Đóa Chăm pi giữa rừng Lào

116

Năm ấy, tôi cùng ban cán sự lớp sang dự Bun Hót nậm – Tết té nước của các bạn sinh viên Lào tại kí túc xá của lưu học sinh trong trường chúng tôi học. Không khí thật sôi nổi. Sinh viên người Việt, người Lào, Campuchia vui vẻ chúc tụng nhau.

Các bạn đang làm lễ phục khén – chúc phúc. Những vòng chỉ chúc hạnh phúc, chúc mạnh khoẻ, chúc học tốt cứ đầy dần lên ở cổ tay chúng tôi. Những bàn tay giơ lên, những sợi chỉ nghĩa tình buộc lại. Và rồi những giọt nước thơm được ngâm bằng các loại hoa, chủ yếu là hoa đại được vẩy lên quần áo của mọi người. Quan niệm của người Lào là trong những ngày Bun Pi may – Tết năm mới (còn được gọi là Bun Sồng kan nghĩa là tiễn năm cũ, đón năm mới) ai càng ướt nhiều, người đó càng gặp nhiều may mắn.

Tác giả bài viết trong một lần gặp mặt Quân tình nguyện tại Lào của Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 968. Ảnh: NVCC

Tôi đã nhiều lần dự Bun Hót nậm ở đất Lào. Chủ yếu là ở tỉnh Xavanakhet, từ những bản vùng sâu như Đoongnoi, Natran của mường Outhoumphone đến những nơi đông dân cư như Mường Phìn, Đoong Hen, Se No, thị xã Xavanakhet. Tết năm mới của Lào, người ta không chú trọng lắm đến việc ăn uống, chủ yếu là vui chơi, té nước vào nhau rất vui vẻ. Thật là phong tục đẹp, đã một lần dự thì không bao giờ có thể quên trong cuộc đời.

Tiếng nhạc nổi lên, bắt đầu bằng bài hát Đuông Chăm pa – Hoa Chăm pa nổi tiếng của nhạc sỹ Utthamạ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lào: O đuông Cham pa, ve la xom noong, nhu pen phăn xoong (Hoa đẹp Chăm Pa, đã bao tháng ngày, hoa đâu, người đấy)… Rất nhanh chóng vòng múa lăm vông được thành lập. Đó là điệu múa tập thể của nhân dân các bộ tộc Lào mới được hình thành sau cách mạng 1945, ai cũng múa được, từ người già đến con trẻ, điệu múa không cần tới nỗ lực nghệ thuật làm tốn nhiều tài năng và sức lực. Đàn ông Lào khi vui chơi thì hồn nhiên, vui nhộn, thoải mái mà đứng đắn, phụ nữ Lào rất mực dịu dàng, hiền lành, tế nhị, kín đáo mà nghiêm trang. Cứ hai người thành một cặp, múa thành vòng tròn, bốn bước tiến, một bước lùi lại, xoay ngang, hướng mặt vào nhau nhưng không nhìn, không nói chuyện và tay không chạm vào nhau, hai chân khẽ nhún nhẩy theo điệu nhạc. Tay của nam giới thế nào cũng được miễn là có nhịp điệu nhưng bàn tay của nữ thì thật đẹp. Bàn tay xoay quanh cổ tay, các ngón tay khi thì khép lại khi xoè ra, hơi ngửa về sau như năm cánh hoa Chăm pa đang nở. Điệu nhạc lăm vông nhẹ bay mà dồn dập, lôi cuốn mạnh mẽ, mang tính quần chúng cao độ, hầu như bài hát nào, bản nhạc nào cũng có thể múa lăm vông được.

Bỗng có tiếng gọi:

– Tà hán Lê! Bộ đội Thoong Lê!

Tiếng gọi ngập ngừng, nửa mừng rỡ, nửa ngạc nhiên. Tôi sững người. Ai thế nhỉ, ai mà lại biết tên thời bộ đội của tôi hồi còn ở chiến trường Trung – Hạ Lào nhỉ? Nhìn xung quanh có bao gương mặt đang náo nức chuẩn bị múa lăm vông, tôi không biết ai vừa gọi mình…

Tôi còn đang tần ngần, thì một phụ nữ Lào tiến đến, chắp 2 tay trước ngực mời múa và giọng nói thì rõ ràng là đang trách móc:

– Chú không nhớ chị rồi, chú về nước là quên ngay các chị!

