Đỗ Thành Đồng – Giá trị cảm thương từ những nếp gấp

584

Nguyên Như

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mảnh đất miền trung đang sống cùng bão giông, xót xa lắm khi tang thương cứ cuộn ràng nơi đây bởi thiên nhiên giáng xuống một thảm hại mà không ai muốn. Tôi ngồi thu mình trong căn phòng ở một nơi cách xa tâm bão, chỉ nhìn thấy hình ảnh đáng sợ đến hãi hùng ấy qua nhiều phương tiện truyền thông… Lang thang trên mạng bỗng rìa mắt tôi rưng rưng khi đọc hai bài thơ “Thức”, “Bật khóc” của nhà thơ Đỗ Thành Đồng. 

Nhà Thơ Đỗ Thành Đồng

Nhà Thơ Đỗ Thành Đồng hà khắc, thẳng thắn, vẻ bề ngoài chúng ta nhìn nhận ông luôn là một người mạnh mẽ không nề hà cái sai, cái ác, sẵn sàng đánh trả. Người ngoài nếu không nhìn sâu trong ông có lẽ sẽ khó gần ông vì ông như loài hoa đặc biệt mọc giữa cánh đồng óng lúa. Khi tôi đã đồng cảm được chiếc bóng khó tính của Đỗ Thành Đồng thì cũng là lúc bản tính lương thiện, tiếng lòng sâu lắng và thông điệp mà ông muốn gởi gắm từ những bài thơ thấm thía, đậm đặc, kết dính như nhựa cây nhưng đầy lòng trắc ẩn đồng thời xen kẽ tính lạ hóa và sáng tạo trong thơ.

Tôi biết ông đã thấy nhiều kết cục trên hành trình ông đã đi đồng thời có đầy đủ phẩm giá lĩnh hội từng thực nghiệm văn hóa xã hội. Nhà Thơ Đỗ Thành Đồng lớn lên với một tuổi thơ đầy rẫy đồng ruộng, cọng rơm, cuốc bẫm ở một mảnh đất có nhiều bão giông ghé thăm là Ba Đồn, Quảng Bình. Được thừa hưởng tâm hồn thi sĩ từ đâu? Tôi nghĩ là từ người cha yêu mến của ông… Ông viết thơ cũng rất lâu rồi, là một cây viết trưởng thành, thơ ông cách tân từng ngày, từng giờ không ngừng nghỉ, tôi có thể cảm nhận được những giá trị, thông điệp quý giá ấy. Tôi nói thơ ông có giá trị; giá trị ở chỗ nào? chắc chắn đó không phải là lời nói suông. Hai bài thơ “Thức” và Bật khóc” ông vừa ra mắt gần đây và rất nhanh trong khi tham gia trại sáng tác ở Đà Nẵng do Hội Văn học tổ chức. Khi những điều bất ngờ ập tới đó là điều mà ông sẽ ghi lại… sự nhạy bén của một người sở hữu con mắt xanh, con mắt xanh của một nhà thơ hay những nghệ sĩ chân chính làm nghệ thuật.

Ở đây cảm xúc thăng hoa gặm nhấm lấy chủ thể, sự lả lướt bồng bềnh tạo thành dòng chảy: Những vệt sáng an thần/ không thể đưa cơn mưa vào giấc/ cơn mưa thức trắng cả trời/ cơn mưa thả nhũn nhặn vào đất (Thức). Phần đầu của bài thơ, nhà thơ Đỗ Thành Đồng dùng một hình ảnh “cơn mưa” nhấn mạnh bằng phép điệp nêu rõ điều bất cập đã và đang xảy ra, song song là hình ảnh “vệt sáng an thần” nhằm bổ trợ nâng đỡ mạch cảm xúc lên đỉnh điểm. Cơn mưa đã được can thiệp nhưng không thể dừng cứ ào ào đổ như chiếc vòi nước bị hỏng khóa. Kiểu cách nhìn nhận một hình ảnh quen thuộc bằng lối tư duy tự cảm thông minh. Sự tiến hóa và điều khiển ngôn từ là thế mạnh, ông bắt nhịp với thực tại rồi dẫn dắt người đọc từ từ hòa nhập với hoàn cảnh thực thông qua cái ảo ảnh. Những câu thơ thật “đẫm” y như chảo đường thắng lên sặc sụa chứa đựng khẩu phần khó ăn nhất nhưng chúng ta mọi giá phải chấp nhận.

