻ độc mồm độc miệng. Sau ngày chồng chết bà Mít hiểu rằng không thể cam lòng sống nốt những ngày tàn, chờ chết ở cái làng này. “Đi! Phải đi!”. Ý nghĩ ấy lóe sáng trong đầu bà sau ngày bà làm mấy mâm cơm cúng ông Đê trăm ngày. Đêm ấy bát chân nhang bày trước linh vị chồng tự nhiên bốc cháy. Giữa ánh lửa chập chờn, đôi mắt của Đệ trên tấm ảnh lóe sáng như đồng lõa với ý nghĩ của mẹ. Biết đi đâu? Bà con họ hàng không có ai. Chẳng lẽ bà sang làng Võng ở nhờ nhà thông gia. Con gái của bà cũng đã mất. Anh con rể sau ngày vợ chết chưa tới 2 năm đã ngược rừng đi làm công nhân lâm nghiệp và lấy vợ mới ở Tuyên Quang… Ngày trước nghe thằng Ca kể, nó với anh Đệ ở cùng một đơn vị chiến đấu tại mặt trận Huế… Sao giờ về phép nó lại khoe gặp Đệ ở Ninh Hòa? Ninh Hòa, Nha Trang là đâu? Bà không biết. Con trai bà nghe nói chiến đấu ở Huế kia mà! Trong một lá thư của Đệ gửi về năm nảo năm nào lúc qua Hà Tĩnh kể rằng, mỗi ngày con bà phải đi bộ từ 25 đến 30 cây số, qua binh trạm này đến binh trạm khác, mang vác ba lô, súng đạn, gạo, muối mắm để có cái ăn dọc đường. Vậy bà cũng đi bộ. Đi tới đâu, hỏi đường tới đó. Ngày trước bom đạn, con bà còn đi được vô Nam. Bây giờ giặc giã đã tan, bà cũng sẽ đi bộ tìm đường vô Nam. Bà nghĩ đơn giản, giá có chết dập, chết dụi ở dọc đường cũng không ai biết bà là ai, quê quán không có. Nhưng thà vậy còn hơn là sống và chết những ngày tàn lụi ở làng Lôi trong nỗi tủi nhục.

 

Không ai biết bà Mít đã đi bộ được bao nhiêu ngày. Bà cứ bám dọc theo con đường quốc lộ số 1, hướng vào Nam. Suốt ngày xe tải, xe khách chạy ngược xuôi trên đường. Lần đầu tiên bà Mít được nhìn tận mắt những chiếc xe ca chở khách mang tên Phi Long, xe sơn xanh, sơn đỏ lòe loẹt. Ban đêm xe chạy đèn pha bật sáng quắc chiếu sáng con đường. Đi trong nhiều ngày nhưng không có một cái xe nào chịu cho một bà lão ăn mày không tiền, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu xin đi nhờ xe.

 

Cho đến một buổi chiều bà Mít vào được đến đất Tĩnh Gia. Trong lúc dừng lại bên đường xin nước uống bà gặp được một đoàn xe bộ đội. Các chú bộ đội còn trẻ cả, nhìn thấy một bà lão nghèo khổ, lấm láp bụi đường chìa tay xin lương khô. Một anh lính đã vui vẻ hỏi.

 

“- Mẹ đi đâu thế này? Con cái mẹ ở đâu sao không chăm sóc lại để cho mẹ đi ăn xin?”.

 

Bà Mít nhìn anh lính khẽ lắc đầu:

“- Mẹ không đi ăn xin đâu chú! Mẹ đi tìm con”.

 

Anh bộ đội lại hỏi:

 “- Con mẹ ở đâu mà phải đi tìm?”

 

“- Con mẹ cũng đi bộ đội như mấy chú. Nó đi từ năm 63 cơ. Người bảo nó chết, xã cũng đã báo tử cho mẹ. Người bảo nó còn sống! Nếu còn sống thì nó phải về với mẹ chứ, phải không chú? Hòa bình đã cả năm nay rồi mà chưa thấy con mẹ về”.

 

Anh bộ đội cầm tay bà Mít, giọng bùi ngùi.

“- Tội nghiệp mẹ, mẹ ơi!”.

 

Bà Mít nhìn anh bộ đội bằng ánh mắt quyết liệt.

“- Mẹ phải đi tìm con mẹ chú ạ!”.

 

Anh bộ đội mở chiếc túi vải của bà Mít, đỡ bức ảnh lồng trong khung kính có hình của Đệ. Chiếc khung kính đã vỡ một góc trong lúc bà chạy tháo thân thoát khỏi làng Lôi.

