Đỗ Thành Đồng và chuyển động đường thơ

131
Sau gần 15 năm đắm say đến điên cuồng với thi ca, nhà thơ Đỗ Thành Đồng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản 7 tập thơ.
Chân dung ký họa Nhà thơ Đỗ Thành Đồng
Sau Cỏ vô danh xuất bản lần đầu năm 2010, đều đặn trung bình cứ hai năm Đỗ Thành Đồng lại ra một tập: Rác (2012), Rỗng (2014), Xác (2017), Đá (2019), Lửa (2021), Tình nhân (2023). Nếu Cỏ vô danh sử dụng thể thơ Đường luật truyền thống ít được quan tâm thì Rác thực sự gây chú ý với thể thơ tân hình thức. Đỗ Thành Đồng đã gây choáng người đọc bởi sự thay đổi đột ngột về thi pháp sáng tác, mới về phong cách và lạ về tư duy.
Tôi trân quý tình yêu thơ, tôn trọng cá tính sáng tạo của anh nhưng tôi không thích cả hai dạng thơ này. Có một người bạn hỏi tôi: Tại sao lại thế? Thơ anh ấy rất được mà! Văn học thì đang khát sự cách tân, làm mới. Có phải như thế là đố kỵ và bảo thủ không?! Tôi trả lời rằng: Tôi thích thơ ngẫm và cảm. Hình ảnh, ngôn ngữ và thông điệp trong thơ Đỗ Thành Đồng đòi hỏi tư duy sâu, khó kết nối, vừa đọc vừa luận.
Tôi thì muốn thơ có không gian để cảm, nên tôi không thích. Tôi lấy ví dụ: “Sáng thức dậy/đón mặt trời/qua bãi rác lỳ lợm/thời gian rộng rãi vô tình/những đàn ruồi bay trên đàn kiến/những con chó đói/và mèo hoang tìm kiếm thức ăn và/tốp người xăm xoi thức ăn trong rác/Tôi ngộ ra một điều mà/người bới rác biết từ lâu/trong đống rác nhiều thứ không rác/rác người này máu của người kia” (Rác). Người bạn không tranh luận mà chỉ nói thêm một câu: “Đỗ Thành Đồng sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi sự ảnh hưởng. Sẽ chính là anh ấy!”.
Lúc bấy giờ, bên cạnh tinh thần đón nhận của một bộ phận độc giả và sự cổ xúy của những người thích đổi mới, có nhiều ý kiến cho rằng Đỗ Thành Đồng bị ảnh hưởng bởi phong cách thơ tân hình thức của một số bậc tiền bối. Những bài thơ na ná về cấu trúc, bí ẩn về thông điệp, nếu sa đà vào phương pháp này sẽ đánh mất vẻ đẹp của thơ.
Tuy vậy, không thể không công nhận sự xuất hiện những bài thơ cách tân đã làm xao động đời sống văn học vốn ngưng trệ, trầm lắng, khi thơ truyền thống bài hay đã cũ, bài mới không hay. Nhiều tác giả khước từ thơ cách tân, cố gắng làm mới thơ truyền thống lại rơi vào ngõ cụt. Đọc thơ cách tân là sự chuyển gió thú vị, đánh động tư duy đã trở nên lười biếng của độc giả.
Không thích nhưng tôi vẫn đọc thơ Đỗ Thành Đồng và dần dà tôi nhận ra bạn tôi nói đúng. Đỗ Thành Đồng có bản lĩnh. Anh không núp bóng, không bị nhào nặn, không bị cuốn trôi, không an bài lối cũ mà luôn luôn chuyển động, đúng như đánh giá khách quan và xác đáng về đường thơ Đỗ Thành Đồng của nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: “Nếu Cỏ vô danh chỉ chuyên chú vào thể thơ Đường luật chưa hề có bóng dáng của thơ hiện đại, thì đến Rác, đó là sự lột xác hẳn về đề tài và chất liệu, kỹ thuật mẫu tự; đặt dấu ấn cho những triết lý, chiêm nghiệm đúc rút từ bản thể đời sống. Và đó cũng là nền tảng để Đỗ Thành Đồng bước vào lãnh địa thơ cách tân. Rỗng tiếp nối mạch nguồn của Rác nhưng cao trào hơn ở sắc màu tình yêu. Xác lại là điểm hội tụ, gặp gỡ giữa Rác và Rỗng: hiện thực được dựng lập như ma trận của một ván cờ chấp chới thực-ảo và những bài thơ tình lồng ghép ruột gan-trí tuệ…”.