Ông kìm nén, kiềm chế để chế ngự nỗi đau. Khách quan nhìn nhận cái quái đản của cơn lũ gầm gừ, dữ tợn sau cùng là phải khóc thật to vì thương vì xót. Cuộc đời ông: ăn cùng Miền Trung, ngủ cùng Miền Trung… bao nhiêu trận bão là bấy nhiêu nước mắt, nước mắt đã đóng băng chai lì vị mặn. Ầm ầm, xoáy xiết bỏ lại đồng loạt biểu cảm ngác ngơ trên mỗi gương mặt người, chính nhà thơ Đỗ Thành Đồng cũng gượng mình nuốt lấy thứ khó nuốt ấy: “Anh như eo hẹp Miền Trung…/ hứng mùa thu quá mù thành mưa/ hứng quá mưa thành lụt… / áp thấp đi qua bão giông trở lại/ nước xanh thành nước bạc/ rừng già hóa rừng non” (Thức). Ông ví mình như eo hẹp miền trung muốn để phản kháng, để giải thoát bề cùng tận tắc nhưng đây là điều không thể. Tấm lòng nhân văn toát ra dòng máu nóng ấy để thoi thóp một lời nguyện cầu hư ảo nếu đó là điều ước được chấp nhận thì ông sẵn sàng… thật đáng khen.

Thơ ông phối hợp nhuần nhuyễn hình ảnh, hành động và biểu cảm. Lấy cái ảo găm sâu vào sự thật, hoán đổi hình ảnh này thành hình ảnh khác thực chất đây là thế mạnh khiến thơ Đỗ Thành Đồng luôn có điểm nhấn nhá, có thể gây nhiễu nhưng khiến sự tò mò của người đọc mong muốn được xâm nhập “dải cô đơn…”, “cơn mưa thức…”.

Cũng là một ánh mắt nhưng tôi nhìn thấy gì vậy? có lẽ đó là tâm hồn lương thiện trong ông, mong muốn cảm giác bình yên dù chỉ là một chút ngay khoảnh khắc này… ông nguyện cầu trong lý trí, bằng giận dỗi, bằng tình yêu, tình thương đối với mảnh đất Miền Trung gian khó. “Đêm nay anh chỉ cầu mong/ trái tim người thương đều nhịp thở/ mùa lũ đi qua dội sạch bùn lầy/ nhặt hết mảnh hạ huyền đổ vỡ” (Thức).

Dáng vóc sự thật quả là xấu xí trong khổ ải này, nhà thơ tự trách mình trong vô vọng vì không thể ngưng lại cái sự thật quái gở này và rồi ông “Bật khóc” trong mê và “Thức” cùng xa xót.

 

Thức 

Những vệt sáng an thần

không thể đưa cơn mưa vào giấc

cơn mưa thức trắng cả trời

cơn mưa thả nhũn nhặn vào đất

 

anh như eo hẹp miền Trung

dải cô đơn thật thà

hiền khô gió lào

hứng mùa thu quá mù thành mưa

hứng quá mưa thành lụt

 

mảnh đất miền Trung trong anh

áp thấp đi qua bão giông trở lại

nước xanh thành nước bạc

rừng già hóa rừng non

 

đêm nay anh chỉ cầu mong

trái tim người thương đều nhịp thở

mùa lũ đi qua dội sạch bùn lầy

nhặt hết mảnh hạ huyền đổ vỡ

 

đêm nay anh bất lực thơ bất lực

nỗi thật thà đáng ghét

anh miền trung giấc mơ ngày bỏ dở

đêm thức trắng cùng mưa.

Chúng ta có thể bật khóc qua mọi hoàn cảnh nhưng có lẽ khóc trong bất lực là điều cực kì thậm tệ. Chiếc lá khô còn muốn trở về rừng huống hồ gì con người, phải cần sự sống.

Ở bài thơ “Bật khóc” sự vùi dập tan tác đóng trụ. Chiếc dằm bé ngoài da thịt thì đơn giản rút ra nhưng chiếc cọc đóng thẳng vào tim lại khiến nỗi bế tắc đầy lên “Anh chẳng có gì/ ngoài những câu thơ và ngôi nhà ảo/ ngôi nhà vay mượn người ngoài/ một thời cha anh đạp đổ” lúc này đây lòng tự ti bất giác hình thành. Niềm tin vào tương lai thu hẹp bởi một không gian mù tối.