 

Lúc đoàn xe chở bộ đội lên đường, những người lính đã lặng lẽ giấu bà Mít trong một thùng xe phủ bạt. Bà Mít ngồi nhấm nháp miếng lương khô. Khi nào khát, bà đã có sẵn bi đông nước của người lính tốt bụng đưa cho bà lúc lên xe. Chỉ nghe họ nói. “- Mẹ là mẹ của chúng con. Chúng con đi đánh giặc ở biên giới đây!”.

 

6

Những năm học đại học ở Huế, vào ngày nghỉ, Hoài thường theo xe đò về huyện Hương Trà chơi thăm lại đám bạn bè cũ. Mới chỉ một vài năm sau ngày giải phóng, cuộc sống thời chiến tưởng như đã lùi vào trong quá khứ… Những ngày hoà bình đầu tiên công việc bộn bề, cuốn hút mọi người. Trăm thứ việc cần giải quyết. Việc nào cũng mới mẻ, phức tạp trong đời sống dân sự hàng ngày. Ở đây, Hoài có nhiều bạn bè quen biết trong chiến tranh, sống chết với nhau một thuở, vậy mà anh đi tìm gặp lại những người quen cũ thật khó. Đến công sở, Hoài như kẻ đi lạc vào một phiên chợ quê, ngơ ngác giữa đám bàn ghế lổng chổng trong lều chợ.

 

Cả một đội quân cán bộ huyện xã ngày trước đông là vậy, cứ mỗi buổi chiều về làng đi mua gạo, đậu phộng, không gặp địch chốt ở cửa rừng là mọi người đã có thể gặp nhau trò chuyện ở một địa điểm gọi là Miếu Trâu, chờ đến đêm tối thì kéo nhau về làng. Bây giờ hoà bình rồi, không thể còn tụ tập đông vui như vậy nữa. Từ anh cán bộ huyện cho đến chị du kích đều có vai có vế trong bộ máy chính quyền cách mạng. Một số người đóng vai trò chủ chốt trong huyện uỷ, Ủy ban Nhân dân huyện, huyện đội. Một số về làm bí thư, chủ tịch các xã. Một số khác được cấp trên rút về công tác ở tỉnh, thành phố. Các lớp học bổ túc về chính trị, về chính sách của Nhà nước cách mạng được mở ra để bồi dưỡng cấp tốc cho cán bộ, đảng viên. Một số khác được cử đi học bổ túc văn hóa cho đủ trình độ phổ cập cấp 1, cấp 2, cấp 3. Một bộ phận cán bộ được trung ương điều động về thành phố đi cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh trong vùng Mỹ, nguỵ kiểm soát trước đây. Một số khác đi tập huấn chuẩn bị cho việc xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp ở nông thôn. Hầu hết những sĩ quan nguỵ, cán bộ trong chính quyền cũ đã có lệnh đi học tập cải tạo. Không khí trong các làng xã oi bức, căng tức. Người dân lắng tai nghe ngóng những lệnh mới được ban ra từ chính quyền cách mạng. Ở những cơ quan chính quyền cách mạng, cán bộ họp tối ngày. Các bàn máy chữ khua vang để kịp cho ra đời những văn bản, chỉ thị mới.

 

Hoài rời quân ngũ về làm anh học trò đi học xem ra lạc lõng giữa đám bạn bè là cán bộ huyện, xã trước đây. Nhiều khi gặp được họ cũng khó. Anh vẫn còn nhớ cậu Kỳ, một thanh niên mới rút lên núi trong đợt bộ đội KX phối hợp với đội biệt động xã Hương Thạnh về đánh ấp La Chữ năm 73 rút lên núi. Sau khi được huấn luyện vài tháng, bây giờ về làng, Kỳ đã là anh xã đội trưởng. Anh Có, anh Đoàn, những cán bộ biệt động nổi tiếng của thành phố nay được điều về công tác tại thành phố. Ngọc Anh, một anh bạn từng chết hụt với Hoài ở dốc Đất Đỏ, sau bốn năm học trường An ninh nay đã là trưởng công an huyện. Vào những năm 1976, đất nước thống nhất, chủ trương của trên cho hai, ba tỉnh nhập một; vài ba huyện thành một huyện lớn hơn, dân số hàng chục vạn người. Cái ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng cả nước thành 500 pháo đài để bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang dần trở thành hiện thực.

