Đỗ Phấn – Dấu ấn bàn tay

848

26.12.2017-21:35

Nhà văn Đỗ Phấn

 

Dấu ấn bàn tay

 

ĐỖ PHẤN

 

NVTPHCM- Không kể đến những tác phẩm nghệ thuật như hội họa, điêu khắc là nơi để lại nhiều dấu ấn của bàn tay nhất, những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của thị dân bây giờ thiếu vắng dấu ấn bàn tay một cách trầm trọng.

 

Với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra rầm rộ ở những nước phát triển, trong một tương lai không xa, trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế cho cả suy nghĩ của con người. Đã có nhiều dự báo về mặt trái của cuộc cách mạng này. Đó là sự dôi dư của nhân lực ngày một đến gần. Cụ thể hơn là xã hội sẽ thừa ra rất nhiều bàn tay và khối óc. Đó là một dự báo đáng suy nghĩ cho cuộc cách mạng văn minh của nhân loại.

 

Mới chỉ hai ba chục năm trước thôi, hầu như mọi đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều mang đậm dấu ấn bàn tay của người sản xuất. Cái chậu giặt quần áo được gò bằng tôn hoa đánh đai sắt tán đinh ở đáy. Hai chiếc quai xách cũng được tán đinh tương tự. Cứ nhìn vào chiếc đinh tán là có thể biết được tay nghề của người thợ thủ công ở mức nào. Chiếc bếp đun mùn cưa và sau này bếp dầu thủ công cũng vậy. Tương tự như thế là cái rổ, cái rá và những đồ đan bằng mây tre. Người dùng lâu năm ở phố có thể biết được cả xuất xứ của nó thuộc về vùng quê nào trên miền Bắc. Rổ rá và chiếc vỏ phích, giỏ ấm tích được đan ở vùng đất Thanh Hóa luôn là lựa chọn hàng đầu của các bà đi chợ. Bàn ghế mây và xe đẩy trẻ con phải là người vùng Hoài Đức, Chương Mỹ bên Hà Tây làm. Cái nón lá của các bà, các cô phải làm ở vùng Chuông, Tre mới được ưa chuộng. Chưa được dùng chiếc nón Huế thì có nón Nghệ An, Quảng Bình cũng khá đẹp.

 

Những bộ ấm chén uống nước chè và các loại bát dùng trong mâm cơm phần lớn là đồ Bát Tràng làm thủ công từ khâu đất cát than củi cho đến vẽ trang trí. Mua chục bát ở cửa hàng mang về còn thấy sợi dây đay buộc chặt thắt nút hoa xinh xắn. Những đồ gỗ trong nhà chế tạo thủ công đơn chiếc, lũ trẻ có thể thuộc lòng những chỗ lỗi của từng chiếc ghế. Cũng thuộc lòng cả những đường vân gỗ trên cánh tủ và chiếc bàn uống nước.

 

Quần áo mặc trên người dĩ nhiên may đo toàn bộ. Áo dài khâu tay và những thứ khác khâu máy. Người mặc chúng thường mang ra bình phẩm ở cơ quan để biết được những thợ may lành nghề. Cứ thế mà rỉ tai nhau làm cho những ông thợ khéo tay quanh năm làm không hết việc. Những đôi giày đàn ông gần như chỉ được đóng một lần trong đời vào ngày cưới. Cũng chỉ những đàn ông có điều kiện mà thôi. Thanh niên nghèo cưới vợ mượn nhau đôi giày là thường. Giày rộng nhét thêm chiếc bít tất rách vào mũi là xăng xái chạy đi đón dâu như thật.

 

Sách vở của lũ trẻ đến trường phần lớn tự đóng bằng giấy năm hào hai và tự bọc bằng họa báo hoặc báo cũ. Trẻ con những lớp học cấp ba mới có chiếc bút máy đầu tiên. Trước đó là bút chấm mực ngòi lá tre 2 xu một chiếc. Cái lọ mực không đổ bằng nhựa là phát minh khá muộn. Nó ra đời vào khoảng năm 1968 khi lũ trẻ tạm rời nơi sơ tán về Hà Nội học. Trước đó là lọ thủy tinh thổi thủ công sẫm màu đầy bọt. Cùng với nó là khá nhiều chai lọ đựng thuốc, thực phẩm và thông phong đèn dầu cũng những nơi ấy sản xuất. Lũ trẻ kéo ra đầu phố Kim Mã hoặc lên đê Yên Phụ xem những ông thợ thổi thủy tinh phồng mang trợn má cả ngày không biết chán. Vài đứa tinh nghịch xin mấy ông thợ cho thổi thử. Nhưng phần lớn hơi xì ra chỗ khác.

 

Thoắt chốc vài mươi năm trôi qua, những vật dụng thân thiết ngày nào dần dần vắng bóng. Có thể nói, gần như toàn bộ vật dụng trong nhà thị dân bây giờ đều được chế tạo bằng máy móc hoặc chính nó là máy móc. Tìm chiếc quạt giấy, quạt nan làm tay ở phố bây giờ còn khó hơn mua chục cái quạt máy để bàn. Tương tự như vậy đi tìm mua chiếc gối mây hoặc gối da sơn mài cũng khó hơn mua cả bộ chăn gối Hàn Quốc, Trung Quốc, bày bán đầy chợ.

 

Những máy móc trong nhà giờ nhiều không kể xiết. Nhỏ nhất là cái đồng hồ đeo trên tay, mỗi người có vài cái là chuyện thường. Lớn hơn là điện thoại di động, cũng ít người chỉ dùng duy nhất một chiếc. Lớn nữa là đồ điện gia dụng các loại, máy xay, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện, chảo rán điện và bếp từ. Lớn nhất là tivi, máy nghe nhạc, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát, điều hòa và ô tô. Những món đồ kỹ thuật cao như máy tính, máy in, iPad, nhiều nhà không chỉ có một chiếc.

 

Những người thợ khéo tay trong phố và các vùng lân cận cũng dần bỏ nghề. Chẳng ai đi bật lại cái chăn bông, khi mà mua mới còn tốn ít tiền hơn. Cũng hiếm người còn cầu kỳ mặc quần áo may đo như trước. Hàng hiệu và hàng may mặc bình dân bán sẵn đầy phố. Hỏi ai đó ở Hà Nội tìm hộ ông thợ may giỏi có lẽ đã là việc khó đến vô vọng. Đồ gỗ chế tạo công nghiệp là lựa chọn của những gia đình trung lưu trở xuống. Nhiều tiền hơn, vẫn có người đặt đóng cầu kỳ bên những làng mộc nổi tiếng quanh Hà Nội. Tuy nhiên, những đồ gỗ này kê trong các căn hộ hiện đại nhiều tầng thường chẳng ăn nhập gì.

 

Nhớ quá những cái bát ăn cơm Bát Tràng méo mó vẽ tay ngày xưa. Anh lớn nhất trong nhà thường phải chọn cái bát méo có hình vẽ nguều ngoào để nhường các em những chiếc bát tròn đẹp hơn.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…