Đổ lỗi cho ai…

936

Nguyễn Thị Phụng

(Đọc Giếng hoang, truyện vừa của Nguyễn Anh Đào)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dung lượng ở mỗi truyện ngắn có tính chất ngắn gọn và sự cô đọng, súc tích trong miêu tả. Giếng hoang của Nguyễn Anh Đào, nhà văn thuộc thế hệ 8X ở ĐăkLăk, lại tập trung vào một số sự kiện chính và các nhân vật xoay quanh trong mối quan hệ gia đình chịu sự chi phối của tập tục lạc hậu và bản năng con người đã thành nỗi ám ảnh cho người đọc về thân phận người phụ nữ, những em gái luôn chịu thiệt thòi. Dễ gì Đỗ lỗi cho ai hay chính cổ tục và cái ác sóng đôi đã mê hoặc “phụ nữ” bị chịu nhiều ràng buộc níu kéo khó thoát được giữa một xã hội công nghệ thông tin phát triển, họ phải đi vào ngõ cụt khó thoát hết lần này đến lần khác. Trong cách dẫn dắt tình tiết truyện cho thấy Giếng hoang của Nguyễn Anh Đào là truyện vừa được chăng?!…

Tác phẩm Giếng hoang của Nguyễn Anh Đào

Giếng hoang được xoay quanh từ quán cháo nhỏ mưu sinh của dì Hai, có người đàn ông say rượu lớn tiếng, bạo hành đàn bà trong nhà. Còn hai đứa gái nhỏ mười tuổi: Thúy – con dì Hai, và Du: cháu dì, được dì cưu mang từ lúc lọt lòng, mẹ mất. Tất cả sống trong nêm nếp lo sợ, nhưng được dì Hai nuôi dưỡng, che chở. Du luôn khao khát ước mơ như cô bé bán diêm được gặp bà, Rồi bên cạnh những khách ra vào quán cháo, trong đó có một người đàn ông, tên Dần xuất hiện, gọi chị. Như linh tính kết nối, cháu Du phát hiện tìm cách hiểu ra đó là cha con gặp nhau. Nguyên nhân mẹ mất chỉ vì cuộc chia tay xuất khẩu lao động của Dần hay vì cái tuổi Dần của mẹ Du mà bị cay nghiệt ruồng rẫy dẫn đến cái uất ức làm sản phụ chết để lại bi kịch lớn dần cho người con của mình sau này…

Tuổi thơ níu kéo hai đứa bé không thể rời nhau, đó còn là ngoài tình thương cùng khổ, cùng bất hạnh: “Du quen bóng tối, thường ngồi một góc để nhìn ra ánh sang, nhìn gã đàn ông râu ria đó dáo dác tìm mình, dáo dác tìm những vật thể đang di chuyển trong ngôi nhà này để đánh… Du thương chị Thúycùng chui vào nhà kho tối hù, không dám quơ cả cái mạng nhện để trốn những trận đòn roi vô cớ… Suốt mười năm hai con bé đen đủi ốm nhách như chị và Du, có được mấy ngày không phải ngủ trong sợ hãi? Có lẽ cái ngày mà Du ra đời là ngày ngày xấu nhất, nên mẹ mất, Du về bú sữa của dì, chị phải chia bớt phần sữa cho Du. Vì Du, chị cũng thiệt thòi nhiều từ khi mới sinh”. Du tuy còn bé nhưng phần nào đã hiểu và trân quý người thân của mình…

Nguyễn Anh Đào đã khai thác diễn biến tâm trạng nhân vật Dần sau khi đọc mảnh giấy của bé Du, nỗi trăn trở của Dần có phải chỉ vì cái nghèo “…phải lắt lay tìm đường mà sống, đi để lợp lại mái nhà cho mẹ, đi để có cái nhà cho riêng mình. Nhưng rồi khi trở về, nàng cũng ra đi và mẹ cũng không còn. Anh không biết mình có nên hối hận hay không? Hay chỉ là tự trách cho trò đùa số phận trớ trêu cứ lờn vờn quanh anh?”… và còn rất nhiều sự giày vò nội tâm của nhân vật Dần ở nhiều tình tình tiết khác nữa.