 

Thủ trưởng Bậu của Hoài vốn là tiểu đoàn trưởng KX ngày trước sau được điều động sang công tác tại Ban tham mưu Thành đội. Theo yêu cầu của cấp trên, ông được điều về giữ chức huyện đội trưởng. Ông Bậu bao năm xa KX nhưng vẫn không quên Hoài. Anh vốn là người lính trinh sát của tiểu đoàn thường đi bảo vệ ông mỗi lần vượt sông Bồ hoặc vượt đường 12 sang cơ quan tỉnh đội để họp. Nhiều lần, cánh lính trinh sát cùng ông Bậu bò vào bám các căn cứ Chóp Nón, đồi Chổi, Tứ Hạ…, đưa đường cho ông về làng La Chữ, Phú Ổ, Văn Xá đuổi đánh tụi dân vệ nghĩa quân. Mỗi lần về ấp Văn Xá Làng, nếu không gặp địch, thể nào ông cũng tạt qua làng Thanh Lương thăm mẹ già và bà con cô bác. Cũng bởi ông đi theo cách mạng từ những năm chống Pháp, gia đình là cơ sở cách mạng nên bà mẹ và bà con họ mạc luôn bị chính quyền nguỵ gây phiền hà. Có lần, bà mẹ bị bắt đưa về quận tra khảo. Năm 1954, ông Bậu theo bộ đội tập kết ra Bắc. Năm 1962, ông được cấp trên bí mật đưa về Nam. Sau ngày giải phóng, gia đình ông mới được đoàn tụ. Mặc dù gia đình ông có nhà ở Huế, hàng ngày ông Bậu vẫn ở lại huyện, ăn ngủ tại cơ quan huyện đội. Một cậu công vụ lo cơm nước giặt giũ áo quần cho thủ trưởng. Chỉ khi nào có việc họp hành ở thành phố, ông Bậu mới về thăm vợ con.

 

Nhà khách của huyện đội thành nơi trú ẩn của Hoài để trốn những bữa cơm sinh viên trong cư xá Đội Cung. Về chơi với ông Bậu, anh được ông cho ăn cơm cùng mâm, ở cùng nhà. Lâu lâu ông lại sai Hoài phóng xe máy ra chợ An Hoà hoặc về Hiền Sĩ mua rượu, mực, thịt chó về nhậu. Bao năm ở rừng, ông Bậu vẫn không quên thói quen nằm võng. Chiếc võng may bằng vải simily pha ni lông hai lớp. Tối ngủ, trời lạnh ông trùm thêm tấm dù hoa, ghệ đầu lên mép võng nằm nghe đài Hà Nội và đài BBC. Nếu không, ông lại tấu lên bổn kịch cũ. Ấy là ông kể cho Hoài nghe chuyện những ngày ông ra miền Bắc tập kết, đi học trường quân chính. Chuyện ông đi hái sấu, hái trộm dưa của người dân ở ngoài bãi sông Hồng. Rồi chuyện ông đi tán các cô gái ở Hà Nội. Chuyện ông Bậu lấy vợ. Nhưng có lẽ say sưa nhất vẫn là chuyện những ngày ông làm đại đội trưởng rồi lên cán bộ tiểu đoàn của KX đưa bộ đội về đánh giải phóng Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Hai mươi sáu ngày đêm chốt giữ cố đô Huế, chặn đánh tàu địch trên sông Hương… Rồi ông kể cho Hoài nghe về làng Thanh Lương của ông với những kỉ niệm ấu thơ êm đềm, ngọt ngào của tuổi hoa niên. Đã có lần đại đội của Hoài đi theo ông về diệt đại đội bảo an ở Văn Xá Làng. Bữa ấy không có địch. Được thể, cả đại đội xộc thẳng về làng Thanh Lương đánh nghĩa quân diệt ác, trừ gian, rải truyền đơn của Mặt trận. Trung đội địch chốt ở chợ mới nghe thấy tiếng B40 nổ, biết có chủ lực quân giải phóng về làng chúng đã bỏ chạy. Bộ đội, du kích vào được dân mua gạo, mì chay, đường sữa, kẹo muga, thuốc lá xả láng.

 

Trong vòng ba tiếng làm chủ làng Thanh Lương, Hoài đã có dịp quan sát toàn cảnh ngôi làng. Làng Thanh Lương nằm dọc bên sông Bồ, làng đẹp, rợp bóng tre xanh và dừa. Ở các Phe Nhất, Phe Nhì, Phe Ba được bao bọc bởi những vườn cây ăn trái men theo con đường làng ra ngoài cánh đồng. Thoang thoảng mùi hoa cau, hoa nhài toả ra từ những ngôi nhà vườn ngập tràn ánh trăng hạ tuần. Biết có bộ đội về làng nhưng địch vẫn không bắn pháo. Chỉ thỉnh thoảng, chúng bắn ít đạn cối lên chặn phía ngả rừng. Ở căn cứ Từ Hạ, lâu lâu, địch lại bắn lên trời những trái pháo sáng.

