Đỗ Ngọc Yên – Nhận diện một xu hướng thơ

519

27.6.2018-10:45

 Nhà thơ Hà Thiên Sơn

 

>> Chùm thơ Haiku 

>> Mẹ gánh cả chiều đi không hết

>> Uống rượu với mình

>> Viết tên em trên cát

>> Hoa vàng mấy độ

 

Nhận diện một xu hướng thơ

 

ĐỖ NGỌC YÊN

 

NVTPHCM- Từ trước đến giờ, tôi không có thói quen đọc hết tập thơ ngay trong một lúc. Ấy vậy mà lần này cầm trong tay Chấm hoa vàng* của Hà Thiên Sơn, tôi đã đọc một “lèo” trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Trừ lời tựa, minh họa và bìa lót, cứ mỗi trang một bài, mỗi bài 3 câu, các câu được sắp xếp theo thứ tự hai, ba, bốn chữ, tổng cộng là 200 bài, chỉ đánh số thứ tự, không có tên bài.

 

Với tôi, trước hết đây là một tập thơ khá sang trọng về hình thức. Từ cách vẽ bìa đến trình bày sách, kiểu chữ cho đến hình thức thể hiện đều toát lên một cái gì đó từa tựa như là “bất sở cầu”, làm tôi liên tưởng đến thể thơ Haiku của Nhật Bản.

 

Với ba câu trong mỗi bài thì đích thị đây là tập thơ được làm theo cách của Haiku, nhưng về cấu trúc số chữ và số tiếng lại không hoàn toàn như vậy. Bởi lẽ Haiku là thể thơ có 17 âm tiết, gồm 7 hoặc 8 chữ (Nhật Bản) và thường chia thành 3 câu theo cấu trúc 5-7-5. Trong Chấm hoa vàng của Hà Thiên Sơn, trừ  bài số 132 (tr 152) được coi là “phá cách”: Đêm trắng/ Những mối tình không ngủ/ Nhêva lấp lánh, còn lại 199 bài đều có số câu, số tiếng như nhau và được sắp xếp theo cấu trúc 2-3-4. Như vậy, có thể coi đây là sự tiếp thu, kế thừa thể thơ Haiku của Nhật Bản theo cách của Hà Thiên Sơn cũng được. Nhưng cũng có thể coi anh muốn “sáng tạo” ra một hình thức thơ cho riêng mình cũng không sao. Đặc biệt, với 11 bức phụ bản của tập sách được phác họa theo phong cách tranh thủy mặc của một số nước phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… khiến cho tập thơ của anh đậm cốt cách Á Đông hơn.

 

Điều đáng nói ở đây là trong lúc thiên hạ đang đổ xô đi tìm tân hình thức, hậu hiện đại theo trào lưu thơ phương Tây hiện đại, thì lại có một Hà Thiên Sơn đi tìm về thơ phương Đông, thể Haiku của Nhật Bản. Dù là tiếp thu thể thức nào và tuân thủ hệ quy chiếu thẩm mỹ nào, điều đó không quan trọng, mà vấn đề là chất lượng nội dung của thơ. Đọc hết cả tập tôi thấy Chấm hoa vàng không hề gợn lên bất kỳ một chút nào mà giới cầm bút thường gọi là “sạn”. Ngược lại chỉ thấy sự nhuần nhụy đến mức tinh khiết trong từng con chữ ở mỗi câu, mỗi bài. Từng câu, từng bài và cả tập khi đọc xong không làm cho người đọc phải bận tâm suy nghĩ theo kiểu đánh vật với từng câu chữ, hay trăn trở về những vấn đề lớn lao của cuộc sống, xã hội và con người, mà tất cả đều được giấu kín sau lớp vỏ ngôn ngữ, tạo nên những hình tượng thơ trong sáng. Có lẽ vì thế mà nó làm ta ám ảnh khôn nguôi, như thể đòi ta phải thiện hơn và cũng phải mỹ hơn. Với cái vẻ hình thức bên ngoài hết sức nghiêm ngặt, nhưng chứa đựng bên trong là cả một thế giới tâm hồn phong phú hòa quyện giữa con người và đất trời thiên nhiên huyền ảo. Đấy là cái được nhất của Chấm hoa vàng.