Nhà văn còn dành nhiều trang viết về nhân vật người con “Du nghe đâu đó trong ký ức mình, cái ngày còn đi lẫm đẫm, cái ngày dì lấy thân mình che cho Du và chị Thúy khỏi những đòn roi vô cớ của người đàn ông bạo ngược. Du mặc nhiên phải quen, phải thích nghi với điều đó, đó là thế giới, là số phận của Du, đã sinh ra thì phải lớn lên và đón nhận mà không có quyền lựa chọn, không có quyền ao ước mình ở một gia đình khác, đơn giản, đó không phải là nơi dành cho Du”…

Nếu truyện dẫn đến kết thúc sau khi Dần biết Du là đứa con của mình và đưa con về để cha con sum họp một nhà thì cuộc sống bình lặng hơn, bù đắp cho con tháng ngày côi cút, tháo gỡ bức xúc của Dần vì không đủ bản lĩnh bảo vệ cho một tình yêu của mình. Nhưng truyện được kéo dài thêm vì tuổi thơ Thúy không muốn sống trong nhà thiếu Du, Du chờ được chính thức về với người cha ruột thịt của mình thêm sáu năm nữa, đúng trong buổi sáng chuẩn bị bữa tiệc gia đình chia tay cùng nhà dì, thì tình huống truyện bất ngờ bộc lộ bản năng của gã dượng “nghiện rượu” bấy lâu kia xâm hại tình dục đứa cháu vị thành niên. Cái chết của Thúy nơi giếng hoang, đầy ám ảnh tuổi thơ đến khi nỗi nhục đè lên không gian gia đình khốn khó lại càng bế tắt vì không thể chịu đựng từ nhận thức của tuổi mới lớn cùng dư luận xã hội.

Giếng hoang là tiếng nói lương tri cần được bảo vệ người thân chính từ trong gia đình. Giếng hoang cảnh báo phần nào sự thờ ơ của người lớn và lòng thù hận đã đẩy con người vào sự việc khó lường. Một tuổi thơ giàu mơ mộng, sớm hiểu biết, lòng nhân hậu vị tha cũng phải sống trong ám ảnh: “Tuổi mười sáu của Du, ước mơ tương lai tươi đẹp của Du, cơ thể trinh trắng của Du tuột nhanh theo cái nhớp nhúa mà gã đàn ông Du gọi là dượng đang làm. Đau tức, cơn đau như cộng cả ngàn trận đòn trong suốt tuổi thơ cộng lại…”. Còn một tuổi thơ của Thúy yếu đuối hụt hẫng không còn chỗ bám víu sẻ chia cùng Du dẫn đến cái chết thật đau lòng. Tất cả đều là nạn nhân của “gã rượu” trong gia đình trực tiếp gây ra, hay tính ích kỉ của người dì khi giữ Du trong vòng tay của mình không trọn vẹn. Hay “Bi kịch cuộc đời của những thành viên trong một gia đình, đôi khi chỉ do một người gây ra, cả gia đình phải gánh lấy như trách nhiệm và tai ương phải gánh cùng nhau,… Bi kịch của người Dần yêu, của con gái Dần, chính là do sự vô tâm, vô tình của Dần, bi kịch hôm nay của gia đình bé Thúy, cũng là do người cha, người chồng đã gây nên. Dần nhận ra vai trò người đàn ông trong gia đình quan trọng biết nhường nào, chỉ không tròn bổn phận thôi là đã gây nên bi kịch cho hết thảy thành viên còn lại”. Phải chăng đây chính là hình tượng tác giả gửi vào nhân vật Dần góp thêm vào cộng đồng xã hội chung tay xây dựng tổ ấm gia đình vì tương lai con em mình.

Phiên tòa được mở ra là phần ba truyện còn lại dẫn đến cái kết về sự dằn vặt nội tâm ở hai nhân vật là Dần – người cha và Du – con gái trước phiên tòa: giữa tha thứ và không tha thứ. “Du đến với tinh thần là tha thứ nên sự phẫn uất sẽ không còn. Nhưng chủ tọa đừng hỏi nữa, hỏi thì khiến con phải gợi nhớ lại cái thứ con đã muốn quên, hỏi thì buộc con phải trả lời sự thật… Nhưng Du không có quyền xin được tha cho ông ấy, bởi Du không thể phản bội lại hình hài mà cha mẹ đã cho Du, ít nhất, Du tha thứ từ trong tâm, còn lại, pháp luật sẽ làm nhiệm vụ của họ”.

Dấu mốc “Tám năm rồi cũng như một cái chớp mắt. Ai chết thì cũng đã chết, ai sống vẫn phải sống. Mọi người dần quên chuyện Du đã trải qua những nỗi đau cũ, quên chuyện một người vẫn còn đang trong tù để trả giá về những việc đó, họ quên dần mọi thứ khi dì Hai cũng trở lại buôn bán sau một gian dài suy sụp.” Ngỡ như quá khứ khép lại, nhưng không kể từ khi Du quen với Lãng và tình yêu của họ lúc đầu bị cản trở cũng chỉ vì cái ác cảm của người mẹ Lãng, hay nói đúng hơn là quan niệm sống của số ít phụ nữ ích kỉ, không vị tha. Tin vào những điều bói toán nghiệp ngã với cô dâu khi nhập gia phải nhảy qua chín lần trên thau than đỏ rực để đuổi được tà ma… cũng vì lí do tai nạn “tuổi mười sáu”. Và chính hành động mù quáng làm theo thầy bói trong buổi đưa dâu lại một lần nữa gây nhiều mâu thuẫn cả hai họ, và nhất là nỗi đau của người dì… Ngỡ nhân vật Lãng đủ bản lĩnh bảo vệ cho Du nhưng dần dà sau ba năm ngày cưới, vì không có con lần nữa lại tin vào bói toán, không tìm cách đến với y học, Lãng lại sa vào những cuộc vui khuya, cái kết bị tai nạn trên đường về trong men rượu.