 

Thủ trưởng Bậu say sưa kể chuyện KX và chuyện làng Thanh Lương của ông. Lâu lâu ông lại dụ khị Hoài rằng:

 

“- Bữa mô về Huế, mi ghé nhà qua chơi. Mi ưng con gái qua ta gả cho một đứa!”.

 

Câu chuyện của ông Bậu chỉ kết thúc khi nào Hoài nghe thấy tiếng ông ngáy. Anh nhìn sang, thấy điếu thuốc rubi ông vẫn cầm trên tay, tàn rơi trắng dưới đất.

 

Cũng trong một buổi tối như vậy, Hoài về thăm ông Bậu. Cơm chiều xong, ông kéo anh ra chiếc bàn đá đặt ngay dưới gốc cây phượng. Cậu cần vụ đã chuẩn bị sẵn cho thủ trưởng một ấm trà. Ông nghiện trà nhưng chỉ uống độc 2 thứ: trà Hồng Đào bao bạc dành cho cán bộ cao cấp hoặc trà B’Lao của Bảo Lộc. Sau một li trà đậm, ông Bậu rút bao rubi và cho Hoài một điếu. Đang uống nước, hút thuốc, chợt ông Bậu hỏi Hoài:

 

“- Này, mi còn nhớ thằng Đệ, đại đội phó C3 không hỉ?”. Hoài ngớ ra. “- Anh Đệ chết rồi, hi sinh ở Bầu Tháp, thủ trưởng không nhớ sao?”.

 

Ông Bậu nhìn Hoài. “- Sao qua lại không nhớ thằng Đệ! Tao là người giới thiệu nó vô Đảng và đề nghị với trung đoàn đề bạt nó chớ ai”.

 

Hoài sợ ông Bậu quên, anh nhắc lại cho ông Bậu nhớ. “- Sau trận ấy, đại đội 3 đã làm lễ truy điệu cho anh Đệ dưới chân dốc Đoác, có cả thủ trưởng và thủ trưởng Ngạn chính trị viên tiêu biểu dự. Hôm sau, tiểu đoàn bộ họp quân chính, bị tụi thám báo Mỹ phát hiện, gọi máy bay ném bom vào hậu cứ. Thằng Nam, lính công vụ cho thủ trưởng bị bom chết mất xác. Thủ trưởng có nhớ không?”.

 

Giọng ông Bầu trầm đục:

 

“- Sao qua lại không nhớ được! Nhưng là chuyện như ri mi ơi. Bữa hôm rầy, qua tình cờ gặp được một bà cụ từ ngoài Bắc vô. Bà cụ ăn mặc rách rưới lắm, lại đói nữa. Bà được mấy anh bộ đội cho đi nhờ xe, đến ngang huyện thì bà cụ xin xuống và hỏi đường về cơ quan huyện đội. Qua hỏi chuyện thì mới biết, bà cụ là mẹ đẻ của cậu Đệ, đại đội phó C3. Trong cái tay nải đựng quần áo của bà qua nhìn thấy cả tấm ảnh và giấy tờ báo tử của cậu Đệ”.

 

Ông Bậu ngừng kể nhìn Hoài. Ánh mắt ông vẫn ánh lên vẻ tinh anh của vị tiểu đoàn trưởng ngày nào mỗi khi nghe cánh trinh sát báo cáo tình hình địch. Nhìn ánh mắt ông, đố anh trinh sát nào nói dối được. Trước mặt ông Bậu, những anh trinh sát hèn nhát và lười biếng không thể có chuyện dối trá. Mỗi khi bò vào căn cứ địch, có mấy lớp hàng rào, hoả lực của địch nằm ở đâu, loại súng gì phải về báo cáo thật với ông Bậu. Nói dối sẽ bị ông trị thẳng cánh. Và cánh trinh sát hãy coi chừng. Chính những anh lính trinh sát sẽ phải cùng ông bò vào cứ điểm tối hôm ấy.

 

Nhả khói thuốc rubi, ông Bậu bảo Hoài:

 

“- Hoá ra, đại đội 3 và tiểu đoàn ta có khuyết điểm thật cậu ạ. Khuyết điểm nặng. Trận đánh về xóm mới Bầu Tháp, cậu Đệ đâu có chết. Sau khi trái mìn clâymo của địch cài trên đường sắt nổ, ta tưởng cậu Hoàn, cậu Khoản và cậu Đệ hi sinh. Cánh trinh sát đã đi tìm lại nhưng không thấy xác Đệ, tưởng cậu ấy mất xác nhưng không phải”.

 

“- Sao thủ trưởng tin chắc anh Đệ vẫn còn sống?”

Hoài ú ớ hỏi và thấy có sự lắt léo trong câu chuyện cũ về người chỉ huy đại đội 3 đã hi sinh từ bẩy năm nay.