“… thơ nào hóa được thánh kinh/ những bài thơ vô thần/ không thể gõ chuông tụng niệm” hàng loạt tuyệt vọng rực sáng như lưỡi sét chĩa xuống hồn người đủ cho thấy ánh nắng không còn nữa chắc bởi chiếc rèm cửa đã lau mất chăng? Tôi rất đau và buồn khi đọc đến đây. Thứ gì đã cướp mấy chiếc bóng của ông để rồi sự giày xéo bặm trợn phô tạc ở đây… Chẳng có gì là hữu hạn, vô thường trong khi đùng một cái chôn vùi tất cả.

Tình thế tồn tại chỉ còn thấy mập mờ trong thi ca. Ngôn từ chết chóc, tiếng thét bi quan có thể làm nên nhạc điệu (điều này xuyên suốt qua hai bài thơ) bản hòa tấu kinh dị từ những dòng xoáy cuồn cuồn, tiếng va đập của tàn rữa như tiếng dế nài nỉ phiền muộn trong đêm “từng trận lụt mang hình ngạ quỷ/ luân hồi từ lũ súc sinh/ cõi người điêu linh/ địa ngục nhắc nhở” thế giới cõi âm cũng loạn lạc, điều kinh dị ấy rõ ràng bên cái chết. Hồn thì lang bạt, xác thì trôi dạt, thật cay nghiệt và xót đau giữa một hoang cảnh bị hủy hoại.

Liên tiếp là sự bi thương rung rúc bên cạnh sự bất lực “… đường xa tia chớp ngoằn nghoèo/ đêm miền trung nóc nhà nín thở/ mười ngón tay vô hồn” mọi thứ đắm chìm trong nước, trong dữ dội…

Những lần bóp nghẹt thoi thóp, ống thở có vẻ vô dụng. Lúc này đây cái chết đã thực sự chết, xác kia cũng vụn vữa ra “…nóc nhà nín thở/ … vô hồn”, “câu thơ lạy chúa/ câu thơ nam mô”. Những gì còn đó, những gì mất đi Nhà Thơ Đỗ Thành Đồng xâu chuỗi bằng máu thịt, ông đã khuôn vác thơ mình xuống được ngưỡng tận vực sâu, đánh dấu mình qua từng sự kiện đau đớn. Có thể thấy được một phong cách diễn đạt nội tâm kết hợp giữa nghệ thuật siêu linh và thế giới thật một cách tinh tế, hào nhoáng từ ông.

 

Bật khóc

Anh chẳng có gì

ngoài những câu thơ và ngôi nhà ảo

ngôi nhà vay mượn người ngoài

một thời cha anh đạp đổ

 

đất nước đang kỳ lụt lũ

thơ nào hóa được thánh kinh

những bài thơ vô thần

không thể gõ chuông tụng niệm

 

từng trận lụt mang hình ngạ quỷ

luân hồi từ lũ súc sinh

cõi người điêu linh

địa ngục nhắc nhở

 

anh ngước nhìn cõi trời mây phủ

đường xa tia chớp ngoằn nghèo

đêm miền Trung nóc nhà nín thở

mười ngón tay vô hồn

 

bàn phím bật khóc

bàn phím mây mưa

câu thơ lạy Chúa

câu thơ Nam Mô.

Quả đất này đang được cảnh báo, thiên nhiên nổi giận là vì đâu? Vì sao thiên nhiên lại lạnh lùng đến thế? Nhà thơ Đỗ Thành Đồng gieo rắc ẩn thông điệp này trên phương diện khách quan… Cuộc đời ông, sứ mệnh của ông gắn liền với thông điệp. Khi thơ bắt nhịp sống chắc chắn phải xuất, nhập… Phải nói lên điều đáng nói.

Giá trị cảm thương từ những nếp gấp đã định hình phong cách Thơ Đỗ Thành Đồng. Thơ ông có nhiều ưu thế để sống, song đó cũng là một nhược điểm khiến con người ông luôn luôn hoài nghi và bóc lột chính mình. Nhưng sự hi sinh ấy ông dành để cứu vớt cái lớn hơn đó là chân – thiện – mĩ, cho dù đến hơi thở cuối cùng vẫn phải hoàn thiện ý đồ mình đang hi vọng phía sau.

18/10/2020

N.N