Giếng hoang dễ đến với người đọc như một tiểu thuyết tâm lí xã hội, bởi nhà văn khai thác góc cạnh đời sống tâm hồn của Du, tuổi thơ với những ước mơ rất thực được sống có ba có mẹ như bao em bé khác, mơ về ngôi nhà bình yên, biết ơn người dì bảo bảo bọc, nhưng chưa đủ lớn để tự bảo vệ mình dù ở tuổi mười sáu khi bị cưỡng bức tình dục. Đó còn là nỗi đau chung của những người mẹ khi con cái mình bị xúc phạm thân thể. Đó còn là vẫn đề đặt ra của toàn xã hội cần bảo vệ tuổi thơ, nhất là những em bé nữ. Đến khi pháp luật can thiệp thì chuyện đã rồi, lại dẫn đến nỗi ám ảnh không nguôi đâu riêng gì bản thân người bị hại. Cũng là cơ hội kiếm tiền của “thầy bói toán” mà kẻ mê muội tin vào hủ tục sát phạt con người với nhau. Lẽ ra những người bị hại cần phải được bảo vệ và chăm sóc yêu thương nhiều hơn nữa. Lại không một ai “ném đá” về phía “gã rượu” chỉ dư luận xôn xao rồi tắt ngầm. Giếng hoang phản ánh thực tế cho những điều ngược lại, chỉ trừ pháp luật “tám năm tù” kẻ gây ra cái ác. Tất cả đều do nhận thức con người mà ra.

Trong tầng nghĩa ẩn dụ của  một tựa đề Giếng hoang nằm khuất trong nương rẫy núi rừng, nơi chôn cất nỗi buồn, sự bế tắt không thể bị vùi sâu trong lòng đất đã bị phơi bày từ cái xác Thúy mà khai thác triệt để xuất phát từ trong ngôi nhà “quán cháo dì Hai” ăn và uống, thái độ giao tiếp và cách ứng xử mà nhân vật dì Hai trong gia đình chịu đựng, như những người đàn bà: “cũng chỉ là loài động vật yếu đuối và ngu dại nhất thế giới này thôi, chỉ có hi sinh, chỉ có tôn thờ người đàn ông là chồng mình, thì mới được coi là vợ ngoan, vợ tốt. Dần biết, vì ngay trước phiên tòa, chị đã kéo tay Dần ra khỏi đám đông “có cách gì, cách gì không để cứu anh ấy, em ơi!”. Phải chăng, nếu cứu người đàn ông ấy là đồng tình cho cái ác duy trì lấn lướt hành hung, dẫn theo nhiều hệ lụy cho cả gia đình và người thân của mình muôn đời khó gỡ.

Tên gọi các nhân vật trong Giếng hoang: Với nữ: là dì Hai sao không là dì út cho một sự kết thúc những tồi tệ nhất trong gia đình; Những người đàn bà không tên (mẹ của Dần – và cái chết có thể là một sự chôn vùi quan niệm tuổi tác; mẹ của Lãng– hành động bất ngờ trong ngày đón dâu mà Du cố gắng vượt qua) ám ảnh tiếp nối cũng xuất phát từ mê muội, ích kỉ, chịu sự chi phối lễ giáo phong kiến xưa nay phu xướng phụ tùy, của trọng nam khinh nữ; Nhân vật Du đau đớn gánh nặng biến cố đời mình vượt qua tất cả để sống; ở Thúy chịu vỏ bọc gia đình không lối thoát. Đối với nhân vật nam không tên như “gã rượu” kẻ ăn không ngồi rồi lại là nguyên nhân bạo hành gia đình gây nên cái ác; Lãng: ngỡ bản lĩnh đầy kiên quyết nhưng buông thả dễ lại bị lôi kéo; Như Dần, qua nhiều trăn trở cho sự thờ ơ, cuối cùng nhận ra lẽ phải được minh chứng trong ứng xử, cái tát cho nhân vật Lãng thức tỉnh mấu chốt trăn trở con người sẽ từng bước lấy lại thăng bằng cuộc sống quanh ta. Dẫu là nhân vật chính hay phụ, thì Giếng làng đã thỏa mãn người đọc trong mọi tình huống cốt truyện theo thời gian diễn biến sư việc./.

28.02.2021

N.T.P