 

“- Vậy mới có chuyện …”. Và ông Bậu tặc lưỡi: “- Vậy mới là cuộc đời… chớ đâu có phải thẳng đuột như mỗi lần tôi lên giảng nghị quyết để các cậu ngồi nghe cho sướng lỗ tai rồi vỗ tay”.

 

Trong cái buổi chiều chạng vạng ấy, ông Bậu đã kể cho Hoài nghe chuyến hành hương hơn 600 cây số của bà Mít ở làng Lôi đánh đường vào Huế tìm con. Trong túi bà cụ không có một hào, chỉ một vài vắt cơm nắm, cục lương khô của những anh bộ đội và một vài người dân tốt bụng gặp được ở dọc đường. Bà mẹ làng Lôi đi tìm con trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng chỉ với một lí lẽ: coi thử anh con trai của bà đã chết thật hay sống giả? Lời cầu khấn trời Phật đêm đêm của bà Mít là: con trai bà dù có phải chịu cảnh đui què mẻ sứt, miễn sao vẫn còn sống để mẹ con còn có dịp gặp nhau. Con trai bà dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa bà cũng sẵn sàng chịu đựng. Bà chết cũng an lòng.

 

Đấy là câu chuyện ông tiểu đoàn trưởng Bậu kể cho Hoài nghe vào một ngày thu năm 1976. Chính ông cũng không nghĩ rằng, có lúc, ông lại trở thành một anh lính trinh sát bất đắc dĩ, đơn độc một mình suốt mấy tháng trời đi quanh các xã Hương Thạnh, Hương Vân, Hương Thái, Hương Xuân, Hương Vinh, những dải làng ven sông Bồ để truy tìm cho ra tung tích của anh Đệ. Trong những chuyến đi ấy, ông Bậu lặng lẽ đi một mình, chẳng có anh trinh sát tiểu đoàn nào đi theo ông cả. Bữa ông đi xe Uóat của cơ quan huyện đội, có ngày ông cưỡi xe honda. Mỗi lần về huyện uỷ họp ông đều tìm gặp anh Có, anh Đoản, anh Diên, anh Sửu, Ngọc Anh, Lành… và có lần hỏi cả chú Sáu Thọ Hường – một thành uỷ viên lâu năm nằm chốt ở đất Hương Trà truy tìm cho ra tung tích Đệ. Chỉ đến khi ông Bậu tìm về quán Mụ Tr. – một cơ sở mật của đường dây thành uỷ – người trong gia đình mới cho hay một vài tin không chắc chắn. Đã nhiều lần, vào lúc rảnh rỗi, ông Bậu dừng lại ở bãi mồ mả có rặng thông phía sau làng xóm mới Bầu Tháp quan sát lại địa hình. Cái ấp Tân Sinh do chính quyền Nguỵ lập ra nằm sát ven đường, đưa dân các thôn làng sát chân núi về ở, nay đã trở thành một xóm ấp đông vui. Dấu tích còn lại của một ấp chiến lược là dãy nhà lợp tôn Mỹ sáng loáng. Các lá cờ Nguỵ vẽ trên tường ngày trước đã bị người dân xoá đi. Lớp rào kẽm gai bao quanh ấp cũng được gỡ, bán phế liệu. Chỉ còn lại cây bông đồng cao, toả bóng mát nơi đầu cổng ấp. Phấp phới trên ngọn cây có treo lá cờ giải phóng nửa xanh, nửa đỏ.

 

Ông Bậu đi lại hàng chục lần trên đoạn đường quốc lộ chạy song song phía trước mặt làng Bầu Tháp để giả định những ngả đường có thể sau lúc bị thương, Đệ trú ẩn. Ông săm soi từng bờ ruộng, từng bụi cây, cảnh vật thay đổi hẳn. Cây cỏ, bờ mương, những bãi mồ mả nằm lẩn khuất sau các bụi dứa dại như thể đánh đố ông.

 

Những ngày tháng ấy, bà Mít trở thành người phục vụ không chính thức của cơ quan quân sự huyện đội. Bà vốn là người đảm đang, hay lam hay làm, dẫu không ai phân công cắt việc nhưng hàng ngày bà tham gia vào tổ phục vụ nuôi quân. Bà nhặt rau, vo gạo, trông củi lửa cho chiếc bếp Hòang Cầm. Mọi người ăn xong, bà lại rửa chén đĩa, xoong nồi cho bếp ăn huyện đội. Mấy cô bộ đội mới nhập ngũ sau ngày 30/4 suốt ngày kêu bà Mít bằng mẹ. Các cô gái còn trẻ đáng tuổi con cháu nhưng biết hoàn cảnh của bà đầy éo le, trắc trở, các cô ra chợ trời Tây Lộc mua vải về may áo quần cho mẹ Mít. Cứ quãng 4 giờ sáng, khi tiếng chuông nhà thờ ở làng Dương từ xa vọng tới, những anh bộ đội gác đêm đã thấy bà Mít trở dậy, nhóm lửa nấu cơm sáng cho cả đơn vị.