Tập thơ Chấm hoa vàng của Hà Thiên Sơn,

Nxb. Hội Nhà văn 2010

 

Trong lời tựa, dịch giả, nhà văn Nhật Chiêu có lý khi ông cho rằng: Chấm hoa vàng của Hà Thiên Sơn là nỗi ám ảnh của những cái bóng. Bóng núi, bóng tròn, bóng ngày, bóng xế, bóng hình, bóng ngả, bóng hồng, bóng mẹ… và tất cả những cái bóng đó có thể quy về một cái bóng và có thể gọi tên là “cái bóng của thời gian” (tr 5).

 

Không biết có phải cái bóng của người thơ đã lạc về cõi vô thường, một nơi xa ngái lắm nên mới không vương chút bụi trần, không lo nợ duyên cơm áo, cứ thế bồng bềnh trôi như áng mây trời mà trĩu nặng tình người, lẽ đời: Bóng lẻ/ Đũa có đôi/ Bên nào cũng lệch (bài 53); Mùa xuân/Nắng bừng lên/ Xốn xang thiếu phụ (bài 61); Đá đứng/Ta cúi đầu/Cả hai im lặng (bài 79); Thiền viện/Tiếng chuông ngân/Nhang trầm hương tỏa (bài 192)… Không rõ đây là bóng thời gian hay bóng người, hoặc có thể là cả hai(!?) 

 

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng thời gian chỉ là một chiều kích, một thước đo khách quan nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Sẽ chẳng có điều gì đáng nói khi thời gian tồn tại như một lực lượng tự nhiên không liên quan đến con người. Chỉ khi nào con người cảm thức được thời gian một cách tự nhiên nhất thì khi ấy thời gian mới trở thành một thực thể đồng tồn tại với con người và nó mới thật sự là cái mà con người cần. Cái bóng thời gian cũng là một cách nói, một cách cảm nhận, nhưng nếu như qua nó người ta không nhận ra hồn cốt của người thơ thì chẳng thể nào có được Chấm hoa vàng. Thời gian là một sợi dây vô hình để người thơ móc vào đấy những mặc khải thi ca. Thực ra đấy là cái bóng con người được hắt qua hay ánh xạ bởi sợi dây vô hình của thời gian mà thôi. Để có được cái bóng hắt qua thời gian trong veo đến thế, thì người thơ phải tự tại, tĩnh tâm lắm, mà nếu có cơ duyên theo hướng đích này, biết đâu người thơ có thể bị lạc vào miền chân tu lúc nào mà không hay biết.

 

Trong lúc đời sống thi ca những năm gần đây rối như canh hẹ, mà có một Chấm hoa vàng để đọc là rất quý. Và sẽ còn quý hơn khi Hà Thiên Sơn hẹn với bạn thơ tới đây sẽ cho ra mắt tiếp Chấm hoa vàng tập 2. Xin thi hữu hãy chờ!

 

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Hạ Lộ với văn học Việt Nam- Chu Quang Mạnh Thắng

>> Chuyển động thơ nữ Việt Nam – Hoàng Thuỵ Anh

>> Đọc thơ Võ Văn Luyến – Hoàng Thị Thu Thuỷ

>> Xoáy ngầm cuộn ở lòng sông – Nguyễn Thị Việt Nga

>> Dòng thơ văn Thanh Tâm Tuyền – Đặng Tiến

>> Biểu tượng thơ Hoàng Hưng – Lê Hồ Quang

>> Nguyễn Huy Thiệp, bởi những trải nghiệm riêng khác – Mai Anh Tuấn

>> Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận – Nguyễn Hữu Sơn – Kỳ 2

>> Một góc nhìn Xuân Diệu – Tôn Phương Lan

>> Người đương thời Thơ mới bàn về thơ Huy Cận – Nguyễn Hữu Sơn – Kỳ 1

>> Nguyễn Tất Nhiên – Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá – Ngô Nguyên Nghiễm

>> “Thay áo” của Trịnh Công Lộc – Đặng Huy Giang

>> Sắc màu truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ – Bùi Việt Thắng

>> Ngược lối với thơ Phan Hoàng – Mai Thị Liên Giang

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…