Nghe chị nói tôi lập tức vụt nhớ: Chị Boun Nhang.

Thế là kí ức của một thời Quân tình nguyện trong tôi ùa về.

… Khi đó tôi còn trẻ lắm. Rời khỏi trường cấp 3 Lê Hồng Phong, Nam Định là vào bộ đội. Cũng chỉ huấn luyện ở vùng đồi núi Các Sơn của huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa gần 2 tháng là hành quân sang nước bạn Lào. Tôi được biên chế ở Tiểu đoàn 18 thông tin của Sư đoàn 968 thuộc Binh đoàn 678 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Những năm đầu thập kỉ tám mươi của thế kỉ trước, lính chúng tôi thật khổ. Tiếng là ăn chế độ 21 kg gạo nhưng không đủ no, gạo toàn bị hẩm, đã thế vào mùa mưa khi xe không thể sang Lào được thì phải ăn gạo nếp hàng sáu tháng trời. Mùa khô ở Lào, suốt sáu tháng các loại cây đều trơ cành, chỉ có mỗi cây Kơnia là còn xanh lá. Rau xanh hầu như không có, chúng tôi phải lấy cả củ chuối hoặc nạo ruột của thân cây đu đủ đem ngâm kĩ để làm món rau ăn tạm cho đỡ xót bụng. Nước mắm không có, phải dùng nước chấm bằng mắm cô đặc hoà với nước, ăn khét lẹt. Đài không có để nghe, báo và thư thì khi nào xe ô tô chở sang mới có để đọc, nhiều khi phải ba tháng trời mới có xe thư báo tới. Thực phẩm cũng hầu như chỉ có các loại đồ hộp, đồ khô để trong kho đã lâu, khi dùng đôi khi đã phồng, rộp.

Cách mạng Lào đã thành công được năm năm nhưng kẻ thù vẫn thường xuyên quấy phá. Theo tinh thần hiệp ước được kí kết vào năm 1977 giữa Lào và Việt Nam, bộ đội Quân tình nguyện Việt Nam một lần nữa lại hành quân sang nước bạn, rải khắp những vị trí chiến lược của Lào. Phía Bắc giáp với Trung Quốc là Mặt trận 379, khu vực thủ đô Viên Chăn là sư đoàn 324, Trung Lào có lữ đoàn 176, còn từ Xavanakhet tới cực nam đất Lào là sư đoàn 968 của chúng tôi.

Ảnh minh họa

Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn chúng tôi là đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống giữa sư đoàn và Binh đoàn 678, với Bộ Tổng Tham mưu, với Đại sứ quán…. và giữa các đơn vị với nhau. Có 3 đại đội, gồm đại đội vô tuyến điện, đại đội hữu tuyến điện, đại đội huấn luyện và tiểu đội truyền đạt, thông tin chạy bộ. Tôi ở tiểu đoàn bộ. Tính tôi thích đi đó đây để quan sát, những khi có dịp tôi thường lang thang vào rừng xem phong cảnh, hoặc vào các bản gần đơn vị để tìm hiểu phong tục, tập quán của dân Lào.