 

Câu chuyện về người con trai của bà Mít, một chỉ huy cũ của KX hi sinh trong trận đánh về Bầu Tháp, huyện nhiều người biết. Song việc anh Đệ còn sống, lại trở thành sỹ quan Nguỵ ra trình diện ở Nha Trang, thằng Ca đưa chuyện về làng và gia đình bà Mít bị tước bằng liệt sỹ thì chỉ có mình ông Bậu hay. Ông vốn là người nhạy cảm chính trị, sống lâu năm trong vùng tranh chấp giữa ta và địch, ông luôn lấy chữ thận trọng đặt lên hàng đầu. Thực sự, hình ảnh của Đệ đã nhờ nhoạt trong tâm trí ông. Sau này sang công tác ở cánh nam qua nhiều đơn vị, ông không thể nhớ hết được những người cán bộ, chiến sỹ của KIV, KX ở công trường V đã cùng tham gia với ông đánh hàng trăm trận giải phóng vùng cát Phong Quảng, Phú Vang từ những năm 1963. Hai đợt ông chỉ huy KX về đánh trong chiến dịch Mậu Thân ở Huế, bộ đội hi sinh biết mấy. Về sau, anh Có, anh Đoàn , những cán bộ cũ của Hương Trà nhắc chuyện của Đệ ông mới nhớ đến anh đại đội phó đại đội 3 đã có lần dìu ông vượt phá Tam Giang, phá vây để lên rừng sau lần tổng công kích về Huế lần thứ 2 không thành. Và lần cuối cùng ông gặp Đệ là lúc tiểu đoàn sắp nhận lệnh giải thể để bổ sung cho huyện xã. Trận đại đội 3 đánh tụi bảo an ở Bầu Tháp. Trận ấy, Đệ đã không trở về.

 

Cho đến một ngày, có người mách ông Bậu tìm về làng Dương để gặp ông Sáu Đến. Ông Sáu Đến ngày trước cũng đã từng là ấp phó trong chính quyền Nguỵ, nhưng ông lại là cơ sở mật của một đầu mối trong cơ quan thành uỷ cắm ở vùng sâu. Ông Sáu không phải là nhân vật chủ chốt và cũng không tham gia công tác cách mạng liên tục cho đến ngày giải phóng nên ít người nhớ. Làng Dương có nhà thờ. Cả làng theo đạo, một pháo đài bất khả xâm phạm của Việt cộng từ thời Ngô Đình Diệm. Việc ông Sáu Đến là cơ sở ở vùng sâu lại nằm trong chính quyền của nguỵ, địch không ngờ tới. Công việc của ông là lâu lâu về Huế, ghé một tiệm cà phê gặp người của ta cung cấp thông tin, tình hình hoạt động của các đơn vị địa phương quân đóng trong vùng và những âm mưu thủ đoạn của địch tại các xã đồng bằng. Sau ngày giải phóng, ông Sáu Đến cũng bị triệu tập đi học tập cải tạo vài ngày. Ông đã khai báo cụ thể, có người xác nhận, ông được cho về. Ông Sáu Đến tuổi đã cao, sức yếu, lại là người có đạo, sau cách mạng, ông cũng không tham gia vào chính quyền của ta. Chỉ có điều, chuyện tình của cô con gái với Đệ, ông dấu biệt. Có thể, ông Sáu Đến cũng không mấy hài lòng cho mối lương duyên bất cập ấy nhưng mọi sự đã rồi. Ông không thể thuyết phục được cô con gái. Vả chăng, Hương Giang đã trót có bầu với Đệ. Âu cũng là do Chúa sắp đặt. Ngẫm nghĩ cuộc đời ông, Sáu Đến cũng thông cảm cho đôi trẻ. Thân phận ông, một anh con trai có đạo, trót đem lòng yêu cô gái làng bên theo đạo Phật. Hương Giang, con gái ông, có tính cách quyết liệt hệt như ông ngày còn trẻ… Ông Sáu Đến cũng dấu luôn cả chuyện mua giấy tờ giả thay tên, cải họ cho Đệ để đôi vợ chồng trẻ, không cưới xin, bí mật đưa nhau vào Nam tránh tai mắt của tụi tề nguỵ ở làng.