Các tập Đá, Lửa xuất bản sau đó cũng trong quỹ đạo thi pháp tân hình thức nhưng theo cảm nhận của tôi, bút pháp sáng tác của Đỗ Thành Đồng đã dần tiệm cận đến sự dung hòa giữa giản dị câu chữ và tinh tế thông điệp: “Nếu bạn nghĩ khi là một nhà thơ/có thể chắp hồn cho đá/thì chắc bạn đã nhầm/chí ít là cục đất như tôi/và bạn nữa cũng đừng vội cười cợt/khi cho rằng chỉ nhà thơ mới bất lực trước đá/bởi họ không có những nét chạm tài tình/của một nhà điêu khắc… ” (Đá). Đến tập Tình nhân mới xuất bản đầu năm 2023, Đỗ Thành Đồng lại gây bất ngờ bởi sự thay đổi thi pháp không khác gì khi chuyển hướng ở tập Rác. Nói vậy không có nghĩa Đỗ Thành Đồng “lại giống”.
Tất nhiên là vẫn mới nhưng sự khúc chiết câu từ, sự tinh tế ý tưởng đã thay thế cho đứt gãy, lưng chừng, trường liên tưởng bí ẩn, xa xôi… trước đó: “Nhân tình em vạn người khen/một lời vụng trách bõ bèn gì đâu/người điên chẳng kể nông sâu/kẻ khôn ngoan biết bắc cầu mỹ nhân…” (Hai mươi hai). Trong khi một số tác giả quen đi lối mòn, đã thành công ở thể dạng nào thì cứ mãi sáng tạo theo thể dạng ấy, gây cảm giác cũ nhàm và luẩn quẩn với người đọc (kể cả thơ cách tân), thì Đỗ Thành Đồng liên tục thay đổi thi pháp sáng tác. Những trăn trở sự đời, những cồn cào tình yêu chuyên chở vào thơ sâu hơn, đầy hơn, khắc khoải hơn. Như Đỗ Thành Đồng tự sự: “Tôi gom nỗi đau của người khác thành nỗi đau của mình”.
Thời gian gần đây, tôi thường đọc Đỗ Thành Đồng trên facebook. Và, tôi đã bị dẫn dụ một cách nhẹ nhàng bởi những chuyển động thú vị. Đỗ Thành Đồng xuất bản thơ trên facebook thường từ nửa đêm về sáng. Thời gian ấy nếu không ngủ con người dễ rơi vào trạng thái cô đơn nhất, dễ tổn thương nhất về mặt tâm lý. Đỗ Thành Đồng vịn vào thơ để thức, chìm vào thơ để mê. Dù làm thơ ở trạng thái nào, Đỗ Thành Đồng cũng hết sức chỉn chu, nghiêm túc và có trách nhiệm.
Những câu thơ nhiều người đã run lên khi nghe Đồng đọc: “Cha không sinh ra từ biển/nhưng rất thích hát về biển khơi/những bụm cát trong lư hương thờ tổ/cha đãi từ biển mang về/mẹ chưa bao giờ đến biển/nhưng luôn giấu mặn vào mắt/mẹ bảo muối là máu của biển/món quý nhất cúng trời đất tổ tiên/hôm nay con ra biển/nước xanh lòng mẹ/sóng ưỡn ngực cha/mặt trời chiếu dọi niềm tin/câu chuyện thiên nhiên lấp lánh/biển đứa trẻ biết đùa/trước mặt người rạng rỡ/biển ông già trầm tư/trước kiếp người trăn trở/con xin quỳ trước biển/nhặt những giọt yêu thương/thuở mẹ Âu Cơ bầu sữa/thuở cha ông hòa rượu đuổi xâm lăng” (Biển). Anh nói rằng: “Tôi làm bài thơ này lúc 3 giờ sáng tại Trại sáng tác Nhật Lệ. Quanh tôi không có ai, chỉ có tiếng sóng biển vây chặt”.
Con người Đỗ Thành Đồng luôn luôn chứa nhiệt, thơ anh cũng vậy, chưa nguội lạnh bao giờ, chuyển động và chuyển động, ngày càng tinh tế hơn trên mọi không gian. Đỗ Thành Đồng đã dung hòa được cái mới trong bút pháp sáng tác, cái lạ trong tư duy ngôn ngữ. Không luận, độc giả đọc và ngẫm, ngẫm và cảm, cảm và thấm. Thơ Đỗ Thành Đồng hiện nay vừa đáp ứng được nhu cầu chiêm ngắm vẻ đẹp đa chiều của thơ vừa giúp giãi bày và xoa dịu những dằn vặt nhân tình, trở trăn thế sự của nhiều người.
Trương Thu Hiền
THEO BÁO QUẢNG BÌNH