Một hôm, đường dây liên lạc bị mất tín hiệu, đang vào ngày nghỉ, tôi xung phong đi cùng với lính hữu tuyến điện kiểm tra đường dây. Tổ có hai người, thêm tôi nữa là ba. Chúng tôi cắt rừng đi theo đường dây. Lính thông tin không hề sướng như cánh lính bộ binh vẫn tưởng. Dù mưa, dù nắng, dù là ban ngày hay đêm tối, kể cả bão gió nếu dây đứt thì lính hữu tuyến phải lên đường. Đấy là chưa kể đến bọn phỉ phá hoại thường dùng cách cắt dây thông tin để phục kích tấn công bộ đội. Đang mùa mưa, cây cối chen nhau um tùm. Những cây khoọc thân lớn hai người ôm, lá to bằng cái quạt nan cứ xanh nõn nà. Rừng le mọc ken dày bên bờ suối, những búp măng nhỏ như những ngón tay chọc thẳng lên trời. Và phong lan, thôi thì cả một rừng những hoàng điệp, đuôi chồn nở hoa vàng, hoa tím ở các hốc cây, cành cây đinh hương, săng lẻ. Chúng tôi đi thật vất vả, bởi ngoài mang súng A.K và ba cơ số đạn còn phải đeo thêm các cuộn dây, phòng khi phải nối. Con đường mòn mùa khô thật rộng rãi, dễ đi bao nhiêu thì mùa mưa càng khó đi bấy nhiêu. Cỏ cây đua nhau vươn lên, thi thoảng các cành cây lại quệt vào mặt mang theo cả những giọt nước mưa còn đọng lại sau trận mưa đêm qua. Vắt nhiều vô kể, vắt chui vào cổ, vào chân, vào tay, vào bất cứ chỗ nào mà quần áo không được che chắn, nhiều con sau khi hút no tròn máu tự lăn xuống đất. Và nguy hiểm hơn cả là những loài rắn độc, chúng lẫn vào cành cây, bụi cỏ, chỉ sơ ý mà dẫm phải chúng thì….

– Có người.

Đang đi, chợt Long quát khẽ. Chẳng ai bảo ai, cả ba chúng tôi đều lăn vào ba gốc cây to, lên đạn A.K, nhưng cũng chính tiếng động mở khoá nòng súng mà chúng tôi gây nên đã khiến một người đang ngồi đứng thẳng lên. Thì ra đó là một phù sao – cô gái Lào. Chị rối rít:

– Đừng bắn, Tà hán Việt đừng bắn!

Chúng tôi nhỏm dậy, trước mặt chúng tôi là người phụ nữ tầm thước chừng 30 tuổi. Chị cho biết tên là Boun Nhang, nhà ở bản gần đây, đêm qua mưa to gió lớn quá, sớm nay đi làm na – làm ruộng thấy dây a lô của bộ đội Việt bị cành cây rơi xuống làm đứt thành đoạn, chị sợ trẻ con nghịch hoặc có người xấu lấy mất nên ngồi chờ bộ đội đến. Khi chúng tôi có mặt thì chị chờ cũng đã lâu rồi. Còn tiếng Việt, chị bảo chị được bộ đội Việt dạy. Chúng tôi khẩn trương nối dây điện thoại, kiểm tra thấy tín hiệu thông suốt. Vừa hay, khi công việc kết thúc thì cơn mưa sầm sập đổ xuống. Mưa rừng Lào thật khủng khiếp, ai đã từng gặp thì chẳng bao giờ có thể quên được. Cả rừng cây dầm trong mưa giông, thác lũ cuốn, những con suối, dòng sông đầy ắp. Chị Boun Nhang vẫn đứng đấy, khi thấy chúng tôi làm xong bèn mời chúng tôi về bản. Chúng tôi đội mưa đi theo chị.

Những bản của người Lào thường nằm gần các con sông, con suối. Bản của chị có chừng chục nóc nhà sàn nguyên gỗ, xung quanh thưng bằng gỗ, đến ngói lợp cũng bằng gỗ. Trên sàn cao là người sinh hoạt, bên dưới là nơi cột trâu, bò, lợn, gà. Khi chúng tôi hong khô quần áo đã thấy chị Boun Nhang mang tip – giỏ xôi ra mời. Xôi chấm với đĩa nước chéo, với phà đẹt- một loại mắm của người Lào, rất ngon. Chị hỏi tên, tôi nói là Lê Lợi, chị nói tên em là Lợi khó gọi lắm, thôi thì chị gọi em là Thoong Thoong trong tiếng Lào có nghĩa là cánh đồng rộng, là vàng mười, con trai Lào thường có chữ Thoong ở đầu.

Thoang thoảng trong căn nhà của chị Boun Nhang là mùi hoa ngọc lan sau mưa. Mùi hương cứ dìu nhẹ, ban ngày không nồng nàn như khi về đêm. Chị nói đây là hoa Chăm pi. Còn hoa Chăm pa chính là hoa đại ở miền Bắc, hoa sứ ở miền Nam Việt Nam. Ở Lào, tôi đã từng gặp bạt ngàn là hoa Chăm pa, những cây hoa cổ thụ, thân xù xì, váng mốc, các cụm lá rườm rà xanh mướt mang những chùm hoa màu trắng ngà, màu đỏ dọc suốt hai bên đường từ Seno tới Xavanakhet, tới Kengkabao.