 

Ông Bậu tìm đến nhà ông Sáu Đến. Cũng phải mất một vài lần, ông Sáu mới có đủ độ tin cậy để bộc bạch tâm can. Vào những ngày đầu giải phóng, vui thì có vui, nhưng những người dân lành quen sống trong vùng “phía bên kia” có phần e sợ cộng sản. Bài học những năm “Mậu Thân” vẫn còn nhỡn tiền ra đó. Cười vui nổ như sấm rền. Cờ nửa xanh, nửa đỏ phấp phới trong đại nội, trên những đình làng vừa giải phóng. Dân các làng đổ xô ra đón bộ đội giải phóng về làng, vắt cơm, đùm gạo nuôi bộ đội. Ấy vậy mà mấy ngày sau súng lại nổ dữ dội. Các sư đoàn lính thiện chiến của quân đội Mỹ, nguỵ Sài Gòn sau đòn đánh phủ đầu kịp bừng tỉnh, hồi sức chống trả quyết liệt. Bom dội vào thành nội, khu Mang Cá. Lính Mỹ của sư đoàn kị binh bay số 1 nổi tiếng kiêu hùng phối hợp cùng sư đoàn I tấn công vào tuyến phòng thủ của bộ đội giải phóng ở mặt trận Huế. Các ông lãnh đạo tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ và cả ông Bậu cay đắng nhìn hàng chục cơ sở mật cài cắm ở các nơi suốt mười mấy năm qua bị lộ. Người bị bắt, kẻ bật lên xanh. Đại đội 1, đại dội 2, đại đội 3, đại đội 4 của tiểu đoàn KX sau những ngày căng sức chống trả địch giữ từng căn nhà, góc phố, từng bờ tre, bãi mồ mả ở Huế, ở Phú Vang,… Khi không còn đủ sức nữa, đành vượt Phá Tam Giang trở lại với rừng.

 

Vào những năm “68, 69” ấy, các làng, xã ven đô Huế căng như một sợi dây đàn. Suốt ngày lính bảo an, dân vệ chà xát, dồn dân lập “ấp Tân sinh”. Đến đêm, “lính mũ nồi xanh” kết hợp với lính địa phương quân gài mìn, giăng bẫy đón lõng bộ đội, du kích về làng. Chúng thừa biết bộ đội, du kích đang bị đói. Lính Mỹ đang càn mạnh ở miền Tây ra cả đường tuyến, thọc cả vào các kho gạo, kho đạn đập phá. Tiểu đoàn 439 của công trường V, sau những ngày đánh chống càn, bộ đội bị thương, hi sinh, một số sốt rét, chết đói nằm trên võng dọc đường.

 

Cả tiểu đoàn X. chỉ có hơn 200 tay súng. Ban chỉ huy tiểu đoàn lo kiếm gạo nuôi quân không đủ ăn. Bộ đội chịu đói khát, tật bệnh. Điều cốt tử lúc ày là thực hiện cho được nhiệm vụ của quân khu, của tỉnh giao cho là giữ cho được lòng tin của người lính đứng trên vùng giáp ranh không ngã lòng buông xuôi. Đã có lúc, đại uý Lê Văn Duy, chính trị viên tiểu đoàn X đã phải khóc trước hàng quân mà nói rằng: “Dù còn một người thì chúng ta cũng phải giữ cho được giáp ranh. Còn đứng chân được ở đây là còn đường về với dân. Máu của mỗi đồng chí ta đổ ra trong cuộc chiến đấu này không hề uổng phí, tô thắm ngọn quân kì của Tổ quốc. Máu của ngày hôm nay, anh em ta đổ ra ở Thành Nội, ở Phú Vang, Phong Quảng, Hương Trà, Hương Thuỷ… làm nên chiến thắng ngày mai”.

 

Đã bao năm, trong mỗi chuyến đi về Thanh, Nghệ, Hoài luôn dò hỏi tìm tông tích ông Duy coi thử ông còn sống hay đã mất. Ông Bậu, dù nay đã là người thiên cổ, trong cái đêm ngồi kể chuyện cho Hoài nghe về bà mẹ làng Lôi đi tìm con, cũng không biết tin tức của ông Duy. Có người bảo ông Duy đã mất vì bị ung thư gan. Nhưng cái âm điệu giọng Thanh Hóa của ông Duy như vẫn văng vẳng bên tai Hoài.

