Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã in 20 tập sách (bao gồm thơ, truyện ngắn, tản văn, phê bình văn học) và đã đạt 12 giải thưởng của Trung ương và địa phương. Được đọc hầu hết các tác phẩm trước đó của anh, nay lại được đọc tập bình thơ Vân chữ (Nxb. Hội Nhà văn, 2020), tôi vô cùng cảm phục và trân trọng những bài bình vừa giầu cảm xúc vừa có chiều sâu nghiên cứu của anh.
1. Lựa chọn nhan đề, tác giả, tác phẩm
Việc đặt tên cho đứa con tinh thần đã được Đỗ Trọng Khơi hết sức quan tâm, chú ý. Tập bình thơ dày dặn với 354 trang có nhan đề ngắn gọn là Vân chữ. Anh tỏ ra có ý thức “dụng điển” khi đặt nhan đề sách và tên các phần trong sách. “Vân chữ” là một sáng tạo từ của nhà thơ Lê Đạt. Chúng ta đều hiểu rằng vân tay (hoa tay) trong chứng minh thư là để xác định danh tính cá nhân. Cho nên suy ra vân chữ chính là dấu chứng cho một giá trị riêng về một tác phẩm ngôn từ nghệ thuật. Nhan đề này rất phù hợp với nội dung của tập bình thơ này.
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi.
Tập thơ được chia làm 3 phần. Tiêu đề của phần 1 và phần 2 là được tách ra từ một câu thơ trong kiệt tác Truyện Kiều: “Cảo thơm lần giở trước đèn”. “Cảo thơm” là để nói cái cảm giác vui mừng, thích thú khi tìm được một cuốn sách hay, một tài liệu quý; “lần giở trước đèn” là động tác vừa nâng niu vừa đọc một cách mải miết và say sưa, không muốn bỏ sót một câu từ nào trong sách ấy.
Phần Cảo thơm, Đỗ Trọng Khơi đã bình thơ của 39 nhà thơ đã khuất gồm có 44 bài; phần này có 5 tác giả được chọn bình 2 bài là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương. Phần 2: Trước đèn bình thơ của những nhà thơ vẫn đang hoạt động chuyên nghiệp với 36 tác giả gồm 41 bài, trong đó có 5 tác giả được chọn bình 2 bài là Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Mạnh Hảo, Phạm Xuân Trường. Còn tiêu đề phần 3 là Góc chiều quê. Theo tôi được biết thì chữ đúng phải là Góc chiếu quê nhưng có lẽ do người biên tập đã không hiểu ý của chữ “góc chiếu” nên đã chữa “chiếu” thành “chiều”. Đỗ Trọng Khơi rất am hiểu văn hóa làng xã Việt Nam nên anh biết “góc chiếu giữa đình” là rất quan trọng, những người được ngồi trên chiếu đó phải là những bậc tiên chỉ, bởi giá trị của “một miếng giữa đàng” là “hơn một sàng xó bếp”. Phần 3, tác giả bình thơ của 5 bạn hữu thơ đồng hương Thái Bình với Đỗ Trọng Khơi.
Tập bình thơ có 89 bài bình và 1 bài tiểu luận dùng làm Tựa cho tập (tổng số là 90 bài), tôi nghĩ chắc không phải ngẫu nhiên mà Đỗ Trọng Khơi chọn con số 9. Đây là một con số có ý nghĩa văn hóa: Trời có 9 phương, cõi âm có 9 suối, bất cứ số nào nhân với 9 cũng đều cho tổng bằng 9, biển xe đẹp phải là nút 9,… Trong tập sách này, Đỗ Trọng Khơi đã bình “các tác phẩm trải dài hàng thế kỉ” (từ thơ Mới đến thơ hiện đại) và thêm sự góp mặt của hai bài ca dao thuộc loại tinh tuyển trong kho tàng ca dao người Việt với gần 12.000 câu. Một công việc kéo dài hàng nhiều năm, một sự đọc thật công phu, đáng trân trọng. Người bình thơ ở nước ta cũng khá đông đảo nhưng bình chuyên nghiệp thì có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Tôi luôn nghĩ rằng công việc bình thơ không hề đơn giản chút nào vì bình dăm bẩy bài thì dễ chứ bình đến 89 bài thì quả là đáng nể. Bình làm sao để không trùng lặp với người khác đã khó, bình không trùng lặp với chính mình về ngôn từ và đều tay lại càng khó hơn nhiều.Bình làm sao để “sáng giá và sang giá” người có tác phẩm được bình, nhưng đồng thời lại phải làm cho các độc giả khác cảm thấy có sức thuyết phục chứ không phải là đang “nịnh” nhau; bình làm sao để phát hiện và diễn giải ra cái hay, cái độc đáo mà nhiều người tuy biết là hay đấy nhưng không biết nói ra thế nào; bình làm sao để bài bình của mình cũng trở thành một tác phẩm nghệ thuật; chọn thơ ai để bình hay chọn tác phẩm nào để bình có phải là một câu hỏi cần đặt ra không? Bình vô tư, thành thật với lòng mình hay do cả nể hay do xu thế, xu thời? Tôi nghĩ đó là một số điều mà bất cứ người bình thơ nào cũng cần nghĩ đến trước khi cầm bút viết.
Cái quan trọng của việc bình thơ trước tiên là phải chọn được bài hay, câu hay. Thế nào là thơ hay thì quả thực có rất nhiều quan niệm, phụ thuộc vào thời đại, vào lứa tuổi, vào “gu” thẩm mĩ; cùng một bài, người này cho là hay, người kia thấy là dở âu cũng là lẽ thường. Tuy nhiên, khi bình thì trước hết “phải thành thật với chính mình”, phải cảm thấy bài thơ đó mình thực sự thích, thực sự thấy rung động.Nhìn vào danh sách các tác giả và tác phẩm được bình, tôi nhận thấy Đỗ Trọng Khơi đã thành thật với chính mình khi chọn bài bình, cảm thấy hay là bình chứ không vì nể nang hay vì một sự vụ lợi nào. Các tác phẩm ưu tú ấy đều là những đứa con tinh thần yêu quý nhất của các nhà thơ nổi tiếng, từng gặt hái nhiều giải thưởng thơ, được đông đảo công chúng biết tên như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Xanh, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Hoàng Trần Cương, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Trương Nam Hương, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Trần Mạnh Hảo, Lò Ngân Sủn, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Công Trứ, ….. Một số tác giả có bề dày thành tựu nghệ thuật thì Đỗ Trọng Khơi chọn bình 2 bài. Ở một danh sách khác, có thể một vài tác giả chưa hẳn có bề dày tác phẩm thơ nhưng nếu họ bất ngờvụt sáng nổi tiếng dẫu chỉ ở một bài thì Đỗ Trọng Khơi vẫn chọn bình. Có thể kể ra trường hợp như thơ của người đàn ông đạp xích lô Nguyễn Ngọc Ly với bài “Mưa”, của nhà báo Bùi Hoàng Tám với “Đi ăn cưới vợ cũ” hay củamột dân thường ở Thái Bình tên là Nguyễn Long dự thi bài “Thường dân” và được trao giải Nhất năm 2003…Danh sách tác phẩm được bình thì già nửa của những nhà thơ đã khuất. Trong những nhà thơ vẫn đang hoạt động thì có người đã từng “khẩu chiến” với nhau về quan điểm nghệ thuật nhưng Đỗ Trọng Khơi chẳng đứng về “phe” nào cả mà cứ “vô tư” bình chọn thơ của họ trong sự thành thực với lòng mình. Anh bình vì thấy các bài thơ đó xứng đáng được tôn vinh để nhiều người biết đến vẻ đẹp của nó chứ không phải vì một lí do xu thế, xu thời nào khác. Thành thực với lòng mình, tôi nghĩ đó là phẩm chất đáng trân trọng của người nghệ sĩ.
Bìa tác phẩm “Vân chữ”.
2. Phát hiện tinh tế những vẻ đẹp trong các tác phẩm chọn bình
Phát hiện cái hay, cái độc đáo có trong bài thơ, gọi nó thành tên, thành câu chữ là phẩm chất không thể thiếu trong mỗi tác phẩm bình thơ.Bình phải dựa vào ngôn từ của văn bản, chứ không phải tán tụng sáo rỗng. Người bình cũng chính là người sáng tác để nối dài tác phẩm một lần nữa. Với một phông nền văn hóa của việc tự học và chịu đọc, Đỗ Trọng Khơi đã làm được điều này một cách suôn sẻ.
Tôi nhận thấy một số bài thơ mà Đỗ Trọng Khơi chọn bình đã có khá nhiều người bình, thậm chí đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông. Vì thếcác tác phẩm này đã có quá nhiều những bài văn phân tích, cảm nhận, chứng minh cái hay, cái giá trị của chúng ở nhiều góc độ khác nhau,song song với nó là sự có mặt của các đề thi cùngrất nhiều bài văn mẫu. Nhưng Đỗ Trọng Khơivẫn “dũng cảm”,không hề sợ bị “cớm bóng” mà anh vẫn tiếp tục có những phát hiệnmới về cái lạ, cái hay, cái độc đáo của những thi phẩm đó. Nhà thơ họ Đỗ quả thực có một tấm tình liên tài tử tế.
Chẳng hạn, sau khi bình những “nhãn tự” trong bài Tràng Giang của Huy Cận có trong chương trình Ngữ văn 11, anh nhận thấy nếu bài thơ này không nói về xuất xứ, tháng năm sáng tác thì người đọc vẫn biết đây rõ ràng là một bài thơ viết trongthời chiến: “Nhà thì còn nhưng Quê hương thì vắng bóng! Thơ ấy là thơ thời loạn.” (tr.17). Bài Ông đồ của Vũ Đình Liên được đưa vào giảng dạy trong sách Ngữ văn 8 đã có quá nhiều bài viết, thậm chí lời bình của nhà thơ gạo cội Vũ Quần Phương – một người làm thơ và thẩm thơ rất tinh tế – đã từng trở thành một đề thi cho học sinh. Thế nhưng Đỗ Trọng Khơi cũng vẫn không ngại, là người khá am hiểu thư pháp và trân trọng truyền thống nên bài Ông đồ đã quyến rũ, thôi miên anh để lời bình trở nên sâu sắc, mang một màu sắc riêng đầy cảm xúc: “Thật kinh hoàng! Đúng là một cuộc đại cách mạng văn hóa mà sự thay đổi của nó đã mang lại giá trị mới thật nhiều khác biệt. Dĩ nhiên, giá trị cũ với “mực Tầu giấy đỏ” kia đã bấy lâu tri kỉ, hằng được thờ phụng, hương khói như một cõi hồn, nền tri thức khoa bảng nay phải chia lìa thì tránh sao được ngậm ngùi, tiếc nhớ. Thế mới nên thơ nhằm bày tỏ niềm cảm khái, lẽ mất còn” (tr.36). “Thơ ấy hóa thân làm một biểu tượng văn hóa cho những tàn phai. Ông đồ, bởi vậy đã thành một hình tượng nghệ thuật của thời đại đã qua. Thật xuất sắc!” (tr. 38)
Bài Buồn xưa của Nguyễn Xuân Xanh – thành viên nòng cốt của nhóm Xuân thu nhã tập – được khá nhiều ngườibình, đặc biệt nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã diễn giải bài thơ đó rất kĩ càng, đã chỉ ra cái hay, cái đẹp và phân tích hợp lí dưới ánh sáng của phân tâm học. Đỗ Trọng Khơi vẫn không sợ thừa, vẫn tiếp tục bổ sung một cách cảm thụ khác mà theo thiển ý của tôi là chưa có ai bình như thế. Anh cho rằng bài Buồn xưa là viết về cảnh đánh đồng thiếp trong canh lễ gọi hồn một cung nữ, hay một công nương công chúa nào đó trong vườn Thượng uyển: “Cảnh ấy, vật ấy, người ấy, không khí ấy, âm hưởng đời sống nhịp sống ấy… dễ gặp hơn nơi vườn Thượng uyển, ở đây được ghi là vườn người. Vả nữa, chữ “cung” – “cung ướp hương”, “cung hơi” đôi lần xuất hiện, là cung đàn, đàn tỳ, cung nguyệt do người đẹp (cung nữ) dùng chăng? Là vậy, và cũng là: cung vua, cung cấm, hoàng cung?”.
Khi chọn bình bài Hồn cúc, mặc dù Đỗ Trọng Khơi biết giới phê bình đánh giá đây chưa phải là bài hay nhất của thi sĩ Hàn Mặc Tử nhưng anh đã chứng minh đây mới là bài thơ đặc sắc thể hiện rõ thi pháp của nhà thơ khởi xướng ra Trường thơ Loạn mà anh đã định danh là: “thực thể hóa ảo giác và tâm thức”:“Cái thực cái hư trong thơ ông luôn hòa quyện với nhau trong cõi đồng nhất” (tr.19), “câu kết của bài thơ Hồn cúc một lần nữa cho thấy ông đã dẫn khái niệm hồn đến chỗ biến nó trở thành một thể chất sống động hiện hữu, nếu muốn có thể ôm cầm, bắt giữ được” (tr. 21).
Hiện nay, một số người không còn đánh giá cao thơ Tố Hữu – nhà thơ lãng mạn cách mạng này như trước nữa, bởi họ cho ông là “thơ thời sự”, “thơ phải đạo” “lộng ngôn” không còn phù hợp với thời đại bây giờ. Đỗ Trọng Khơi biết rất rõ điều đó nhưng anh vẫn chọn bình bài “Vui thế hôm nay” bởi anh nhận thấy đây “vẫn là bài thơ say chiến thắng nhưng với 9 khổ, 36 câu thơ, nhà thơ không hạ dù chỉ một chữ nói đến tính căm thù, ùng oàng bom đạn (…) ngược lại, ở Vui thế hôm nay là tính nâng niu, đoàn viên, hướng tới sự hòa hợp” (tr. 83). Và anh còn phát hiện có lẽ đây là lần đầu tiên địa danh quan trọng quần đảo Trường Sa xuất hiện trong thơ của Tố Hữu – một ngườimà“rất giỏi đưa tên các địa danh vào thơ” như một sự khẳng định về chủ quyền lãnh thổ: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Từ Trường Sơn vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa”. Chữ “thân” trong “thân đất nước”, hẳn là một chữ gợi lên từ nguyên hình ảnh thân thể máu thịt con người, rất lạ, đắc địa” (tr.84). Trong hoàn cảnh hiện nay, quần đảo Trường Sa đang là vấn đề được toàn thể người dân Việt Nam quan tâm thì việc bình giá trị, tôn vinh bài thơ này cũng đãlà thể hiện tư cách công dân của người nghệ sĩĐỗ Trọng Khơi rồi.
Đỗ Trọng Khơi đã thực sự làm “sang giá” cho bài thơ Ghi ở Nha Trang của Nguyễn Bùi Vợi với lời bình: “Ở đời chẳng đã thấy bao sự tưởng là “được” lại hóa ra “mất”, “tưởng là “dại” lại hóa ra “còn” đó thôi. Được cười được khóc là không mất gì…Thơ này phôi thai từ nguyên sơ thơ ấu mà kết trái ở trải nghiệm sâu sa” (tr. 125).
Khi bình bài Thằng Bờm, Đỗ Trọng Khơi với vốn kiến thức về Kinh dịch đã nhìn thấy yếu tố triết học về âm dương ngũ hành xuất hiện ở trong các lần trao đổi giữa phú ông và thằng Bờm. Anh cho rằng đây là cuộc chơi chữ nghĩa trí tuệ giữa hai nền văn hóa văn minh Lạc Việt và Hoa Hạ. Để rồi từ đó, anh đi tới một nhận định là sách Kinh dịch vốn thuộc về nền văn minh Lạc Việt. Từ một chuyện nhỏ mà khái quát nên một chuyện lớn, vi mô thành vĩ mô nhưng người đọc vẫn cảm thấy bị thuyết phục bởi những lập luận mà Đỗ Trọng Khơi đã viết ra.
Đối với thơ của các nhà thơ thế hệ sau Thơ Mới, người thơ giàu nghị lực họ Đỗ cũng đã điểm diện được những gương mặt thơ tiêu biểu cùng những bài xuất sắc của họ.
Đỗ Trọng Khơi cho rằng bài Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh đã kiến thiết được mô hình không gian: “Đặt ra và giải quyết vấn đề sinh, tử của tình yêu cảm tính mang tính bản thể tự nhiên trước nguyên tắc lý tính nghiệt ngã của một không gian sống phi tự nhiên, – không gian chiến tranh và để rồi, qua đó tạodựng nghệ thuật: hiện thực hoá tâm linh, đưa cái phổ quát thế sự vào thế giới khu biệt riêng tư, cho niềm xót thương tình xương máu tạo nên nhịp sống không gian, thời gian của riêng nó và có sức chi phối bao trùm lại tất cả. ..” (tr. 195)
Một số nhà thơ đã từng tạo sóng dư luận, tạo sóng độc giả như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Trần Mạnh Hảo… thì thiết tưởng ai có nhận xét gì về thơ họ cũng sẽ bị trùng ý với người đã nói trước. Nhưng Đỗ Trọng Khơi vẫn chẳng ngại ngần mà tiếp tục nối dài bằng những tìm tòi mới. Qua tác phẩm “Bài hát về cố hương”, anh nhận thấy quan niệm về “kiếp” và “cõi” sống là nét ẩn mật giấu trong thời gian nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều: “Thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều khi định lượng lại không gian: “cố hương tôi”, nhưng thời gian hầu như đã không mang niên đại. Tiểu sử thời gian thuộc về “kiếp”, và do đó không gian cũng thường là “cõi”. Tình thơ ông thật nhiều cầu nguyện, khiêm nhường” (tr. 214).
Bài Đỉnh núi của Trần Đăng Khoa đã có nhiều lời bình, đặc biệt là lời bình rất thuyết phục của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quývề “nhãn tự”: “ta” và “ngự” trong câu “Ta ngự giữa đỉnh trời/ Canh một vùng biên ải”. Nguyễn Hữu Quý và Đỗ Trọng Khơi đã có sự “gặp gỡ” khi cảm thụnhững “mắt thơ” ấy nhưng mỗi người lại diễn đạt khác nhau. Đỗ Trọng Khơi viết: “Hãy hình dung ở câu mở bàithay chữ “ngự” thành chữ “ở” hoặc chữ “trú, ngụ” thì cái vị thế, tầm vóc nhà thơ đã thay đổi hẳn. Phải là cái thế “ngự” – ngự lãm, như cách xưng của các bậc đế vương mới đủ sức xác định tầm vóc lẫm liệt, đầy vị thế: “Nam quốc sơn hà nam đế cư” của người đang làm chủ, trấn giữ đường biên cho ngôi nhà Tổ quốc” (tr. 209).
Đỗ Trọng Khơi đã chọn bình 2 bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Mai Văn Phấn là: “Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ” và “Tắm đầu năm”. Xung quanh hai bài thơ này đã có ít nhiều nhữngnhận định xác đáng của Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Việt Chiến, Văn Giá, Đặng Văn Toàn…Tiếp nối ý kiến, Đỗ Trọng Khơi bao giờ cũng có những thẩm bình rất riêng. Qua bài bình, người đọc biết thơ Mai Văn Phấn mang đậm phẩm chất văn hóa đạo Mẫu và Thiền thể hiện rõ ở trong những câu thơ tinh khôi nhiều ánh sáng.
Bài thơ Vi mô và vĩ mô của Trần Mạnh Hảosúc tích với 30 chữ: “Mặt trời quá vĩ đại/ Hạt sương quá nhỏ nhoi / Mặt trời không mang nổi / Dù một hạt sương rơi/ Nhưng trong hạt sương ấy/ Có bao nhiêu mặt trời”. Đỗ Trọng Khơi đã tìm thấy vẻ đẹp của bài thơ và có lời bình như sau: “Cổ học từng nêu nhìn hạt sương trên cỏ có thể quán chiếu được cả vũ trụ. (…) Tính đa thanh của bài thơ này còn được gợilên ở phương diện số học: hạt sương – vật nhỏ, số nhiều; mặt trời – vật lớn, số ít vàbài thơ đã gợi liên tưởng về hiện thực xã hội” (tr. 313).
Bài thơ Mưa (còn có tên Cầu vồng) của Nguyễn Ngọc Ly đã có bài bình của Duy Phi, Hồng Hạnh, Vũ Từ Trang, Phạm Minh Tuấn… nhưng đến Đỗ Trọng Khơi thì anh lại tiếp tục nối dài tri âm khi phát hiện thêm được kết hợp từ “nắng mồng tơi” rất lạ bổ sung vào các kết hợp nắng trong thi ca Việt. “Nắng mồng tơi – quả là một thứ nắng được tạo bởi Nguyễn Ngọc Ly. Ông đã rút lòng mình trao cho khoảng trời thi ca nước nhà thứ nắng đó” (tr. 105).
Nhà thơ họ Đỗ đã coi bài thơ Hội hoạ lập thể “là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Lương Ngọc với xu hướng khước từ “những quy tắc lên men”, chống lại sự lệ thuộc quá mức vào chuẩn mực cũ (…). Nhà thơ xứ Đoài muốn bứt khỏi từ trường của nghệ thuật thơ đó, nhà thơ dũng cảm “đập vụn mình”, “nung chảy mình”, “xé toang mình” ra cho một kết cấu ngôn ngữ hình tượng mới mẻ mà nhà thơ gọi đó là “Hội hoạ lập thể”. Chỉ có thế mới mong tạo ra cái nhìn khác biệt, dựng nên những mặt phẳng không gian mới…” (tr. 139)
Bài thơ “Thường dân” của Nguyễn Long – một dân thường ở Thái Bình đã vượt qua 4 vạn bài thơ dự thi để giành giải Nhất trong cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ Trẻ năm 2003 – đã có hàng trăm bài bình lớn nhỏ. Nhưng Đỗ Trọng Khơi vẫn có được những cảm nhận riêng của mình qua những câu chữ tu từ đẹp mà đúng: “Trong cõi nhân gian bé tẹo mà vô cùng đông đúc ngày nay, có cảm giác chỉ thêm một hiện diện cũng dễ dẫn đến tràn đầy. Một giọt người nào đó được rót thêm vào có thể làm tràn ly nhân loại! Tuyệt đẹp thay cho lớp người thường dân, đông đủ “chật” nhưng chẳng hề “thừa”. Thi phẩm Thường dân của nhà thơ Nguyễn Long đã xác định sáng ngời chân giá trị này”…
Đọc những bài bình trong tập sách này của anh, tôi tin rằng hầu hết các tác giảthơ ấy đềuhài lòng, đồng tình. Tuy nhiên, nếu lúc nào anh nghĩ xa hơn tác giả bài thơ, liên tưởng và khái quát tới những điều lớn lao, nghiêm túcquá từ những sự tình rất đỗi giản dị, tếu táothì lúc đó có thể sẽ có “độ chênh” giữa anh và độc giảvà chưa hẳn lời bình đã hoàn toàn thỏa mãnchính cái người đẻ ra tác phẩmđược bình (như trường hợp Bùi Hoàng Tám với bài: Đi ăn cưới vợ cũ).
Vân chữ là một tập bình thơ mang một phong cách riêng của Đỗ Trọng Khơi.
Khi bình thơ bao giờ anh cũng căn cứ vào chữ nghĩa trên văn bản thơ, tôn trọng mạch logic nội tại của tác phẩm, chứ không phải tán tụng theo cảm hứng chủ quan.Ở một số bài còn có phần “bình thêm” hoặc “Lời bình 1”, “Lời bình 2”. Anh thường bình những “nhãn tự” ấn tượng trong nội dung đan xen với bình về sự độc đáo của hình thức kết cấu. Và ở một số bài anh còn định danh thi pháp của tác giả như một nhà nghiên cứu kết hợp với xúc cảm mạnh của một thi sĩ. Tôi biết, anh đã cố gắng để có được sự hài hòa nhất định giữa phê bình nghệ sĩ với phê bình học thuật.
Trong khuôn khổ của một bài viết, tôi không thể trình bày hết những lời bình thông minh, sắc sảo, giàu cảm xúc, thuyết phục độc giả; những câu chữ đã làm “sáng giá” và “sang giá” cho tác giả và tác phẩm được bình. Công việc “đãi cát tìm kim cương” bền bỉ nhiều năm này của Đỗ Trọng Khơi thật đáng trân trọng.
3. Vĩ thanh
Tôi muốn nói thêm một điều, bất cứ tác giả bình thơ nào cũng nênghi chú nguồn dẫn đáng tin cậy dưới mỗi bài thơ được bình. Nguồn tin cậy là có xuất xứcủa văn bản gốc, gồm tên nhà xuất bản, năm xuất bản, trang trích dẫn chứ không nên lấy nguồn trôi nổi trên mạng. Bởi nếu trích dẫn không chính xác, tiền đề sai thì sẽ không thể dẫn đến kết quả đúng. Nhiều khi, một bài thơ có thể có những câu chữ bị thay đổi do nhầm lẫn của trí nhớ; do khi tái bản, tác giả đã tự nhuận sắc hoặc do người biên tập cẩu thả, thiếu trách nhiệm và trình độ non kém.Chẳng hạn, tôi chỉ xin điểm qua mấy trường hợp sau:
Bài Tống biệt hành có nhiều dị bản, có bản có thêm hẳn một khổ cuối, có bản viết: “Khuyên nốt em trai dòng lệ xót”, có bản lại viết: “Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”; sót (lại) và xót (xa) là rất khác nhau. Một câu thơ mà thay đổi một chữ thì ý nghĩa cũng sẽ thay đổi. Thử so sánh: “Chí lớn chưa về bàn tay không” với “Chí lớn không về bàn tay không” (tr.52) ta sẽ thấy sự khác nhau này.
Bài Nguyệt Cầm – một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu có câu: “Linh lung bóng sáng bỗng rung mình” nhưng rất nhiều bản bị viết là “Lung linh bóng sáng bỗng rung mình”.
Một câu thơ trong bài Vui thế hôm nay của Tố Hữu có những bản in khác nhau: “Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển / Xanh trời, xanh cả những ước mơ” (Máu và hoa, NXB Tác phẩm mới, 1977); “Xanh trời, xanh của những ước mơ” (Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003; “Xanh trời, xanh của những ước mơ” (Thơ Tố Hữu, NXB Văn học, 2009);
Trong 3 văn bản này, nếu được phép lựa chọn thì theo thiển ý của mình, tôi sẽ chọn văn bản in năm 1977, bởi lúc đó nhà thơ Tố Hữu còn sống và việc biên tập thời kì đấy rất có trách nhiệm. Đồng thời trong ngữ cảnh bài thơ này thì ý nghĩa của “xanh cả những ước mơ” sẽ hợp lí hơn nên hiển nhiên là sẽ hay hơn “xanh của những ước mơ”.
Bài Người đẹp của Lò Ngân Sủn có khá nhiều văn bản viết khác nhau. Có bản tách chữ “Ơ” trong câu “Ơ! Người đẹp là ước mơ / Treo trước mắt mọi người” ra thành một dòng riêng. Có văn bảnkhông có chữ “thấy” trong khổ thơ sau: “Người không khát – nhìn thấy người đẹp cũng khát / Người không đói – nhìn thấy người đẹp cũng đói/ Người muốn chết – nhìn thấy người đẹp lại không muốn chết nữa”. Theo thiển ý của mình, tôi sẽ chọn văn bản in không có 4 chữ “thấy” ở khổ thơ này, bởi lẽ bản này ngôn ngữ thơ súc tích hơn.
Bài Hoa huệ của Bế Kiến Quốc (có người còn nhầm là thơ của Heinrich Heine) cũng rất nhiều dị bản dài ngắn, câu chữ khác nhau nhưng có lẽ không có câu nào xưng “tôi” như: “Tôi không biết, vì sao, ai có lỗi”.
Đưa ra tất cả các dẫn chứng trên, người viết bài này chỉ muốn nhấn mạnh rằng xác định nguồn dẫn là cực kì quan trọng. Thiết nghĩ, khi bình thơ việc xác định đúng văn bản để bình, chính xác đến từng dấu phẩy, dấu chấm, dấu ba chấm là rất cần thiết bởi dấu câu cũng chính là một tiêu chí tạo nhịp, nếu như tác giả có ý định bình về nhịp điệu. Một điều muốn nói nữa là đội ngũ biên tập của Nhà xuất bản cần cẩn thận hơn để tác phẩm in ra không có những lỗi morat và chính tả, đừng để một vết nhọ kém duyên trên một gương mặt xinh đẹp. Bởi người viết bài này luôn tâm niệm“hình thức là một nửa của nội dung”.
Theo Hoàng Kim Ngọc/VNQĐ
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Du, Truyện Kiều, NXB Văn học năm 2018.
- Nông Hồng Diệu (2014), Bùi Hoàng Tám hứng thơ từ… vợ, báo Tiền phong (ra ngày 14/12/2014).
- Lê Đạt (2002), Vân chữ, Phụ san thơ báo Văn nghệ, số 7.
- Tố Hữu (1977), Máu và hoa, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội.
- Tố Hữu (2003), Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục Hà Nội.
- Tố Hữu (2009), Thơ Tố Hữu, NXB Văn học Hà Nội.
- Hoàng Kim Ngọc (2019), Những căn cứ ngôn ngữ học để đánh giá cách dùng từ đắt của văn bản thơ, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, số 8.
- Nguyễn Ngọc Phú (2019), Đến với bài thơ hay: Đỉnh núi, báo Giáo dục và Thời đại (ra ngày 21/12/2019).
- Nguyễn Hữu Quý (2009), Đọc Đỉnh núi của Trần Đăng Khoa, báo Văn nghệ số 35 + 36.
- Chu Văn Sơn (1999), Nguyệt cầm – sự thăng hoa của hồn thơ Xuân Diệu, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 39.
- Đỗ Lai Thúy (2002), Nguyễn Xuân Sanh với Buồn xưa, Tạp chí Sông Hương, số 164.
- Kinh dịch (Ngô Tất Tố dịch và chú giải, NXB Văn học, 2003), Hà Nội.