Trời tạnh hẳn, chúng tôi xin phép về đơn vị. Chị Boun Nhang nói với chúng tôi, nếu đi công tác cứ rẽ qua bản, dân bản coi bộ đội Việt như là con cháu trong nhà. Chị còn bảo, các em còn trẻ mà phải xa gia đình, chịu nhiều gian khổ, có người còn hi sinh để giúp đỡ đất nước các chị thì việc trông đường dây a lô, các chị sẽ giúp…

Đi xa khỏi bản, ngoái lại chúng tôi vẫn thấy chị Boun Nhang đang đứng ở đầu bản nhìn theo. Người Lào thật hiền lành, chất phác, suốt những năm ở đất Lào, tôi không thấy họ to tiếng với nhau bao giờ, trộm cắp cũng không hề có, đi ra khỏi nhà chỉ cần chặt cành cây tươi rấp chân cầu thang, không cần khoá cửa. Người Lào rất ghét nói dối. Nhiều khi chúng tôi đi công tác, hết lương thực vào những thiềng na – nhà lều coi ruộng, rẫy của dân là có sẵn thóc lúa, quả bí quả bầu…. cứ việc sử dụng thoải mái, chỉ cần báo lại bằng cách này hay cách khác là bộ đội đã dùng, thế là được. Ở những ngã ba, hoặc dọc bờ sông thi thoảng dân lại dựng lên những ngôi nhà đơn giản bằng gỗ – gọi là sa la – để khách bộ hành dừng chân nghỉ tạm.

*

Giờ đây, hai chị em lại tình cờ gặp nhau ở trường đại học ở Việt Nam. Buổi tối hôm ấy chúng tôi đã cùng nhảy điệu lăm vông trong những hồi ức thật đẹp về đất nước và con người Lào.

Chị Boun nói rằng chị được cử đi học chuyên tu bác sĩ để về phục vụ cho nhân dân. Còn tôi, sau bao mùa mưa nắng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường cao nguyên Trung – Hạ Lào cũng trở về nước, được chuyển ngành đi học đại học hệ chính quy dài hạn. Bởi học khác hệ, nên hai chị em ít khi gặp nhau nhưng mỗi khi có dịp đi Lâm sàng cùng chung khoa, có những gì không hiểu chị thường hỏi tôi rất cặn kẽ.

Rồi những năm học cũng qua đi, chị Boun Nhang tốt nghiệp đào tạo bác sĩ, ra trường và trở về đất Lào. Còn nhớ khi chia tay chị cứ dặn đi, dặn lại: “Sau này em lại sang giúp chị nhé, đất nước chị còn nhiều người bị sốt rét lắm”. Chị Boun Nhang ơi, sốt rét rừng Lào thì em có lạ gì, kí sinh trùng sốt rét vẫn còn đeo đẳng theo em, học đại học y khoa đến năm thứ hai mà em vẫn còn sốt rét rung giường kí túc xá, may nhờ bác sĩ Chúc, trưởng bộ môn Sinh lí học tìm xin ở đâu được mấy ống kí ninh tiêm vào mông mới khỏi.

*

Thấm thoắt đã nhiều năm trôi qua. Công tác trong ngành y tế tôi luôn nhớ đến lời hẹn của chị Boun Nhang năm nào. Tôi nhớ da diết những người dân Lào hiền lành và chất phác đã đồng cam cộng khổ, coi chúng tôi như người ruột thịt. Biết bao đêm đang ngủ chợt tỉnh giấc lại càng nhớ đến cháy lòng những cánh rừng khoọc, rừng le, nơi mà mồ hôi, máu xương của biết bao đồng đội và cả của tôi nữa đã đổ xuống, cống hiến cả tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời mình để vun đắp cho tình hữu nghị thuỷ chung đặc biệt Việt- Lào.

Biết đến khi nào mới có dịp trở lại chiến trường xưa…

Và chị Boun Nhang, đóa Chăm pi giữa rừng Lào năm xưa, bây giờ chị ở đâu!

Theo Lê Lợi/ Tạp chí Văn nghệ Quân đội