 

Cuộc sống của người lính giải phóng còn như vậy, huống chi dân các xã vùng ven Huế, vùng Phong Quảng, Hương Trà. Có nhiều làng, dân không được ngủ lại đêm. Tối kéo nhau vào ấp chiến lược có lính canh chừng. Có người hôm qua còn bán gạo cho bộ đội, du kích, hôm nay thấy bộ đội về ấp thì sợ hãi, xua họ như xua tà. Có kẻ còn ngầm báo cho địch những ngả đường bộ đội, du kích hay đột kích vào làng để chúng đặt mìn phục kích. Những người dân trong vùng địch kiểm soát khiếp sợ tụi tề ngụy trong xã, trong quận biết họ liên quan tới cách mạng, trả thù. .Hèn gì ông Sáu Đến khi gặp một ông như thủ trưởng Bậu lại chả sợ. Khẩu K54 bao da bóng loáng luôn kè kè thắt lưng ông Bậu. Ông lại đeo chiếc xắc cốt đen bên vai; chân đi dép rọ Liên xô, mũ cối Trung Quốc lấp lánh sao vàng, đi xe commăngca về làng.

 

Nhưng ông Bậu vốn là người chỉ huy làm dân vận giỏi. Và khi biết ông Bậu cũng là người Thanh Lương, ông Sáu Đến mới dám kể chuyện Đệ. Chính tại đây, ông Bậu mới được nghe câu chuyện của ông Sáu Đến kể về việc cứu chữa thuốc men cho Đệ. Ông càng ngỡ ngàng khi nhìn thấy tấm ảnh chụp Đệ và Hương Giang – con gái ông Sáu Đến, kỉ niệm ngày hai người mới cưới nhau. Vẫn theo lời ông Sáu Đến, ông đã bắt gặp Đệ nằm trong rãnh đất trồng mía lúc đi làm đồng. Nhìn Đệ, ông biết là bộ đội ta bị thương trong trận đánh về Bầu Tháp mấy đêm trước. Lúc ấy, Đệ đã yếu, nằm thoi thóp thở, người bị thương bê bết máu. Khi ghé chiếc bi đông nước cho Đệ uống, ông không tin anh bộ đội sẽ qua khỏi. Suốt mấy ngày trời, ông Sáu dấu anh bộ đội trong ruộng mía. Hàng ngày, ông lấy cớ ra đồng, dấu nước cháo, sữa hộp, nước uống, thuốc và kim tiêm trong những bao phân. Tự tay ông tiêm thuốc cho Đệ phòng chống sài uốn ván. Cho đến ngày thứ tư, sức khoẻ của Đệ mỗi ngày một khá hơn. Anh đã nhúc nhắc đi lại được. Ông Sáu Đến mới quyết định đưa Đệ về dấu trong vườn nhà.

 

Kể xong câu chuyện, ông Sáu Đến bảo với ông tiểu đoàn trưởng Bậu:

“- Chúa dạy: con người là vốn quý chú ạ”.

 

Một ngày, ông Bậu bí mật chờ bà Mít về làng Dương gặp mặt ông “thông gia” Sáu Đến.

 

Câu đầu tiên, ông Bậu nghe được từ cửa miệng ông Sáu Đến là: “- Thay mặt cho hai cháu, tôi xin bà nhận lấy ở tôi một lạy, tôi tạ tội thay cho hai cháu. Chúng nó làm việc liều, chẳng được ông bà ngoài nớ cho phép. Thời buổi chiến tranh, cách trở xa xôi… Xin ông bà chớ lấy làm phiền”. Ông Sáu Đến hôm ấy mặc bộ quần áo nâu, ngoài mặc tấm áo dài đen mà mỗi khi trong họ đạo có việc, người ta mới thấy ông ăn mặc như thế.

 

Còn bà Mít, mẹ đẻ của Đệ, khi vào trong nhà, thoạt nhìn thấy tấm ảnh Đệ đứng cạnh một cô gái xa lạ, bà không cầm nổi nước mắt. Bà lắp bắp: “Con tôi… còn sống. Còn sống thật các ông ạ…”. Rồi bà ngất đi. Ông Bậu và ông Sáu Đến sợ quá, phải cậy miệng bà đổ chút nước gừng. Một lát sau, bà Mít mới tỉnh.

 

Ông Bậu kể xong cuộc tương ngộ của hai gia đình thông gia, kẻ Nam người Bắc cho Hoài nghe xong, có vẻ vui. Ông bảo:

 

“- Nói thiệt với em, qua chứng kiến bao cảnh vui buồn. Có lúc tiểu đoàn ta đánh nhau ở Dưỡng Mông A, “thằng” C1 của qua có trận hi sinh cả mớ. Qua không khóc. Vậy mà nhìn cảnh hai ông bà già tìm nhau nhận con, nhận cháu qua rơi nước mắt”.

 

Chợt ông Bậu vỗ đùi:

 

“- Này mi, lấy xe máy của qua phóng ra Tứ Hạ mua thịt chó về đây, ta nhậu. Tự nhiên, qua muốn uống rượu”.

 

(Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC